Giấc mơ vịnh đảo Cát Bà

Thứ Sáu, 01/11/2019, 17:13
Đã tròn hai năm, cây cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (khánh thành ngày 2-9-2017), từ thành phố Hải Phòng tới đảo Cát Hải đã tạo nên không khí tràn đầy hy vọng về khu “Vịnh Hạ Long” thu nhỏ này.


Một cảm giác thơ thới, bay bổng trong lòng người dân đất cảng Hải Phòng, mỗi khi họ bước lên cây cầu dài nhất Đông Dương (5,5 km vượt biển, với tổng chiều dài 15,63 km). Bởi từ cây cầu này, biết bao những ý tưởng sáng tạo nảy sinh trước ngưỡng cửa hội nhập thế giới.

Chuyện xưa

Để sinh tồn, hàng trăm năm qua người dân trên đảo đã luôn luôn phải chống chọi với sóng to và bão tố liên miên. Không những thế, họ còn phải chiến đấu bảo vệ biên cương giữ gìn mảnh đất thân yêu của Tổ quốc. Mỗi khi giặc đến, thanh niên trai tráng cùng ông cha phải dựng chiến hào từ những đảo xa để đánh chặn. Những người vợ cùng với các mẹ, các bà ở nhà chuẩn bị lương thực vũ khí đạn dược. Họ là điểm tựa tinh thần cho những chiến sĩ ngoài tiền tiêu.

Đảo được gắn với cái tên Các Bà rồi được định hình là Cát Bà là vì thế. Nhưng có một chuyện không phải là truyền thuyết mà đúng là lịch sử đã ghi nhận. Đảo Cát Bà chính là nơi chế tác, cất giấu những cọc nhọn bọc sắt, và là hậu cứ trong chiến thắng Bạch Đằng Giang diễn ra năm 938 do Ngô Quyền chỉ huy đánh quân Nam Hán.

Cảnh đẹp ở Cát Bà.

Tiếp đến trận chiến thắng năm 1228, cũng trên sông Bạch Đằng, do Hưng Đạo Đại Vương chỉ huy chống giặc xâm lược Nguyên Mông. Đảo trở thành nơi luyện quân, tập dượt chiến thuật dụ quân giặc rơi vào bẫy cọc được chôn dưới sông, đợi khi triều xuống.

Hơn thế, quần đảo Cát Bà hiểm trở còn là nơi cất giấu đoàn chiến thuyền chờ lệnh xuất kích tấn công giặc trên Biển Đông. Vị thế độc đáo và bí ẩn của quần đảo Cát Bà làm hậu thuẫn lớn cho hai lần chiến thắng Bạch Đằng lịch sử cách nhau 350 năm. Do vậy, những cái tên Cửa Ông, Cát Bà được hình thành và tồn tại đến ngày nay. 

Và lễ hội đua thuyền rồng hàng năm cũng là dịp ôn lại quá khứ lịch sử hào hùng của ông cha. Các tay đua thể hiện lại không khí chiến trường Bạch Đằng xưa. Họ là những chiến binh làm sống dậy sự kiện có một không hai trong lịch sử chống quân Nguyên. Hàng ngàn người cổ vũ cùng đồng hành với họ reo hò hát vang lời ca chiến thắng đúng như ngày nào cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã miêu tả: “Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời. Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn, không dội tiếp vào đất. Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay. Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình” (Cự Ngao Đới Sơn).

Đặc biệt, lễ hội sau này còn gắn với sự kiện Bác Hồ về thăm đảo vào ngày 30-3-1959. Nơi xuất phát cuộc đua chính là từ cảng cá, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện với dân làng chài. Đó là sự khởi động của mùa xuân lễ hội trên đảo.

Hình ảnh đàn cá bay như hoa biển vào lưới của ngư dân hiện lên như sự phấn khích trong cuộc đấu. Cuộc đua còn có ý nghĩa khai mùa ra khơi đánh cá của mọi người dân vùng duyên hải phía Bắc. Đồng thời ngày hội còn được tôn vinh là ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam.

Chuyện nay

Lâu nay ai cũng biết Cát Bà còn được tôn vinh là “Khu bảo tồn sinh quyển thế giới”. Gắn với khu rừng sinh thái quốc gia, Cát Bà ẩn giấu một kho báu thiên nhiên kỳ thú và có giá trị văn hóa lịch sử sâu sắc. Những người nghiên cứu còn ví Cát Bà như một nàng tiên đang ngủ vùi trong tấm chăn của mùa đông, cho dù bao mùa xuân đã trôi qua. Họ mơ tưởng cho một tương lai của biển đảo vào loại hàng đầu thế giới này quanh năm sẽ rực rỡ hoa xuân và những bí mật của sinh quyển sẽ được khám phá như một vương quốc đầy mơ mộng.

Qua khảo sát, họ đã phát hiện ra những bãi biển rộng và đẹp ở phía sau khu rừng kia. Những hang động mới lạ vẫn đang chờ đón mọi người. Những vách đá kỳ vĩ kêu gọi sự tò mò và bay bổng  bởi những khoái cảm tuổi trẻ. Còn đó là những cụm đảo và biển hồ tựa cảnh sắc thần tiên đang bị lãng quên trong bản nhạc “Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu…”.

Thực tế tiềm năng kinh tế và du lịch của Cát Bà còn nhiều lĩnh vực chưa khai thác triệt để. Nếu nhìn thấu suốt những hành trình chuyển đổi sinh thái được bảo tồn ở đây mới thấy, việc tạo nên hướng du lịch sinh thái và du lịch mạo hiểm là cần thiết. Mở rộng miền khám phá thế giới sinh vật và thực vật ở khu rừng đặc dụng quốc gia mới cởi được nút thắt cho du lịch Cát Bà. Diện tích tự nhiên của Vườn quốc gia, hơn 16 ngàn héc ta nhưng hai phần ba là rừng núi, còn lại là mặt nước biển.

Khi đến đây, ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên với những hình ảnh kỳ bí và hấp dẫn của nó. Không nói đến những họ cây gỗ quý cổ rêu phong, mà chỉ nhắc đến chủng loại động vật hiếm có trên thế giới đều có ở đây đã thấy thú vị. Cát Bà còn có những động vật hiếm nằm trong sách đỏ cần được bảo tồn và nuôi dưỡng phát triển. Thậm chí, rừng quốc gia Cát Bà là nơi duy nhất trên thế giới còn tồn tại loại Voọc đầu vàng. 

Đáng chú ý về cấu trúc các địa tầng núi đá vôi nơi đây. Ngoài hàng trăm loại hoa lan đua sắc còn có những đỉnh núi cheo leo hấp dẫn đối với những du khách ưa mạo hiểm với bộ môn leo núi. Tất nhiên, những khai thác dịch vụ du lịch này không hề tác động mạnh làm ảnh hưởng tới môi trường và sự phát triển của hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, sự tương tác đột biến giữa con người với môi trường tạo nên sức sống của một dạng du lịch về nguồn. Riêng hệ thống hang động ở khu rừng đặc dụng sinh quyển này, nếu được tận dụng khai thác với xu hướng khám phá, tìm ra những điều mới lạ cũng sẽ tạo nên sự náo nhiệt hơn.

Bởi hiện nay, du khách bị tiếp xúc hạn hẹp với những hang động đã định hình trong ý nghĩa lịch sử như động Thiên Long, Đá Hoa hay Hang Luồn, Hang Quân Y. Vậy nên, hãy tạo những sơ đồ hang động chi tiết đến tận cùng ngóc ngách với những cấu trúc mới lạ. Ắt hẳn niềm vui khám phá thiên nhiên của du khách sẽ tăng lên gấp bội. Đó là sự hấp dẫn cho một loại hình du lịch văn hóa ở Cát Bà. 

Những con Voọc quý hiếm ở rừng Cát Bà.

Những con gà trống trên đảo đang cất tiếng gáy gọi bình minh. Nàng tiên Cát Bà đã tỉnh giấc. Những khát vọng chân trời đang rực sáng trước biển cả bao la. Còn đó những khu rừng ngập mặn cùng những vịnh, hồ hình thành qua 366 hòn đảo lớn nhỏ bám quanh khu rừng đặc dụng quốc gia này. Vẻ đẹp hoang dã của nó ẩn giấu bao điều bí ẩn đã cất tiếng thao thiết gọi mời. Ấy là còn chưa kể tới Vịnh Hạ Lan, đảo khỉ; hoặc quần đảo Long Châu với cây đèn biển cổ được Bác Hồ từng đặt tên là “Mắt ngọc Tổ quốc”. Đó là những câu chuyện đặc sắc mà không mấy khu du lịch biển đảo nào có được như Cát Bà. 

Cây cầu thế kỷ

Trở lại với cây cầu mới. Hải Phòng vươn lên hàng đầu các tỉnh có những thành tựu kinh tế vượt bậc trong thời gian qua. Không chỉ với du lịch Cát Bà mà cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện còn là con đường đi tới cửa cảng biển.

Khu công nghiệp Cát Hải đang mở ra, với những hình ảnh đầy sức khích lệ cùng những hạng mục đã và đang hình thành. Đó là niềm khích lệ lớn, không những cho toàn thể hàng chục ngàn dân sinh sống trên quần đảo Cát Bà, mà còn là hy vọng của sự phát triển kinh tế biển mạnh mẽ của thành phố Hải Phòng. Bởi đây là cơ sở quan trọng nâng tầm cảng Lạch Huyện thành cảng cửa ngõ quốc tế. Tương lai đây sẽ là cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của miền Bắc. Luồng ánh sáng mới bừng lên trên đất cảng. Tất cả hội tụ về thành phố với những con đường ngã năm ngã bảy đang rầm rập hàng trăm đoàn xe chở hàng trên chiếc cầu thời đại.

Cầu là huyết mạch nối liền với “Những con đường tập nập áo thợ ngày đêm. Những Bến Bính, Xi măng, Cầu Rào, Cầu Đất…” để làm nên lịch sử sang trang mới, tạo dấu mốc nóng bỏng của thế kỷ 21. Hình ảnh chiếc cầu vượt biển nối đất liền với quần đảo Cát Bà tựa hình tượng Rồng vươn ra biển khơi và thế giới. Nó đánh thức sự mê ngủ của nàng tiên đảo Ngọc.

Sau tiếng kèn hiệu lệnh, chắc hẳn là sự bừng dậy của những cánh rừng nguyên sinh, không còn chỉ là giấc ngủ triền miên trong lãng quên. Viên Ngọc Cát Bà sẽ được mài dũa và trở nên sáng ngời trước ánh bình minh phương Đông chiếu rọi. Cát Bà sẽ viết tiếp những câu chuyện cổ tích mà “Các ông, các bà” đã từng một thời làm rạng ngời trang sử đất nước bốn ngàn năm.

Vương Tâm
.
.