Đội quân tóc dài trên biển Tây
Vừa qua, phóng sự truyền hình "Đội quân tóc dài trên biển Tây" của nhà báo Phạm Vân Anh - hiện công tác tại Báo Biên phòng - sau khi được phát sóng đã gây tiếng vang trong làng báo chí và vượt qua hàng trăm ứng cử viên để trở thành một trong ba phóng sự truyền hình xuất sắc của giải thưởng báo chí "Trao quyền cho phụ nữ" tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là tác phẩm duy nhất của Việt Nam trong số 18 quốc gia trong khu vực nhận được giải thưởng trong cuộc thi này. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tác giả của giải thưởng vinh dự này:
- Chị có thể chia sẻ đôi điều về phóng sự "Đội quân tóc dài trên biển Tây"?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Khi thực hiện "Đội quân tóc dài trên biển Tây", được gặp những người phụ nữ sống ở vùng biển sông Đốc đã cho tôi một cái nhìn khác về những người phụ nữ ở nơi đây. Trước đây chúng ta quen với hình ảnh người phụ nữ biển Tây thường dịu dàng, yếu đuối và chủ yếu chăm sóc con cái, chờ chồng đi biển về, còn những người phụ nữ trong phóng sự này lại rất mạnh mẽ, tự khẳng định mình bằng nghề mà rất ít người phụ nữ tham gia - nghề đi biển. Họ trực tiếp lái tàu, đưa những con tàu đó ra những vùng biển xa để thu mua, đánh bắt hải sản.
Tôi đặc biệt ấn tượng với đội quân tóc dài của nữ tài công Tôn Lan. Đội quân của chị đã nhiều lần tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển, có những hoạt động hỗ trợ đắc lực với Đồn Biên phòng sông Đốc trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo ở vùng biển Tây Nam.
- Khi xem phóng sư, tôi rất ấn tượng với đội nữ ngư phủ.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Trong đội quân tóc dài của chị Tôn Lan có 20 chị em phụ nữ, đều sống ở vùng biển sông Đốc, gồm rất nhiều các dân tộc: Hoa, Khơ-me, Kinh. Điều quan trọng là họ cùng tập hợp nhau lại, cùng đi biển, cùng đánh bắt tham gia thu mua hải sản trên biển. Hai mươi con người đó có 20 cảnh đời khác nhau nhưng mà điều quan trọng những người phụ nữ trong câu chuyện của tôi dù rằng hoàn cảnh thế nào, dù trình độ học vấn đến đâu nhưng họ luôn cho thấy sự đoàn kết, ý chí nghị lực mạnh mẽ, họ chứng minh cho đấng mày râu thấy được rằng: Nếu người phụ nữ muốn, mọi thứ họ có thể làm được và làm tốt.
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh. |
- Chị đã làm thế nào để thuyết phục những nữ ngư phủ xuất hiện trước ống kính máy quay và chia sẻ cuộc sống cũng như công việc của mình trong phóng sự của chị?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Tôi rất may mắn trong chuyện này. Bởi lực lượng của chúng tôi ở Đồn biên phòng Cà Mau cũng như Đồn biên phòng sông Đốc đã tạo được niềm tin yêu rất lớn đối với những người dân ở nơi đây, cũng như có được quan hệ rất khăng khít với chị Tôn Lan. Chính nhờ những vị "thuyết khách" rất đặc biệt này mà chúng tôi đã dễ dàng tiếp cận được các nữ ngư phủ.
Khi tiếp xúc với họ, tôi thấy được lý do đi biển của họ rất đơn giản. Họ nói rằng, biển của chúng ta rất đẹp, họ muốn được ngắm biển, muốn được đi biển. Những lý do rất dễ thương như vậy không quá nặng nề về nhu cầu cơm - áo - gạo - tiền. Ở trên bờ, tại khu thị trấn sầm uất như sông Đốc thì một công việc với thu nhập đủ cho cuộc sống của họ không phải là khó khăn. Nhưng họ đã chọn nghề đi biển. Chính suy nghĩ của họ khi tham gia vào đội nữ ngư phủ khiến tôi rất cảm động.
Tôi hiểu được rằng, nếu như không có tình yêu biển, không có những nỗ lực từ khẳng định bản thân và lòng tự hào khi mình là phụ nữ được hoạt động trên biển cả bao la của những cô gái này thì họ sẽ không thể theo hải trình này bởi có quá nhiều nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Chị đang làm việc và sinh sống tại miền Bắc. Vậy cơ duyên nào dẫn chị đến với đội quân tóc dài trên vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Thật ra phải cảm ơn người đồng nghiệp của tôi- Đại úy Lê Khoa hiện công tác tại Đồn biên phòng Cà Mau. Năm 2009, khi tôi vào công tác ở Cà Mau, anh Lê Khoa đã giới thiệu với chúng tôi về nhân vật chị Tôn Lan này. Từ sự dẫn dắt đó mà tôi đã thực hiện được tác phẩm tâm đắc này.
- Khi làm phóng sự truyền hình "Đội quân tóc dài trên biển Tây", chị có gặp phải những khó khăn nào không?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Nói là khó khăn thì cũng không có gì là khó khăn lớn nhưng thực tế khi thực hiện phóng sự truyền hình này, chúng tôi phải xin phép một số cấp, ngành. Bởi vùng biển sông Đốc cũng là vùng biển có nhiều "nhạy cảm" về an ninh trật tự, cũng như đây là vùng biên giới biển đảo và đặc biệt khu vực biển Tây Nam, thậm chí còn có cả hải tặc. Tôi phải tìm ra cách phản ánh thế nào cho khéo, làm thế nào tổ chức quay an toàn trên vùng biển đó đòi hỏi chúng tôi phải tính toán kĩ.
Rất may Đại úy Lê Khoa có thể gọi là "thổ công" của vùng này, cũng như các đồng chí tại Đồn biên phòng Cà Mau đã tạo điều kiện tốt để chúng tôi tác nghiệp. Còn một yếu tố quan trọng nữa là yếu tố thiên nhiên. Bởi tác nghiệp trên biển sẽ xảy ra nhiều rủi ro. Theo kịch bản dàn dựng, chúng tôi sẽ đi theo cả hải trình đánh bắt, thu mua cá của tàu chị Tôn Lan. Lúc đó giá xăng dầu đắt đỏ, chúng tôi cũng phải tính cách để tránh hư hao xăng dầu, ghi được những hình ảnh chân thực, đồng thời cũng đảm bảo yếu tố kinh tế cho chị Tôn Lan cũng như cả đoàn tàu của các nữ ngư phủ suốt cả hành trình như thế phục vụ cho đoàn quay phim của chúng tôi.
- Vậy trong quá trình ghi hình phóng sự đó, chị có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Kỷ niệm sâu sắc nhất phải nói là tình cảm của những nữ ngư phủ với nhau. Các cô gái trẻ thì coi chị Tôn Lan như người mẹ. Còn những ngư phủ lớn tuổi coi chị Tôn Lan như một người chị. Cho nên họ cư xử, gắn bó với nhau như một gia đình. Có thể nói chị Tôn Lan là biểu hiện rất sinh động cho người phụ nữ Việt Nam thời hiện nay: Mạnh mẽ, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua khó khăn nhưng đồng thời cũng rất chỉn chu trong việc gia đình. Ngoài ra, sau một hải trình thu mua trên biển đầy bất trắc, thậm chí còn đối mặt với những thua lỗ, rủi ro, nhưng khi hải trình có hiệu quả và sau khi trang trải hết chi phí cho chuyến đi cũng như lương cho chị em, chị luôn dành một phần kinh phí từ hiệu quả chuyến đi đó cho công tác từ thiện cũng như có những món quà động viên trẻ em vùng thị trấn sông Đốc theo học.
Có thể nói, những người phụ nữ có thể hết sức bình thường, có thể trình độ học vấn không cao và làm những công việc hết sức nặng nhọc nhưng lòng nhân ái cũng như tình cảm của họ dành cho cộng đồng thì không hề thua kém bất cứ ai!
Phút giải lao của đội nữ ngư phủ. |
- Có hàng trăm tác phẩm của các nước gửi về dự thi mà phóng sự của chị đã được chọn. Vậy đâu là lý do để BGK chọn lựa tác phẩm của chị?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Do tác nghiệp trên một con tàu nhỏ nên các góc máy thể hiện cũng như các cảnh quay đôi khi bị rung lắc nhưng có lẽ chính đề tài, chính nhân vật trong câu chuyện của chúng tôi đã có sức cảm hóa, sức lan tỏa đến các thành viên Ban giám khảo khiến họ đã chọn tác phẩm của chúng tôi.
- Qua phóng sự truyền hình này, chị muốn gửi gắm thông điệp gì với những người phụ nữ ở thời điểm hiện đại?
Nhà thơ, nhà báo Phạm Vân Anh: Tôi chỉ muốn chia sẻ tới độc giả, đặc biệt là chị em phụ nữ thông điệp: Chỉ cần chúng ta có quyết tâm, chúng ta có sự đoàn kết thì mọi việc dù có khó khăn đến đâu chúng ta đều có thể làm được!
Giải thưởng báo chí "Trao quyền cho phụ nữ" được Tập đoàn Diageo tổ chức nhằm truyền cảm hứng, khuyến khích và nâng cao chất lượng các tác phẩm liên quan đến các vấn đề phụ nữ trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung. Giải thưởng này nằm trong Chiến dịch đầu tư cộng đồng "Plan W - Trao quyền cho phụ nữ thông qua đào tạo" trị giá 10 triệu USD mà Tập đoàn Diageo cam kết giải ngân cho các hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó gần 16 tỉ đồng cho Việt Nam để giúp phụ nữ Việt Nam chứng minh bản thân và tạo dựng chỗ đứng trong xã hội, cũng như ủng hộ các nỗ lực bình đẳng giới của Chính phủ trong giai đoạn 2013-2017.
Quy mô giải thưởng đến tất cả các nhà báo đang làm việc cho các cơ quan báo chí tại 18 quốc gia, bao gồm Australia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Lào, Libăng, Malaysia, Myanmar, Nepal, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Sri-Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.