Ca sĩ, NSƯT Việt Hoàn

Đời đẹp như những bản tình ca

Thứ Hai, 14/09/2015, 08:04
NSƯT Việt Hoàn bước vào quán cà phê - nơi anh hẹn gặp chúng tôi với một dáng vẻ giản dị và gần gũi. Và cách nói chuyện nhỏ nhẹ, rủ rỉ của anh cũng thu hút và hấp dẫn không kém khi nghe "hoàng tử của những bản tình ca đất nước" thả hồn cùng những giai điệu trên sân khấu...

Không chỉ kế thừa xứng đáng lớp nghệ sĩ đi trước, gắn tên tuổi mình vào những ca khúc như "Những ánh sao đêm", "Tình ta biển bạc đồng xanh", "Gửi em ở cuối sông Hồng"… Việt Hoàn vẫn đang cần mẫn làm đẹp danh xưng nghệ sĩ bằng tài năng, tâm huyết của mình.

Chúng tôi gặp và trò chuyện cùng NSƯT Việt Hoàn vào thời điểm cả nước đang trong những ngày thu lịch sử, tưng bừng các hoạt động cho 70 năm ngày Quốc khánh nên với một nghệ sĩ của dòng nhạc cách mạng như anh có rất ít thời gian rảnh. Ngoài hoàn thành đầy đủ công việc ở Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam - nơi anh đang công tác - thì Việt Hoàn còn đang tất bật cho những chương trình của các ngành, các địa phương anh đã nhận lời trước đó. Nhưng dường như với Việt Hoàn, anh đã quen và hài lòng với sự bận rộn này.

Không thể phủ nhận tên tuổi của NSƯT Việt Hoàn đã in sâu vào tình yêu của không ít khán giả cả nước bằng giọng hát ngọt ngào, sâu lắng và đầy cảm xúc. Nhắc tới Việt Hoàn, khán giả nhớ tới bộ ba từng được ưu ái gọi là "Ba chàng lính ngự lâm" của dòng nhạc cách mạng: "Việt Hoàn - Đăng Dương - Trọng Tấn". Hỏi Việt Hoàn rằng đã khi nào các anh từng thành lập ban nhạc không ?

Việt Hoàn vui vẻ tiết lộ: "Thực ra 3 anh em hát cùng dòng nhạc, lại đồng cảm quý mến nhau nên chơi với nhau khá thân thiết. Một lần vào khoảng năm 1998, vô tình tại một cuộc thi dành cho học sinh - sinh viên, chúng tôi hát chung ca khúc "Đường chúng ta đi" được khán giả cổ vũ nhiệt liệt. Và từ đó, các chương trình sau, mọi người đều nhất định mời cả 3 anh em. Có lẽ đây là tam ca duy nhất hình thành và tồn tại cả chục năm trời từ sự yêu mến của khán giả.

Gần đây, khi đời sống âm nhạc sôi động hơn, mỗi chúng tôi bận rộn với những kế hoạch của riêng mình. Hơn nữa, một sự thật khách quan là nhiều khi các đơn vị tổ chức chỉ mời một trong ba người nên hoạt động âm nhạc cũng độc lập hơn. Nhưng tình cảm, sự yêu quý nhau thì vẫn mãi như ngày nào". Tôi hỏi nhỏ Việt Hoàn rằng trong "bộ ba ấy" có một sự quy định ngầm ai hát bài nào không mà hầu như thấy không ai hát trùng bài ai cả.

Việt Hoàn cười vui: "Không bao giờ có chuyện đó cả bạn ạ. Chúng tôi chung một dòng nhạc nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy có sự khác nhau đấy. Nếu như tôi thiên về những ca khúc sâu lắng, trữ tình thì Đăng Dương lại có thế mạnh ở những ca khúc mang âm hưởng hành khúc, hào sảng, Trọng Tấn lại đặc biệt phù hợp với những bài hát mang âm hưởng dân gian nên chỉ hát những bài thuộc sở trường của mình".

Ba mươi năm làm nghệ thuật, NSƯT Việt Hoàn luôn tâm đắc với từ "duyên nghiệp": "Nếu bạn có duyên với một công việc nào đó thì sớm hay muộn bạn sẽ gắn kết và sống chết cùng nó từ khi nào không hay". Sinh ra tại quê hương Thái Bình trong một gia đình có bố mẹ đều là nghệ sĩ cải lương, học lỏm theo mẹ có khi thuộc cả vở diễn nhưng thuở nhỏ, Việt Hoàn đều bị mọi người nửa đùa nửa thật là " Không có giọng, không làm nghệ sĩ được đâu".

Việt Hoàn thú thực, dù ca hát suốt ngày nhưng anh không ôm giấc mộng nghệ sĩ bởi anh thấy đời sống nghệ sĩ như bố mẹ mình chật vật quá. Bố mất sớm khi chị em Việt Hoàn còn nhỏ, nhìn gánh nặng cuộc sống dồn lên vai mẹ, thậm chí, anh còn quyết tâm làm nghề khác để hy vọng kinh tế gia đình mình đỡ khổ. Năm 1985, khi Việt Hoàn vừa được giải nhất Giọng hát hay tỉnh Thái Bình đúng thời điểm Công an TP Hải Phòng quyết định thành lập Đoàn ca múa nhạc. Đích thân Giám đốc Công an Hải Phòng khi ấy là Đại tá Dương Khắc Thụ lấy anh về đoàn. Khi ấy Việt Hoàn rất vui mừng vì vừa vẫn được theo đuổi đam mê ca hát, vừa có một nghề khác để kiếm sống.

Gần 10 năm công tác trong đội văn nghệ xung kích của Công an TP Hải Phòng với quân hàm Thượng úy, với Việt Hoàn đó vẫn là những tháng năm thanh xuân đầy ắp kỷ niệm. Những buổi biểu diễn tại các trại giam, các đơn vị bạn, những nơi vùng sâu vùng xa... mang đến cho chàng trai trẻ rất nhiều cảm xúc. Có lẽ chính những năm tháng vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ ấy đã góp phần làm nên một Việt Hoàn luôn nghiêm túc, hết mình trong nghệ thuật.

Sau này khi chuyển công tác sang Đoàn Ca múa Hải Phòng để hoạt động chuyên nghiệp, Việt Hoàn nhận ra rằng để có thể đi đường dài với nghệ thuật bắt buộc người nghệ sĩ phải được trang bị những kiến thức nền tảng vững chắc. Dù trước đó được biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn, nhận được nhiều giải thưởng quan trọng nhưng Việt Hoàn quyết định xếp lại sự nghiệp biểu diễn để trở thành sinh viên nhạc viện Hà Nội.

Trong suốt thời gian 4 năm, dù có nhiều lời mời biểu diễn nhưng Việt Hoàn quyết tâm từ chối để toàn tâm, toàn ý cho việc học. Với Việt Hoàn, đây cũng là giai đoạn anh được gặp những người thầy lớn như NSND Lê Dung, nghệ sĩ Gia Khánh. Với anh, những nghệ sĩ ấy không chỉ dạy anh về chuyên môn, kiến thức âm nhạc mà trên tất cả là những người chỉ cho anh biết thế mạnh của mình ở đâu, truyền ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê và sự quyết tâm giữ gìn nhân cách của một người nghệ sĩ.

Tổ ấm của NSƯT Việt Hoàn.

"Trước giờ tôi luôn tâm niệm danh xưng nghệ sĩ thiêng liêng lắm. Nghệ sĩ không chỉ là người có tài mà còn phải là người có nhân cách lớn, có tâm hồn đẹp. Gần đây, nhiều hoạt động nghệ thuật mà rẻ rúng danh hiệu nghệ sĩ lắm. Gặp nhau tại các chương trình thì việc ai nấy lo, giáp mặt cũng không chào. Họ hù dọa, ra oai, lên nước với nhau bằng vệ sĩ, hàng hiệu. Trong khi ngày xưa các nghệ sĩ nương nhau, trọng nhau lắm".

Nghe anh kể về căn hộ chung cư giữa trung tâm Hà Nội mới mua cách đây 3 năm, tôi kể với anh rằng giới nghệ sĩ kháo nhau những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc cách mạng đang có thu nhập rất ổn. Việt Hoàn chia sẻ: "Khoảng gần 10 năm trở lại đây, kinh tế xã hội phát triển khiến cho đời sống ca sĩ cũng có phần dễ thở hơn chứ trước đó cũng khó khăn lắm. Chỉ trước đây chừng 10 năm thôi, vợ chồng ca sĩ Trọng Tấn vẫn phải ở nhà thuê ở Kim Giang. Tôi cũng thuê nhà có 20m ở khu Thành Công. Ngày mới đi hát, cát-sê có khi chỉ 150 nghìn đồng một chương trình, rồi sau này có cao hơn cũng chỉ từ 200 đến 500 nghìn đồng. Gần đây thì có tốt hơn thật.

Nói thật, tôi chưa bao giờ thấy chạnh lòng khi diễn cùng chương trình với những ngôi sao ca nhạc giải trí mà cát-sê của mình thấp hơn. Tôi quan niệm cát-sê không phải là thước đo của tài năng. Điều mà những thế hệ nghệ sĩ đi trước và chúng tôi luôn đau đáu là làm thế nào để cống hiến cho khán giả những tác phẩm có giá trị. Và để cát-sê tăng lên là một quá trình đồng hành với sự cống hiến. Nhiều bạn trẻ lại muốn đốt cháy giai đoạn. Hôm trước, cát-sê chỉ tầm 1 triệu nhưng hôm sau, khi có được một giải thưởng tại một cuộc thi ca nhạc nào đó là sẵn sàng hét giá tới 20 triệu trong khi vẫn là con người ấy, giọng hát ấy".

Những câu chuyện, những tâm sự của NSƯT Việt Hoàn luôn mang đến cảm giác ấm áp, chân tình, bởi ở đó không có chỗ cho sự màu mè, hoa mĩ. Hơn nữa, ở Việt Hoàn có sự điềm tĩnh của một người luôn nhìn sâu vào bản chất sự việc, sự an nhiên, tự tại của một người hiểu rõ mình có gì, muốn gì. Việt Hoàn tâm niệm, anh luôn cảm ơn âm nhạc và cuộc đời đã mang đến cho mình những gì của ngày hôm nay: một sự nghiệp vững vàng, một gia đình hạnh phúc.

"Tôi may mắn khi được làm đúng đam mê, sở trường của mình. Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng với tôi, dòng nhạc truyền thống mà chúng tôi đang cống hiến như bên bồi của một dòng sông. Cứ màu mỡ, bồi đắp và vững vàng lên theo ngày tháng. Với những nghệ sĩ trẻ, tôi chỉ có một lời khuyên là hãy kiên trì đi đúng con đường của mình. Những nỗ lực rồi sẽ được trả công xứng đáng".

Những tâm huyết của NSƯT Việt Hoàn giờ đây không chỉ dừng lại ở việc thể hiện thật tốt, thật hay những ca khúc nữa. Anh có một trăn trở làm thế nào để những kinh nghiệm mình có được từ những năm tháng đi hát, từ nhà trường có thể giúp đỡ những tài năng âm nhạc đến được sớm nhất với mơ ước của mình. Bởi với anh "Đó cũng là một cách để tôi tri ân Tổ nghiệp, tri ân những gì mà cuộc sống, âm nhạc đã ban tặng cho mình".

Thảo Duyên
.
.