Độc giả Nga chờ đợi gì ở năm văn học?

Thứ Sáu, 27/02/2015, 08:00
Ngày 28/1 năm 2015, tại Nhà hát Nghệ thuật mang tên A.P. Chekhov ở Moskva, đã diễn ra lễ khai mạc trọng thể Năm văn học 2015 của nước Nga. Năm văn học sẽ được tổ chức rộng khắp ở thủ đô cũng như các khu vực với nhiều chương trình và hoạt động phong phú. Mục đích chính là nhắc nhở về ý nghĩa đặc biệt và sứ mệnh đặc biệt của văn học Nga.

Chỉ thị về việc lấy năm 2015 làm Năm văn học ở Nga được Tổng thống Vladimir Putin ký hồi tháng 6/2014. Dự kiến, chính phủ Nga sẽ chi gần 300 triệu rúp cho việc tiến hành Năm văn học và tổ chức hơn 100 hoạt động trong cả nước.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn đoạt giải "Cuốn sách lớn" Pavel Basinsky.

Văn học ở nước Nga luôn luôn là một "khoản riêng". Ít ra là cho đến thời gian gần đây. Văn học đã sản sinh ra nền hội họa và điện ảnh dân tộc của chúng ta. Ban đầu là Gogol, Turgenev, Nekrasov, còn sau đó mới xuất hiện nhóm "họa sĩ lưu động" thể hiện tư tưởng của các nhà văn trên toan vẽ. Những bộ phim đầu tiên của chúng ta là chuyển thế tác phẩm của Tolstoy ("Con người sống bằng gì?", 1912, và "Cha Sergiy", 1918).

Thế kỷ bạc, chủ nghĩa tiên phong Nga, chủ nghĩa tượng trưng, vị lai - là liên minh hết sức chặt chẽ của nền văn học mới và những loại hình nghệ thuật khác. Theo ý kiến của hai nhà triết học Berdyaev và Rozanov, văn học còn sản sinh ra cuộc cách mạng Nga, tuy nhiên, vấn đề này còn phải tranh luận. Nhưng rõ ràng là các nhà văn của chúng ta đã làm lung lay cả ngai vàng của Nga hoàng.

Pushkin là "tất cả của chúng ta", Tolstoy, Dostoyevsky là lương tâm của chúng ta. Chúng ta tìm hiểu Kinh Phúc âm qua tác phẩm của Bulgakov, sự thật về cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại qua dòng "văn học trung úy", về tấn thảm kịch của dân Kazak qua Sholokhov. Chúng ta học sự hoài niệm về nước Nga mà "chúng ta đã đánh mất" ở Bunin, Shmelev và Nabokov. Phong cách sống của giới thanh niên những năm 60 của thế kỷ trước do Vasily Aksenov và Evtushenko cùng với Voznesensky quyết định, còn Vysotsky và Okudzhava trở thành thần tượng tinh thần của những năm 70.

Trong những năm 80, ai không đọc "Và một ngày dài hơn thế kỷ" của Chingiz Aymatov, "Đám cháy" của Valentin Rasputin và "Thám tử buồn" của Viktor  Astafyev thì không phải là người Nga và công dân của đất nước mình.

Theo số liệu điều tra của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTSIOM), nhà văn chủ chốt của năm 2014 được người Nga bình chọn là Darya Dontsova, bà đã viết 165 cuốn tiểu thuyết, hơn một chục kịch bản và 5 cuốn sách về ẩm thực. Nếu như đó là kết quả của Năm văn hóa, thì là một kết quả buồn. Cũng theo số liệu của cuộc điều tra: các ca sĩ xuất sắc nhất được công nhận là Filipp Kirkorov (thứ nhất), Grigory Leps và Stas Mikhaylov (cùng xếp vị trí thứ hai); diễn viên xuất sắc nhất là Dmitry Nagiev; bộ phim truyền hình xuất sắc nhất "Thầy giáo thể dục", còn bộ phim đạt doanh thu cao nhất của năm "Những cây thông năm 1914".

Nhà văn Pavel Basinsky.

Bộ phim gây nhiều tranh cãi, nhưng phức tạp và giàu tính "văn học" nhất của Nikita Mikhalkov "Say nắng" (dựa theo truyện ngắn xuất sắc nhất của Ivan Bunin) lại bị thất bại về phát hành.

Thành công của Darya Dontsova không phải bất ngờ. Danh hiệu "nhà văn nhân dân", theo số liệu điều tra của chính VTSIOM, bà giữ vững từ năm 2006, bất chấp lời buộc tội đạo văn và ý kiến của các nhà phê bình chuyên nghiệp cho rằng nếu bà thiếu các "nô lệ" văn học không thể viết được ngần ấy cuốn sách. Các cuốn tiểu thuyết trinh thám "phụ nữ" của Darya Dontsova được những người hâm mộ văn chương của bà gọi là "liều thuốc chống trầm uất".

Thời trung niên, bà đã từng chiến đấu với căn bệnh hiểm nghèo và chia sẻ kinh nghiệm đó với các độc giả nữ. Bà không có kỳ vọng "gieo hạt giống lý trí, nhân hậu, vĩnh cửu", nhưng rõ ràng trong các cuốn tiểu thuyết của bà có một điều gì đấy an ủi những người hâm mộ bà, nâng cao trường lực sống hoặc, ít ra là giúp họ tạm quên đi những khó khăn của mình.

Qua kinh nghiệm bản thân tôi biết rằng không có sự quảng cáo, "lăng xê" nào có thể bắt độc giả đọc một cuốn sách nào đó. Chỉ trong điện ảnh, một chiến dịch quảng cáo rầm rộ có thể vào một ngày cuối tuần thu hút hàng triệu khán giả đến rạp và trong hai ngày hoàn vốn sản xuất bộ phim. Trong văn học không có chuyện đó. Hình thức quảng cáo duy nhất cho một cuốn sách chỉ có thể là "đài phát thanh truyền miệng": một người đọc xong, nói với người thứ hai, người thứ hai nói với người thứ ba, người thứ ba - với người thứ tư, v.v…

Từ xưa đến nay luôn luôn như vậy. Vì thế vấn đề không phải ở chỗ tại sao Darya Dontsova trở thành "chủ tướng" trong văn học, mà ở chỗ tại sao trong quan hệ đối với các nhà văn nghiêm túc của chúng ta, "đài phát thanh truyền miệng" không phát huy tác dụng. Tại sao cách đây chưa lâu lắm, nó có hiệu lực với Shukshin, Rasputin, Astafyev, còn hiện nay ở vị trí của họ lại xuất hiện Dontsova, Marinina và Akunin?

Cho dù người ta có thuyết phục tôi rằng đó là điều "bình thường", rằng tất cả các nước "văn minh" đều sống như vậy thì tôi cũng không thích sống ở một đất nước, nơi văn học trở thành "liều thuốc chống trầm uất". Đây không phải là nước Nga, mà là một cái gì khác…

Cuối năm ngoái, chúng ta bỏ qua một lễ kỷ niệm quan trọng. Tròn 180 năm trước, tờ báo "Tiếng đồn" đăng bài báo đầu tiên của nhà báo trẻ, cựu sinh viên bị đuổi khỏi trường đại học "vì học lực kém", như nhận xét trong quyết định của hội đồng giáo viên, Vissarion Belinsky "Những ước mơ văn học". Phần  cuối của bài báo xuất hiện trên tờ "Tiếng đồn" vào  cuối tháng 12 năm 1834. Nó được bắt đầu như sau:

 "Bạn còn nhớ cái thời hạnh phúc, khi trong nền văn học chúng ta bùng lên một hơi thở nào đó của cuộc sống, khi xuất hiện tài năng tiếp tài năng, trường ca tiếp trường ca, tiểu thuyết tiếp tiểu thuyết, tạp chí tiếp tạp chí, hợp tuyển tiếp hợp tuyển; cái thời tuyệt vời, khi chúng ta tự hào về hiện tại, hy vọng về tương lai biết bao!… Tất cả đã thay đổi nhanh chóng làm sao! Một nỗi thất vọng khủng khiếp vò xé tâm hồn chúng ta sau sự cám dỗ ngọt ngào đến thế! Những cặp cà kheo của các lực sĩ văn học chúng ta đã bị gãy vụn, những cái bục rơm, nơi bao kẻ bất tài từng bước lên, đã đổ sụp, đồng thời những tài năng ít ỏi mà chúng ta một thời từng nâng niu cũng đã im tiếng, ngủ thiếp, biến mất".

Luận điểm chính trong bài báo của V.G. Belinsky là: "Chúng ta không có văn học". Hiện nay cũng có thể nói như vậy: "Chúng ta không có văn học".

Belinsly nêu lên ba định nghĩa văn học có thể xảy ra. Thứ nhất: văn học là toàn bộ hoạt động trí tuệ được thể hiện trong văn tự. Trên quan điểm này, hiện nay văn học là tất cả mọi thứ, kể cả những dòng chữ viết trên bờ rào và những lời ba hoa trên các trang mạng xã hội, bởi vì chúng cũng phản ánh "hoạt động trí tuệ" của nhân dân. Văn học là những câu slogan quảng cáo mà tôi xin "bật mí"với các bạn, nhiều khi được viết bởi các nhà thơ nổi tiếng. Văn học là tất cả những gì chúng ta viết ra.

Định nghĩa thứ hai: văn học là tập hợp một "số lượng tác phẩm nhất định", các "kiệt tác". Ở đây mọi thứ của chúng ta đều ổn cả: "kho vàng" tác phẩm cổ điển thế kỷ XIX, XX lớn đến mức đời chúng ta không đủ để đọc tất cả.

Và cuối cùng là định nghĩa thứ ba: văn học là sự hiện diện của những nhà văn thể hiện "tinh thần của dân tộc" nơi họ sinh ra và được giáo dục; họ sống bằng cuộc sống và hít thở bằng tinh thần của dân tộc đó; họ thể hiện trong các tác phẩm của mình cuộc sống nội tâm của dân tộc đó tới tận đáy sâu tâm hồn và nhịp đập con tim".

Từ "nhân dân" hiện nay nghe có vẻ mơ hồ. Vì vậy, đơn giản hơn chúng ta nói: "độc giả", không chỉ có nhà văn mà còn có độc giả. Thiếu mối liên hệ qua lại và ân tình giữa nhà văn và độc giả - không có văn học. Có Darya Dontsova. Có cuốn sách như một hàng hóa với hiệu ứng tiêu thụ được chờ đợi và tính toán trước. Tiện thể xin nói thêm, Belinsky lấy câu nói của Baron Brambeus (bút danh của Ocip Senkovsky) làm đề từ cho bài báo của mình: "Các bạn có những cuốn sách hay không? - Không, nhưng chúng tôi có những nhà văn lớn - Vậy thì các bạn có nền văn học chứ? - Ngược lại, chúng tôi có mạng lưới buôn bán sách".

Qua kinh nghiệm những chuyến đi khắp nước Nga và gặp gỡ với độc giả, tôi biết rằng ở nước Nga còn rất nhiều người quan tâm tới văn học, kể cả văn học đương đại. Chỉ cần Fekla Tolstaya cùng với hãng ABBYY thông báo về dự án số hóa Toàn tập tác phẩm của L.N. Tolstoy là có hơn 3.000 nhà tình nguyện từ 49 nước trên thế giới ngay lập tức hưởng ứng lời kêu gọi này, và công việc được giải quyết trong vòng một năm. Thế mà bạn lại nói: "Thế giới Nga đâu"? Vâng nó kia!

Vì vậy, nếu như ai đó hỏi tôi chờ đợi điều gì từ Năm văn học, tôi sẽ trả lời một cách đơn giản. Từ Năm văn học tôi chờ đợi… văn học. Trong ý nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm này. Năm nay chúng ta phải run lên vì hạnh phúc khi nhận thức được rằng chúng ta đã và vẫn sẽ là một cường quốc văn học của thế giới. Và thật ngu ngốc nếu chúng ta chối bỏ hạnh phúc này.

Tôi đề nghị năm nay khi gặp nhau, thay cho câu hỏi thường trực "công việc thế nào?" chúng ta hãy hỏi nhau: "Bạn đang đọc gì?".

Trần Hậu
.
.