Độc đáo Sa - tra Thất Sơn

Thứ Tư, 25/05/2016, 08:08
Sa-tra trong tiếng Khmer Nam bộ là tạng kinh Phật được những vị tăng đạo hạnh và tài hoa phái Nam tông chế tác trên mặt lá của loài cây có tên slấc-krích mà người đời nay biết qua tên gọi "Kinh Lá", hoặc "Diệp Bối Kinh". Không chỉ là tác phẩm giàu tính mỹ thuật, độc đáo... "Kinh Lá" còn có giá trị tín ngưỡng đặc biệt trong đời sống tâm linh của cộng đồng Khmer vùng Thất Sơn (hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang).


Bí ẩn ngôi chùa "xoài trắng"

Ở An Giang có câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về Kinh Lá được khai sinh dưới ngôi chùa Khmer có cây xoài cho trái màu nằm dưới chân núi Tô, xã Núi Tô, Tri Tôn. Núi Tô tiếng Khmer đọc là Svay - so, các bậc túc Nho gọi là Phụng Hoàng Sơn. Hòa thượng trụ trì Chau Ty, hơn 70 tuổi cho biết: "Trước đây chùa Svay-so có cây xoài cho trái màu trắng. Svay có nghĩa là trắng, còn So là Xoài. Cách đây hơn 100 năm cây xoài đã chết. Chùa cũng thay đổi nhiều. Từ năm 1961 các sư sãi chùa Svay-so phải vào ở nhờ chùa Prây-ven (nay ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn). Mãi đến năm 1980, được sự giúp đỡ của chính quyền và đóng góp của Phật tử, chùa Svay-so được xây mới như ngày nay".

Hòa thượng Chau Ty cho biết: "Căn cứ vào tàng thư lưu lại trên Kinh Lá, tính đến nay nghệ thuật viết Kinh Lá tồn tại và phát triển tại chùa được 9 đời trụ trì". Hiện 8 tiền bối đã tịch, sãi cả Châu Ty là đời thứ 9. Theo Hòa thượng, Kinh Lá chỉ được viết trong khung cảnh thanh tịnh và người viết phải loại bỏ tạp niệm, toàn tâm hướng Phật. Có lẽ vì thế mà với cộng đồng người Khmer Thất Sơn nói riêng, Nam bộ nói chung, Kinh Lá vẫn như biểu tượng tâm linh trong đời sống tín ngưỡng.

Cây Slấc- krích tại khuôn viên chùa Nam Tông thuộc xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên - An Giang).

Được sự cho phép của Hòa thượng, một vị sư trẻ vào kho mang Kinh Lá ra cho tôi diện kiến. Chỉ là những cánh lá nhỏ (0,6 x 0,05 m) ghi những dòng chữ li ti, nhưng với cộng đồng người Khmer lại có giá trị tín ngưỡng như người Phương Tây đối với quyển Kinh Thánh. "Những buổi đọc kinh, giảng đạo bằng Kinh Lá, chẳng những Phật tử nghe rất chăm chú và tin tưởng, mà ngay cả các sư sãi cũng thấy "thấm nhuần" lời Phật dạy hơn", Hòa thượng chia sẻ.

"Khám phá" công nghệ…

"Sa-tra trong tiếng Khmer có nghĩa là chữ viết bằng bút Đek - cha (cán bằng gỗ tròn, ngòi bằng thép) khắc lên mặt lá có tên là slấc-krích. Đó là nghệ thuật của những nghệ thuật". Vẫn nụ cười hiền hậu, Hòa thượng Chau Ty chậm rãi đưa tôi vào thế giới của sự tài hoa và sáng tạo nghệ thuật: "Trước hết là kỹ thuật khai thác lá Slấc- krích. Đây là loài cây có hình dạng bên ngoài giông giống với cây Thốt-nốt, loài cây đặc hữu của vùng Thất Sơn, nhưng có lá dày, cứng hơn và chỉ sống tại các nơi hiểm địa". Theo Hòa thượng, khi đọt non vừa nhú lên khỏi nách bẹ (nhánh cây), người ta dùng vải mỏng quấn tròn xung quanh và thường xuyên thăm chừng để quấn kín phần ra mới cho đến ngày thu hoạch. Phải bao quấn kín như vậy là để tấm lá giữ được màu trắng, sạch sẽ, nếu không, lá cây già sẽ chuyển thành màu xanh đậm, hay vàng úa, hoặc bị côn trùng phá hỏng.

Công việc này phải được thực hiện thường xuyên và chỉ đến khi lá dài hơn 2m mới thu hoạch. Lá chỉ mềm khi còn tươi và sẽ cứng rắn sau vài giờ lìa khỏi thân mẹ, nên sau khi chặt về là phải tiến hành phân, chặt dứt điểm ngay. Thêm nhiều công đoạn ngâm trong dung dịch bí truyền để ngăn ngừa côn trùng có thể cắn phá, để khô trong mát sau đó dùng bào mộc làm phẳng lá trước khi viết. Thường công đoạn này mất đến hàng tháng trời.

Công đoạn viết là công việc khó nhất của nghệ thuật Sa-tra. "Bàn viết" là thanh gỗ nhỏ vừa vặn với diện tích tấm lá, đặt trên đầu gối để có thể linh động theo sự nhịp nhàng của tay viết. Cách thức viết Sa-tra cũng rất đặc biệt. Tay phải cầm bút còn tay trái giữ lá, nhưng mọi chuyển động của ngòi bút đều tuân thủ theo sự chỉ huy của ngón cái, vừa điều tiết nét lên xuống của ngọn bút vừa quyết định độ nông, sâu xuống mặt lá và khoảng cách giữa các con chữ. "Cái khó nhất là sự kết hợp thật nhịp nhàng, đều đặn giữa hai tay và nét viết phải có cùng một độ sâu. Nói là viết chứ thực ra chẳng khác gì khắc họa, không đơn giản như chữ viết trên giấy", Hòa thượng chia sẻ.

Thông thường mỗi lá được bố trí viết từ 4-5 hàng, mỗi hàng từ 15- 20 chữ. Viết xong, lau sạch trước khi thoa lên trên lớp dung dịch hỗn hợp bao gồm than tán nhỏ, nước trái mặc - nưa (được người Kinh dùng để nhuộm Lãnh Mỹ A, loại lụa Tân Châu có màu đen tuyền) để hiện chữ lên. Nhờ đó mà càng để lâu mặt lá càng láng bóng, Kinh Lá càng lung linh vẻ đẹp của màu thời gian.

Sau khi hoàn thành các công đoạn này, việc kết lá kinh thành quyển phải tuân thủ qui tắc riêng để khi mở kinh ra đọc, nội dung không bị xáo trộn. Nghệ thuật "đóng quyển" của Kinh Lá cũng rất đặc biệt. Cũng có trang trí bìa như sách ngày nay, nhưng độc nhất là dây kết nối các tờ Sa-tra thành quyển hoàn chỉnh. Theo Hòa thượng Chau Ty, để có được dây này, phải luồn nhiều sợi tóc vào lỗ tròn (được khoan trước đó) trên góc lá kinh, sau đó se, kết thành vòng tròn khép kín đến độ không sao phát hiện được vị trí của mối nối.

Hòa thượng Chau Ty chế tác "bàn viết" Kinh Lá.

Cuộc hồi sinh kỳ diệu

Tương truyền, Sa-tra xuất hiện ở vùng Thất Sơn cách đây trên 300 năm do một vị sãi cả chùa Svay - so phát minh để chép và lưu truyền kinh Phật trong thời kỳ chưa lưu hành giấy bút như ngày nay. Sau đó nghệ thuật này lan ra các chùa Nam tông trong dãy Thất Sơn. Thường công việc này chỉ truyền thụ lại người có tâm đạo và hoa tay nhất trong nhóm đệ tử.

Cách đây 60 năm, sau một năm học nghề, "chú tiểu" Chau Ty được vị tổ đời thứ 8 chùa Svay - so quyết định chọn làm truyền nhân đời thứ 9 khi mới vừa tròn 10 tuổi đời - một điều chưa có tiền lệ. Nhưng thực tế cho thấy đó là quyết định… để đời. Theo họa sĩ Chau Chanh, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn, người có nhiều năm gắn bó với công tác nghiên cứu, bảo tồn văn hóa vật thể của cộng đồng Khmer vùng Thất Sơn, so với 8 vị tiền bối, đến đời thứ 9, Kinh Lá độc đáo hơn, đẹp hơn…

Anh Chau Chanh giải thích: chữ mà Sãi cả Chau Ty sử dụng trong viết Kinh Lá là sự vận dụng linh hoạt, tài hoa giữa nét hoa của chữ cổ và nét tiện ích của chữ hiện đại để tạo ra sự hài hoà, cân đối về mặt thẩm mỹ nên Kinh Lá của sãi cả viết đẹp và biến hóa như "phụng múa, rồng bay". Thậm chí, theo anh Chanh, điều này còn tạo ra nhịp cầu giúp nhiều "người trẻ" tiếp cận với chữ cổ.

Là người "ngoại đạo", nhưng tôi cũng mê hoặc ngay trong lần đầu thưởng ngoạn Kinh Lá. Bởi từ thẳm sâu bên trong nét chữ ấy như vừa thấp thoáng đường cày của người dân lam lũ, vừa có sự siêu thoát thanh tịnh… Phải chăng khi vẻ thanh thoát của đạo, hơi thở của đời tìm thấy được điểm giao thoa của sự tài hoa thì bật lên sự tuyệt mỹ vô cùng, vô tận?! …

Nhớ lần trước, khi tôi đề nghị chuẩn bị "văn phòng tứ bảo" để ghi lại hình ảnh công đoạn viết Sa-tra, Hòa thượng đã "từ chối khéo". Ông nói như lấn áp những giọt lệ đang chực trào ra khóe mắt: "Tôi đã tặng cây Đék - cha cuối cùng cách đây hơn 20 năm rồi, và cũng từng ấy thời gian không viết Kinh Lá và cũng không truyền được nghề cho ai". Theo Hòa thượng, cái chính là do không còn lá Slấc-krích. Dù ông liên tục bắn tin đến nhiều nơi, nhưng vẫn chưa thực hiện được tâm nguyện của thầy tổ: truyền nghề cho hậu duệ. Đã có không ít lo ngại: Kinh Lá sẽ biến mất…

Thế rồi như phép màu, Kinh Lá đã trở về và rạng rỡ hơn xưa. Năm 2014, sau khi liên hệ tìm được nguồn Slấc - krích, Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch An Giang đầu tư cho Hòa thượng mở lớp hướng dẫn truyền nghề viết Kinh Lá có hàng chục vị sư sãi tham gia học. Sau nhiều tháng miệt màu, sự nhiệt tình của thầy và sự kiên trì của trò đã cho ra đời hàng chục vị viết được Kinh Lá.

Tỉnh An Giang đang rốt ráo hoàn chỉnh hồ sơ đề cử Kinh Lá vào danh mục tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Kinh Lá không chỉ đã có truyền nhân, mà còn có thêm cơ hội vươn lên khỏi chiếc ao làng. Quả là sự hồi sinh kỳ diệu !

Lục Tùng
.
.