Đẹp cả khi tàn úa

Thứ Hai, 02/05/2016, 08:39
Tôi nhớ, vào một chiều mùa đông cách đây chừng vài ba năm, trong ngôi nhà của họa sỹ Lê Thiết Cương, tôi đã chứng kiến một sự kiện và suy ngẫm mãi về sự kiện ấy. Đó là buổi chiều nhà thơ, nhà biên kịch điện ảnh Lê Nguyên (người thân sinh ra họa sỹ Lê Thiết Cương) đã gặp gỡ những đồng đội và đồng nghiệp cũ của mình.


Lúc đó, họ đã là những người già trên dưới 80 tuổi. Nhưng buổi chiều ấy không có một chút gì thuộc về những người già. Một buổi chiều mà tôi như được chứng thực thời gian của hơn nửa thế kỷ trước khi những người già ấy đang ở tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết và sự dâng hiến cho độc lập tự do của Tổ quốc. Họ tâm sự, đọc thơ và hát.

Có một điều tôi nhận ra trong buổi chiều ấy là: Không phải họ sống lại như thuở thanh xuân mà họ vẫn sống với dòng máu thanh xuân như thế trong con người họ. Tuổi tác, bệnh tật và cả những nỗi phiền muộn của đời sống đã thất bại trước tinh thần sống của họ.

Đó chính là điều tôi suy ngẫm mãi về họ. Và đã bao lần tôi tự hỏi: Vì sao họ có thể sống được như thế qua bao thăng trầm của cuộc đời này. Tôi đặt câu hỏi này vì trong đời sống hiện nay, có không ít người trong đó có cả tôi đang còn thanh xuân hoặc chưa già nhưng ngọn lửa trong trái tim họ như đã tắt từ lâu. Họ sống trong mệt mỏi và ngờ vực, sống với những cánh cửa lòng thường khép kín, sống với ý nghĩ rằng mình đã già và cuộc sống chẳng còn gì đáng nói nữa.

Nhà thơ- biên kịch điện ảnh Lê Nguyên.

Vậy sao có những con người bằng tuổi cha, tuổi chú của họ như nhà thơ Lê Nguyên và bạn bè cùng thời với ông lại có thể sống được như thế. Cuộc sống không hề mất đi những vẻ đẹp của nó mà chỉ có con người sống trong cuộc sống đó nhưng đã mất đi khát vọng, đức tin và tình yêu mà thôi.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến một bộ phim của Hollywood có tên The Lobster mà tôi đã xem. Bộ phim nói về một khách sạn nơi những người sống cô đơn, không có tình yêu được đưa vào đó và chỉ được sống 45 ngày. Nếu trong 45 ngày đó mà ai không tìm được tình yêu thì họ sẽ phải biến thành một trong những con vật mà.

Có những đôi trai gái đã giả vờ yêu nhau để không phải biến thành vật. Nhưng họ đã không thành công và họ phải biến thành vật. Nhưng có một đôi trai gái yêu nhau nhưng đến những ngày cuối cùng ở khách sạn cô gái bị mù. Những kẻ quản lý khách sạn nói với người con trai rằng tình yêu của họ là giả vì một kẻ sáng mắt như anh không thể hòa đồng với một cô gái mù. Như vậy, cả hai người phải biến thành vật vào ngày cuối cùng ở khách sạn. Để minh chứng tình yêu trong sáng và đích thực của mình, người con trai đã chọc mù mắt anh. Và họ đã không trở thành con vật.

Tôi đang nói đến những điều này bởi có gì đó liên quan đến những điều mà trong toàn bộ tập thơ của nhà thơ Lê Nguyên mà các anh chị cầm trên tay nói đến. Đó là Tình yêu. Tình yêu của nhà thơ Lê Nguyên, của con người Lê Nguyên là tình yêu với thiên nhiên, với dân tộc, với đồng loại và với một người đàn bà cụ thể.

Tôi đã đọc kỹ tập thơ này và tôi không hề thấy những u buồn, những tiếc nuối, những sợ hãi, những mệt mỏi của tuổi già mà ở đó con sông của sức sống và sự đam mê xiết chảy không ngừng. Từ tập thơ tôi lại nhìn vào hiện thực đời sống của ông và của bao người cùng thế hệ ông và tôi thấy đó là hai văn bản khác nhau nhưng lại đồng nhất trong một tinh thần sống vô cùng mãnh liệt.

Có một bài thơ của nhà thơ Lê Nguyên trong tập thơ này mà tôi nghĩ có thể viết trên tường, khắc trên gỗ hay đá. Bởi bài thơ đó với những câu thơ thật giản dị nhưng thật minh triết về con đường của cuộc đời mỗi kiếp người. Cái còn lại cuối cùng trong cuộc đời mênh mông dâu bể này là tình yêu. Bài thơ ĐÓA HOA TÌNH. 

ĐÓA HOA TÌNH 

Hoa tàn để lại hương
Lá rơi thay chồi biếc
Bước chân người mải miết
Để lại những con đường 

Thời gian để lại gì?
Đâu chỉ là tháp cổ
Đâu chỉ là vô vi
Đóa hoa tình vẫn nở.

Mọi thứ có thể tàn theo thời gian, có thể tàn theo qui luật nhưng chỉ có ĐÓA HOA TÌNH là bất diệt. Tôi không hình dung nếu các họa sỹ vẽ ĐÓA HOA TÌNH ấy thì sẽ vẽ như thế nào. Nhưng tôi đã nhìn thấy đóa hoa ấy. Nó hiển hiện trong ánh sáng đôi mắt, trong nhạc điệu giọng nói, trong nhịp chuyển động đôi chân... của những người đang yêu. Nó làm tôi hình dung như là sự nhớ lại của một người được chứng kiến chàng trai 15 tuổi Lê Nguyên hào hoa, phong nhã, con trai của một gia đình tư sản Hà Nội ra ga đầu cầu Long Biên để lên tàu về Phú Thọ, Yên Bái tìm đường vào chiến khu theo cách mạng. Ông đã trở thành một chiến sỹ cách mạng vào đúng giai đoạn cầm cự của cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại và hoạt động trong Đội Võ trang tuyên truyền.

Và từ ngày đó, ông đã cùng bao người Việt Nam đi xuyên qua hai cuộc chiến tranh tàn khốc vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Vừa cầm súng, ông vừa cầm bút. Súng là vũ khí của ông để chống lại giặc ngoại xâm hữu hình trong suốt hai cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng bút là vũ khí để ông chống lại kẻ thù vô hình của tinh thần sống. Có lẽ vậy mà gần 1.000 bài thơ ông viết cho dù tôi không được đọc hết tôi chỉ thấy vang lên giai điệu của khát vọng và yêu thương.

Có đôi ba lần tôi gặp ông trong ngôi nhà của bạn tôi - họa sỹ Lê Thiết Cương - trong khoảng thời gian ông ở tuổi 70 đến 80. Nhưng chẳng khi nào tôi nghĩ đó là một người già. Lúc nào ông cũng giống một người đang chuẩn bị cho một nghi lễ trang trọng nhất của thế gian này: Nghi lễ của Tình yêu. Nghi lễ ấy luôn luôn tràn ngập trong mọi bài thơ của ông đặc biệt là những bài thơ về tình yêu cho dù những câu thơ của ông không thuộc những câu thơ cách tân hay theo một trường phái nào đó.

Nhà biên kịch Lê Nguyên trao tác phẩm nghệ thuật cho Trung Tâm Nghiên cứu và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam.

Đấy là những tiếng nói chân thực và da diết về tình yêu như không thể nào khác. Và những tiếng nói chân thực và da diết của tình yêu không chỉ vang lên khi ông ở tuổi đôi mươi mà vang lên ngày ngày trong suốt cuộc đời ông. Ông là một con người đặc biệt và thế hệ ông là một thế hệ đặc biệt. Họ là những con người thực sự sinh ra để yêu thương và để dâng hiến. Những gì đang trú ngụ một cách trang trọng, đang chuyển động một cách mãnh liệt trong tâm hồn ông và trong tâm hồn nhiều người thế hệ ông làm cho tôi tự hỏi:

Tại sao những người ở tuổi tôi và cả những người trẻ hơn nữa lại thường xuyên thấy gìa nua và mệt mỏi? Cái gì làm lên điều tồi tệ này của chúng tôi? Những thách thức của cuộc sống hôm nay của chúng tôi làm sao có thể so sánh với thách thức của thế hệ ông. Bởi không có thách thức nào lớn hơn là thách thức của cái chết mà ông và thế hệ ông phải đương đầu trong suốt hai cuộc chiến tranh.

Câu trả lời thực ra là rất đơn giản. Đó là ông và thế hệ ông đã tìm thấy lý tưởng sống, đã tìm thấy niềm hy vọng, đã hạnh phúc khi được dâng hiến và đã yêu không hề vương một chút bụi của vụ lợi. Và ông đã thấu hiểu tình yêu. Nó không phụ thuộc vào tuổi tác cho dù ông hiểu cái lẽ của thời gian đối với mỗi con người. Bởi thế trong bài thơ SEN XANH ông đã viết: Hoa sẽ úa tàn/ Khi mùa thu sang/ Dồn hương vào hạt... Chính thế mà đời sống của con người giống loài SEN vẫn đẹp cả khi tàn úa.

Hà Đông, 24-4-2016

Nguyễn Quang Thiều
.
.