Đem lời ca tiếng hát đến với cán bộ chiến sĩ Trường Sa
- Bầu cử sớm trên các đảo ở huyện Trường Sa
- Đến Trường Sa: Hành trình và trải nghiệm ý nghĩa
- Đồng hành vì Trường Sa xanh
Ngoài quà tặng trị giá 4,1 tỉ đồng bằng tiền tự nguyện đóng góp của CBCS Tổng cục Chính trị CAND và các trường, Học viện An ninh nhân dân, Điều ấn tượng nhất với CBCS Trường Sa đó là những lời ca, tiếng hát của Đội văn nghệ xung kích Tổng cục Chính trị CAND đem tới.
Đội Văn nghệ do Thượng tá Đặng Văn Hà, NSƯT, Phó Trưởng đoàn ca múa nhạc CAND làm Đội trưởng. Đội gồm 12 người, là những hạt nhân văn nghệ có thành tích xuất sắc trong giảng dạy, công tác và hoạt động văn hóa văn nghệ tại các đơn vị trực thuộc, được Tổng cục Chính trị CAND lựa chọn và có quyết định thành lập.
Mỗi thành viên Đội văn nghệ xung kích cảm nhận được vinh dự lớn lao của mình. Mỗi người sắp xếp công việc, thời gian để tranh thủ tập luyện, mong muốn mang lời ca tiếng hát được thể hiện tốt nhất đến với CBCS nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Cùng chung vui với các chiến sĩ hải quân trên đảo Phan Vinh B. Ảnh: Ngọc Phong. |
Thật ấn tượng bởi những điểm đảo nổi, đảo chìm đoàn đến, dù là bên công sự, trước thềm nhà, trên sàn xi măng nhỏ sát biển, các thành viên Đội văn nghệ bằng cái tâm, cái tình đã biểu diễn và "cháy" hết mình. Đội trưởng Đặng Văn Hà thể hiện xuất sắc vai trò của mình trên nhiều phương diện: Tổ chức tốt chương trình, đơn ca, song ca, dẫn chương trình, chơi guitar, đọc tấu sáo mèo, đọc tấu đàn nhị… luôn hấp dẫn, mới lạ và ấn tượng.
Nữ ca sĩ Phương Thảo (Thượng úy, giáo viên Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân) xinh đẹp, duyên dáng, giọng ca truyền cảm cuốn hút người nghe. Nét độc đáo của Phương Thảo là luôn mời CBCS trên đảo cùng giao lưu song ca, tốp ca với mình rất gần gũi và chân tình. Nữ ca sĩ Hoài Thanh (Trung tá, giáo viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy) với chất giọng ngọt ngào, mượt mà qua những làn điệu dân ca lay động lòng người.
Sỹ Thanh (Bí thư Chi đoàn, Trường Đại học Hậu cần Kỹ thuật CAND) cùng Quang Huy (cán bộ Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân) là hai giọng nam cao, khỏe, sôi nổi, đặc biệt là vai trõ lĩnh xướng các ca khúc hào hùng, có sức mời gọi người nghe cùng hưởng ứng.
Thượng sĩ Phạm Hoàng Huy cùng Thiếu úy Huy Hoàng (Đoàn ca múa nhạc CAND) là hai nhạc công đệm đàn có nghề, tăng hiệu ứng của các ca khúc được trình diễn. Đặc biệt ở đảo Trường Sa, đội văn nghệ phối hợp với CBCS trên đảo tổ chức một chương trình biểu diễn khá hoành tráng và đặc sắc, với sự có mặt của các tướng lĩnh, CBCS đoàn công tác, CBCS và nhân nhân trên đảo…
Các chiến sĩ trẻ tại các đảo chìm (đảo Đá Lớn, Cô Lin, Đá Tây) cùng có chung lời bộc bạch: "Lâu lắm rồi chúng cháu mới được ngắm nhìn bóng dáng phụ nữ. Các chị ấy vừa trẻ trung, xinh đẹp, hát hay, diễn xuất giỏi vừa gần gũi, thân thương. Đối với chúng cháu đây là nguồn động viên, khích lệ vô cùng lớn lao".
Nữ ca sỹ Phương Thảo không giấu được cảm xúc, chị chia sẻ: "Tại đảo Đá Lớn, khi chia tay em đã thông tin số điện thoại của mình và ôm hôn tất cả CBCS trên đảo. Tôi hôm đó trở về tàu, em nhận được tin nhắn: "Chị ơi, bọn em thống nhất không rửa mặt bởi muốn lưu giữ hơi ấm của chị, của đất liền…". Đọc tin nhắn của các chiến sỹ trẻ, em không cầm được nước mắt".
Không chỉ biểu diễn thành công tại những điểm đến, đội văn nghệ còn là nòng cốt khuấy động phong trào văn hóa, văn nghệ trên tàu HQ 996 (tàu chở đoàn công tác số 7). Mỗi buổi tối sau bữa cơm chiều, tất cả tướng lĩnh, CBCS đoàn công tác tập trung trên boong tàu cùng hát múa, đọc thơ, chia sẻ những tâm tình, những sáng tác mới về biển đảo, về tình yêu quê hương, đất nước. Những buổi sinh hoạt tập thể đó thật đầm ấm, chân tình, xóa đi khoảng cách về cấp bậc, chức vụ, tuổi tác.
Ca sĩ - Thượng úy Phương Thảo trong một tiết mục biểu diễn tại đảo Sơn Ca (ảnh trên) và tại đảo Trường Sa Lớn (chùm ảnh của Xuân Tư). |
Mọi người gần gũi với nhau hơn, đoàn kết, yêu thương nhau hơn. Đây cũng chính là phương thuốc diệu kỳ giúp mọi người chóng mặt, say sóng khỏe hơn, bền bỉ hơn bởi chặng đường đến với các điểm đảo không hề đơn giản. Ngoại trừ đảo Trường Sa tàu cập cảng, còn lại các điểm đảo khác, phải "tăng bo" bằng ca nô từ tàu đến đảo và ngược lại. Mỗi lần di chuyển từ tàu xuống ca nô, từ ca nô lên đảo và ngược lại không kém phần ly kỳ.
Chuyến thăm các điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác số 7 thành công mỹ mãn, đạt được các mục tiêu đề ra. Góp phần vào sự thành công đó phải kể đến sự đóng góp của Đội văn nghệ xung kích Tổng cục Chính trị CAND. Các thành viên của đội đã đem lời ca tiếng hát của mình, của đất liền đến với CBCS ở Trường Sa, khích lệ, động viên CBCS chắc tay súng, bảo vệ bình yên biển đảo của Tổ quốc.
Tại Lễ tổng kết chuyến đi được tổ chức trang trọng trên boong tàu, trước của biển Vũng Tàu tối 28-4-2016, Thứ trưởng Phạm Dũng, Trưởng đoàn công tác đã đánh giá cao ý thức, trách nhiệm và hành động thiết thực của mỗi thành viên đoàn công tác, trong đó có sự đóng góp tích cực và hiệu quả của Đội văn nghệ xung kích. Chuẩn Đô đốc Lê Bá Sổ, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân đã trao tặng Đội văn nghệ xung kích Bằng khen của Quân chủng Hải quân cùng tiền thưởng 7 triệu đồng.
Chuyến công tác qua đi, nhưng lời ca tiếng hát của đội văn nghệ xung kích Tổng cục Chính trị CAND như vẫn còn lắng đọng mãi với CBCS Trường Sa. Đối với mỗi thành viên đoàn công tác số 7 cũng như Đội văn nghệ xung kích, chuyến đi là một trải nghiệm tuyệt vời, có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cả cuộc đời.