Buổi trưa ở cảng cá Mắt Rồng

Thứ Năm, 02/01/2020, 16:44
Lập Lễ là xã miền biển có nghề đánh cá truyền thống lâu đời của huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ở vị trí đoạn sông Bạch Đằng đổ ra cửa biển Nam Triệu chảy quanh co uốn lượn, làm thò ra một khoảnh đất hình đầu con rồng. Cái cảng cá lại được xây dựng vào đúng vị trí mắt của con rồng, nên từ xưa người dân vẫn quen gọi là cảng cá Mắt Rồng. 


Người dân miền biển Lập Lễ vốn thạo nghề sông, biển từ hàng nghìn năm nay, cuộc sống mưu sinh phải quen đối mặt với gió bão, sóng dữ. Vùng cửa biển này vốn hiểm yếu, vào phía đất liền là gặp từng dãy núi của vòng cung Đông Triều lấn sát ra biển, khiến địa hình hiểm trở.

Trong lịch sử, từng ba lần giặc phương Bắc dẫn quân qua cửa Nam Triệu vào sông Bạch Đằng xâm lược nước ta. Người dân Thủy Nguyên khi xưa, trong đó có những người con của Lập Lễ trong đội thủy binh cùng tham gia đánh chặn giặc, góp sức cùng quân dân ta tạo nên kỳ tích các trận chiến trên sông Bạch Đằng. Gần mười thế kỷ qua, chiến thắng Bạch Đằng giang không chỉ là niềm kiêu hãnh trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, mà còn là nỗi ám ảnh, nỗi khiếp sợ của mọi thế lực xâm lược.

Một góc xưởng đóng tàu cá vỏ gỗ ở Lập Lễ.

Miền quê Lập Lễ hôm nay đã có nhiều đổi thay, nhờ sự đoàn kết đồng lòng của người dân, sự năng động trong lao động sáng tạo, đang từng bước làm cho chất lượng cuộc sống tốt hơn, phương thức sản xuất hiện đại, hiệu quả hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an sinh xã hội và coi trọng bảo vệ môi trường. Trên mọi ngả đường của Lập Lễ chúng tôi thấy hai bên nhà cửa mang dáng dấp phố xá nhộn nhịp sầm uất.

Anh bạn người Thủy Nguyên giới thiệu đôi nét khái quát: Người dân Lập Lễ không chỉ thạo nghề biển mà còn giỏi nghề đóng tàu, giỏi buôn bán. Ở đây từng có cả đội tàu chở hàng pha sông biển. Lập Lễ có nhiều người làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, nên lượng kiều hối hàng năm gửi về nhiều. Số tiền ấy lại được dùng để kiến thiết, đầu tư phát triển… nên hình ảnh quê hương Lập Lễ đang thay đổi từng ngày.

Trên diện tích tự nhiên 1.178,57 ha,  với số dân 12.000 nhân khẩu, Lập Lễ có 6 km đê biển ngăn mặn, 73 ha rừng ngập mặn chắn sóng. Có 316 ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản nước mặn ở bãi bồi ngoài đê và 100 ha nuôi thủy sản nước ngọt.

Ngoài ra còn có hơn 200 hộ dân nuôi cá lồng bè ở đảo Cát Bà. Với điều kiện tự nhiên như vậy là lợi thế của miền quê biển, nên trong phương hướng phát triển kinh tế của Lập Lễ, từ trước đến nay đều nhấn mạnh người dân phải bám biển để làm giàu.

Anh Đinh Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Lập Lễ cho biết, nghề biển ở đây gồm đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Đối với nuôi trồng thì diện tích bình quân của xã đạt 310 ha, chủ yếu nuôi tôm, cua, cá vược, trắm đen, cá song… Người dân nuôi trồng thủy sản ổn định và nhàn hơn, mỗi ha chỉ cần một lao động. Mỗi năm 1 ha đạt khoảng 30 tấn, thu về từ 200 đến 300 triệu đồng.

Ở cảng cá Lập Lễ buổi trưa tương đối vắng lặng. Chúng tôi quan sát thì thấy có khoảng chục chiếc tàu cá đang nằm bờ. Những chiếc tàu này vừa mới cập bến, đang chuẩn bị hậu cần cho chuyến đi tiếp theo. Anh Đinh Văn Ba cho biết, thời điểm này tất cả tàu cá của Lập Lễ đang ra khơi, nếu về cả thì mấy khúc sông này chật kín. Cả xã Lập Lễ hiện có 680 tàu cá, trong đó có 450 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ. Nghĩa là cả 450 chiếc tàu vươn khơi được đóng đủ tiêu chuẩn, dài từ 19 đến 25 m. Người dân Lập Lễ thường đánh bắt cá ở vịnh Bắc Bộ, có khi đi xa hơn. Mỗi chuyến đi thường cả tháng trời, cứ dằng dặc cả năm trên biển như vậy.

Nghề biển ở Lập Lễ thoạt nhìn thấy những thuận lợi, lợi thế, như có đội ngũ lao động lành nghề, có đội tàu mạnh, ngư cụ hiện đại…Nhưng phải là người trong cuộc mới thấy hết những khó khăn, những vấn đề đang cần tháo gỡ.

"Tập đoàn đánh cá Nam Triệu" ra đời nhằm tập trung lực lượng, sức mạnh cho nghề cá, giải quyết nhiều khó khăn vướng mắc cả trong đất liền và trên ngư trường. Tuy nhiên với lượng tàu lên đến 680 chiếc, mà lao động tại chỗ hiện chỉ đáp ứng 30 - 40%, phần lớn các chủ tàu phải tìm lao động ngoài tỉnh.

Tình trạng khan hiếm lao động , phải lùng kiếm lao động cho nghề cá luôn căng thẳng, bởi người lao động ngại đi biển, sợ rủi ro, nên khó tìm. Hiện ở Lập Lễ, số lao động ngoài tỉnh chủ yếu là người Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh lân cận.

Tàu cá cập cảng cá Mắt Rồng.

Nếu tính bình quân mỗi tàu cá đánh bắt xa bờ cần từ 7 đến 10 lao động, thì ở Lập Lễ, trừ số lao động tại chỗ còn cần đến hàng nghìn lao động ngoài tỉnh. Chưa hết, còn nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, khiến thu nhập của các chủ tàu hiện nay không ổn định. Nếu được mùa biển, ra khơi 20 ngày có thể lãi 500 đến 1 tỷ đồng. Gặp mùa gió bão, khó đánh bắt là lỗ.

Như năm 2019 này, ngư dân Lập Lễ chỉ thuận lợi trong đánh bắt được ba tháng,  9 tháng  còn lại gặp khó khăn, cầm chắc thua lỗ. Chi phí mỗi chuyến đi biển ngày càng nhiều,  trả lương thuê mỗi lao động từ 7 đến 10 triệu đồng một tháng, cộng với mọi khoản chi phí xăng dầu, thực phẩm, ngư lưới cụ… mỗi chuyến không dưới 300 triệu đồng. Đầu tư lớn như vậy, nhưng đi biển luôn phụ thuộc vào thời tiết.

Thực tế ở Lập Lễ trong số 450 phương tiện đánh bắt xa bờ, chỉ có ½ chủ tàu được ổn định, một nửa còn lại đang gặp khó khăn. Mặc dù để hỗ trợ nghề cá, Chính phủ cho vay vốn lãi suất thấp và hỗ trợ từ 30 đến 50 triệu đồng tiền dầu cho tàu vươn khơi, nhưng gần đây việc hỗ trợ dầu đã ngừng lại, càng thêm khó khăn cho các chủ tàu.

Nhân nói về Nghị định 67 của Chính phủ về chuyển đổi tàu đánh cá từ vỏ gỗ sang vỏ sắt cũng đang tác động đến nghề cá ở Lập Lễ. Nghề đóng tàu ở Lập Lễ có từ xa xưa. Trước kia, các nghệ nhân Lập Lễ chuyên đóng thuyền buồm; khoảng từ năm 1970 chuyển sang đóng tàu gỗ chạy máy, chủ yếu đóng tàu đánh cá và câu mực. Mỗi con tàu dài 18 m, rộng 9 m, cao 5 m phải đóng 6 tháng mới xong. Riêng vỏ gỗ hết 3 tỷ đồng, hoàn thiện phải hàng chục tỷ đồng. Các nghệ nhân ở Lập Lễ từng kỷ lục đóng con tàu gỗ dài 36 m, nặng 400 tấn, trị giá trên 22 tỷ đồng. Phần lớn các chủ tàu ở Lập Lễ quen dùng tàu gỗ, cho rằng tàu gỗ rẻ hơn tàu sắt, lại bền và dễ bảo hành hơn.

Ngư dân Lập Lễ từ xưa đã ưa dùng tàu gỗ, vì thế nghề đóng tàu ở Lập Lễ không ngừng phát triển. Từ khi có chủ trương chuyển tàu gỗ sang tàu sắt, đi liền là chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ. Gỗ ngày càng khan hiếm dần. Từ chỗ Lập Lễ có 5 xưởng đóng tàu xưa kia lúc nào cũng nhộn nhịp, làm không hết việc, thì giờ đây èo uột. 

Chúng tôi ghé thăm xưởng đóng tàu của ông Đinh Văn Nhân, hiện trường đang đóng cùng lúc 4 con tàu gỗ. Nhà xưởng cho biết có lẽ đây là những chiếc tàu gỗ cuối cùng, vì số gỗ này chủ xưởng mua từ nhiều năm trước, giờ thì không còn gỗ nữa. Được biết nhờ Nghị định 67, Lập Lễ đã đóng mới được hàng chục chiếc tàu vỏ sắt. Tin rằng với thế hệ tàu vỏ sắt mới này, sẽ mở ra một thời kỳ mới cho nghề cá ở Lập Lễ.

Từ cảng cá Mắt Rồng, chúng tôi ngóng nhìn ra phía cửa biển Nam Triệu, ngóng ra xa hơn nữa phía tít tắp muôn trùng sóng gió, nơi có những người con của Lập Lễ quả cảm, đang ngày đêm bám giữ ngư trường, bám giữ lãnh hải của Tổ quốc.

Hà Văn Thể
.
.