Yêu cầu nước Pháp trả lại kiệt tác "Mona Lisa": Đâu phải muốn là được!

Thứ Sáu, 05/10/2012, 08:00

Cách đây ít lâu, Ủy ban Quốc gia về di sản, môi trường, văn hóa và lịch sử Italia đã mở một chiến dịch vận động thu thập chữ ký nhằm gây áp lực với Chính phủ Pháp, những mong đòi lại được bức họa nổi tiếng thế giới "Mona Lisa" của danh họa Italia Leonardo da Vinci hiện đang được trưng bày tại Viện Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp).

Theo ông Silvano Vincenti, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về di sản, môi trường, văn hóa và lịch sử Italia, hiện tổ chức này đã thu thập được trên 150.000 chữ ký và đã chính thức có đơn gửi tới Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Aurelie Filippetti, yêu cầu phía Pháp trả bức tranh về cho "quê hương" của nó. Cụ thể ở đây là Bảo tàng Uffizi ở Florence (Italia), nơi nó đã từng được trưng bày vào năm 1913.

Như chúng ta đã biết, Leonardo da Vinci bắt đầu thực hiện bức họa vào năm 1503 tại Florence. Bức họa được làm theo đơn đặt hàng của chính gia đình nhân vật trong tranh - nàng Lisa del Giocondo, vợ một doanh nhân buôn lụa giàu có (bức họa này còn có tên gọi khác là "La Giocondo"). Do chiến tranh loạn lạc, năm 1516, Leonardo da Vinci tạm chuyển sang cư trú tại Pháp. Ông đã mang bức họa này theo. Có giả thuyết cho rằng, sau khi da Vinci mất đi, vua Pháp Francois I đã mua lại bức họa từ người thừa kế của ông. Bức họa được lưu giữ qua các triều đại, đến cuối thế kỷ XVIII, sau Cách mạng Pháp, người ta chuyển "Mona Lisa" đến cung điện Louvre, sau này trở thành Bảo tàng Louvre.

Năm 1911, bức họa "Mona Lisa" bị đánh cắp khỏi Bảo tàng Louvre. Đây là một sự kiện gây chấn động cả thế giới thời ấy. Hàng ngàn cảnh sát được tung vào cuộc. Phải sau 28 tiếng đồng hồ các nhân viên bảo tàng mới nhận ra rằng, bức họa đã bị đánh cắp chứ không phải là được mang đi chụp ảnh hoặc nghiên cứu. Bảo tàng đã phải đóng cửa cả tuần để phục vụ công tác điều tra.

Sau khi bức họa bị đánh cắp, có đến cả năm trời lãnh đạo Bảo tàng Lourve đã không cho treo bức họa nào trám vào khoảng tường trống ấy. Nhiều du khách đã tụ tập ở nơi bức chân dung nàng Mona Lisa án ngự trước đây để bày tỏ sự luyến tiếc.

Hai năm sau, người ta phát hiện bức họa được trưng bày tại một ngôi nhà ở Florence, là nhà của Vincenzo Peruggia - một cựu nhân viên Bảo tàng Louvre. Vincenzo Peruggia là người gốc Italia. Khi bị bắt, anh ta biện minh rằng việc anh ta đánh cắp bức họa không phải với ý định bán lấy tiền mà xuất phát từ mong muốn bức họa phải được trả lại cho nhân dân Italia. Chính vì "tinh thần yêu nước" này mà mặc dù phạm tội, Vincenzo cũng chỉ phải ngồi tù có vài tháng.

Trong thời gian Vincenzo thụ án, tranh thủ cơ hội "nghìn năm có một", chính quyền Italia đã đưa chân dung nàng Mona Lisa về treo tại Bảo tàng Uffizi, Florence một thời gian ngắn, sau đó chuyển tới Rome trước khi trả nó lại cho Bảo tàng Louvre.

Sau gần 100 năm, nỗi mong ước được đón nàng Mona Lisa trở về cố quốc một lần nữa lại cồn lên trong lòng hàng vạn người dân Florence nói riêng và người dân Italia nói chung. Theo ông Silvano Vincenti, Ủy ban Quốc gia về di sản, môi trường, văn hóa và lịch sử Italia mong muốn kiệt tác "Mona Lisa" được trả lại vào năm 1913 và nếu "sự trở về" của bức họa diễn ra thì đó sẽ là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử lớn lao, bao gồm cả tính biểu tượng và giá trị tinh thần. Tuy nhiên, hiện tại, đề nghị này đã bị phía người Pháp cự tuyệt.

Nếu du khách có dịp đặt chân tới Bảo tàng Louvre, hẳn họ sẽ rất ngạc nhiên khi thấy bức họa thuộc diện đắt giá và nổi tiếng bậc nhất thế giới này thực chất có kích cỡ khá khiêm tốn. Nó gần như lọt thỏm giữa nhiều tác phẩm bề thế của các danh họa khác. Không những vậy, trải qua bao thăng trầm, trong đó có lần (vào năm 1956), do bị "ghen tức", bức họa đã bị hủy hoại nặng nề bởi acid, phải đưa đi phục chế.

Tất nhiên, đó không phải là lý do để người Italia có thể dễ dàng đòi lại kiệt tác này

Anh Vũ
.
.