Kỷ niệm 59 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2013)

Yêu Hà Nội theo cách của... Quang Phùng

Thứ Tư, 16/10/2013, 08:00

Không thích người ta gọi mình là nghệ sĩ nhiếp ảnh, Quang Phùng bảo: "Cứ gọi tôi là nhà nhiếp ảnh, thế là sang rồi. Nhiếp ảnh gia nghe nó Tàu lắm".

1. Suốt bao năm nay, Quang Phùng vẫn sống cùng vợ trong một căn phòng nhỏ ở số 10 xóm Hà Hồi (Hà Nội). Bữa tôi đến, ông đang nằm khểnh trên chiếc giường cá nhân và đọc báo cho vợ nghe. Ông bảo, vừa đi "một vòng" về nên ngả lưng thư giãn. Tay ông vẫn còn cầm chiếc lá bàng khô. Ông bảo, đang đi trên đường Bà Triệu thì cái lá khô ấy nó rơi vào đầu. Ông thấy "vạn vật có tình" nên không vứt đi, cầm về nhà, vừa nằm đọc báo vừa phe phẩy như cái quạt. Dạo trước, một lần đi trên Bờ Hồ, cũng có một chiếc lá của một loài cây lạ, ông không biết tên, rơi vào đầu. Ông cũng nhặt về, để khô, gài vào chiếc khung ảnh treo trên tường. Và mỗi khi thấy khó thở, ông cầm chiếc lá ấy xuống, và tự nhiên thấy đỡ hẳn. Với Quang Phùng, khi ta biết nâng niu một chiếc lá, cũng có nghĩa là ta biết yêu cây xanh, yêu sự bình yên của trời đất.

Quang Phùng bảo, người ta cứ thích thần thánh hóa cái nghề nhiếp ảnh, xưng tụng với những mỹ từ như "tác phẩm nhiếp ảnh", "nghệ sĩ nhiếp ảnh". Đó cũng là cái bệnh chung của người Việt mình. Quang Phùng cố gắng tránh, tự tránh thôi, chứ đôi khi vẫn bị người ta gọi những bức ảnh của ông là "tác phẩm", còn người chụp như ông là "nghệ sĩ". Nhất là báo chí gần đây, khi ông được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, nhan nhản khắp các nơi cứ gọi ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng. Ông thấy thế, chỉ mỉm cười, "vì cái nước chúng ta có một cái bệnh: háo danh, thích hoa hòe hoa sói". Với ông, cái "tác phẩm" của ông mà người ta cứ gọi kia đơn giản chỉ là những bức ảnh, bộ ảnh. Đó có thể là bộ ảnh về gánh hàng rong, về cây cầu và thành phố ven sông, về những tệ nạn quanh hồ Thiền Quang, hay bốn mùa bên Hồ Gươm… Còn cái "nghệ sĩ nhiếp ảnh" kia người ta cứ gọi, ông phải chịu thôi, chứ thực lòng, ông chỉ muốn "an phận" với cụm từ: Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng.

Nhiếp ảnh, với Quang Phùng, đó là công việc. Một công việc ông yêu thích, đam mê và dấn thân. Công việc đó lúc mang lại cho ông niềm vui, lúc lại khiến ông suy nghĩ, thậm chí buồn. Suốt từ năm 23 tuổi đến nay, Quang Phùng có thể thay đổi nhiều phương tiện chụp ảnh, lúc chụp máy phim, lúc chụp máy số to kềnh càng, giờ là "con" Leica nhỏ xíu trong lòng bàn tay, nhưng có một điều ông không thay đổi suy nghĩ: Cái cốt lõi của nhiếp ảnh là tài liệu.

Tuổi 82, tóc búi tó sau gáy, Quang Phùng mủm mỉm cười bảo rằng, ông sống thật với chính mình, không màu mè. Bởi cái nghề mà ông đi theo suốt hơn nửa thế kỷ nay là nhiếp ảnh đòi hỏi thế. Nhiếp ảnh là phải thật, không được diễn. Phim, kịch, sân khấu thì cứ diễn thoải mái, nhưng nhiếp ảnh thì không. Cái dòng đời cuộn trôi kia, anh chỉ bấm đánh "tách" một cái, chỉ là một khoảnh khắc. Và khoảnh khắc đó phải thật, mỗi bức ảnh phải hội đủ "Chân - Thiện - Mỹ". Sự "cực đoan" của Quang Phùng về nhiếp ảnh còn đến mức, với ông, ảnh trong file chưa gọi là ảnh. Mà ảnh thì phải được in tráng/rửa ra và cũng phải đúng kích thước "chuẩn" 20x30cm (ngày xưa là 18x24cm). Chưa in ra, chưa đúng khổ ảnh ấy, ông không coi đó là một bức ảnh của người làm nghề chuyên nghiệp.

Nét đẹp Hà Nội qua một bức ảnh của nghệ sĩ Quang Phùng.

2. Cả cuộc đời của Quang Phùng là cuộc hành trình bền bỉ với nhiếp ảnh. Và tất cả những bộ ảnh của ông là xoay quanh con người, những cảnh ngộ bất công, xoáy quanh sự ngăn cách giàu nghèo. Để chụp được những điều ấy, không dấn thân, không lăn xả vào đời sống chắc chắn sẽ không thành.

Chính vì thế, nhiều năm trước, khi sức còn khỏe, ông đã đeo bám những đề tài đầy tính xã hội như tệ nạn ma túy quanh hồ Thiền Quang. Bây giờ, hằng ngày, bất kể mưa hay nắng, bất kể sáng hay chiều, vẫn thấy ông vai đeo túi vải lững thững chống ba tong đi dọc những con phố, rồi lên Hồ Gươm. Có người bảo ông là "chân đi", vì thế già rồi vẫn không chịu ngừng nghỉ. Lại có người bảo ông đi bộ thế cũng là cách tập thể dục. Cũng có lần có người ví von ông là "người chụp ảnh bằng chân"… Tất cả đều có cái đúng, và có cái… chưa đúng. Quang Phùng đi, vì ông sống theo thuyết "thiên - địa - nhân". Hơn thế, ông đi để quan sát và chớp ghi từng khoảnh khắc, những biến đổi có thể rất li ti dưới một gốc cây, nơi ấy có một ổ mối, một hang chuột đang tàn phá cảnh sắc quanh Hồ Gươm. Quang Phùng quan niệm, việc của nhà nhiếp ảnh là chụp ảnh. Mà muốn chụp được ảnh thì phải đi, bất cứ lúc nào. Sự kiện trong đời sống đợi ai muốn chụp. Vì thế, sự có mặt của người chụp ảnh tại nơi sự kiện xảy ra là điều quan trọng nhất.

Chính bởi thế, ông vừa lên bục nhận Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội chiều hôm trước, sáng sớm hôm sau đã thấy ông có mặt trên Hồ Gươm. Vẫn dáng đi ấy, vẫn nụ cười ấy. Tôi hỏi ông, nếu một ngày nào đó, ông không được đặt bước chân đến Hồ Gươm, ông có buồn không?. "Không, cũng không buồn nữa đâu - Quang Phùng nói - Suốt bao nhiêu năm qua, tôi đã đi không biết bao nhiêu vòng hồ, đã thuộc hết từng cái cây, từng con người gắn bó với hồ Gươm. Nên nếu ngày nào đó không lên đây thì Hồ Gươm đã ở trong tim mình rồi".

Nói chuyện về Hồ Gươm hay về Hà Nội với Quang Phùng cả ngày, thậm chí cả tuần cũng không hết. Những câu chuyện miên man về từng gốc cây, về từng phận người bám lấy góc phố mà sống, về cách người đời ứng xử tàn tệ với môi trường, với cảnh quan. Ông xót xa với việc người ta đào hố quanh các gốc cây ven Hồ Gươm để đặt xuống dưới đó hệ thống chiếu sáng cực lớn, điều ấy có khác gì triệt hạ cây xanh, vì việc đào sâu hàng mét ảnh hưởng tới bộ rễ, và sức nóng của hệ thống đèn có khác nào người ta đang "bức tử" cây xanh. "Tôi nhớ như in hồi mới lên 5, tôi ở số 5 Hàng Gai, thường trốn mẹ ra Bờ Hồ chơi. Lúc ấy, Hồ Gươm là cánh cửa mở ra cho tôi vào đời. Hồ Gươm không phải là quang cảnh, mà là bộ mặt của Hà Nội thu nhỏ, là lá phổi của thành phố. Bây giờ Hồ Gươm là nơi cho tôi những phút giây thư giãn. Nhưng người ta đang đối xử với Hồ Gươm tàn tệ lắm. Đó là những người quản lý xã hội, họ quá thực dụng với Hồ Gươm" - Quang Phùng tâm sự.

3. Trò chuyện với Quang Phùng, những câu chuyện bao giờ cũng dài, cũng miên man và tưởng chừng không dứt. Hỏi ông về 20 triệu đồng nhận từ Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội đã được "xử lý" thế nào? Ông cười: "Việc đầu tiên là tôi đóng thuế cho Nhà nước 10%. Rồi về đóng… tiền điện, tặng cho vợ một ít. Rồi tặng mỗi cháu mỗi đứa mấy đồng, coi như cái lộc". Còn lại chừng 8 triệu đồng, Quang Phùng bảo định dành số tiền đó để… rửa ảnh. Còn nhiều file đã chụp nhưng rửa ra tốn quá, giờ có khoản tiền này sẽ cố làm một cuốn sách nữa. "Cuốn sách này tôi sẽ hướng tới những người Việt ở nước ngoài. Phải cho họ thấy quê hương gần gũi qua những bức ảnh, để họ yêu và gắn bó nhiều hơn với quê nhà" - Quang Phùng mong muốn. Nhưng để làm được cuốn sách đó, Quang Phùng phải chọn lựa từ kho ảnh đồ sộ của ông. Mà việc này thì không thể nóng vội. Nóng vội là rối, là hỏng. "Phải tĩnh tâm, đêm hôm thanh vắng và phải chọn dần dần không sẽ lẫn. Những gì hoa hòe hoa sói nhất quyết phải bỏ đi, phải xé".

Quang Phùng bảo: "Thực ra thì tôi biết mình được giải cũng… lâu rồi, không bất ngờ lắm". Số là mấy năm trước, những người trong Ban tổ chức cũng đã đề xuất trao giải thưởng cho Quang Phùng, nhưng ông từ chối. Không phải ông không thích, mà đơn giản là vì lúc đó ông đang ốm, sức khỏe không cho phép. Bởi ông quan niệm, khi đã chấp nhận mình trở thành người trong một sự kiện thì trước tiên anh phải khỏe mạnh, để đáp ứng được những yêu cầu tối thiểu của sự kiện đó. Anh phải lên bục nhận giải, anh phải trả lời phỏng vấn báo này đài kia… Tất cả, phải có sức khỏe. Năm nay, Ban tổ chức trao cho ông, ông nhận, vì ông thấy mình khỏe. Và ông vui, không phải vì được giải mà vui, mà thấy cái tình yêu Hà Nội của mình đã được công nhận

Nguyễn Thanh Bình
.
.