Kỷ niệm 67 năm ngày Quốc Khánh 2-9

Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn

Thứ Hai, 10/09/2012, 08:01
Nhà thơ Tố Hữu là người có nhiều câu thơ hay về Bác Hồ, trong đó có một câu rất giản dị mà sâu sắc thường vẫn hay được trích dẫn trên đài, báo mỗi khi chúng ta hồi nhớ về công ơn của Bác. Vâng, đó quả thực là một câu giản dị, giản dị đến độ ngỡ như ai cũng hiểu, cũng thấm hết được cái hay của nó. "Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn" ...

Thử hỏi còn gì giản dị, dễ hiểu hơn? Ngạn ngữ phương Tây có câu: "Hãy nói cho tôi biết anh chơi với ai, tôi có thể nói anh là người thế nào?". Chúng ta yêu kính một con người "giản dị mà vĩ đại", học tập tấm gương đạo đức của một con người "giản dị mà vĩ đại" (thơ Chế Lan Viên: "Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc") thì có nghĩa tâm hồn chúng ta cũng được trong hơn lên, được sáng hơn lên. Có lẽ cả tôi và các bạn, ai cũng cảm thấy cái hay, cái đúng của câu thơ trên.

Nhưng hôm nay, trong bầu không khí thành kính tưởng nhớ Bác, vị Chủ tịch đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tôi bỗng như hiểu thêm một tầng ý mới của câu thơ Tố Hữu. Vâng, ngoài ý nghĩa tôi đã phân tích, dường như câu thơ còn có một ý nghĩa nữa: Đó là, chỉ những người tâm hồn thực sự trong sáng mới biết yêu Bác, mới có thể yêu Bác đúng với nghĩa của từ này. Như vậy, biết yêu Bác cũng chính là một trong những thước đo để đánh giá phẩm cách đạo đức của mỗi người.

Ai đó đã nói "Không có vĩ nhân dưới con mắt của người hầu phòng", có nghĩa là với cách nhìn của người ở cự ly gần, nhất là trong tư thế người phục vụ, thì chẳng ai còn là vĩ nhân được nữa cả. Ở gần thì mọi sự đẹp đẽ vốn được che đậy khéo léo sẽ chẳng mấy chốc bộc lộ ra, và như vậy thì lòng tôn kính của người hầu cận với các vĩ nhân cũng bớt đi. Bác Hồ của chúng ta là một vĩ nhân, song Bác không xem các nhân viên, cán bộ phục vụ là người "hầu phòng". Và, một điều thật đặc biệt so với nhiều nhà lãnh đạo khác trên thế giới: Đọc hồi ký, hồi ức của các cán bộ, từ cấp thấp đến cấp cao - những người có dịp làm việc, tiếp xúc nhiều với Bác, ta thấy ai cũng một niềm yêu thương, kính trọng Người.

Bác Hồ với nhân dân Thủ đô (năm 1959).

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một trong những người được làm việc thường xuyên với Bác và rất sớm có sách về Bác (cuốn "Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc", xuất bản năm 1948). Cuốn sách có nhiều nhận định sâu sắc, thuyết phục về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, trong đó tôi rất bất ngờ và ấn tượng với một nhận xét của cố Thủ tướng: "Người Việt Nam nào cũng hiểu Hồ Chủ tịch là người thế nào, thường nói gì, suốt đời làm gì. Người bình dân mộc mạc lại còn hiểu Hồ Chủ tịch dễ hơn người khác". Rất chí lý. "Đời đồng chí Hồ Chí Minh trong như ánh sáng" (nhận xét của cố Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brezhnev), người ngoài nước còn thấy được như vậy, lẽ nào người trong nước không nhìn ra? Tôi nghĩ mọi điều ai cũng thấy cả, chẳng qua vì cái tâm không sáng, vì mục đích này khác mà ai đó cố tình lèo lái sự việc, lèo lái vấn đề theo hướng khác mà thôi. Bởi thế ta mới thấy, những người to mồm nhất trong việc phỉ báng, thóa mạ, công kích thần tượng Hồ Chí Minh lắm khi lại là những người ít nhiều có vốn liếng tri thức. Cái khác chăng so với "người bình dân mộc mạc" là họ làm mọi việc vì động cơ cá nhân thấp kém mà thôi.

Bởi thế mới có chuyện, sau ngày Cách mạng thành công, khi thế nước ngàn cân treo sợi tóc, Bác đã phải vận dụng hết các nỗ lực ngoại giao, kể cả xuống thang, nhẫn nhịn, kể cả dùng tiền, vàng để tác động các thế lực thù địch, mong sao giữ được nền độc lập non trẻ. Các phe phái chống đối đã lợi dụng cách xử lý vấn đề mềm mỏng ấy của Bác để lên tiếng công kích, thậm chí còn "tri hô" là Bác…bán nước (đến độ trước khi sang Pháp, Bác phải lên tiếng trấn an đồng bào Nam Bộ rằng: "Hồ Chí Minh không phải là người bán nước" và dặn: "Đồng bào yêu mến tôi, nghe lời tôi"). Vậy mà rồi "mềm" cũng không xong với bè lũ thực dân, chúng ta buộc phải bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến. Ngay cả trong trường hợp "cực chẳng đã" này của Đảng, của Bác, vẫn lại có những ý kiến nhân danh "trí thức", "học giả" phê phán vị lãnh tụ của chúng ta đã đẩy cả dân tộc vào cuộc chiến tranh tàn khốc. Thì ra, với những "đòi hỏi" như vậy, họ rõ ra là những người "nói kiểu nào cũng được".

Chung qui thì việc họ muốn tìm cách bôi nhọ, xóa đi một biểu tượng cũng là xuất phát từ động cơ vụ lợi về chính trị mà thôi

Nguyễn Trường Văn
.
.