Xung quanh việc ngừng mở trại sáng tác Điêu khắc quốc tế lần thứ 6: Lỗi hẹn vì đâu?

Thứ Tư, 19/05/2010, 11:13
Đã 5 kỳ Festival Huế, lần nào các nhà tổ chức cũng đều mở Trại sáng tác Điêu khắc quốc tế (STĐKQT) và dành tác phẩm làm quà tặng lễ hội cũng như trưng bày cho nhân dân và các đại biểu về dự thưởng thức. Nhưng thật bất ngờ, đến kỳ thứ 6 năm nay, mọi người hay tin trại này đã bị hủy bỏ với lý do chưa xây dựng được Trại STĐKQT.

Ban Tổ chức còn cho biết, ngoài lý do trên, trại không được tổ chức còn xuất phát từ nhiều nguyên do khác. Vậy 5 kỳ Trại STĐKQT trước đây sao không gặp vướng mắc kiểu đó, và đâu là sự thật đã làm nên sự "lỗi hẹn" với mọi người?

Tượng bị bỏ rơi do đâu?

Có thời gian dư luận cứ đổ riệt cho ý thức của người dân xứ Huế kém, khi du đổ hay bẻ gãy các chi tiết của tượng. Điển hình là bức tượng "Hoa trinh nữ" của Tonym De Leon Imao (Singapore), một tác phẩm có giá trị, đã bị ai đó bẻ gãy hai bàn tay. Ngoài những tác phẩm bằng kim loại, hoặc bị người dân "xẻ thịt"; hoặc bị thời tiết ăn mòn, ôxy hóa vì chất liệu kém, các tượng nhựa, tượng ximăng cũng bị đập, bẻ, làm sứt mẻ nhiều chỗ. Họ đã làm hỏng một số tượng được bày trên hai bờ sông Hương, sau mấy lần tổ chức Trại STĐKQT tại TP Huế.

Thực ra, sự thiếu trách nhiệm của những người quản lý văn hóa mới chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. "Của" cả đống tiền như thế mà họ dồn hết ra hai bờ sông, nói là để người dân thưởng thức, thật ra đó là sự bỏ mặc. Nhiều người thấy vậy cũng "té nước theo mưa", chẳng tội gì mà trông nom gìn giữ, kể cả khi thấy ai đó tàn phá các bức tượng. Đó là chuyện của 3 trại STĐKQT về trước.

Đến lần thứ 4 (trại được tổ chức vào năm 2006), thì những người có trách nhiệm lại giam hàng chục bức tượng vào trong Khu du lịch sinh thái Thủy Tiên để bán vé cho người muốn vào xem. Họ đã vô tình làm tổn hại đến mục đích quỹ Ford (tài trợ nhằm phát triển văn hóa dân sinh), chỉ để phục vụ cho chuyện làm ăn của doanh nghiệp. Chưa hết, tiếp tục đi ngược lại mục đích phục vụ cộng đồng, tổ chức trại STĐKQT lần thứ 5, năm 2008, họ lại "trao thân gửi xác" toàn bộ tượng cho Khu du lịch Abalone nằm ở vùng ngập mặn, sát bờ phá Tam Giang. Và thật trớ trêu, cuối năm 2008, doanh nghiệp này bị phá sản và đem rao bán. Thế là mấy chục pho tượng bị các nhà chức trách "cầm tù" thật sự trong vòng vây rào gai và ngập lụt.

Dù đã biết trước sự cố sẽ xảy ra, song họ không hề có cách cứu gỡ mà phủi tay, coi như không có chuyện gì đáng can dự. Tác phẩm "Nụ hôn" của Nguyễn Thị Kim đã bị hơi nước mặn ăn mòn. Hai chiếc thuyền trong tác phẩm "Nơi gặp gỡ" của điêu khắc gia Sue Pedly, người Úc đã bị "chết đuối" dưới nước hay bị mất đâu không ai rõ. Ngay tượng "Ngôi chùa lớn ở Huế" của Miguel Velit (Peru), đặt ở vị trí thấp, tiếp giáp với rừng sú, nên phần nền thường xuyên bị ngập nước khi có triều cường. Lẽ dĩ nhiên, cùng với điều kiện đó, tượng "Mở cửa" bằng sắt của Lê Thị Hiền cũng đã bị "rỉ máu". Và tác phẩm của nhà điêu khắc Clera Martin, người Úc đã bị ai đó giăng lưới bắt cá vây quanh là chuyện không còn làm ai ngạc nhiên. Cách hành xử như vậy đối với những bức tượng, kết quả của hai trại STĐKQT cuối cùng, các nhà quản lý chẳng có thể đổ vấy cho người dân. Không biết khi các nhà điêu khắc quốc tế quay trở lại Huế, thấy tác phẩm của mình bị "đày đọa" như vậy, liệu họ có muốn tiếp tục tham gia trại nữa không?

Do đó, chuyện Trại STĐKQT, vào dịp Fesival Huế năm 2010 không được tổ chức đâu hẳn chỉ vì không lo được mặt bằng. Còn một số "nguyên do" khác mà Ban Tổ chức nói đến có lẽ không ngoài sự thiếu trách nhiệm của chính họ. 

Tượng bị "đục khoét" trong công viên Lý Tự Trọng.

1001 chuyện khách mời và chọn tác phẩm   

Nhiều người đã biết, chất lượng của một trại sáng tác thường phụ thuộc vào việc mời được nhiều nhà điêu khắc có tài. Nhưng các trại STĐKQT ở Huế, cũng giống như những trại ở tỉnh khác, không ít trại viên "tầm tầm" được dự nhiều lần, kể cả khách mời nước ngoài.

Điêu khắc cũng như một số ngành nghệ thuật khác, để ra tác phẩm đòi hỏi phải có thời gian. Một số trại đã có những tác giả nổi tiếng đóng góp tác phẩm xuất sắc cho vườn tượng như Tạ Quang Bạo, Lê Công Thành, Nguyễn Hải, Phan Anh Hưng, Đào Châu Hải, Vương Học Báo, Lê Kiên… Tuy vậy trong số đó có những người, cả đời chỉ có vài mảng miếng, các tác phẩm hao hao giống nhau về ý tưởng cũng như về bố cục. Ấy là chưa nói đến việc, có những người chưa một lần làm các công trình điêu khắc ngoài trời, hoặc có tác giả chỉ là họa sĩ hay nhà lý luận cũng được mời dự trại…

Hơn nữa, hiện nay phong cách nghệ thuật của nhiều tác giả trong nước còn ở mức "quân bình", còn các nhà điêu khắc nước ngoài; dù cho ngôn ngữ điêu khắc, cách giải quyết khối của họ rất rõ ràng, nhưng lại quá chú ý tới sự tìm tòi, thiên về tính trừu tượng, nên chất lượng tác phẩm không đồng đều. 

Do vậy sau khi kết thúc trại, công việc nghiệm thu, chọn lựa tượng... không hề dễ dàng chút nào. Bởi lẽ ai cũng rõ, điêu khắc ngoài trời, cụ thể là trong vườn có đặc trưng ngôn ngữ riêng. Không phải nhà điêu khắc nào cũng có thể làm được tượng đài, tượng vườn, tượng trang trí ngoài trời.

Bên cạnh đó, một số tượng sử dụng chất liệu của trại không bền, nên đã bị hỏng theo thời gian, nhiều chi tiết nhỏ rất khó bảo quản. Có trại dùng chất liệu chủ yếu là đá trắng nên rất đơn điệu, gây nhàm chán cho người xem. Thêm nữa, hiện tượng bày tượng quá dày đặc, trong một diện tích hẹp cũng tạo nên cảm giác chật chội, khó thưởng thức trọn vẹn từng tác phẩm. Đây cũng là căn bệnh không chỉ ở các vườn tượng Huế mà còn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Có người ví von cách bày tượng san sát như vậy giống như... bãi tha ma không hề quá đáng chút nào.

Về hiện tượng này, Tiến sĩ , điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên đã nhận xét:

 - Các trại sáng tác điêu khắc có chất lượng chưa tốt chiếm tới 80%. Mặt khác, các địa phương thường mở trại do nhu cầu lễ hội hơn là nghệ thuật. Ngay cả địa phương không có nhu cầu vẫn cứ rôm rả mở trại, đến khi kết thúc thì không biết đặt tượng ở đâu.

Những vườn tượng ở Huế là minh chứng điển hình cho hiện tượng này. Bày la liệt tượng ở 3 công viên bên bờ sông Hương, sau đó còn "nhốt" hàng chục tượng ở hai khu du lịch để làm thành kho bãi hàng phế thải. Mỗi lần vào mùa mưa lũ, các tượng đều bị "chết đuối" là vì vậy.

Mô hình nào cho sân chơi chuyên nghiệp

Việc dừng mở Trại STĐKQT lần này ở Huế cũng là bài học cho khá nhiều địa phương đang chạy theo "mốt" sính trại điêu khắc, như một trò chơi thời thượng. Bởi lẽ cách làm ở các địa phương không khác mấy kiểu triển khai ở Huế, và cũng gặp sự bế tắc ở khâu chọn lựa và không gian bày tượng.

Có lẽ, với nhiệm kỳ hai năm một lần theo Festival Huế, thì khâu chọn trại viên là quyết định nhất. Cần rũ bỏ cách làm cũ, mời tràn lan, theo thói quen hay vị nể, thực hiện như một chuyến đi du lịch, an dưỡng định kỳ cho bạn bè đồng nghiệp. Mà nên chăng, mỗi kỳ trại cần nêu ra chủ đề, nội dung thích hợp cho từng Festival để kêu gọi người tham gia. Sau đó, mỗi người đều phải nộp phác thảo nghệ thuật để hội đồng chuyên môn chọn ra những tác phẩm chất lượng nhất mới được tham dự chính thức, kể cả khách mời nước ngoài. Do vậy, số lượng mỗi kỳ mở trại không cần nhiều. Đặc biệt, lượng khách mời cần thay đổi ít nhất hai phần ba số người tham gia, sau mỗi lần mở trại.

Kinh nghiệm ở Hàn Quốc, mỗi trại họ chọn lọc và chỉ mời 5 tác giả trong nước và 5 tác giả nước ngoài. Đặc biệt, họ có kèm theo kế hoạch xử lý không gian để tượng được "thở", chứ không gom chật ních vào công viên như ở ta. Lần mở trại tiếp theo, họ mời các tác giả khác. Do đó chất lượng nghệ thuật luôn luôn có sự đổi mới. Không ít quốc gia trên thế giới chỉ mời mỗi tác giả làm tượng duy nhất một lần trên lãnh thổ của họ; rất ít có trường hợp được mời lần thứ hai. Đây cũng là điều các địa phương ở ta nên tham khảo?

Phải có một phương thức triển khai rạch ròi mới không còn chuyện những bức tượng bị hư hại sau khi kết thúc trại sáng tác điêu khắc như đã từng xảy ra

Lưu Cường
.
.