Xung quanh đơn kiện về việc phát hành truyện "Tin Tin ở Conggo": Những ý kiến trái chiều

Thứ Sáu, 09/03/2012, 08:00

Ngày 10/2 vừa qua, Tòa án Brussels (Bỉ) đã chính thức bác đơn kiện của một công dân Congo tên gọi Bienvenu Mbutu Mondondo khi người này yêu cầu phải cấm phát hành cuốn "Tintin ở Congo" vì cho rằng trong cuốn truyện tranh, tác giả Herge đã thể hiện một thái độ phân biệt chủng tộc rõ rệt. 

Theo phán quyết của Tòa án thì Herge (họa sĩ người Bỉ, 1907- 1983, tên thật là Georges Remi) khi viết tập đầu của bộ truyện "Tintin" vào năm 1929 đã "không hề mang động cơ phân biệt chủng tộc". Bản thân Herge lúc sinh thời cũng từng không ít lần phải giải thích rằng, những gì ông viết hoàn toàn chỉ là vô tình, không có ý xúc phạm các độc giả da đen. Thực tế là trong những lần tái bản sau đó, một số cảnh trong cuốn truyện tranh đã được đích thân tác giả chỉnh sửa lại.

Bộ truyện lần đầu tiên ra mắt độc giả là bằng tiếng Pháp, trên phụ trang dành cho trẻ em của Báo Le Vingtième Siècle (Bỉ) với tên gọi "Những cuộc phiêu lưu của Tintin". Từ đó đến nay, hơn 80 năm trôi qua, bộ truyện tranh đã thu hút sự say mê của các độc giả thuộc nhiều lứa tuổi trên khắp thế giới, đặc biệt là các bạn nhỏ. Ước tính, bộ truyện đã được ấn hành tới trên 200 triệu bản và được dịch ra 70 thứ tiếng. "Những cuộc phiêu lưu của Tintin" từ tập đầu tới tập cuối (được tác giả hoàn tất vào năm 1978) gồm cả thảy 24 tập. Bộ truyện tranh này đã thực sự đi sâu vào đời sống, xuất hiện trên radio, sân khấu, truyền hình, phim ảnh. Không chỉ vậy, hình ảnh của nó còn xuất hiện trên tem thư và trên đồng 10 euro.

Trở lại với đơn kiện của Bienvenu. Anh này là sinh viên Congo theo học tại một trường đại học ở Brussels. Bởi trong quá khứ, Congo từng là thuộc địa của Bỉ cho nên Bienvenu rất nhạy cảm với vấn đề "ông chủ da trắng" và "các đầy tớ da đen" trong cuốn truyện. Đơn kiện của Bienvenu được nộp từ đầu tháng 8-2007. Trong đơn, Bienvenu tỏ ra rất quyết liệt: "Tôi muốn dừng ngay việc bán cuốn truyện đó trong các cửa hàng, bất kể người mua là người lớn hay trẻ em. Cuốn truyện mang đậm yếu tố phân biệt chủng tộc và sặc mùi chủ nghĩa thực dân". Ngoài yêu cầu tiêu hủy cuốn sách, Bienvenu còn đòi NXB giữ bản quyền cuốn truyện là Moulinsart nộp phạt tượng trưng một euro.

Bên cạnh việc ngăn chặn phát hành cuốn truyện, trong hơn 4 năm qua, Bienvenu còn ra sức yêu cầu các đơn vị xuất bản cho dán nhãn cảnh báo trên bìa sách, hoặc ghi thêm đôi dòng ở lời đề tựa, rằng cuốn truyện được tác giả viết ra trong thời đại khác.

Được biết, trước khi anh chàng sinh viên Bienvenu đâm đơn kiện lên Tòa án Brussels ít lâu, Ủy ban về Bình đẳng chủng tộc ở Anh cũng từng đề xuất cấm lưu hành cuốn truyện bởi nội dung của nó chứa đựng "những định kiến tồi tệ về chủng tộc". Đồng quan điểm này, Tập đoàn sách Borders đã chuyển đối tượng độc giả từ thiếu nhi sang người lớn. Riêng NXB Egmont UK thì cho phát hành sách với một dải băng ghi rõ hoàn cảnh ra đời của cuốn truyện kèm lời nhắc nhở, định hướng độc giả, trong đó có đoạn: "Vẽ nên bức tranh đất nước Congo thời còn là thuộc địa của Bỉ, tác giả Herge trẻ tuổi đã phản ảnh cách cư xử của con người dưới chế độ thực dân. Việc mô tả người dân châu Phi dưới một góc nhìn định kiến, mang dấu ấn tư sản có thể làm nhiều người thấy mình bị xúc phạm".

Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà văn Anh Harry Mount thì mặc dù trong cuốn truyện, người châu Phi được miêu tả là "suy nghĩ đơn giản", "không biết làm toán", "hết lòng tôn sùng người da trắng vĩ đại" và cách mô tả đó là "khó có thể chấp nhận được trong một xã hội hiện đại", song không vì thế mà ông đồng tình với việc loại cuốn sách ra khỏi đối tượng độc giả là các bạn nhỏ. Theo Harry Mount, đừng coi thường các độc giả nhỏ. Vả chăng, việc cấm đoán như vậy là không phù hợp với một tác phẩm có tính hư cấu.

Được biết, sau khi có phán quyết của Tòa án Brussels, anh chàng sinh viên Bienvenu đã nộp đơn kháng cáo và thề sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng

Trịnh Duy Mạnh
.
.