Xuất bản chuyển hướng: Cơ hội và thách thức

Thứ Bảy, 11/06/2016, 08:02
Trong khi ngành xuất bản của không ít quốc gia “than thở” hoạt động của ngành đã qua thời “đỉnh cao” thì nhiều năm trở lại đây, xuất bản Việt Nam vẫn được coi là mảnh đất mới với nhiều tiềm năng chưa khai phá hết. Xuất bản đang có nhiều sự chuyển dịch đáng kể, thậm chí là những sự “đảo chiều” khá ngoạn mục, kéo theo nhiều cơ hội mới cho xuất bản Việt. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho đội ngũ những người làm xuất bản cũng không hẳn ít.


Trong chuỗi hoạt động nhằm trao đổi về hoạt động xuất bản, đặc biệt là về bản quyền của Nhật Bản và Việt Nam mới đây tại TP Hồ Chí Minh, đại diện Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản, ông Yamamoto chia sẻ rằng, ngành xuất bản của Nhật Bản hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức.

Thời điểm xuất bản của Nhật Bản phát triển cao nhất là từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khi kỹ thuật số càng phát triển thì số lượng người sử dụng sách ngày càng giảm. Kết quả thu thập số liệu và tổng hợp của Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản cho thấy, hiện tại, Nhật Bản chỉ còn khoảng 14.000 cửa hàng sách. Nếu trước đây, Nhật Bản có khá nhiều công ty sách có đến khoảng 1.000 cán bộ công nhân viên thì hiện nay, số công ty này không nhiều. Số lượng công ty làm phát hành sách cũng đang giảm dần. Thống kê cho thấy, năm 2015, doanh thu ngành xuất bản Nhật Bản đạt 160 triệu Yên, chỉ bằng 2/3 so với thời ngành xuất bản Nhật ở “đỉnh sóng”. Có những đầu sách bị công ty phát hành trả lại đến 40%.

Tọa đàm về bản quyền – “câu chuyện” được quan tâm hàng đầu của những người làm xuất bản Việt – Nhật trong khai phá thêm thị trường xuất bản.

Về mặt bản quyền, xưa nay, không chỉ với riêng lĩnh vực xuất bản, Nhật Bản được coi là một trong những quốc gia thực hiện khá nghiêm ngặt trong việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ bản quyền, chi trả tác quyền. Cả đại diện Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản và đại diện nhiều đơn vị làm sách tại Nhật đều cho rằng việc sao chép toàn bộ tác phẩm hoặc sao chép một phần để sử dụng mà không tuân thủ theo đúng quy định của luật pháp nước này vẫn xảy ra nhưng không nhiều.

Xưa nay, người sử dụng bản sao chép tại Nhật vẫn thực hiện nghĩa vụ khá tốt. Tuy nhiên, về bản quyền sách điện tử, đặc biệt là việc sao chép, phát hành bản sách điện tử trái phép của Nhật Bản tại nước ngoài, gần như đại diện 19 đơn vị làm sách của Nhật Bản đến Việt Nam lần này đều thừa nhận rằng đó là vấn đề khiến họ trăn trở rất nhiều hiện nay.

Thực tế, có thể nói, việc Hiệp hội Xuất bản Nhật Bản kết nối và tổ chức đưa đại diện 19 đơn vị làm sách của Nhật qua Việt Nam cuối tháng 5/2016 cũng là cách để những người làm sách Nhật Bản tìm kiếm và mở rộng thị trường một cách có hệ thống hơn. So với nhiều quốc gia khác, đặc biệt là các nước phát triển - thị trường đã “bão hòa” thì Việt Nam, xét trên bình diện chung, vẫn đang là thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Theo Hội Xuất bản Việt Nam, trong nhiều năm trở lại đây, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả chung cho thấy, ngành Xuất bản Việt Nam vẫn tăng trưởng đáng kể. Riêng năm 2015, Việt Nam xuất bản khoảng 29.000 tựa sách tương ứng với gần 400 triệu bản sách.

Tổng doanh thu ngành xuất bản Việt đạt khoảng 3.300 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với khoảng chục năm trước. Số lượng các nhà phát hành lớn, có quy từ 10 nhà sách trở lên ngày càng nhiều. Có những đơn vị phát hành, chỉ trong vài năm gần đây, số lượng nhà sách mới mở trên cả nước tăng gấp đôi.

Không chỉ tập trung ở các khu trung tâm, các đô thị lớn, hệ thống nhà sách được mở rộng dần về các khu ngoại thành, các tỉnh lẻ. Hệ thống phát hành điện tử được tập trung, đầu tư phát triển khá rầm rộ, chuyên nghiệp, kể cả các đơn vị chuyên về phát hành lẫn các nhà xuất bản.

Ngay nội tại của ngành Xuất bản Việt Nam hiện nay cũng đang có xu hướng chuyển dịch theo hướng tích cực, linh động hơn, phù hợp hơn cho phát triển thị trường xuất bản. Ngay Hội Xuất bản Việt Nam cũng khẳng định, nếu trước đây, hoạt động xuất bản hoàn toàn phụ thuộc vào các nhà xuất bản, nhà làm sách tư nhân phải “lụy” nhà xuất bản để đưa sách đến với bạn đọc, thì hiện nay, hoạt động xuất bản đang có xu hướng “đảo chiều”.

Trong khi nhiều nhà xuất bản hoạt động èo uột, có nguy cơ đóng cửa thì nhà làm sách tư nhân liên tục phát triển cả về số lượng lẫn quy mô, chủ động hơn trong việc chọn lọc, tìm kiếm nguồn sách, kể cả các đầu sách ăn khách của nước ngoài để đưa về phục vụ bạn đọc trong nước.

Nhiều nhà xuất bản trước đây chỉ ung dung ngồi chờ việc thì hiện nay phải “nhờ” ngược lại các đơn vị tư nhân mới có việc làm, đảm bảo doanh thu cho đơn vị. Sự phát triển liên tục của đội ngũ người làm sách tư nhân là một trong những nguyên nhân thúc đẩy thị trường xuất bản phát triển và phong phú hơn. Không chỉ người viết sách, làm sách trong nước có nhiều hơn cơ hội đưa sản phẩm đến với bạn đọc mà qua những cầu nối này, chưa bao giờ bạn đọc có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn sách của các quốc gia khác trên thị trường Việt như hiện nay.

Hơn thế, với nhiều đơn vị làm sách, đây còn được coi là nguồn quan trọng để mang về lợi nhuận, thậm chí còn là nguyên nhân gây nhiều tranh cãi trong ngay nội bộ từng đơn vị làm xuất bản.

Trong đợt phát động người Việt Nam viết sách cho thiếu nhi Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà Xuất bản Trẻ từng chia sẻ rằng, thực tế, việc vận động viết và làm sách cho thiếu nhi dễ rủi ro về mặt doanh thu hơn cho đơn vị. Khi đưa ra bàn, nhiều người còn cho rằng không nên.

Lý do là cứ chọn sách nước ngoài về chuyển ngữ, phát hành ra ngoài thị trường, an toàn về mặt lợi nhuận hơn. Làm sách Việt, chưa qua “thử lửa” thị trường, sợ sẽ thất bại. Không kể, vì làm sách Việt cho thiếu nhi Việt, phải tính toán cho giá cả phù hợp. Đáp ứng bài toán về mặt kinh phí thì rất dễ “lệch” với tiêu chuẩn của thế giới, đặc biệt là các nước phát triển.

Trao đổi về bản quyền giữa những người làm xuất bản Việt Nam và Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh.

Chưa tính đến nội dung, ở nước ngoài, sách cho thiếu nhi bị yêu cầu rất chặt chẽ, kể cả về mặt kích thước, màu sắc, độ an toàn về nguyên liệu sử dụng… Nếu áp tất cả các tiêu chí này, sách thiếu nhi Việt coi như chưa “đánh” đã “thua”. Muốn vươn ra thị trường bên ngoài, không còn cách nào khác là những người làm sách phải học “làm sách”, mặc dù, với những loại sách, có khi phải học từ đầu.

Đại diện Cục Bản quyền, ông Xuân Minh cũng khẳng định, hoạt động xuất bản Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực. Xét riêng dưới góc độ bản quyền sách, từ năm 2004 đến nay, người làm sách Việt Nam đã chú trọng hơn.

Nếu hơn chục năm về trước, câu chuyện bản quyền còn khá xa lạ và vấn đề sách giả, sách lậu từng là cơn ác mộng với không ít người làm xuất bản, thì nay, đây là câu hỏi đầu tiên mà người làm xuất bản nghiêm túc trước khi bắt tay thực hiện mỗi ấn phẩm. Riêng với bản quyền sách điện tử nói riêng, kênh phát hành internet cho các ấn phẩm nói chung, câu chuyện bản quyền vẫn còn nhiều vấn đề nan giải.

Đặc biệt là với các địa chỉ phát hành mà máy chủ đặt ở nước ngoài, dù có phát hiện sản phẩm của mình bị sử dụng trái phép hay không, việc xử lý cho được các đối tượng này vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

Thị trường xuất bản Việt Nam đang mở ra không ít cơ hội cho những người làm xuất bản, kể cả trong nước và nước ngoài. Nhưng, việc khai thác các điều kiện này đến đâu vẫn đang còn phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động của người làm xuất bản trong nước.

Nói theo cách của ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam là thị trường sách Việt phát triển nói chung, việc các nhà làm sách nước ngoài tìm đến đội ngũ làm xuất bản trong nước và tìm kiếm cơ hội hợp tác nói riêng là cơ hội nhưng cũng là thách thức với những người làm sách. Liệu rằng sự hợp tác trong tương lai có thành công và có bền vững hay không sẽ còn phụ thuộc rất lớn vào tâm huyết và lòng tin mà đôi bên tạo nên cho nhau. Trong đó, sự trung thực và câu chuyện bản quyền giữ vai trò rất quan trọng.

Những bài học phải trả giá đắt cho câu chuyện thiếu chữ tín trong việc tận dụng các cơ hội hợp tác để cùng phát triển trong lĩnh vực xuất bản đã không phải không có những tiền lệ mà những người làm xuất bản Việt Nam cần nhìn nhận nghiêm túc và nghiêm khắc với chính bản thân mình.

Ngọc Nguyễn
.
.