Xây rạp để chờ... phim ngoại?

Thứ Ba, 22/07/2008, 14:30
Mùa hè năm nay được giới trẻ "ghiền" phim gọi là "mùa hè bùng nổ" bởi sự "đổ bộ" của mấy chục bộ phim ngoại vừa được nhập khẩu về công chiếu trên toàn quốc. "Mùa hè bùng nổ" ấy thực sự bắt đầu từ giữa tháng tư, kéo dài đến tận tháng 9 với ước tính khoảng hơn 30 bộ phim lần lượt ra mắt.

Nghĩ mà buồn cho nền điện ảnh nước nhà: Chìm nghỉm trong hàng đống các "siêu phẩm", chỉ có 2 bộ phim ngắn của Hãng phim Chánh Phương sẽ chính thức ra mắt vào ngày 20/6 tới đây và không biết sẽ "trụ" lại được bao lâu. Xem ra, các rạp chiếu phim của Việt Nam xây lên giờ đây đang chỉ để chờ... chiếu phim ngoại mà thôi...

Phim ngoại thừa thắng xông lên

Trong con mắt của các hãng phát hành phim lớn trên thế giới thì Việt Nam với dân số trên 80 triệu người nhưng vẫn chỉ là một thị trường nhỏ lẻ, chưa phải là khách hàng chiến lược. Song, không vì thế mà khán giả không được xem những bộ phim mới ra lò và còn khá nóng của các nền điện ảnh tiêu biểu trên thế giới.

Mấy năm gần đây, nhờ sự hoạt động tích cực, phương thức liên kết đa dạng của các công ty chuyên nhập phim như Mega Star, BHD, Galaxy... đã cho khán giả Việt Nam có cơ hội được xem những bộ phim gần như cùng thời điểm công chiếu ở các thị trường lớn trên thế giới, hoặc chỉ muộn hơn vài ba tuần.

Chỉ tính riêng mùa hè này, đã có chừng 30 bộ phim mới được nhập về với đủ các thể loại: tình cảm, hành động, phiêu lưu, kinh dị, giả tưởng... của các nền điện ảnh lớn là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc...

Trong vòng chưa đầy hai tháng nay, khán giả đã chứng kiến sự thành công về mặt doanh thu của các phim như "Vua Kungfu", "Người sắt", "Vua tốc độ", "Biên niên sử Narnia: Hoàng tử Caspian", "Indiana Jones 4: Vương quốc sọ người"... Những ngày đầu tháng 6 vừa qua lại chứng kiến sự ra mắt ấn tượng của hàng loạt sản phẩm của điện ảnh Hoa ngữ như "Cảnh sát dân chơi", "Tam giác quỷ", "Bẫy tình", "Thống lĩnh"... Điện ảnh xứ kim chi cũng góp vui với các phim như "Định mệnh", "Găngxtơ học đường", "Trộm báu vật".

Trong hai tháng tới đây, hàng loạt "bom tấn" cũng sẽ được tung vào hệ thống rạp như "Người khổng lồ xanh phi thường", "Nghiệp sát thủ", "Hancock - Anh hùng bệ rạc", "Quỷ địa ngục 2: Đạo quân vàng", "Hiệp sĩ bóng đêm", "Xác ướp: Lăng mộ Tần vương"...

Chưa bàn tới chất lượng nội dung của các phim nước ngoài đổ bộ vào các rạp Việt Nam mùa hè năm nay, bởi vì trong xu thế chung, tiêu chí mà nhiều bộ phim hướng tới vẫn là tính giải trí cao cùng với kỳ vọng có doanh thu khổng lồ.

Trong đó, kỹ xảo được tận dụng một cách tối đa, ánh sáng cũng như âm thanh thực sự là vũ khí; bối cảnh lạ, đẹp mắt, hoành tráng cùng với những diễn viên hàng sao... là những yếu tố "hút" khán giả trẻ.

Không những thế, khán giả còn bị chinh phục bởi các "trailerg" được cắt xén từ những trường đoạn hấp dẫn nhất, gay cấn nhất và cả "nóng bỏng" nhất trong phim đặc biệt kích thích sự tò mò được tung khắp các trang web chuyên và không chuyên về phim ảnh với những lời bình luận, quảng cáo hoa mỹ.

Vì vậy, muốn thỏa chí tò mò, khán giả chỉ còn cách móc hầu bao vào rạp. Ngoài ra khán giả còn bị ngợp trước những chiến dịch quảng cáo của các nhà nhập khẩu phim cũng diễn ra khá bài bản, công phu và... không ngại tốn kém.

Trước đây, Mega Star không ngần ngại khi chi ra hàng chục ngàn USD cho việc quảng cáo, như "Điệp vụ bất khả thi" từng được chi quảng cáo 25.000 USD, phim "Thử thách III- Chinh phục Tôkyô" mức chi quảng cáo  lên tới 20.000 USD... đã đem về cho họ doanh thu tiền tỉ - một con số đáng mơ ước với các nhà làm phim trong nước.

Ngậm ngùi phim nội

Sự "thống lĩnh" các rạp của phim ngoại khiến những ai quan tâm đến điện ảnh chạnh lòng thương cho phim Việt. Hè năm nay, chỉ có 2 bộ phim dài 45 phút "made in Việt Nam" ra rạp, đó là "Chết lúc nửa đêm" và "Bốn thí nghiệm đêm tân hôn" của Hãng phim Chánh Phương.

Thông thường, các hãng phim trong nước phải đợi đến... Tết âm lịch mới dám "xuất chiêu", vì đây là thời điểm khá an toàn cho việc hoàn vốn rồi mới tính chuyện có lãi. Những phim được điểm danh là có doanh thu cao với chiến dịch PR, quảng cáo tốt hơn cả như "Gái nhảy", "Nữ tướng cướp", "Những cô gái chân dài", "Đẻ mướn", "Khi đàn ông có bầu", "Dòng máu anh hùng"... cũng chọn thời điểm này để công chiếu rầm rộ.

Sau đó, sự yên ắng vốn có lại dần trở lại. Nhiều bộ phim của điện ảnh Việt Nam âm thầm sản xuất, âm thầm ra rạp thì chỉ tồn tại được vài buổi là phải nhường chỗ cho phim ngoại. Ngay cả "Cánh diều vàng 2006" là "Chuyện của Pao" trụ được ở cụm rạp của Mega Star ở TP Hồ Chí Minh một tuần, với doanh số 60 triệu thu về, trong khi kinh phí sản xuất phim này không hề nhỏ. Một số phim hợp tác với nước ngoài được đánh giá là có chất lượng nghệ thuật như "Mê Thảo - Thời Vang bóng", "Mùa len trâu", "Thời xa vắng", "Vũ khúc con cò"… cũng không ngoại lệ.

 Có nhiều ý kiến lo ngại cho việc Chánh Phương cho ra mắt phim lúc này, bởi trong ngút ngàn phim ngoại thì việc lựa chọn một bộ phim của nhà sản xuất trong nước không thuộc thứ hạng ưu tiên của khán giả, trong khi giá vé vào rạp là như nhau. Phải thừa nhận rằng nhà sản xuất đã khá dũng cảm khi tung phim vào thị trường lúc này.

Biết rằng đã thua "trắng bụng" ngay trên sân nhà, nhưng dẫu ít vẫn còn hơn "trắng bảng". Rạp của ta xây lên chẳng lẽ lại chỉ để quảng bá cho điện ảnh thế giới và mang lại doanh thu cho các nhà nhập khẩu? Giương mắt nhìn phim ngoại hoành hành trong khi nhiều bộ phim trong nước sản xuất ra lại chỉ để... cất kho, thử hỏi những người có trách nhiệm có thấy đau lòng?

Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy: "Lực lượng làm phim của ta hiện nay không đảm đương được sứ mệnh của mình!"

Trong thời kỳ mở cửa, kinh tế thị trường, những sản phẩm văn hóa trên phương diện nào đó cũng giống như hàng hóa, chúng có quan hệ cung - cầu. Vì thế, nhu cầu của người Việt muốn được tiếp cận với văn hóa bên ngoài nói chung, phim ảnh nói riêng cũng là tự nhiên và cần thiết. Việc nhập phim hiện nay được tiến hành theo nhiều con đường, nhiều phương thức và đương nhiên dễ dàng hơn thời của chúng tôi.

Việc phim ảnh nước ngoài tràn lan trong các rạp hiện nay cũng có hai mặt: Nó thỏa mãn thị hiếu của công chúng đấy song lại  khiến những người quan tâm đến tâm hồn Việt, văn hóa Việt cảm thấy không thỏa mãn, không hài lòng. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, lực lượng làm phim của ta hiện nay không đảm đương được sứ mệnh của mình, đó là đem đến cho cộng đồng những sản phẩm văn hóa thuyết phục hay ít ra là thỏa mãn nhu cầu được giải trí của khán giả.

Đã có quá nhiều bài học về sự hội nhập vội vã, hội nhập văn hóa cũng vậy thôi. Vì vậy, theo tôi bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu của một bộ phận giới trẻ, vì lợi ích lâu dài chúng ta phải thực sự quan tâm đến vấn đề nhập phim một cách nghiêm túc. Ta cần có sự lựa chọn và định hướng rõ ràng, bởi vì phim ảnh cũng là cách thể hiện của tri thức, đạo đức và là văn hóa của từng dân tộc. Với thanh thiếu niên, phim ảnh lại càng có sức ảnh hưởng mạnh mẽ.

Phim của nước ngoài bây giờ, trừ một số phim của những người có trách nhiệm xã hội cao, còn lại chủ yếu phục vụ mục đích thu lợi nhuận. Nhất là với phim Mỹ. Trong xu thế chung, ta không tránh né, mà tránh né cũng không được, nhưng chúng ta không thể buông lơi vấn đề này. Muốn vậy, chỉ có cách điện ảnh của ta phải phát triển để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khán giả.

Nghệ sĩ Chánh Tín - Giám đốc Hãng phim Chánh Phương: "Người ta không làm thì tôi làm"

Xây rạp chỉ để chiếu phim ngoại à? Ai nói mà kỳ cục vậy? Chỉ vì không có phim nội thì phải chiếu phim ngoại mà thôi. Đúng là năm nay đến rạp toàn thấy phim ngoại, phim Việt ra rạp ít quá. Nhưng người ta không làm thì tôi làm, tôi cho công chiếu. Sao lại nói phim của chúng tôi ra mắt lúc này là mạo hiểm?

Càng ít phim Việt thì khả năng thành công về doanh thu của chúng tôi càng cao chứ!

Năm ngoái tôi cũng cho ra mắt hai phim kinh dị "Ngôi nhà bí ẩn" và "Suối oan hồn" cũng có phải là vào dịp Tết đâu mà vẫn "thắng" đấy. Phải thắng tôi mới làm tiếp chứ! Còn doanh thu bao nhiêu tôi không tiết lộ được. Cái đó là bí mật nghề nghiệp.

Mình có gì nói hết ra thì người ta bắt chước làm thì sao? Chắc chắn tôi và Chánh Phương sẽ vẫn tiếp tục với dự án phim ngắn 45 phút với thể loại hình sự và kinh dị.

.
.