Xách ba lô lên và đi (hay nhật ký xuyên quốc gia của cô gái Việt)

Thứ Ba, 16/10/2012, 08:00
Ngày 29/9, Huyền Chip ra mắt cuốn sách "Xách ba lô lên và đi, Tập 1: Châu Á là nhà. Đừng khóc!" (do NXB Văn học ấn hành) tại Tp HCM. Sách vừa ra mắt đã nhận được nhiều đơn đặt hàng và phản hồi tích cực của độc giả trong nước lẫn quốc tế vì sự đặc biệt của nó. Đặc biệt bởi cuốn sách là nhật ký hành trình - một hành trình "điên rồ" của chính tác giả. Đó là 82 câu chuyện phủ mờ bụi đường xuyên Á được kể bằng giọng văn chân chất. Tập 2 về cuộc hành trình tại lục địa đen châu Phi kỳ bí, Huyền hứa hẹn sẽ ra mắt vào cuối năm nay.

20 tuổi, 700 đôla, 25 quốc gia…

Cái tên Huyền Chip (tên thật là Nguyễn Thị Khánh Huyền, sinh năm 1990) đã quá quen thuộc với dân du lịch bụi. Cô gái nhỏ nhắn quê Nam Định, xuất hiện với mái tóc tết kiểu châu Phi luôn khiến họ ngạc nhiên vì những trải nghiệm quá đỗi thú vị của cô. 20 tuổi, vỏn vẹn 700 đô la trong túi, Huyền một mình, một ba lô lang thang từ Brunei, Singapore, Ấn Độ, Nepal, Myanmar đến Israel, Ai Cập, Kenya... Đến nay, khi đang tạm nghỉ chân tại Tp HCM chuẩn bị cho chuyến hành trình đến Nam Mỹ sắp tới, thì số quốc gia in bước độc hành của Huyền đã lên tới con số 25!

Ảnh bìa sách do bạn thân của Huyền, Asher Leiss, chụp khi nhóm đi Sinai, Ai Cập: Hình ảnh cô gái Việt nhỏ bé với chiếc ba lô nặng trĩu đang bước trên cung đường dài hun hút phía trước. Đó là ước mơ của Huyền. Ước mơ ấy bắt đầu từ một buổi nói chuyện với diễn giả người Malaysia khi Huyền học lớp 12 chuyên toán khối THPT Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Theo lời mời của vị diễn giả, Huyền có một công việc khá tốt ở Malaysia mà không cần tấm bằng đại học. Một ngày, Huyền cảm thấy ngột ngạt với chiếc bàn, chiếc ghế văn phòng. Cô chán cái quy trình "Đến trường -> Cạnh tranh để vào đại học -> Tìm việc -> Lập gia đình -> Có con -> Già -> Ước gì cuộc sống của mình thú vị hơn một chút". Tháng 5/2010, cô tạm dừng công việc ở Malaysia, đặt vé máy bay đi Brunei 3 ngày. Đơn giản, đi để giảm căng thẳng, để biết mình muốn gì. Huyền sang Brunei với vỏn vẹn 700 đô la trong túi. Trên đường đi, một người bạn rủ cô chu du sang Đông Malaysia. Kể từ khi đó, Huyền nghỉ việc hẳn để tiếp tục… đi bụi một mình.

Ba mẹ sửng sốt khi nghe "con gái rượu" nghỉ việc: "Thế bây giờ con định làm gì?". "Con không biết nhưng con phải đi đã. Châu Phi hay châu Á gì đó. Ba mẹ cứ coi như cho con đi học vài năm ở nước ngoài". Họ tròn mắt, cứ tưởng con gái mình đang làm một việc ngu xuẩn và điên rồ. Mọi người đâu biết rằng trong Huyền, khát khao đặt chân đến những miền đất xa lạ, được gặp gỡ những con người khác màu da tiếng nói đang cháy bỏng mãnh liệt.

Huyền hồn nhiên đi, không lịch trình, không người hướng dẫn. Những ngày đầu tiên ở Brunei, Huyền khóc bởi cảm giác lạc lõng. Đó là nỗi nhớ nhà, là cú sốc văn hóa ở một nơi xa lạ. Nhiều khi Huyền chỉ muốn kết thúc chuyến đi và nhanh chóng trở về nhà. Cô bị cướp giật, bị trấn lột máy ảnh, tiền bạc, bị quấy rối vì là người nước ngoài. Lần suýt bị người đàn ông Israel bắt cóc khiến Huyền còn rùng mình khi kể lại: "Một ông luật sư thuê em dịch các tài liệu, giấy tờ sang tiếng Anh. Em bắt đầu làm từ 8h tối, dự tính đến 10h là nghỉ nhưng ông ta cứ bắt em làm thêm và hứa tăng thù lao. Đến 2h sáng, em đòi trả tiền để về nhà. Ông ta bảo không có tiền. Kì kèo một hồi thì ông ta chịu ký tấm séc. Nhưng em không đọc được tấm séc chữ Do Thái. Em bảo ông ta đưa em về nhà. Về tới nhà thấy bạn em, ông ta không dừng lại mà ấn ga chạy luôn. Em sợ lắm. Không biết ông ta chở đi đâu nên nhắn tin cho bạn, bảo cứ 5 phút gọi tao một lần, nếu thấy tao không bắt máy thì báo cảnh sát. Ông ta biết em báo cảnh sát nên dừng xe, lôi cổ em xuống. Về đến nhà, hai đứa lạnh hết cả người khi tra trên mạng mới biết ông ta là tay chuyên bắt cóc, hãm hiếp phụ nữ". 

Huyền Chip và cô gái Malawi - Châu Phi (ảnh do nhân vật cung cấp).

Nhưng Huyền đã nhận nhiều hơn mất. Cất bước, Huyền mới hiểu rằng đi vòng quanh thế giới không khó như mình tưởng. Không xin visa được lần này thì xin lần khác. Họ nhất quyết không chịu cấp thì đi nước khác. Để tiết kiệm tiền, cô đi nhờ xe của dân địa phương hay phương tiện công cộng, ăn uống vỉa hè, ngủ nhờ nhà bạn bè hoặc dân bản địa. 700 đô la rồi cũng hết.  Để kiếm tiền, Huyền làm đủ mọi nghề: từ diễn viên quần chúng ở Bollywood, viết báo cho các website tiếng Anh đến làm ở sòng bạc, hái hoa quả, chạy bàn …

Cô chấp nhận mọi khó khăn để thỏa mãn niềm đam mê nhìn ngắm thế giới của mình. Huyền đã học được cách tồn tại khi không có sự giúp đỡ của người khác. Mỗi nước, Huyền đều cố gắng phỏng vấn ít nhất 50 người mình gặp, kết bạn với nhiều người, thăm ít nhất một trại trẻ mồ côi. Và quan trọng, cô phải khám phá được một điều gì đó về nền văn hóa nơi mình đến, ví dụ như đạo Hồi ở vùng Trung Đông, đạo Phật ở Ấn Độ, Tây Tạng… Vẻ huyền bí với những tập tục lạ lùng của các bộ tộc ở châu Phi níu chân cô gái trẻ 9 tháng trời. Ra đi, Huyền mới nhận thấy rằng thế giới như một căn nhà chung và thật uổng phí nếu như sống trong ngôi nhà ấy mà chúng ta không biết nó như thế nào. Con người năm châu tuy khác màu da giọng nói nhưng trái tim đều mang sự tương đồng.

"Em là cô gái dũng cảm nhất mà anh từng gặp. Đi đến bất cứ nơi nào em muốn, nhưng hãy nhớ rằng, hành trình thực sự không phải là về những nơi em đến, mà là về những con người em gặp" - lời chúc của một người bạn quốc tế trên chặng hành trình là bài học mà Huyền không bao giờ quên.

Viết cho những ước mơ

"Em muốn viết sách từ lâu rồi. Trong danh sách những điều em muốn làm trong cuộc đời, viết một cuốn sách nằm trong top 10. Khi bắt đầu chuyến đi, em đã bắt đầu viết rải rác và đưa lên Facebook, Phuot.vn. Ai ngờ mọi người ủng hộ, giục em ra sách. Đi thì dễ mà viết thì khó, mất 2 năm em mới tạm hoàn thành" - Huyền hào hứng kể. Ngoài bản tiếng Việt, Huyền còn ra mắt bản tiếng Anh để dành tặng cho bè bạn quốc tế của mình.

Huyền cho biết cuốn sách không phải là một cẩm nang du lịch. Cuốn sách  là cách cô viết lại cuộc hành trình để khỏi quên. Ghi lại những hỉ nộ ái ố, những thử thách trong suốt cuộc hành trình. "Viết để có cái khoe với con cháu sau này rằng ngày xưa, hồi bằng tuổi mày, tao cũng đã từng đi đây đi đó, viết sách này sách nọ". Bạn bè đọc, phá lên cười bởi đọc sách mà cứ như nghe Huyền kể chuyện vậy. Huyền đặt tên cuốn sách là "Xách ba lô lên và đi" vì đây là cụm từ cô hay tự nói với bản thân mình mỗi khi quyết định rời bỏ một vùng đất để đến một vùng đất mới. Tình yêu của đôi chân được Huyền lý giải: "Tôi yêu Mumbai, yêu những bãi biển lộng gió, yêu những tòa nhà xinh đẹp cổ kính, yêu những bộ mặt tương phản nhau chan chát, yêu những người bạn điên khùng dám sống hết mình. Tôi thuộc về nơi này không thua kém gì hàng triệu những bạn trẻ đầy đam mê và nhiệt huyết khác đến đây tìm kiếm cơ hội và cảm hứng. (…) Một tình yêu đẹp, một công việc ổn định, những người bạn tốt chưa đủ để tôi từ bỏ khao khát khám phá những mảnh đất xa lạ nơi mà tôi chưa từng đặt chân tới.

- Em phải tiếp tục đi.

- Vì sao?

- Vì em là kẻ lữ hành.

- Kẻ lữ hành thì không yêu à?

- Có. Nhưng họ có những cảm xúc khác mãnh liệt hơn"

Chuyến trải nghiệm của Huyền gây sự chú ý đặc biệt đối với dư luận trong nước. Huyền chia sẻ: "Bây giờ mọi người vẫn nói tôi bị khùng. Nhiều người không tin tôi đã đi thực sự. Tôi bị mất tinh thần ghê lắm. Nhưng sau, tôi thấy đó chẳng phải là lỗi của tôi để mà buồn. Tôi chỉ đơn giản là thực hiện ước mơ của mình". Huyền tự hỏi, phải chăng độc hành xuyên hành tinh vẫn quá lạ lẫm ở Việt Nam. Trong khi đó, trên dặm đường thiên lý, Huyền gặp những người bạn châu Âu, Bắc Mỹ, Úc cũng lang bạt như mình và ở nước họ, đó là điều hết sức bình thường.

Khi người ta đã 50, 70 tuổi, người ta không thể đi du lịch với cái ba lô nặng trĩu trên vai. Không thể tung tẩy đôi chân với hàng chục kilômet đường bụi hay trèo lên đỉnh núi để nhìn ngắm thế giới bé xíu dưới chân mình. Vậy cớ sao khi người ta trẻ, nỡ để phí hoài? "Đi vừa để khám phá thế giới, vừa để khám phá bản thân, vừa để học hỏi thêm những cái không trường lớp nào dạy. (…) Tôi mong rằng cuốn sách của tôi sẽ phần nào truyền được cảm hứng và động lực cho các bạn trẻ theo đuổi ước mơ của mình, dù ước mơ đó là đi hay là làm bất cứ việc gì" - lời mở đầu cuốn sách, Huyền viết

Uyển Phan
.
.