Xa khơi và những bến bờ

Chủ Nhật, 17/01/2016, 08:00
Tân Nhân hát “Xa khơi”, thật ra không phải chị hát mà chị hiệu triệu: “Nắng tỏa chiều nay. Chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi".  Chị buông lời “anh ơi” làm lay động lòng người, toát lên lời kêu gọi thống thiết với đồng loại; càng nghe càng sáng rõ điều này; càng nghe càng thấy có lý của người đời bấy lâu tôn sùng “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ, và kết cục thành Tân Nhân Xa Khơi…


… Chị với tôi là đồng nghiệp, cũng có thể gọi là đồng tuế nữa, vì chúng tôi cùng sinh ra từ những năm 30, thời kì có Xô viết Nghệ -Tĩnh. Ngọn lửa Xô viết, dòng máu Xô viết thấm vào tuổi trẻ của chúng tôi, nhờ đó, chúng tôi đã vượt qua được hai cuộc trường chinh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đồng nghiệp văn công, tôi trở thành biên đạo múa và làm quản lý, còn chị là ca sĩ và đã trở thành danh ca, chị có hẳn một tượng đài trong lòng công chúng: Tân Nhân Xa khơi!

Vậy “Xa khơi” là của ai, của Nguyễn Tài Tuệ hay của Tân Nhân?

Những người con của NSƯT Tân Nhân (hai con trai và hai con dâu).

Thật ra đông đảo công chúng chỉ biết Tân Nhân đồng nghĩa với Xa khơi. Chỉ khi trên sân khấu, người giới thiệu chương trình rành rẽ nói: Sau đây NSƯT Tân Nhân biểu diễn bài “Xa khơi”, sáng tác của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ, lúc ấy công chúng mới có khái niệm rõ ràng về người sáng tác và người biểu diễn. Đương nhiên trong giới nghệ thuật và những công chúng máu mê nghệ thuật thì không ai khác, chính họ ghép Tân Nhân với “Xa khơi” làm nên một tượng đài nghệ thuật. Trong đời sống nghệ thuật ca hát xưa nay, có biết bao ca sĩ danh tiếng như: NSND Tường Vy, NSND Lê Dung NSND Trần Hiếu… Tất cả họ đều có những bài ca làm nên tên tuổi của họ, như Tường Vy với “Cô gái vót chông” của Hoàng Hiệp; “Tiếng đàn Ta lư” của Huy Thục; Trần Hiếu hát bài “Con voi” của Nguyễn Xuân Khoát thì vô địch…

Nhưng công chúng chỉ thán phục, ca ngợi hết lời rồi yêu cầu phát lại nhiều lần trên đài, chứ không gán ghép một cách hồn nhiên như Tân Nhân với “Xa khơi” thành Tân Nhân Xa Khơi. Đến khu tập thể văn công, người ta hỏi: Anh ơi, chị ơi, nhà chị Tân Nhân Xa khơi lối nào. Vui nhất là có người không ở cùng khu văn công cũng đưa đến đúng địa chỉ.

 Cuối những năm 50 rồi những năm 60 của thế kỷ trước, Tân Nhân với Khánh Vân thi nhau đi diễn ở nước ngoài. Khánh Vân hát “Bài ca hy vọng”, Tân Nhân hát “Xa khơi”, cứ thế diễn ra ở Indonesia, ở Helsinki, ở Cuba…

Cái lợi thế của Tân Nhân ở “Xa khơi” là thổ ngữ, chị phát âm giọng miền Trung quê nhà ngon lành, tròn trịa. Sự trọn vẹn trong “Xa khơi” của Tân Nhân là: Có tình, có tài, có học. Ba nhân tố đó tạo nên mối tình quê sáng chói trong tiếng hát của chị. Tân Nhân cất lên tiếng hát “Xa khơi” đúng vào thời điểm cả nước đang bức xúc về nỗi đau chia cắt! Thế là bỗng dưng cả nước đồng điệu với chị trong “Xa khơi”, “Xa khơi” được ghi hình, tạc tượng đúng lúc, đúng chỗ, gây ấn tượng sâu đậm trong nhân gian, chứ đâu phải cứ hát đầu tiên là gây ấn tượng thì người sau khó vượt qua?

Tân Nhân không chỉ có “Xa khơi”, mà chị có cả bề dày về biểu diễn những ca khúc trữ tình dân gian: “Tát nước đêm trăng”, “Nắng Ba Đình”, “Tình quê”, “Ru con” (dân ca Nam Bộ), “Anh về miền Bắc” và “Chim Pôngkle” của Nhật Lai; “Lăm tơi” (Dân ca Lào); “Bên nôi con mẹ hát” của Lê Lôi, “Câu hò bên bờ Hiền Lương” của Hoàng Hiệp & Đằng Giao, “Nhớ” của Lê Yên… Tất cả đã thành bệ phóng mới lên được đỉnh cao “Xa khơi”.

Không còn mấy ngày nữa, lại đến ngày giỗ lần thứ 8 của chị, chị đã xa chúng ta gần 8 năm trời, nhưng dường như chị vẫn còn đó, sẽ lại hân hoan từ Xa khơi về với những bến bờ - với đứa con đầu lòng bi thương và hãnh diện của chị - Trương Nguyên Việt (tức nhà báo Triệu Phong - nhà thơ Châu La Việt). Nó đã không từ nan bất cứ điều gì mà mẹ cần ở nó, kể cả việc sẵn sàng hy sinh cầm súng ra chiến trường đánh Mỹ, cho đến việc sang tận nước Mỹ tìm nấm mồ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ - người tình ngang trái của mẹ, cũng là nguyên cớ có nó ở trên đời này. Mẹ thật nhân văn cao cả! Nó yêu mẹ đến tột đỉnh của tình mẫu tử!

 Và rồi chị sẽ được chứng kiến trên bàn thờ của chị có cuốn tiểu thuyết “Tiếng chim hót lảnh lót giữa rừng" của nó – đứa con trai yêu quý của chị… Và rồi  chị sẽ bay đến cái bến bờ thứ hai xa lắc xa lơ tận Cộng hòa Liên bang Đức, nơi ấy có Giáo sư Tiến sĩ toán cơ Lê Khánh Châu - con trai của chị cùng vợ Nguyễn Thị Thanh Hoa (con gái nhà thơ Tố Hữu). Hai cô con dâu: Vợ Hoài và vợ Châu cùng yêu thương quý trọng, hãnh diện về mẹ như Khánh Như con gái chị. Tất thảy chúng thương quý nhau, quần túm bên nhau thành một đại gia đình Văn hóa…

Khắc Tuế
.
.