Tác giả trẻ Nguyễn Thị Kim Hòa

Vượt qua khiếm khuyết để tỏa sáng

Thứ Ba, 10/03/2015, 08:00
Cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội luôn được chờ đợi vì đây được xem như là một địa chỉ tin cậy của giới văn chương. Lần này, một cây bút còn trẻ, cái tên có phần xa lạ với bạn đọc cả nước nhưng đã xuất sắc giành giải nhất khiến không ít người phải bất ngờ. Tuy nhiên, với những ai đam mê văn chương, từng biết Nguyễn Thị Kim Hòa - đến từ Phan Rang, Ninh Thuận - điều đó lại có vẻ như đã được báo trước.

Nguyễn Thị Kim Hòa gửi tới 5 truyện ngắn dự  thi. Các thành viên trong Ban chung khảo đánh giá truyện của Kim Hòa dày dặn, đề cập đến nhiều đề tài khác nhau, kiến văn phong phú, cách kể đa dạng trên cơ sở nhất quán một giọng điệu. Chính vậy, Ban chung khảo đã thống nhất cao khi chọn chùm truyện "Hương thôn dã", "Đỉnh khói", "Thôi mùa cỏ cháy" của Nguyễn Thị Kim Hòa để trao giải nhất.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú, một trong 5 thành viên của Ban chung khảo nhận xét: "Dù là viết về lịch sử, về chiến tranh hay đề tài xã hội, dù đến với văn chương bằng cảm hứng nào đi nữa, Nguyễn Thị Kim Hòa đều cho thấy nhựa sống chảy tràn trên từng trang viết, đủ sức lay động, đánh thức những mĩ cảm sâu xa nơi trái tim người đọc".

Trước đó, Nguyễn Thị Kim Hòa từng nhận được giải thưởng dành cho tác giả trẻ của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho tập truyện "Nho đắng". Hòa chia sẻ: "Nho đắng" là tập truyện đầu tay nên khi nhận được giải thưởng như vậy tôi rất vui. Tuy nhiên, vì là tập truyện, in xong rồi sau đó nhận được giải, nó thiên về may mắn nhiều hơn. Còn 5 truyện gửi tới cuộc thi lần này, thực sự tôi đã dốc sức để viết. Bởi vậy, nhận giải, tôi cảm thấy vui và tự hào hơn". 

Tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa nhận giải nhất cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nguyễn Thị Kim Hòa thường tập trung ngòi bút của mình về những thân phận người phụ nữ. Từ những người phụ nữ với những bi kịch xuất phát từ khao khát hạnh phúc trong tập truyện "Nho đắng" và truyện dài "Cơn lũ vẫn chưa qua", đến chùm truyện được giải lần này cũng vậy. Kim Hòa đã đưa bạn đọc đến với một thời đoạn lịch sử xa xưa để đau xót, rỉ máu cho nhân vật Tuyên phi Đặng Thị Huệ trong truyện "Hương thôn dã". Hay nhân vật mợ Ba trong truyện "Thôi mùa cỏ cháy", rồi Năm Thúy trong "Đỉnh khói" cũng chất chứa những nỗi đau mà cuộc đời giáng xuống đôi vai gầy guộc của họ.

Ngòi bút của Nguyễn Thị Kim Hòa vừa tinh tế vừa tình cảm. Có lúc Hòa đau cùng nhân vật, lúc khác lại mỉm cười với họ. Cô  quan niệm: cần thiết nhất với nhà văn vẫn là tài năng và tấm lòng. Một người được gọi là nhà văn, mặc nhiên họ cũng được thừa nhận về tài năng. Nhưng người đó có tấm lòng hay không, là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Rất may, Nguyễn Thị Kim Hòa hội tụ được cả hai yếu tố đó. 

Nguyễn Thị Kim Hòa bộc bạch: "Tôi rất thích câu nói của một nhà văn khi ông cho rằng: "Xét đến cùng, văn chương là thân phận con người". Tôi có một ám ảnh về nỗi đau của người phụ nữ. Người ta thường hay hô hào "nam nữ bình đẳng", nhưng tôi vẫn thấy người phụ nữ đang phải chịu nhiều thiệt thòi. Ngay trong lĩnh vực nghệ thuật cũng vậy. Và tôi muốn tác phẩm của mình sẽ cất lên tiếng nói cho những người phụ nữ. Hy vọng, tiếng nói của mình không bị lọt thỏm giữa tiếng đời đầy xôn xao ngoài kia!".

Sắp tới, Kim Hòa dự định hoàn thành một tập truyện mà nhân vật chính là những người phụ nữ trong lịch sử như Bùi Thị Xuân, Đặng Thị Huệ… Đây thực sự là một thách thức không nhỏ, nhất là đối với một nữ tác giả trẻ như Hòa.

Văn chương không chỉ là đam mê mà còn là một liều thuốc tinh thần đầy hữu hiệu, giúp Hòa quên đi những cơn đau. Năm 2 tuổi, một trận sốt đã khiến đôi tay của Hòa bị liệt. Nhưng, giống như những trái nho vùng quê Ninh Thuận, chắt chiu từ nắng gió khắc nghiệt để trở thành sản vật được nhiều người ưa thích, Nguyễn Thị Kim Hòa cũng vượt lên những khó khăn của bản thân để học tập và sáng tác. Năm 2005, Kim Hòa tốt nghiệp trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP HCM. Không thể trụ lại thành phố vì lý do sức khỏe, một năm sau đó, Hòa về quê và mở lớp dạy thêm Anh văn tại nhà. Đã 8 năm trôi qua, lứa học trò đầu tiên của Hòa nay đã trở thành sinh viên năm thứ ba tại TP HCM. Hiện tại, Hòa có khoảng 50 học sinh, trong độ tuổi từ lớp 2 đến lớp 7.

Trở thành cô giáo, với Nguyễn Thị Kim Hòa là một niềm vui lớn. Vui vì nhờ công việc dạy học, Hòa có thêm thu nhập để phụ giúp gia đình. Vui vì cảm thấy mình đã làm được một chút gì đó cho những đứa trẻ nghèo quanh xóm. Tuy nhiên, Hòa cũng phải trả giá, đó chính là căn bệnh đau cột sống do phải làm việc quá sức. Dù sức khỏe không tốt, nhưng Hòa vẫn miệt mài dạy học, ngày 8 tiếng không khác gì các công chức; thậm chí, thời gian đầu, có ngày Hòa dạy đến 9h tối.

Các tác phẩm đã xuất bản của tác giả Nguyễn Thị Kim Hòa.

Bị đau cột sống, trong khi dạy, Hòa có thể đứng hoặc nghỉ giải lao giữa giờ, nhưng việc không thể ngồi lâu lại là một cực hình khi viết văn. Bởi văn chương phụ thuộc vào cảm xúc. Để cảm xúc không bị ngắt quãng, Hòa phải nằm nghiêng để viết. Kim Hòa tâm sự: "Nếu ngồi viết, tôi chỉ ngồi được hai tiếng, nhưng sau đó thì không ngồi nổi nữa. Không giống mọi người, luôn đặt chỉ tiêu mỗi ngày viết một ít, còn tôi lúc nào có cảm hứng là viết miệt mài, có khi viết cả ngày".

Hòa thường viết tay rồi sau đó mới đánh máy lại. Dạo trước, Hòa thường nhờ một người bạn đánh máy. Bây giờ, Hòa đã có thể tự mình làm dù việc đánh máy với Hòa cũng không dễ dàng gì. Một hành trình cố gắng không mệt mỏi. Đặc biệt, sự nỗ lực đó được thể hiện trong thời gian Hòa viết truyện dài "Cơn lũ vẫn chưa qua". Hòa nhớ lại: "Không chỉ hạn chế về sức khỏe, tôi còn phải chịu áp lực về thời gian, về cả thể loại truyện dài mà lần đầu tiên mình thử sức. Thêm vào đó, mẹ lại phản đối quyết liệt nên đã có hai lần trong đầu tôi lóe lên ý định từ bỏ. Nhưng rồi tôi tự an ủi mình, đã làm thì phải làm cho tới cùng. Và ơn trời, sau ba tháng thì truyện dài đầu tiên của tôi cũng xong".

Văn chương giúp tinh thần Hòa thoải mái và giàu có. Hòa đi cùng với văn chương ngót nghét đã 5 năm. "Đến bây giờ thì mẹ tôi cũng đã hiểu, văn chương không giúp con mình kiếm được nhiều tiền nhưng giúp cho con mình vui, khỏe rất nhiều nên mẹ đã đồng ý để tôi tiếp tục gắn bó với nó".

Có điều kiện được gần gũi với các em nhỏ, và cũng không muốn mình bị đóng khung trong một thể loại hay đề tài, Nguyễn Thị Kim Hòa lại chuyển ngòi bút của mình sang đối tượng thiếu nhi. Kim Hòa chia sẻ: "Đây là mảng đề tài mà tôi rất quan tâm. Đang dạy học cho các em, tôi hiểu rằng, thiếu nhi đang rất thiếu sách. Chủ yếu các em đọc truyện tranh, sách văn học thì lại rất ít. Không phải vì các em không yêu thích đọc sách mà do thực tế các em rất muốn đọc nhưng lại không có sách cho các em đọc".

Nguyễn Thị Kim Hòa thử sức với văn học thiếu nhi và ít nhiều gây được dấu ấn bằng truyện dài "Tay chị tay em" (NXB Kim Đồng, 2011). Sau đó hai năm, cuốn sách này đã được NXB Kim Đồng tái bản và đưa vào dự án sách hỗ trợ cho trẻ em miền núi với lượng in hơn 20 ngàn cuốn. Với tác phẩm đầu tiên, Nguyễn Thị Kim Hòa đã chứng tỏ được nội lực và tình yêu thiết tha với đề tài văn học thiếu nhi.

Một giọng văn trong trẻo, hồn nhiên. Bên cạnh đó là câu chuyện ấm áp và đầy tính nhân văn. Trong cuốn sách này, Nguyễn Thị Kim Hòa đã biến khiếm khuyết của mình thành một câu chuyện độc đáo, không kém phần thú vị. Hòa kể: "Một hôm ngồi nhớ lại, thấy hồi nhỏ mình ít chơi với bạn mà thường hay ngồi nói chuyện một mình. Tôi tự phân vai cho đôi tay của mình, một tay chị, một tay em rồi cùng nói chuyện với nhau. Đến khi đọc "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", tôi rất thích giọng văn cũng như câu chuyện mà nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần đã sáng tạo ra nên cũng muốn viết một cuốn sách như vậy".

Năm 2014, ngoài truyện dài "Cơn lũ vẫn chưa qua", Kim Hòa còn mang tới một món quà cho các độc giả tuổi teen, đó tập truyện ngắn "Thần Cupid có nhầm không?". Mỗi câu chuyện là một bức tranh thiên nhiên phong phú về màu sắc và đặc biệt về bối cảnh. Đó là cánh đồng bát ngát với đàn cừu nhẩn nha trên thảm cỏ xanh dịu giữa vùng quê miền Trung cháy nắng. Là hình ảnh những giàn nho trĩu quả nối nhau dài tít tắp. Là kí ức dành cho những người thương yêu. Với phong cách nhẹ nhàng, câu từ mượt mà, tập truyện đem lại cho bạn đọc những cảm xúc nồng ấm.

Tôi không muốn nói nhiều về giải thưởng, chỉ muốn nói về tài năng, tấm lòng và nghị lực. Với Nguyễn Thị Kim Hòa, tôi tin cô gái ấy  sẽ còn tiến xa…

Hồ Huy Sơn
.
.