"Vườn hiện thực Nam Cao" dang dở vì sao?

Thứ Ba, 05/04/2011, 15:00
Cách đây 14 năm, dự án "Vườn hiện thực Nam Cao" đã được khởi thảo với một quy mô nhằm tái hiện toàn bộ sự nghiệp văn chương của nhà văn - liệt sĩ Nam Cao tại ngay quê hương ông -  xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhưng mãi cho tới năm 2004, khu nhà tưởng niệm nhà văn Nam Cao cùng ngôi mộ của ông mới được hoàn thành.

Năm 2007, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện mới mua lại ngôi nhà cổ, ghi dấu ấn một thời Nghị Bính sinh sống. Nghị Bính là nguyên mẫu đã được nhà văn Nam Cao xây dựng thành nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm "Chí Phèo". Đến nay, mọi chuyện lại án binh bất động: "Vườn hiện thực Nam Cao" vẫn chưa thành hiện thực. Vì sao vậy?

Về ngôi nhà gốc của nhà văn Nam Cao

Hiện mộ và Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được xây dựng đẹp, bề thế; trong đó có khá nhiều sách báo, hình ảnh, lưu bút và kỷ vật của nhà văn. Nhưng tiếc rằng ngôi nhà được xây dựng không phải trên chính mảnh đất mà nhà văn được sinh ra, lớn lên. Trong khi, đúng ra, nhà lưu niệm, hay từ đường của các danh nhân đều phải được xây dựng hay trùng tu ngay chính trên mảnh đất nơi họ từng sinh sống.

Mảnh đất và ngôi nhà gỗ năm gian, lợp lá mía của gia đình nhà văn Nam Cao trước đây đã bị người nhà bán đi trong thời gian ông đi xa. Đáng chú ý, đây là ngôi nhà gắn liền với một hoàn cảnh rất xót xa, có thật trong truyện ngắn "Mua nhà" của tác giả. Có thể nó còn nhiều ý nghĩa hơn khi liên quan tới nhân vật thầy giáo Thứ mà tác giả miêu tả thành công trong tiểu thuyết "Sống mòn". Ngôi nhà này do chính tay nhà văn chạy vạy công nợ mua về hồi đầu những năm 40 của thế kỷ trước, với giá 300 đồng, để dựng lại thay thế ngôi nhà cũ đã bị đổ nát do gió bão. Nhà văn sinh ra, lớn lên và sinh sống trên mảnh đất này từ năm 1915. Đến 1945, ông tham gia cách mạng, được bầu làm chủ tịch xã. Một năm sau ông tham gia kháng chiến và hy sinh năm 1951 tại Ninh Bình.

Trường hợp mảnh đất của Nam Cao giống như trường hợp của Nguyễn Bính. Mảnh đất ông cha để lại cho Nguyễn Bính cũng bị bán đi trong thời gian ông đi xa. Nhưng khi xây dựng nhà từ đường và Nhà lưu niệm nhà thơ thì chính quyền xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định đã phối hợp với gia đình ông mua lại mảnh đất đó để đưa mộ nhà thơ về, đồng thời làm nơi lưu giữ những kỷ vật và lập nhà thờ Nguyễn Bính. Vậy tại sao lãnh đạo huyện Lý Nhân có thể mua được ngôi nhà "Bá Kiến" từ gia chủ đang sở hữu mà lại không mua nổi mảnh đất và ngôi nhà của nhà văn Nam Cao để xây mộ và nhà tưởng niệm ông trên đó? Lại nghe nói ngôi nhà đó hiện đã bị bà chủ dỡ đem về tận quê ở thôn Phù Nhị, xã Nhân Tiến. Hiện tình trạng ra sao? Nếu các vật dụng làm nên ngôi nhà đó bị thất tán, thì dự án "Vườn hiện thực Nam Cao" sẽ thiếu hụt giá trị đáng kể. Bởi lẽ, xây dựng nhà tưởng niệm hay từ đường cho nhà văn ở ngay trên mảnh đất của ông cha để lại và do chính nhà văn gây dựng nên mới đúng ý nghĩa là bảo tàng danh nhân. Cho dù hiện nay ngôi mộ nhà văn được xây ngay trên mảnh đất của "lão Hạc" xưa và nhà tưởng niệm nhà văn khá to đẹp, nhưng buồn sao mảnh đất chính của nhà văn ở cách đó không xa là mấy lại bị... quên lãng. 

Nhà của nguyên mẫu nhân vật Bá Kiến trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao.

Nhà của "Bá Kiến" bị bỏ hoang?

Với ngôi nhà "Bá Kiến" hiện nay (đã từng qua 8 đời chủ) cũng có nhiều điều cần nói. Bởi lẽ, ông Nghị Bính, nguyên mẫu của Bá Kiến là chủ thứ tư của ngôi nhà, nhưng lại không hề ở mà mua lại để làm nhà thờ. Ông cho xây hai dãy nhà khác vuông góc với nhà thờ để ở và sinh hoạt gia đình. Hơn nữa, ông lại có tới năm bà vợ, mỗi bà một dinh cơ, nên thường phải ở nay chỗ này, mai chỗ khác. Người già trong làng nói ông Bính sống với bà ba ở trên chính mảnh đất này, nhưng sau truyền lại cho con trai của vợ cả là Trần Duy Tảo trông nom. Chẳng bao lâu ông Tảo lại bán sang tay người khác… Ngôi nhà luân chuyển tới đời chủ thứ tám là bà Trần Thị Châm. Đến cuối năm 2007, bà Châm nhượng lại cho chính quyền huyện để đưa ngôi nhà vào hệ thống dự án "Vườn hiện thực Nam Cao" với giá khoảng 700 triệu đồng.

Như vậy, ngôi nhà mà mọi người gọi theo nhân vật trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao là ngôi nhà "Bá Kiến" có những điều phải lý giải cho chính xác. Thứ nhất: Ngôi nhà này không phải là do ông cha của ông Nghị Bính để lại. Thứ hai, ngôi nhà này cũng không phải nơi ông ta sống, nên mọi dấu ấn của nhân vật không có gì đặc biệt được lưu giữ. Đồng thời đây là một ngôi nhà thật sự bé nhỏ, không tiêu biểu gì cho một giai đoạn phát triển của chế độ phong kiến với nhân vật Bá Kiến tiêu biểu cho một thế lực tàn ác, hà hiếp bóc lột dân cày.

Hơn nữa, theo như một số người trong làng kể lại, sau khi con trai ông Bính bán đi, ngôi nhà này đã từng bị cháy do giặc Pháp phóng hỏa đốt. Nhưng đến khi giặc rút khỏi làng, một người du kích tên là Trần Bá Huấn nấp ở gần đó mới chạy lên ra sức dập lửa vì sợ cháy lan sang nhà khác. Vậy tình trạng thiệt hại của ngôi nhà này đến đâu không ai rõ, mà ông Huấn chỉ kể lại rằng, do ngôi nhà làm bằng gỗ lim nên không thể cháy nhanh được, và ngôi nhà không bị hư hỏng nặng. Có nghĩa là ngôi nhà không còn nguyên bản như thời ông Bính cai quản. Không ai có thể kiểm chứng sự thật ra sao, bởi lúc đó chỉ có một mình ông Huấn chứng kiến. Ấy là chưa nói đến nhiều kỷ vật, như đồ thờ, câu đối, bàn ghế vật dụng của gia đình ông Bính chẳng còn một chút gì vì đã thất lạc qua bốn đời chủ sau đó. Mà đương nhiên, ngôi nhà đã được sửa chữa theo từng đời chủ khác nhau, chưa kể việc nó hư hỏng theo thời gian. Vậy nếu cứ gán đây là một di tích quan trọng tiêu biểu cho hình ảnh đầy quyền uy của Bá Kiến thì có phần khiên cưỡng, ít có sức thuyết phục.

Tính đến nay ngôi nhà này được mua lại đã tới 4 năm có lẻ nhưng vẫn để hoang. Hồi đầu năm nay, có dịp gặp gỡ với báo chí, ông Trần Trọng Nhân, Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu tỏ ra áy náy rằng, ngôi nhà đã lâu không được chăm sóc bảo quản e khó trụ nổi với thời gian. Mà chính quyền xã thì lực bất tòng tâm, không đủ kinh phí. Ông nói vậy bởi lẽ đây là một di tích nằm trong dự án của tỉnh. Nếu kéo dài thời gian bỏ hoang, ngôi nhà ngày càng hư hỏng nặng, đến khi muốn phục dựng sẽ tốn kém hơn nhiều.

"Ngôi nhà" của Chí Phèo, Thị Nở sẽ ở đâu?

Đó chỉ là câu hỏi có tính gợi mở cho các nhà quản lý về công cuộc xây dựng "Vườn hiện thực Nam Cao", bởi đó còn là nhà lão Hạc, cái lò gạch hay vườn chuối nơi mà Chí Phèo và Thị Nở gặp gỡ và ân ái với nhau. Lại nữa, đâu là kỷ vật liên quan đến thầy giáo Thứ, cô giáo Oanh, dì Hảo (các nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao)… Nghĩa là còn nhiều công việc cho dự án này. Tuy nhiên để tiếp tục, ngoài câu chuyện kinh phí, vấn đề chủ yếu lại là nội dung cần làm cho liên khu bảo tàng sinh động này với thế giới nhân vật của nhà văn Nam Cao.

Cùng với những tư liệu và kỷ vật sẵn có, những người xây dựng khu vườn này cần quan tâm tham khảo ý kiến của những người thân thích của nhà văn và những nguyên mẫu nhân vật còn sinh sống tại địa phương. Bởi họ còn lưu giữ nhiều kỷ vật hoặc còn tài liệu ghi chép, hoặc có thể kể lại những ký ức một thời họ tham gia vào những sự kiện mà nhà văn lấy đó làm cơ sở sáng tạo tác phẩm.

Mới đây, có dịp gặp cụ Trần Hữu Đạt, em trai nhà văn, tôi mới hay rằng, cụ Đạt chính là người thường đem bản thảo của Nam Cao ra tận Nam Định gửi qua bưu điện tới các toà soạn báo ở Hà Nội. Cụ Đạt giờ đã gần 90 tuổi. Cụ Đạt biết rất rõ lai lịch các nguyên mẫu mà anh trai mình miêu tả.

Việc gặp gỡ các cụ hiện nay, cùng với con cháu nhà văn để ghi chép lại và lưu giữ những câu chuyện trong quá trình sáng tạo của nhà văn Nam Cao quả là cần thiết. Đồng thời, những tư liệu này cũng là cơ sở để củng cố  và xác thực cho những kỷ vật liên quan đến công việc xây dựng khu vườn văn học có một không hai này

Vương Tâm
.
.