Vun góp tình yêu với Dó

Thứ Sáu, 06/09/2019, 08:03
Những họa sĩ không cùng độ tuổi, không cùng nơi sinh sống, không cùng phong cách sáng tác nhưng tình yêu với giấy dó đã giúp họ làm nên một cuộc hạnh ngộ đặc biệt mang tên "Góp Dó 2".


Hơn một cuộc triển lãm tranh tập thể trên chất liệu, vừa truyền thống vừa hiện đại, vừa mộc mạc vừa sang trọng lại không hề dễ vẽ, triển lãm còn là nơi các họa sĩ tìm về và lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu của văn hóa dân tộc.

"Góp Dó 2" là triển lãm tranh giấy dó diễn ra từ ngày 3 đến 8 - 9 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội, quy tụ 13 họa sĩ đến từ nhiều nơi trong nước. Từ cuộc hẹn của mùa thu năm trước, các họa sĩ cùng tình yêu với sắc dó lại tụ họp ở mùa thu năm nay.

Có lẽ, không phải vô tình mà các triển lãm về tranh giấy dó thường được tổ chức vào mùa thu, khoảng thời gian đẹp nhất trong năm. Tranh dó được vẽ quanh năm nhưng thưởng lãm tranh giấy dó thì có lẽ mùa thu là thích hợp nhất. Ấy là khi đất trời dịu lại, lòng người tĩnh lại để có thể ngắm nhìn thật kỹ, lắng thật sâu vào những nét vẽ tinh tế trên thứ giấy vừa gần gũi vừa biến ảo.

Một tác phẩm của họa sĩ Vũ Thái Bình.

Cuộc hẹn "Góp Dó 2" hội tụ những gương mặt họa sĩ không cùng độ tuổi, không cùng nơi sinh sống. Họ đến từ những tỉnh, thành khác nhau. Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn đến từ thành phố Hồ Chí Minh, họa sĩ Đặng Tiến, Trần Vinh, Đoàn Đức Hùng đến từ thành phố Hoa phượng đỏ.

Còn các họa sĩ như Nguyễn Nghĩa Cương, Nguyễn Đoan Ninh, Vũ Thái Bình, Nguyễn Minh Hiếu, Hà Huy Mười, Chu Văn, Bùi Văn Tuất, Nguyễn Minh lại chọn Hà Nội làm nơi sinh sống của mình. Có người thuộc thế hệ 6X, có người thuộc thế hệ 7X, có lại thuộc thế hệ 8X... Nhưng tất cả chung nhau ở một điểm, đó là tình yêu với giấy dó.

Họa sĩ Vũ Thái Bình chia sẻ, sau "Góp Dó" lần đầu tiên năm 2018, những họa sĩ cùng yêu giấy dó lại thấy thôi thúc muốn có được một cuộc hạnh ngộ giữa mùa thu nữa. Không phải bởi điều gì đó quá cao siêu mà chỉ giản dị muốn chia sẻ cùng người xem những cảm xúc, những buồn vui trên của họ trên nền giấy mỏng manh bàng bạc đó. Vậy nên, mỗi người một phong cách sáng tác khác nhau nhưng các họa sĩ đã cùng góp tiếng nói chung của mình. Không biết từ bao giờ, dó mỏng mảnh nhưng mềm mại, sắc nét và dịu dàng đã trở thành chất liệu yêu thích của nhiều họa sĩ Việt.

Được biết tới từ cổ xưa, loại giấy được làm thủ công từ cây dó giấy, dó liệt... có tính xốp nhẹ, bền dai, ít bị mối mọt hoặc giòn gãy, ẩm nát... độ bền theo thời gian cao nhất trong các loại giấy dùng để lưu tư liệu (được kiểm chứng qua hàng trăm năm thông qua các sắc phong, văn tự cổ) khiến giấy dó luôn là chất liệu xứng đáng của hội họa.

Nhưng chính vì xốp nên giấy dó rất dễ bắt màu khi viết, in. Dó xốp nhẹ nhưng bền dai, với màu trắng ngà mà khi kết hợp với các loại mực, màu khác nhau bỗng trở nên đằm thắm, quyến rũ bao thế hệ họa sĩ. Và thứ giấy mộc mạc truyền thống ấy bỗng trở nên biến ảo, kỳ diệu dưới tay các họa sĩ. Món quà từ thiên nhiên ấy đã có nhiều cuộc phiêu du trong không gian sáng tạo của các họa sĩ tham gia "góp Dó".

Ngoài Vũ Thái Bình chọn dó như chất liệu duy nhất để theo đuổi, các họa sĩ còn lại trong nhóm mỗi người đều có những lựa chọn riêng. Bùi Tiến Tuấn đến với lụa, còn các họa sĩ còn lại tìm đến sơn dầu và nhiều chất liệu khác. Dù vậy, dó vẫn trọn vẹn là một tình yêu trong họ. Bởi không thể phủ nhận rằng, có những điều họ chỉ có thể diễn tả trên dó, nói cùngdó.

Nói như tác giả Đặng Tiêu: "Hơn bất cứ chất liệu nào khác, dó vừa thoảng qua vừa mạnh mẽ, vừa đỏng đảnh vừa biết chiều chuộng, vừa mộc mạc lại vừa có thể sang trọng, vừa truyền thống, vừa hiện đại, vừa chắc chắn lại vừa biến hóa. Dó lưu giữ được những khoảnh khắc, những nét xúc cảm thoáng qua, những miên man u mặc, những bâng khuâng xao xuyến... những thứ âm thanh thoảng nhẹ mà phải thật lặng im và tinh tế để có thể nhận ra".

Quả thật, "Góp Dó" là cuộc hội tụ của những phong cách, những cá tính hội họa rất khác nhau. Có người nói vui rằng "Góp Dó" thật như góp gió vậy. Những cơn gió, ngọn gió, cánh gió của 13 họa sĩ tham gia triển lãm là những nét gió, mảng gió, màu gió vô cùng cá tính.

Nếu như tranh của Hà Huy Mười mang đến cho người xem những cảm giác bức bối, oi nồng, đè nén thì tranh của Vũ Thái Bình lại là cảm xúc trong lành, thân thiết và gần gũi. Cùng vẽ về đề tài phụ nữ nhưng các họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Bùi Văn Tuất, Chu Văn, Đặng Tiến, Doãn Quốc Hùng, Nguyễn Dương Đính mỗi người có cách thể hiện khác nhau. Đó là những gương mặt (trong tranh của Bùi Văn Tuất), là những dáng hình (tranh của Bùi Tiến Tuấn, Đặng Tiến, Đoàn Đức Hùng), là những đường nét (tranh Nguyễn Dương Đính). Và đôi khi là những mảng mơ hồ, khó nắm bắt (tranh Chu Văn).

Hay cùng đề tài phong cảnh nhưng tranh của Nguyễn Hiếu thì bảng lảng khói sương, Nguyễn Minh thì rực rỡ, nồng nhiệt... Cũng từ đó, những suy niệm cuộc sống được hầu hết các họa sĩ tỏ bày trong tác phẩm. Đó là góc nhìn cuộc sống với những giao thoa quá khứ và hiện tại trong tranh Nguyễn Doãn Dương.

Đó là Nguyễn Nghĩa Cương với những mâu thuẫn, những góc khuất xã hội hiện đại với nạn mua bán quan bán chức, những nhố nhăng, sống ảo, stress, sa đọa... Với "Góp Dó", các họa sĩ khiến cho những người thưởng lãm thêm một lần hiểu ra rằng, vì sao dó có một sức hút mê đắm đến vậy.

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Minh.

Ở triển lãm này, các họa sĩ, dù chuyên vẽ dó hay không đều cho thấy khả năng làm chủ chất liệu được đánh giá là khá khó tính này từ cách xử lý ánh sáng, màu sắc để tái hiện cuộc sống, cảm xúc. Là một chất liệu truyền thống nhưng người ta lại có thể nhờ nó để nói biết bao điều, cả những trăn trở, đau đáu của cuộc sống hiện đại. Mà nói một cách đầy đủ, sâu sắc.

Theo họa sĩ Vũ Thái Bình, giấy dó có cấu trúc dạng sợi, các xơ sợi li ti cố kết với nhau tựa mạng nhện, nhiều lớp không theo thứ tự sợi ngang, dọc như tấm lụa dệt, mà theo dạng chuyển động brown, đa chiều. Vì vậy mỗi bức họa, người họa sĩ cần phải tập trung cao độ để có thể nói chuyện và "tìm được tiếng nói chung" với chất liệu.

Sự tương tác có vẻ như bí ẩn đó luôn mang đến một kết quả độc bản và đôi khi bất ngờ ngay với chính tác giả. Phải chăng cũng bởi tính đa chiều nội tại của chất liệu giấy dó cùng với nhiều lớp màu nước thẩm thấu, lắng đọng mà tranh của các họa sĩ có thể kể một câu chuyện với người xem theo nhiều mỹ cảm khác nhau đều rung động và sâu sắc? Tổng quan mà nói triển lãm "Góp Dó" như một dạng nghệ thuật sắp đặt. Tranh ở đây, phần nhiều là ký họa, là các sản phẩm hai chiều được bày cạnh nhau với chủ ý nghệ thuật để mang đến cho người xem "không gian cảm xúc hội họa".

Họa sĩ Vũ Thái Bình, người canh cánh với dó, nặng lòng với dó, người gần như dành hết cả thời gian, tâm sức cho dó không giấu nổi niềm vui mừng khi bên cạnh anh ngày càng có thêm nhiều người bạn cùng niềm yêu dó.

Anh từng chia sẻ trong các triển lãm cá nhân về tranh giấy dó trước đây rằng chưa khi nào thấy tự hào khi con đường của mình ít người lựa chọn. Yêu dó đắm đuối, anh lại càng mong muốn có nhiều người cùng niềm yêu đó với mình. Họa sĩ Vũ Thái Bình cho biết, anh cùng các họa sĩ sẽ cố gắng để "Góp Dó" trở thành sự kiện thường niên, nơi gặp gỡ, hạnh ngộ của những người yêu dó trên mọi miền đất nước.

Và, "Góp Dó" sẽ là con đường để anh và các họa sĩ yêu dó dần hiện thực hóa ước mơ này. Hơn một cuộc triển lãm, "Góp Dó" là tác phẩm hoàn chỉnh của tình yêu giấy dó.

Thảo Duyên
.
.