Vui buồn chuyện nhuận bút
Một lần, cách nay đã lâu, nhà thơ T. báo tin cho tôi: "Anh vừa nhìn thấy chú có một bài thơ được in trong một tuyển thơ tình. Sách vừa ấn hành xong, cũng dày dặn lắm". Thấy tôi nói chưa hề biết gì về việc này, nhà thơ T. nói tiếp: "Chắc là chú biết rồi. Làm gì có chuyện nhà xuất bản quên tặng sách. Bây giờ chú tạt qua đấy, có khi có tiền nhuận bút rồi ấy chứ!".
Nhưng rồi, khi tôi đến nhà xuất bạn nọ thì nhận được một câu trả lời: "Không có tiền nhuận bút. Sách tặng cũng không có nốt. Nếu anh cần thì sẽ được giải quyết mua sách và sẽ được giảm giá".
Một lần khác, chuyện tương tự lại xảy ra. Lần này, tôi được đối xử khá hơn một chút: "Nhuận bút có nhưng không đáng kể, chỉ được 20 nghìn đồng một bài thơ, trong khi giá bán mỗi tuyển thơ lên tới 200 nghìn đồng. Nếu anh muốn có sách, chỉ cần bỏ thêm 180 nghìn đồng nữa".
Một lần khác nữa, tôi lại có một bài thơ in trong tuyển thơ do một cá nhân đứng ra tuyển chọn. Tuyển thơ có trên 1.000 bài thơ ngắn của trên 1.000 tác giả. Người nổi tiếng, có. Người không nổi tiếng, có. Người làm thơ lâu năm, có. Người mới làm thơ, chưa sạch nước cản, cũng có luôn. Người tuyển chọn tỏ ra rất "sòng phẳng": "Tôi đã chuẩn bị tiền nhuận bút cho từng tác giả, mỗi bài thơ 20 nghìn đồng. Còn sách muốn có thì phải mua. Mỗi cuốn có giá bìa 300 nghìn đồng". Tất nhiên là tôi chẳng dại gì mà mua và trong lòng thầm nghĩ: Đã tuyển thơ theo lối "thượng vàng hạ cám", theo lối "thơ ai cũng chiều" như vậy, thì tập thơ phỏng còn giá trị gì. Nghe tôi tâm sự như thế, một nhà thơ nói với tôi: "Ai cũng như ông thì người làm sách lỗ vốn à". Theo chỗ tôi được biết, đã có không ít người mua, không chỉ một cuốn mà còn nhiều cuốn nữa cơ. Đơn giản vì họ cảm thấy rất vinh hạnh vì tên tuổi của họ được đứng bên cạnh, ngang hàng với những tên tuổi lớn. Và cũng nhờ những người có quan niệm như thế nên người làm sách đã có dịp... "ăn ra".
Sau khi đã "quá tam ba bận", tôi đâm… dị ứng với việc mình có tác phẩm in trong các tập thơ tuyển. Nói một cách khác: Tôi hầu như không quan tâm đến chúng nữa.
Nhưng rồi có một lần, một nhân viên văn phòng ở một hội nọ báo với tôi: "Anh có nhuận bút một bài thơ trong tuyển thơ... nhân dịp ...Mời anh...".
Tuy nhận có 200 nghìn nhuận bút mà tôi không khỏi ngạc nhiên và thầm cảm ơn cái người đã rất chu đáo với tôi và không quên tôi. Nhưng sau khi nhận nhuận bút xong, tôi lại hơi buồn buồn. Lý do: Có nhuận bút nhưng không có sách biếu tác giả. Nếu có muốn mua sách thì cũng không có và cũng không biết phải mua nó ở đâu.
Còn chuyện đi lĩnh nhuận bút ở các báo, tạp chí trong thời buổi này, thì có nhiều chuyện để nói lắm. Có nơi phát nhuận bút cao. Có nơi phát nhuận bút thấp. Có nơi phát nhuận bút nhanh. Có nơi phát nhuận bút chậm. Thậm chí có nơi đi mỏi cả chân, đợi mỏi cả mắt mà vẫn chưa nhận được mấy đồng nhuận bút còm. Nhiều lúc đến những nơi này, cho dù là tác giả hẳn hoi, được quyền lĩnh nhuận bút đàng hoàng, vậy mà tôi vẫn cảm thấy mình như người có lỗi.
Việc trả nhuận bút như thế nào, hoàn toàn do từng tòa soạn quy định và hoàn toàn xuất phát từ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Về cơ bản, những tờ báo nào có số lượng phát hành thấp (lại không có quảng cáo) thường trả nhuận thấp và chậm.
Chưa hết. Mới đây, tôi còn được nghe nhà thơ Đ. phản ánh: Có một tờ báo ra số tết mà chưa bao giờ trả nhuận bút trước tết. Để đỡ gây khó khăn cho tòa soạn, tác giả đã mua báo trừ vào tiền nhuận bút. Rồi cũng chính người biên tập thơ (hoặc văn, hoặc lý luận, phê bình văn học) gợi ý đến nơi đến chốn: "Thơ đã đăng rồi. Một chùm hẳn hoi. Có ảnh tác giả đàng hoàng. Nhưng còn lâu mới có tiền nhuận bút. Chưa kể, nhuận bút ở chỗ tôi thấp lắm, không đáng gì đâu. Chịu khó đợi nhé! Mà ông giàu có thế, cần gì tiền nữa! Có khi đi đi lại lại đến chỗ tôi chỉ tổ mất thêm thời gian của ông thôi!"