Vừa vẽ tranh vừa giúp dân cai nghiện

Thứ Ba, 21/10/2008, 13:00
Với bộ râu dài, cặp kính mắt tròn xoe thời Khang Hy, anh Nguyễn Anh Tuấn đã để lại ấn tượng đặc biệt với nhiều đại biểu tham dự Hội nghị 10 năm tuyên dương các điển hình tiên tiến phòng chống tội phạm của Chính phủ tổ chức vào trung tuần tháng 9 tại Hà Nội. Không chỉ là một họa sĩ có nhiều đóng góp cho lĩnh vực nghệ thuật, anh còn là một thành viên tích cực trong công tác phòng chống tội phạm ma túy của phường Nguyễn Trung Trực.

Với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Gia đình B93, anh Tuấn đã góp phần đưa mô hình CLB sau cai nghiện này hoạt động lâu dài và hiệu quả nhất trên cả nước.

Thu xếp mãi, tôi mới gặp được anh tại nhà riêng bởi lần nào gọi điện cũng nghe con trai anh bảo "Bố cháu không có nhà", điện thoại di động thì anh thường… vứt xó, phần vì bận rộn, hay quên, phần vì dùng chưa thành thạo lắm. Mỗi khi thấy khách đến dồn dập là bà hàng nước ở tầng 1 biết ngay chắc là bác Tuấn "râu" có ở nhà. Lần nào cũng vậy, anh luôn khiến những người khách dù trước đây chưa từng gặp mặt cũng có thể nhanh chóng cuốn hút vào cách nói chuyện hấp dẫn của anh.

Nguyễn Anh Tuấn sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập. Cha anh từng là hiệu trưởng một trường học ở Hà Nội. Ngay từ nhỏ, anh đã bộc lộ năng khiếu hội họa và tình yêu nghệ thuật. Tốt nghiệp cấp 3, anh nhập ngũ, từng có mặt ở các chiến chiến trường Lào, Campuchia.

Trong thời gian tại ngũ, anh thi đỗ vào Đại học Xây dựng. Tốt nghiệp, anh về công tác tại một công ty xây dựng của Quân đội, nhưng tình yêu hội họa đã thôi thúc anh quyết tâm thi đỗ vào Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp. Tốt nghiệp thủ khoa với những bức vẽ: "Cầu mưa", "Quan họ"... Tuấn được giữ lại trường nhưng anh quyết định trở thành một họa sĩ tự do.

Tranh của anh được vẽ với nhiều chất liệu. Là người say mê nghiên cứu văn hóa truyền thống, Tuấn từng được giải thưởng của quỹ Ford cho công trình thiết kế Hương án nhà Lý ở Thanh Hóa, cũng như có nhiều nghiên cứu sâu sắc về chữ Nôm, chữ Hán, giấy dó...

Trước khi gặp anh, điều mà tôi không thể hình dung nổi là tại sao lại có hai điều tưởng như tương phản trong con người anh. Một là chất phong trần, lãng tử của nghệ sĩ cùng song song với những đau đáu với mặt trái của xã hội. Vừa thấy anh say sưa nói về thơ ca, hội họa, anh lại có thể nói một cách khúc triết, rành mạch về các vấn đề liên quan tới tội phạm. Lý do để anh họa sĩ gắn bó với phong trào phòng chống tội phạm rất tình cờ.

Những năm 90 của thế kỷ trước, khi đất nước bước vào những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, phường Nguyễn Trung Trực được coi là điểm nóng của quận Ba Đình (một phường mà có tới 5 chợ và 4 bến xe). Cùng với nạn trộm cắp, cướp giật thì số người nghiện ma túy, tái nghiện sau khi cai hoặc cắt cơn tại gia đình cũng ngày một nhiều. CLB Gia đình B93 ra đời với mục đích tạo công ăn việc làm cho người sau cai nghiện, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Hình thành từ năm 1993, đây là mô hình CLB sau cai nghiện đầu tiên trong cả nước. Là thành viên hội Cựu Quân nhân của phường, anh Tuấn được mời vẽ tranh cổ động về phòng chống ma túy, lên chương trình sinh hoạt cho hội viên CLB. Với sự mẫn cảm của người nghệ sĩ cộng với sự can đảm, kiên trì rèn luyện từ những năm tháng trong quân đội đã giúp anh dễ dàng trong việc tiếp cận các đối tượng sau cai.

Nhớ lại ngày đầu thành lập CLB, có ý kiến cho rằng, nhiều người cần được giúp đỡ, sao lại quan tâm tới những đứa hư hỏng, nghiện ngập. Nhưng với quan điểm là tội phạm ma túy hết sức nguy hiểm, nếu không ngăn chặn thì chính nó sẽ phá hoại những thành quả đạt được. Chỉ cần một người tránh xa được ma túy trong một giờ, một ngày, một tuần, một tháng, một năm cũng góp phần giảm thiểu nguy hiểm cho xã hội.

Với phương châm ấy, hơn chục năm qua, bất kể mưa hay nắng, anh cùng các thành viên trong CLB duy trì sinh hoạt đều đặn vào tối thứ 5 hàng tuần. Anh em cùng sinh hoạt văn nghệ, bày tỏ tâm tư tình cảm, chia sẻ khó khăn. Mục đích của mỗi buổi sinh hoạt là xây dựng nghị lực, niềm tin. Anh Tuấn còn vận động mẹ và vợ của họ cùng sinh hoạt để hiểu hơn về công tác phòng chống ma túy. Điều này có hiệu quả rõ rệt bởi sự quan tâm của gia đình, xã hội sẽ là động lực để họ thoát khỏi "nàng tiên nâu".

Để người cai nghiện có thể đoạn tuyệt hẳn với ma túy, trở thành người có ích cho xã hội không thể chỉ bằng những buổi thuyết giảng mà quan trọng hơn là tạo công ăn việc làm ổn định cho họ. Với mục tiêu đó, anh Tuấn đã tham mưu với lãnh đạo phường, tạo điều kiện tối đa để anh em có việc làm, như cho mượn địa điểm để anh em trông, rửa xe không tính thuế.

Đến nay, nhiều hội viên trong CLB đã có công việc ổn định với mức thu nhập trên dưới 1.000.000 đồng một tháng. Điều này giúp các hội viên không trở thành gánh nặng của gia đình, sống vui với thành quả lao động của mình.

Những vất vả, những cố gắng, những kiên trì của "Gia đình B93" đã được đền đáp bằng những kết quả đáng mừng. Nhiều hội viên của CLB đã đoạn tuyệt hẳn với ma túy, trở về con đường làm ăn chân chính.

Anh Nguyễn Văn Q. từng nghiện ma túy nặng. Gia đình anh đau xót nhìn anh bán dần những đồ vật đáng giá cuối cùng để hút. Hết tiền thì đi ăn trộm, ăn cắp để có tiền. Đó là kết cục tất yếu của bất kỳ người nghiện nào, không ngoại trừ Q. "Gia đình B93" đã giúp Q. cắt cơn tại nhà rồi vận động anh sinh hoạt ở CLB.

Đến nay, Q. không chỉ đoạn tuyệt với ma túy, anh còn có công việc ổn định là bảo vệ cho một nhà máy. Vui hơn, là đồng đẳng viên của dự án, Q. còn được đi nước ngoài nhiều lần để giao lưu với những người cùng cảnh ngộ trên thế giới.

Còn H. lại có một hoàn cảnh khác. H. nghiện ma túy nặng. Vợ thì bị bắt vì tội buôn ma túy. Ra khỏi trại cai nghiện được 5 năm, không việc làm, vợ vào tù, con phải vào trường tình thương, chán nản, H. lại tái nghiện. Những ngày đầu đến với "Gia đình B93", nhiều người vẫn không tin H. có thể tránh xa được ma túy.

Nhưng anh Tuấn đã tìm mọi cách để gần gũi thuyết phục H. Không huy động được vốn, anh Tuấn đã cho H. mượn xe máy - phương tiện đi lại duy nhất của mình để làm xe ôm. Dần dần, H. không chỉ tích cóp được số tiền đủ mua phương tiện làm nghề mà còn dành dụm được chút vốn liếng chờ ngày vợ về đoàn tụ cùng gia đình.

Hiện nay, CLB có khoảng từ 12 đến 15 hội viên thường xuyên sinh hoạt. Có được thành tích ấy là sự cố gắng nỗ lực không mệt mỏi của anh Tuấn và các thành viên của CLB. Không phải đối tượng cai nghiện nào cũng dễ dàng để anh tiếp cận. Có đối tượng biết anh có ý định tiếp cận đã gặp anh để gây sự, "nắn gân": "Anh rỗi hơi, thừa thời gian à?". Anh trả lời ngay: "Tớ không thừa thời gian, không rỗi hơi, thậm chí tớ rất thiếu thời gian để làm nhiều việc, nhưng tớ tự nguyện bỏ những việc ấy vì tớ trọng giá trị con người còn lại trong cậu".

Có gia đình cả mấy người con đều nghiện ma túy rồi chết vì AIDS, anh vận động mọi người cho bà mẹ vay vốn nấu xôi bán, chính anh là người ăn "mở hàng". Ngày lễ, tết, anh đều có chút quà thăm hỏi gia đình. Chính sự chân tình của anh đã khiến bà mẹ từ chỗ xa lánh CLB đã trở thành một tình nguyện viên rất tích cực.

Trung tá Nguyễn Hữu Ngạn, Trưởng Công an phường Nguyễn Trung Trực chia sẻ: Sở dĩ "Gia đình B93" vẫn phát huy được hiệu quả dù ra đời 15 năm qua bởi phong trào có những hạt nhân tích cực như anh Nguyễn Anh Tuấn. Phong trào này đã góp phần giúp số người tái nghiện tại địa phương từ 80 - 85% xuống chỉ còn 10 - 15%.

Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2008, không có tụ điểm buôn bán ma túy nào trên địa bàn. Không chỉ các địa phương trong cả nước mà phường Nguyễn Trung Trực từng vinh dự đón các đại biểu từ Lào, Nhật Bản sang giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Chính chất nghệ sĩ tinh tế, mẫn cảm cùng với sự chân thành đã giúp Nguyễn Anh Tuấn làm tốt công việc của mình.

Anh cho rằng: "Mình chỉ là người kế tục lớp người đi trước như cô Tuyết Phương, bà Nhạn". Nhưng tôi hiểu, nếu không có nhiệt huyết với công tác phòng chống tội phạm, anh Tuấn không thể làm được điều đó. Hơn chục năm qua, bỏ cả việc nhà, bỏ nhiều cơ hội kiếm tiền để dốc sức vì cuộc chiến chống ma túy, nhưng chưa bao giờ anh Tuấn đòi hỏi một chút quyền lợi, dù là nhỏ nhất. Gần đây, lãnh đạo phường quan tâm, gửi mỗi tháng cho anh hơn 200.000 đồng gọi là "tiền đi lại" nhưng anh lại dùng số tiền ấy để giúp đỡ những hội viên chưa có công ăn việc làm.

Nhưng để anh toàn tâm toàn ý đi "lo việc thiên hạ" phải kể tới người vợ đảm đang, thu vén việc nhà, quán xuyến lo cho 2 con trai ăn học. Hiểu anh, hiểu những đam mê của chồng, chị không bao giờ cằn nhằn khi chồng thường xuyên lấy của nhà mình cho người khác, cũng như bằng lòng với việc cả gia đình 4 người sống trong căn phòng vẻn vẹn 32m2 mà chỗ bàn học của con cũng chính là chỗ đêm đêm anh toàn tâm với những bức vẽ của mình. Không chỉ có vậy, chị còn cùng anh đôn đáo tìm việc cho các hội viên trong CLB.

Chia tay anh khi một ngày đã sắp tắt nắng. Đó cũng là lúc T. - một hội viên trong CLB - ghé nhà chơi nhà anh. Anh bảo, T. mới cai nghiện, chưa tìm được việc làm. Hàng tháng, CLB vẫn giúp 10 kg gạo để trước mắt T. không phải "ăn bám" gia đình. Hôm nay, anh rủ T. đến để khao cốc bia vì anh có "lộc" bán tranh. Anh vẫn trăn trở là chưa tìm được công việc phù hợp cho T. Nghe điều anh day dứt, tôi hiểu, tại sao mọi người lại yêu quý anh đến thế

Thảo Duyên
.
.