Vựa hoa xuân sắc trăm năm

Thứ Bảy, 16/02/2019, 08:11
Nói đến xứ sở hoa ở Sài Gòn xưa, ai cũng nhớ ngay cái tên Vựa hoa Gò Vấp. Đất trồng hoa nơi đây đã từng rộng tới 500ha. Mênh mông hương sắc bao đời. Nhưng rồi cơn sốt đất, bán mua dự án, công trường xây dựng kéo dài muốn nuốt chửng nghề trồng hoa. Không ít gia đình cố giữ lại phần vườn còn lại. Nhiều người khác đi thuê đất thiên hạ trồng hoa, làm cây cảnh, chẳng chịu bó tay.


Vời vợi sắc hoa

Cuộc tranh giành giữa những người làm nghề trồng hoa ở Gò Vấp với tốc độ đô thị hóa quả là cam go. Những mùa hoa gắng gượng không chống cự được những con mắt cú vọ của thị trường đất đai. Hai mươi năm qua. Ngoái lại, hàng trăm hộ làm hoa chưng hửng, lo âu.

Gia đình nghệ nhân Trần Hồng (phường 14) có tới bốn đời sống bằng nghề trồng hoa, đã từng bươn chải với nghiệp hơn nửa thế kỷ qua. Ông bồi hồi kể, xưa thương lái khắp nơi đổ về “ăn hoa” đông nghẹt, chật cứng cả sông Bến Cát bên gò cao (Gò Vấp). Vó ngựa kẻ thồ đi săn hàng lóc cóc ngày đêm, kéo dài cả tháng trời trước ngày Tết. Nhiều năm, mãi đến khi giao thừa cận kề vẫn còn khách đến đòi hoa, mang ra tàu biển đưa đi nước ngoài.

Ông vừa kể vừa rơm rớm nước mắt, vì nhớ quay nhớ quắt một thuở nhộn nhịp cùng hoa. Hiện gia đình ông là một trong số ít hộ quyết tâm giữ đất làm nghề. Vườn hoa của nghệ nhân Trần Hồng rộng gần 2000 mét vuông, có đủ cả các giống như vạn thọ, hướng dương, mào gà, cúc, lan…

Vựa hoa Thanh Hiền ở Gò Vấp.

Theo chân nghệ nhân Trần Hồng còn có nghệ nhân Lê Minh Định ở phường 9, cũng trầy da sứt thịt vì những cánh hoa lan. Đất trồng chỉ còn chừng ngàn mét, nhưng ông cất giàn nuôi hoa lan Cattleya (thường gọi là cát lan - được mệnh danh là Hoàng hậu của các loài hoa lan), có tới cả vạn chậu giống.

Ông Định theo sự truyền dạy của cha, nghệ nhân Tư Trung từ khi còn bé. Nên khi tiếp quản sự nghiệp của gia đình, nghệ nhân Lê Minh Định có vốn liếng sẵn và đã đầu tư gia sản, đánh cược số phận với đặc chủng lan Cattleya. Ông tự nghiên cứu kỹ thuật trồng nuôi lan, dấn thân dựng nghiệp. Ngày đêm mày mò thử nghiệm nuôi cấy, nhân giống và hồi hộp dõi theo từng nhịp thở của cánh hoa, mãi tới bốn năm mới thành công, cho ra đời những nhành hoa lan đầu tiên.

Đó là bài ca mang tên Cattleya. Giống hoa lan được ông nhập từ Thái Lan và Đài Loan đã nở thắm với nắng gió miền Nam. Khi cây đầu tiên đã kết hoa, ông thức trắng đêm để ngắm nó, không muốn rời xa. Sau đó là những tháng năm nườm nượp khách tìm đến. Không những khách hàng ở Sài Gòn, mà còn từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Đà Nẵng… Ngôi nhà “Cattleya” của ông chật cứng người mỗi khi xuân về.

Tôi có dịp ghé thêm vào trại hoa của cửa hàng Thanh Hiền, ở ngõ 8, phường 11, càng thấy không khí đón xuân thật nhộn nhịp. Người người ngắm hoa. Xe vào “ăn hoa” xình xịch dọc con đường làng xưa. Hoa mai vẫn còn mím nụ nhưng đã bật ra những môi hoa vàng đắm thắm. Những bông mai sẽ bung nở nay mai. Các nghệ nhân đã khéo léo bứt lá chừng nửa tháng nay để hoa nở đúng vào đêm 30, đón giao thừa. Khi ấy hoa bung cánh và tỏa hương. Những vườn hoa kề bên cũng lao xao khách tìm đến. Ai nấy đều ngắm kỹ những chậu hoa mai vàng sẽ mua. Bởi xưa các cụ nói “Không có mai vàng, bất thành Tết phương Nam”.

Mai vàng năm cánh tượng trưng cho “Ngũ Phúc Lâm Môn”. Mà người miền Nam coi trọng “Hảo đức” nhất trong ngũ phúc. Đó là tấm lòng lương thiện, nhân hậu và trầm tĩnh. Đức chính là căn nguyên của Phúc vậy. Mai vàng còn được gọi là mai hương, gắn bó với tính cách người phương Nam.

Những nghệ sĩ bonsai

Với sự thính nhạy trước cơ chế thị trường, các nghệ nhân trồng hoa ở Gò Vấp đã đi trước một bước, chuyển sang làm cây cảnh. Nhà hoa Cattleya của nghệ nhân Lê Minh Định, cùng vườn cây cảnh của nghệ nhân Trần Hồng là điển hình, trong khi quỹ đất trồng hoa không còn được là bao.

Nếu tính trong vòng hơn mười năm trải nghiệm cuộc đổi mới này, Hội Sinh vật cảnh ra đời và hoạt động rất tích cực. Ngay lập tức đội ngũ nghệ nhân có tay nghề cao, khao khát đổi mới đã quy tụ, thể hiện tiềm năng rất hiệu quả. Hợp tác xã làng hoa ra đời và chia làm hai mũi nhọn đi song song.

Làng hoa Gò Vấp là nơi thu hút các nguồn hoa từ nhiều nơi, cung cấp cho gần một trăm cửa hàng, công ty kinh doanh hoa kiểng. Bên cạnh đó đội ngũ nghệ nhân chuyên chế tác, dựng tác phẩm bonsai từ những phôi mua từ các nơi, hoặc tự mình ghép cấy được.

Quả là nhiều điều bất ngờ từ những bước đi nhạy cảm này. Hàng trăm vườn bonsai hình thành, vì không cần nhiều diện tích cần như trồng hoa. Với diện tích vườn nhà, dù nhỏ cũng có thể tạo dựng được những mô hình sản xuất cây cảnh khá phong phú. Nhiều nghệ nhân đã có tác phẩm gây tiếng vang lớn trong nghệ thuật sinh vật cảnh của TP. Hồ Chí Minh. Đáng chú ý, vườn nhà nghệ nhân Lý Hùng đã từng có cây thiên tuế, với tuổi thọ 180 năm.

Bên cạnh đó, một cặp Cần Thăng trên 120 tuổi, trong vườn cây gia đình nghệ nhân Huỳnh Văn Thân, thể hiện bàn tay tài hoa và sự sáng tạo độc đáo. Vui nhất là nghệ nhân Lê Văn Tịnh có cây khế tạo dáng trên 100 năm, đã được định giá cao hàng chục triệu đồng. Nhưng có lẽ tay chơi kỳ công nhất là thiên đường xương rồng của gia đình ông Lê Bạch Quang.

Nghệ nhân này có hàng trăm chậu xương rồng được sưu tầm và tạo dáng có một không hai. 70 tác phẩm của ông Bạch Quang đoạt huy chương các loại, trong hàng chục Hội thi Sinh vật cảnh và Hội hoa xuân. Khi trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Trần Văn Thanh bộc bạch chân tình rằng, sự chuyển đổi từ một làng hoa cổ sang “Làng Bonsai Gò Vấp” là một sự tính toán khôn ngoan. Bởi buôn bán cây cảnh, cây phôi tạo dáng, thu nhập còn hơn cả nghề trồng hoa. 

Nhiều tay chơi bonsai đều tìm về đây để sưu tầm hoặc mua cây giống làm nguyên liệu sáng tác, tạo dáng cho cây khi còn “non tơ”. Một tinh thần mới và không gian hoa rất độc đáo được hình thành từ làng hoa này. Bởi một lẽ, sản xuất và kinh doanh bonsai diễn ra quanh năm chứ không như việc trồng hoa phải theo thời vụ.

Hoa chợ Tết ở Gò Vấp.

Chính vì thế, “Làng hoa Gò Vấp” giờ còn được gắn thêm thương hiệu “Làng Bonsai Gò Vấp”. Sắc màu văn hóa của làng hoa Gò Vấp giờ khác hẳn chứ không còn tay lấm chân bùn, hớt hải lo chống sương muối cho hoa. Các nhà sản xuất cây cảnh thì ngồi nhà cũng có người tìm đến chọn hàng. Nhiều nhà vườn mở hẳn công ty, kiêm luôn bán hoa và cây cảnh, cũng như sản xuất cây phôi. Làng hoa Gò Vấp có một vóc dáng mới.

Không khí náo nhiệt không cứ chỉ dịp xuân về mà còn diễn ra hằng ngày trên các tuyến đường phố Cây Trâm, Phan Huy Ích, ngã tư Nguyễn Văn Lượng - Nguyễn Oanh, và hàng trăm vườn cây ở làng hoa xưa. Đội ngũ nghệ nhân đông đảo ở Gò Vấp đã làm nên thương hiệu, có tiếng trên toàn quốc về sáng tạo dáng hình, thiết kế các mẫu mã. Họ đích thực là các nghệ sĩ với vũ điệu “Bonsai”, thể hiện ngôn ngữ mới, trong nghệ thuật tạo hình cho cây.

Công viên hoa

Cho dù sự giao tranh giữa thị trường nhà đất với người trồng hoa ở Gò Vấp chưa đến hồi kết, nhưng chính quyền nơi đây đã dành hẳn một quỹ đất cho làng nghề để bảo tồn. Chính vì thế, “Công viên làng hoa Gò Vấp” ra đời (từ năm 2011), ngay tại số 1 đường Cây Trâm, phường 8 (diện tích rộng chừng 2,1ha). Đây là nơi họp chợ phiên, trở thành địa chỉ giao lưu của những người làm cây cảnh, từ khắp nơi trở về.

Phải nói đây là một “Công viên làng hoa” khá lớn và duy nhất trên toàn quốc hiện nay. Chợ hoa Tết hằng năm thường thu hút hàng chục ngàn người về mua hoa và cây cảnh. Những nghệ nhân giỏi luôn túc trực để gặp gỡ những bạn trẻ yêu nghệ thuật bonsai. Họ trả lời tất cả những câu hỏi như: “Nhất hình, nhì thế, tam chi, từ điệp”, hoặc thế nào là kỳ hoa dị thảo, hay dáng Trụ, dáng Huyền, hay Thác đổ…

Rôm rả nhất phiên chợ hoa Tết, phải kể đến quầy những Bonsai mai vàng, bên cạnh dãy hoa cúc vạn thọ. Mỗi cây mỗi dáng, khoe sắc hoa tươi thắm, sắc êm như tơ lụa. Đó là những "thi phẩm" do bàn tay của những người nghệ sĩ tạo nên, ban tặng cho đời.

Tôi chợt thấy một cây mai dáng thác đổ, lấp ló những đốm nụ vừa hé nở, thật kỳ thú. Dưới thân chậu cảnh có khắc họa câu thơ, rằng: “Vàng mai trải nắng xuân về. Choàng vai em cõi đam mê đất trời”. Tôi ngẩn người ngỡ như đang mộng du, trước những sắc hoa vàng rực rỡ, trong hàng cây xanh.

Vương Tâm
.
.