Vũ Thanh Lịch – khôi nguyên “lửa mới”

Thứ Bảy, 22/02/2020, 08:26
“Khôi nguyên Lửa Mới” Vũ Thanh Lịch, như tôi đã nhận xét, phản ánh “mỹ tục”, “truyền thống” của Văn nghệ Quân đội - một địa chỉ uy tín hiện nay trên văn đàn Việt, nơi cất cánh của nhiều tài năng văn chương, đặc biệt là phái đẹp...

1.Bằng trải nghiệm nghề văn, tôi nhận ra Vũ Thanh Lịch sẽ là một cây bút giàu trữ lượng văn chương, sẽ đi đường dài, sẽ gặt hái nhiều thành quả ngay từ khi chị tham dự khóa học ngắn hạn Thẩm bình và Sáng tác văn chương do Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức vào dịp hè 2012. Từ năm 2004 đến nay, tôi là giáo viên thỉnh giảng của Khoa, chuyên thuyết trình về thể loại truyện ngắn. Khóa học năm ấy sau này có anh bạn thời đại học - Nguyễn Đăng An - trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2013.

Vũ Thanh Lịch vào Hội Nhà văn Việt Nam muộn hơn, năm 2019 so với bạn bè viết văn đồng trang lứa thì chị chậm nhưng chắc chắn. Vào dịp trước Tết Canh Tý 2020, Vũ Thanh Lịch rạng rỡ vì niềm hạnh phúc nhân đôi: cùng lúc chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam, và nhận giải Nhất Cuộc thi truyện ngắn mang tên “Lửa Mới” (2018-2019) của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Nhân tiện nói rõ hơn về cuộc thi này. Cuộc thi kéo dài trong hai năm. Ban Tổ chức đã nhận được 2.014 tác phẩm dự thi của 317 tác giả, đã đăng tải 128 truyện của 61 tác giả.

“Văn chương mang gương mặt nữ” là nét ưu trội của cuộc thi này, với những tên tuổi đã trở nên quen biết với độc giả như Vũ Thanh Lịch, Trần Thị Tú Ngọc, Trần Ngọc Diệp, Trần Quỳnh Nga, Bảo Thương, Nguyệt Chu, Phạm Thu Hà, Nguyễn Thị Lê Na, Nguyễn Thị Mai Phương, Lưu Thị Mười, Tống Phú Sa, Nguyễn Hải Yến, Hoàng Thị Trúc Ly... Trong Danh sách giải thưởng (10 giải), phái đẹp chiếm 50%. Giải Nhất thuộc về Vũ Thanh Lịch, hai giải Nhì là Phạm Thu Hà, Bảo Thương, một giải Ba là Trần Thị Tú Ngọc và một giải Tư của Nguyệt Chu.

Tác giả Vũ Thanh Lịch với tác phẩm "Nhà Thánh" được trao giải Nhất cuộc thi  truyện ngắn “Lửa mới” (Ảnh: BTC)

2. “Khôi nguyên Lửa Mới” Vũ Thanh Lịch, như tôi đã nhận xét, phản ánh “mỹ tục”, “truyền thống” của Văn nghệ Quân đội - một địa chỉ uy tín hiện nay trên văn đàn Việt, nơi cất cánh của nhiều tài năng văn chương, đặc biệt là phái đẹp; nơi trao nhiều Giải thưởng cho các cây bút nữ thời danh: từ Phạm Thị Minh Thư, Y Ban, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Xuân Hà, Thùy Linh đến Như Bình, Trần Thanh Hà, Đỗ Bích Thúy, Vũ Minh Nguyệt... gần hơn cả là  Phong Điệp, Tống Phú Sa, Nguyễn Thị Kim Hòa. Hiện diện cạnh độc giả hôm nay là Vũ Thanh Lịch, Phạm Thu Hà, Bảo Thương, Trần Thị Tú Ngọc, Nguyệt Chu.

Vũ Thanh Lịch đoạt giải Nhất của Cuộc thi truyện ngắn “Lửa Mới” trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội với thiên truyện “Nhà Thánh” có gì mới? Đọc lý lịch trích ngang của Vũ Thanh Lịch, tôi chú ý đặc biệt đến nghề nghiệp của cây bút nữ đang độ khởi sắc này. Chị là Thạc sỹ Văn hóa học, hiện là Trưởng  phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình).

Trong Tự bạch, Vũ Thanh Lịch chia sẻ với độc giả: “Tôi sinh ra ở làng quê nghèo của huyện Yên Mô, lớn lên bằng hơi ấm của của núi rừng Tam Điệp. Tôi viết những điều mình thấy, mình nghĩ. Mỗi lần viết xong một câu chuyện, tôi tìm được một nguồn an ủi và nhận ra mình đang đi qua những khoảng tối để hướng về phía ánh sáng.

Với tôi, văn chương là sự cứu rỗi, nơi cho tôi nguồn sinh lực. Thần linh có thật không? Tôi thường hỏi mình như vậy khi đứng trước những pho tượng cổ trong không gian thờ tự cũ kỹ nghi ngút khói hương. Và tôi đã viết “Nhà Thánh”. Có điều, khi viết đến chữ cuối cùng của truyện, tôi vẫn chưa biết thần linh có thật không” (Văn nghệ Quân đội, số Xuân Canh Tý, trang 44). Vậy là rõ. Với Vũ Thanh Lịch, đời sống nội tâm, sâu hơn là đời sống tâm linh như là một miền bí ẩn đầy mời gọi mới là “hiện thực”, mới là “miền đất hứa” với người sáng tác văn chương.

Đọc “Nhà Thánh” của Vũ Thanh Lịch, riêng tôi lại nhớ đến nhận xét bền lâu của nhà văn Pháp André Malraux (1901- 1976): “Thế kỷ hai mươi là thế kỷ của tâm linh”. Soi chiếu vào thực tiễn văn chương Việt những thập niên gần đây càng thấy sự anh minh của nhà văn khi nhìn xa trông rộng, khi có cái biệt nhãn đón đợi, tiên cảm. Chỉ xin nêu vài ba tác phẩm dược dư luận quan tâm gần đây làm dẫn chứng: “Và khi tro bụi” của Đoàn Minh Phượng, “Chân trần” của Thùy Dương, “Chúa đất” của Đỗ Bích Thúy, “Huyết ngọc” của Tống Ngọc Hân… Trong truyện được giải Nhất, Vũ Thanh Lịch kể về Thánh Mẫu, hầu đồng, lễ hội,… tất cả đều từ nguồn suối dân gian (folklore) chảy ra.

Nhưng vẫn không xa lìa cái “dây neo trần gian”, bởi kết thúc truyện là cảnh thực, việc thực: “Mùa mưa năm ấy, lũ thượng nguồn tràn về xối xả suốt ba ngày. Người chết trong lũ không kể xiết. Nước rút, phủ Vòm còn trơ lại vài cây cột đá chạm khắc cầu kỳ, những vết chạm ngậm đầy bùn đất” (Văn nghệ Quân đội, số Xuân Canh Tý 2020, trang 55). Lối viết của Vũ Thanh Lịch trong “Nhà Thánh”, theo tôi, vừa “bấu chặt” đời sống thực, vừa phiêu diêu, kỳ ảo.

3. Nhưng nếu chỉ đọc riêng rẽ “Nhà Thánh”, dẫu cho là tác phẩm nhận giải Nhất một cuộc thi văn chương danh giá, thì vẫn chưa tóm được cái thần thái của Vũ Thanh Lịch trong truyện ngắn. Chị đã in 3 tập truyện ngắn: “Trú rét”, “Đi qua đồng cói”, “Chân núi có một con đường”. Nhưng phải đến tập truyện thứ tư “Người hát gọi mặt trời” (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2018) thì khuôn mặt nữ văn sỹ mới hiển hiện, tròn đầy, khởi sắc. Hai mươi mốt truyện không ghi chú năm viết, cũng là ngụ ý của tác giả: văn chương không có thời được đưa vào như là một “tuyển tập sớm” của một cây bút thuộc thế hệ 7X. Tôi chú ý đến cái cấu tứ “căn cước người” (nhan đề một truyện trong tập), như là sợi chỉ đỏ xâu chuỗi các truyện.

Cái căn cước ta thường nghĩ như là một thứ giấy tờ thông dụng, như Chứng minh nhân dân trước đây, nhưng nó là một ẩn dụ. Cái “căn cước” này chỉ định sự khác nhau giữa các cá thể trong cộng đồng. Nhưng riêng tôi, thích cái căn cước bản nguyên của nhân vật “Tôi” trong truyện “Đi qua đồng cói”: “Cha tôi là nông dân. Không trồng lúa, trồng ngô mà trồng cói. Đồng cói nhà tôi thẳng cánh có bay. Xanh niềng xanh niễng”. 

4. Chưa thể nói về một phong cách Vũ Thanh Lịch được! Tất nhiên! Nhưng cá tính, biệt sắc của cây bút nữ này theo tôi, có thể ướm thử để nói. Tôi  biết Vũ Thanh Lịch đã tám năm. Đã chú ý đọc sát sao cây bút này, cũng bởi riêng yêu thích và quan tâm đến thể loại truyện ngắn. Trước hết, tôi cảm nhận về tính “nhị nguyên” của cây bút nữ này.

Có một Vũ Thanh Lịch chao chát, chòng chành khi viết về những chuyện không muốn viết như “Căn cước người”, “Thuốc lú”, “Bus Hà Nội”, “Cây son ngừ”, “Váy em hoa bay”, “Những mặt trời trên cỏ”… Nhưng cũng có lúc thao thiết, trăn trở trong các truyện ngắn “Người hát gọi mặt trời”, “Đi qua đồng cói”, “Rễ phủ giữa dòng”, “Dốc Võng”,…. Lại nữa, Vũ Thanh Lịch thường hay sử dụng nhân vật “Tôi” để thả sức bộc bạch bản ngã mình mà  không sợ điều tiếng của độc giả ngày nay vốn rất thông minh nhưng cũng cực kỳ khó tính trong thẩm văn.

Cái cách này rất khéo trong tay Vũ Thanh Lịch khi đan xen “tự ngã trung tâm” với khách quan, đôi khi  sát sàn sạt trong cách kể chuyện. Vũ Thanh Lịch là vậy. Văn là người. Tựa như một con ngựa bất kham phi nước đại trên một cánh đồng cỏ mênh mông. Nhưng nếu có người biết kiềm thúc thì lại thả nước kiệu, chậm rãi tỷ tê, như thể quá nhàn rỗi về thời gian.

Truyện ngắn Vũ Thanh Lịch không bám vào các “moment” (khoảnh khắc), mà trải ra rộng ra, kéo dài ra theo một “chu trình nhân- quả” đời sống, “Đi qua đồng cói” là một ví dụ. Cũng chính vì thế đôi chỗ bộc lộ sở đoản của chị, khiến cho một số truyện bị tãi ra, loãng ra, chưa tạo thành những “cú đấm nghệ thuật” hữu hiệu. Cổ nhân nói, có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ. Đọc kỹ văn Vũ Thanh Lịch, tỉnh trí ra, tôi nhận thấy có cả hoa, cả nụ.

Hà Nội, tháng 2-2020

Bùi Việt Thắng
.
.