Vòng xòe đêm hội

Chủ Nhật, 20/10/2019, 08:23
Đến hẹn lại lên, tôi lại được ùa vào cánh đồng Mường Lò mênh mông sóng lúa, dịu dàng hương cốm mới. Vẫn những ngôi nhà sàn hiền hòa, dòng suối Thia rì rầm tiếng của ngàn xưa; vẫn dáng thiếu nữ áo cỏm, khăn piêu xao lòng khách đến nhưng năm nay dường như rộn ràng và rực rỡ hơn.

Chưa bao giờ tôi thấy Mường Lò đông đến thế. Trời mới sang chiều, từ khắp các ngả đường, làng bản, dòng người cuồn cuộn đổ về. Mới đây thôi, các cô, các chị, các em còn là những người nông dân cần cù dưới ruộng, trên nương, giờ váy áo rực rỡ như có phép tiên biến hóa. Ai cũng hân hoan, náo nức hướng về Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Đã trở thành hoạt động thường niên từ nhiều năm nay với các chương trình lễ hội, du lịch trải nghiệm, khám phá, như: Hội chợ ẩm thực Tây Bắc; Triển lãm ảnh "Đất và người Yên Bái"; Festival dù lượn "Bay trên mùa vàng"; Hội trình diễn trang phục dân tộc; Lễ hội giã cốm; Hội thi múa khèn; Hội chọi dê; Du lịch mạo hiểm khám phá Tà Xùa, Tà Chì Nhù và thác Háng Tề Chơ… nhưng lần này, lễ hội được chờ đón hơn bởi màn đại xòe với sự tham gia của 5000 nghệ nhân dân gian và người dân Mường Lò- Nghĩa Lộ.

Những cơn mưa thu nũng nịu, thoắt đến rồi đi không làm ảnh hưởng những bước chân tụ về Nghĩa Lộ mà càng làm cho bầu trời trong hơn, đêm trang hoàng, lộng lẫy hơn. Mở màn Lễ hội là màn biểu diễn đường phố với sự tham gia của 600 nghệ nhân, diễn viên không chuyên đến từ 9 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Tôi hòa vào dòng người, lòng trở nên rạo rực, chân bước lâng lâng trong tiếng khèn, tiếng nhạc, trong lung linh đường phố cùng rực rỡ sắc màu áo cỏm, khăn piêu với những nụ cười rạng rỡ, đắm say.  Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội với chủ đề "Tinh hoa từ huyền thoại" gồm ba chương: "Cuộc thiên di huyền thoại", "Hội tụ và giao thoa", "Xoè Thái và tinh hoa dân tộc". Sân khấu được thiết kế, mô phỏng ruộng bậc thang cùng dòng Nậm Thia duyên dáng, những guồng nước, mái nhà thân thương… Hoạt cảnh múa hát "Nơi gặp gỡ đất trời"; múa bóng "Tắm trăng"; liên khúc "Nọong ơi theo câu hát sluong", "Men say", "Điều chưa thấy trong văn tự người Dao"; "Chợ tình"; "Thu Khau Phạ" tạo thành một câu chuyện kể huyền thoại bằng ánh sáng, âm nhạc, nghệ thuật, thấm đẫm những nét văn hoá đặc sắc của các dân tộc Yên Bái cuốn lấy khán giả.

Chương trình nghệ thuật chào mừng khép lại, hơn 5000 nghệ nhân dân gian và người dân trong trang phục nữ Thái đủ sắc màu cùng chiếc khăn thổ cẩm đã tay trong tay nối thành vòng xòe khổng lồ. Nghệ nhân Lò Văn Biến, người gìn giữ và truyền dạy sáu điệu xòe cổ, mái tóc bạc trắng như tiên trong vai già bản thực hiện nghi thức châm lửa.

Các vị lãnh đạo tham dự lễ hội “vòng xòe” ở Mường Lò, Mù Cang Chải, Yên Bái.

Tiếng gọi vào hội xòe bằng tiếng Thái của nghệ nhân cất lên sang sảng, ấm áp. Tiếng nhạc xòe dân tộc vang lên, lúc này, các cô, các chị, các em nhịp nhàng, uyển chuyển kết thành các đội hình: đội hình "Hội tụ tinh hoa" mang ý nghĩa Mường Lò, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa các dân tộc; đội hình "Vòng thời gian" thể hiện sức sống mãnh liệt vượt thời gian, được lưu truyền qua ngàn đời của nghệ thuật xòe Thái; đội hình "Hoa văn Tây Bắc" như tiếng gọi của núi rừng, là bản hòa ca của thiên nhiên, con người và cuộc sống mộc mạc, giản dị của đồng bào dân tộc Thái Mường Lò.

Ánh lửa xòe bùng lên mãnh liệt, những gương mặt, ánh mắt, nụ cười rạng ngời. Tay trong tay, vòng xòe cứ xoay mãi. Trong từng khuôn hình, bước vũ, tiếng khèn, tiếng nhạc, tôi nghe như vọng về từ huyền thoại bước chân thiên di của người Thái Mường Lò từ miền đất ba dải, chín con sông, nơi sông Đà gặp sông Hồng; miền đất có dáng hình như cái quạt xòe ra, ôm trọn vùng hữu ngạn sông Hồng và vùng lưu vực sông Đà, sông Mã, sông Nặm U, Nặm Na, kéo dài tới vùng Bạch Hạc ngày nay.

Tôi như thấy hai anh em Tạo Xuông, Tạo Ngần dẫn đoàn người Thái từ sông Hồng xuống tận Mường Ôm, Mường Ai, đến Mường Lò khai mường, tạo lập cả một vùng đất miền Tây và Tây Bắc rộng lớn. Người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống là nông nghiệp, sống quần tụ tại các bản làng ở các vùng lòng chảo, ven sông suối.

Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Thái luôn cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại thú dữ, giặc giã. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam, nữ, già, trẻ cùng nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy được lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành nên các điệu xòe.

Sau này xòe được những nghệ sĩ dân gian thổi vào hơi thở của tình yêu, khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc, làm cho các điệu xòe lung linh, sống động. Mường Lò được xem là đất tổ của người Thái đen Tây Bắc, nên đây là nơi sản sinh ra các điệu xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng xòe. Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái Mường Lò.

Khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định, người Thái dần dần nhận thức rõ về vũ trụ, về mối quan hệ Thiên - Địa - Nhân và vai trò của con người trong mối quan hệ tổng hòa đó. Những điệu xòe ra đời, phát triển lên tới trên ba mươi điệu xòe như một sự tất yếu hàm chứa những giá trị văn hóa và nhân văn cao đẹp, những triết lý sâu sắc, ẩn chứa trong từng động tác, từng điệu xòe. Xòe dịch ra có nghĩa là "xe", xòe cổ là "xe cáu ké" nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể của đồng bào dân tộc Thái.

Người Thái có câu ca: "Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xoè trai gái không thành đôi…". Sức hấp dẫn của xòe chính là sự sôi nổi, gần gũi mà đậm tình như hơi thở của cuộc sống. Cùng với những điệu khắp trữ tình, các điệu khèn, điệu pí… xòe ăn sâu vào lòng người một cách tự nhiên. Qua mỗi bước xòe, con người gần gũi, chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời, tin yêu cuộc sống hơn. Người Thái Mường Lò xòe trong mọi hoàn cảnh, xòe khi có hội, xòe khi có khách, xòe khi Tết đến xuân sang.

Đứa trẻ sinh ra đã biết xòe. Xòe ngấm vào trong máu, truyền từ đời này sang đời khác. Chẳng nơi nào người dân lại yêu văn hóa văn nghệ và mê xòe như ở Mường Lò nên việc huy động 5000 người vào màn đại xòe năm nay đối với thị xã Nghĩa Lộ chẳng có gì khó khăn.

Trước khi biểu diễn màn đại xòe hai tuần, các đội xòe tại các xã tập riêng, sau một tuần thì tập xòe chung tại sân vận động thị xã. Tất cả đến với xòe bằng sự đam mê, tình yêu nghệ thuật và lòng tự hào dân tộc. Không tự hào sao được khi vòng đại xòe đã đưa văn hóa Thái Mường Lò đến với bạn bè khắp bốn phương.

Tiếng nhạc, tiếng trống xòe vẫn rộn rã, tiếng tính tẩu dìu dặt, trầm bổng. Từ đội hình vòng tròn, mọi người nắm tay nhau, biểu hiện sự gắn kết cộng đồng chuyển sang động tác chân bước và tay vung lên cao biểu hiện niềm vui của con người trước những thành quả lao động. Tiếp đến, cứ một người bước tiến, một người sát cạnh bước lùi ngụ ý rằng cho dù cuộc sống có lúc buồn, lúc vui, có khi chao đảo trước sóng gió, khó khăn, song mọi người vẫn chung lòng hướng tới một niềm tin son sắt, dù có đi 4 phương trời nhưng không bao giờ quên được nguồn cội. Vòng xòe chuyển động như những cánh hoa, mọi người đi vòng tròn, mỗi khi kết thúc một nhịp thì vỗ tay biểu hiện niềm hân hoan, sự thỏa mãn, đó cũng là những bước chân chếnh choáng của men say và tình người ngây ngất.

Cuối cùng vòng xòe như năm cánh hoa ban hòa thành vòng xòe to ôm lấy các vòng xòe nhỏ, cứ mở ra như một bông hoa khổng lồ, rực rỡ giữa núi rừng Tây Bắc. Lúc này, trên khán đài, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã rời khỏi ghế, cùng xuống sân, hòa vào vòng xòe cùng nắm tay nhau, xoay tròn bên ánh lửa với những nụ cười hân hoan, hạnh phúc. Xòe không còn là vũ điệu của cơ thể nữa mà là vũ điệu của tâm hồn, đắm say, hội tụ và lan tỏa.

Tổng đạo diễn chương trình Lê Hải Yến xúc động: "Đây là một chương trình có thể nói là kỷ lục trong sự nghiệp của tôi. Kỷ lục cả về số lượng người tham gia, biểu diễn, kỷ lục cả về không gian và thời gian. Thực sự với chúng tôi đây là một kỷ niệm thật khó quên…". Chương trình đã kết thúc, nhiều người vẫn không ngừng xoè, càng khẳng định sức sống mãnh liệt của một di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, một giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc từ ngàn đời của đồng bào Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ. Màn đại xòe, điểm nhấn của Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải khép lại nhưng dư âm chắc chắn sẽ còn mãi.

Nông Quang Khiêm
.
.