Tân hội viên Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Đăng An:

Với giới văn chương tôi không phải người lạ

Thứ Năm, 13/02/2014, 08:00
Đến với văn chương khá sớm, nhưng do đặc thù công tác nên con đường sáng tác của ông có lúc bị ngắt quãng, nhưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an, nhà văn Nguyễn Đăng An khẳng định: Ở tuổi 63, "mối tình" với văn chương của ông "vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu!".

Năm 2013 là một năm có nhiều niềm vui với nhà văn Nguyễn Đăng An: Được trao giải ba cuộc thi sáng tác truyện ngắn do Báo Văn nghệ tổ chức; tập truyện ngắn "Người đàn bà nghịch cát" lọt vào top 10 cuốn sách hay do Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam bình chọn; trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đến với văn chương khá sớm, nhưng do đặc thù công tác nên con đường sáng tác của ông có lúc bị ngắt quãng, nhưng trong cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an, nhà văn Nguyễn Đăng An khẳng định: Ở tuổi 63, "mối tình" với văn chương của ông "vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu!".

- Thưa nhà văn Nguyễn Đăng An, 63 tuổi mới trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, theo ông lứa tuổi ấy có là… muộn với một người cầm bút?

+ Trước hết, tôi muốn khẳng định rằng, việc trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là ước muốn chính đáng của tất cả người cầm bút. Hội Nhà văn là một địa chỉ uy tín, sang trọng. Nhưng tôi và chị hãy cùng thử làm một phép so sánh, trong số gần 1.000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có ai trở thành hội viên ở tuổi dưới ba mươi không? Câu trả lời là có, nhưng rất hiếm. Đa phần là vào Hội ở tuổi 40 cho đến 60, ngoài ra còn có những người vào hội ở tuổi 70, thậm chí là 80. Nói như thế để thấy rằng, vấn đề tuổi tác là yếu tố quan trọng nhưng không phải là tiêu chí đánh giá sự "sớm" hay "muộn" mà tiêu chí phải là giá trị, đóng góp của tác phẩm mà nhà văn ấy đem đến cho độc giả, cho văn học nói chung. Vì thế, ở tuổi 63 tôi vẫn đầy hào hứng, phấn khởi khi cầm trên tay tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

- Theo quan sát của nhiều người, ở Việt Nam luôn tồn tại một "nghịch lý", đó là những người viết khi chưa trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì sáng tác rất hăng say, đầy những khát vọng chinh phục các giải thưởng này nọ. Nhưng khi trở thành hội viên rồi thì tên tuổi lại mất hút một cách đầy… bí ẩn. Cá nhân ông đang có kế hoạch gì để không "mất hút" trên văn đàn?

+ Thực lòng, sau tâm trạng vui vẻ, phấn khởi vì được vào Hội thì sự lo lắng cũng đến với tôi ngay sau đó. Mong ước từ thuở thiếu thời đã thành hiện thực, nhưng tôi cũng tự ý thức rằng, bắt đầu từ bây giờ, trong nghiệp viết của tôi đòi hỏi sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, nỗ lực hơn nữa để đáp ứng sự tin cậy của những người đã bỏ phiếu ủng hộ tôi trở thành hội viên cũng như độc giả đã, đang và sẽ đọc tác phẩm của tôi. Tôi không vào Hội để "lấy danh".

- Được biết, ông là người viết văn khá sớm, cũng sớm "có danh" nhưng lại có một thời gian dài bỏ bẵng văn chương. Sự trở lại với văn chương đầy bất ngờ và thành công của ông trong 3 năm qua chắc hẳn khiến nhiều người ngạc nhiên?

+ Tôi sớm yêu văn chương, có thơ đăng báo từ năm lớp 4 và vốn tốt nghiệp Khoa văn  K14, Đại học Tổng hợp. Bạn học với tôi có các nhà văn như Triệu Xuân, Bùi Việt Thắng, Nguyễn Bá Thành, Bích Thu… Nói thế để thấy rằng tôi có cái "gốc" văn chương nghiêm chỉnh. Ra trường, tôi gia nhập lực lượng vũ trang và sau đó có những tác phẩm như tập thơ in chung "Hoa lau trên chốt", tập thơ "Biển hát lời của biển" in năm 1991, tập truyện ngắn "Thiên nga lạc bầy" in năm 1990… Ngoài ra, tôi cũng tham gia dịch một số tác phẩm như "Trừng phạt", "CIA tụt dốc"… Nhưng sau đó, do đặc thù công tác tôi không có đủ thời gian dành cho văn chương, bị công việc cuốn đi nên đã bỏ bẵng một thời gian. Chị nói như thế là đúng, nhưng thực ra cái "gốc văn chương" của tôi vẫn còn nguyên đó. Đến lúc tôi nghỉ hưu, mạch nguồn văn chương trong tôi đã trở lại mạnh mẽ. Trong vòng 2 năm, tôi đã viết 18 truyện ngắn, trong đó có truyện "Người đàn bà ở bến đậu xe thành Rom" từ khi ra đời đã gây ngạc nhiên, thích thú đối với nhiều bạn văn và độc giả. Truyện ngắn này đã được giải thưởng của Báo Văn nghệ, đúng như dự đoán của nhiều người…

- Điều đó có nghĩa là, dẫu có thời gian kém mặn nồng với văn chương, nhưng khi có điều kiện "tái hồi", ông không hề bị bỡ ngỡ?

+ Tôi cho rằng, thời gian tạm rời văn chương của tôi thực ra là một "khoảng lặng" cần thiết của người cầm bút. Đó là thời gian tôi tích lũy, nạp năng lượng, chiêm nghiệm những điều mình thấy trên đường đời, để đến hôm nay, khi tôi đặt bút xuống là mạch nguồn sáng tác được khơi lại một cách tự nhiên. Với văn chương, chẳng bao giờ tôi có cảm giác bị bỡ ngỡ, vì tôi không phải là "người lạ" mà chỉ là "người vắng nhà" ít lâu…

- Là người có nhiều năm tháng công tác ở nước ngoài, ông thấy cộng đồng người Việt ở nước ngoài có yêu văn chương, có quan tâm đến văn học trong nước không?

+ Ở nước ngoài, tôi có may mắn được tiếp xúc với nhiều người Việt ở đủ các giới, đặc biệt là giới trí thức. Tôi rất ngạc nhiên khi lạc vào những kho sách quý giá của người Việt ở Pháp như thư viện của cha cố Nguyễn Đình Thi, thư viện của các học giả như Hoàng Xuân Hãn, Đặng Tiến, Trần Thiện Đạo… Tôi thấy gia đình người Việt nào cũng có cho mình một tủ sách nho nhỏ. Quả thực đó là những kho tri thức đồ sộ và có thể khẳng định người Việt ta ở nước ngoài rất yêu thích văn chương và quan tâm đến văn học trong nước. Mỗi khi tôi từ Việt Nam sang thường mang theo một ít sách để làm quà, nhất là các tác phẩm mới bạn bè tôi quý lắm, họ thường chuyền tay nhau đọc đấy.

- Có ý kiến cho rằng, sở dĩ văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn bởi vì khâu kiểm duyệt vẫn được làm khắt khe. Ông có đồng ý với ý kiến này không?

+ Tôi thấy trên thế giới, nước nào cũng đều có chế độ kiểm duyệt đối với việc xuất bản các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Tuy nhiên ở từng nước có chế độ chính trị khác nhau, chế độ kiểm duyệt cũng có mức độ chặt, lỏng khác nhau. Về ý kiến cho rằng "sở dĩ văn học Việt Nam chưa có tác phẩm lớn vì do khâu kiểm duyệt khắt khe", tôi không tán thành. Tôi muốn hỏi lại những người có ý kiến trên rằng tại sao ở những nước có chế độ kiểm duyệt thông thoáng như Mỹ, Pháp, Anh… hiện nay vẫn chưa xuất hiện những tác phẩm lớn trong khi Trung Quốc là nước có chế độ kiểm duyệt khắt khe lại xuất hiện tác phẩm lớn? Ngay các tác giả người Việt sống tại các nước có chế độ kiểm duyệt thông thoáng đã có tác giả nào, tác phẩm nào lớn chưa? Rõ ràng là chưa. Vì thế theo tôi khâu kiểm duyệt không phải là yếu tố quyết định độ lớn của một tác giả, tác phẩm.

- Với nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài, có người cho rằng trong nhiều trường hợp, người ta chọn dịch một tác phẩm văn học trong nước là do "động cơ chính trị" chứ không phải vì mục đích văn chương. Ông có quan điểm như thế nào về ý kiến này?

+ Có một thực tế cần thấy là, số người có khả năng dịch, chọn dịch tác phẩm văn học Việt Nam không nhiều đâu. Đó là chưa kể một số cá nhân có quan điểm khác biệt như Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên… là những người có ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

Tôi thấy rằng, khi họ chọn dịch một tác phẩm nào đó từ trong nước, ít nhiều đều có động cơ chính trị. Ngoài ra, người ta cũng chọn những tác giả mới nổi hay có tiếng vang ở trong nước như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh….

- Là người gắn bó lâu năm với lực lượng vũ trang, ông có thấy mình bị hấp dẫn bởi dòng văn học viết về đề tài an ninh trật tự không?

+ Ngay từ những ngày đầu gia nhập lực lượng vũ trang, tôi đã đọc những tác phẩm của các nhà văn Lê Tri Kỷ, Văn Phan, Ngôn Vĩnh, Trần Diễn, Phùng Thiên Tân… Hồi ấy, nhóm trẻ chúng tôi gồm Trần Chí, Gia Bào, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Đăng An từng nhận phụ trách một trang thơ trên Báo Công an nhân dân với những bài thơ đầy sôi nổi của tuổi trẻ. Có thể nói, với văn học của lực lượng Công an, tôi là người luôn gắn bó, theo sát và đầy tự hào về sự phát triển của dòng văn học này từ những bước đi đầu tiên cho đến hôm nay, khi Chi hội Nhà văn Công an đã phát triển thành một đội ngũ hùng hậu với lớp trẻ kế cận năng động, tươi mới.

- Theo quan sát của tôi, hình như những tác phẩm viết về đề tài Công an vẫn còn thưa vắng so với các ngành nghề khác. Điều này chắc hẳn cũng có nguyên do?

+ Đề tài Công an hiện nay vẫn còn ít tác phẩm, trước hết có lẽ do các tác giả trong Lực lượng Công an chưa nhiều, các tác giả ở ngoài viết về đề tài Công an hơi khó vì đòi hỏi tính nghiệp vụ cao.

Về phía cá nhân, do đặc thù công tác cho nên tôi chưa viết được nhiều về lực lượng Công an. Trước đây, tập truyện ngắn "Thiên nga lạc bầy" của tôi là viết chủ yếu về Công an, trong đó có các câu chuyện mang màu sắc điều tra hình sự. Tôi vẫn ao ước sẽ viết được một cuốn sách tập trung được "vốn liếng" cả đời của mình và là những trang viết mang nhiều nét đặc thù về lực lượng Công an. Nhưng cụ thể thế nào thì tôi xin phép chưa tiết lộ nhé! Tôi sợ nói trước lại bước không qua…

- Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Đăng An!

Hà Anh (thực hiện)
.
.