Violinist Hoàng Tuấn Cương và chặng đường “Âm nhạc lay chuyển cuộc sống”

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:00
Mùa thu đang đến, người Hà Nội đón thu với nhiều cách khác nhau. Đêm 22/10 vừa qua, những người yêu nhạc cổ điển và operetta đã đến kín khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội. Đến, để được tận hưởng sự tinh túy của âm nhạc từ những nghệ sĩ của Nhà hát Nhạc kịch Budapest, một trong những "Quốc bảo Hungari", và đến để gặp gỡ tài năng người Việt trẻ Hoàng Tuấn Cương.
Đêm diễn thật là hoàn hảo. Dàn nhạc với khả năng hòa tấu xuất sắc, dưới cây đũa chỉ huy của nhạc trưởng bậc thầy L. Makláry và sự trình diễn điệu nghệ của các giọng ca opera tài năng như Szilvi Szendy, Dávid Szabó, Mosnicka Fichl và Gergely Boncsér… đã khiến cho khán phòng tràn ngập niềm hân hoan.

18 năm trong chặng đường "Âm nhạc lay chuyển cuộc sống" tại Việt Nam là mười tám lần khán giả Việt lại được thưởng lãm những chương trình âm nhạc đặc sắc. Mỗi lần là một kịch mục khác nhau, cùng với những tên tuổi lớn của các tác giả âm nhạc cổ điển thế giới là những gương mặt nghệ sĩ biểu diễn mới, nổi tiếng và tài năng, trong đó có gương mặt người Việt. Đó vừa là vì nghệ thuật vừa là sự tôn vinh và quảng bá tài năng Việt, từ NSND Đặng Thái Sơn-piano, NSƯT Ngô Hoàng Quân - Cello, Nguyễn Hữu Nguyên - violin, Bùi Công Duy - violin, Nguyễn Bích Thủy - soprano, Lưu Hồng Quang - piano, Lê Hoài Nam - violin, Phan Thị Duyên Huyền - soprano.

Và lần này là Hoàng Tuấn Cương - vilolin. Chương trình Toyota cổ điển được tổ chức tại 7 quốc gia khác trong khu vực bao gồm: Việt Nam, Brunei, Philipines, Malaysia, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Trong 25 năm liên tiếp, Toyota Classis đã thực hiện 184 buổi hòa nhạc, thu hút hàng trăm ngàn khán giả, góp phần đem nhạc cổ điển nói riêng và văn hóa nói chung đến với các quốc gia, làm hài hòa thêm gương mặt thế giới, và lay chuyển cuộc sống của nhân loại. Toàn bộ số tiền bán vé của Toyota Classis khoảng chừng 8,4 triệu đô la Mỹ tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã được sử dụng cho các mục đích từ thiện xã hội ở các quốc gia này. Tại Việt Nam, khi thì Hà Nội khi thì TP Hồ Chí Minh, đã diễn ra 18 chương trình, toàn bộ số tiền bán vé của chương trình cũng đã được Toyota Việt Nam sử dụng cho các hoạt động thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của nước nhà.

Những gương mặt tài năng Việt kể trên đã để dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng yêu nhạc cổ điển tại Việt Nam, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 2 thành phố diễn ra các hoạt động âm nhạc nghệ thuật này. Năm nay, Hoàng Tuấn Cương chinh phục người nghe bằng bản "Romance số 2 cung Fa trưởng op 50" của nhà soạn nhạc thiên tài L. Beethoven.

Một tác phẩm được gọi là sự lãng mạn cho ánh sáng với  giai điệu ngọt ngào, đòi hỏi sự điêu luyện và tinh tế. Hoàng Tuấn Cương có vẻ hơi hồi hộp khi bước ra sân khấu. Khán phòng cũng hồi hộp theo, phía sau anh, Dàn nhạc danh tiếng Budapest và nhạc trưởng L. Makláry đã sẵn sàng, trước đó họ đã trình tấu những bản nhạc đầy hứng khởi của J.Strauss II, của E.Kalmán và F. Lehár. Nhưng chỉ trong mấy giây, sau khi đặt cây đàn của Ulrich Fischer - một bậc thầy về chế tạo đàn nổi tiếng, cây đàn đoạt Giải nhất trong cuộc thi chế tạo đàn tổ chức thường niên tại Đức lên vai, thì người ta thấy Hoàng Tuấn Cương hoàn toàn làm chủ cảm xúc của mình. Bản Romance đã vang lên tuyệt diệu dưới mái vòm nhà hát…

Có người nói, Hoàng Tuấn Cương là một tên tuổi lạ, chưa có độ phủ sóng rộng trong công chúng. Nghe thế, phần nào thấy chạnh lòng cho âm nhạc cổ điển, một loại hình nghệ thuật mà người nghệ sĩ không chỉ phải có tài năng mà còn phải học hành theo đuổi cả đời mới chinh phục được. Và nghệ thuật của nó dù đã đạt tới đỉnh chất lượng thì cũng không có lượng fan hâm mộ hùng hậu. Song, thứ ngôn ngữ đó giúp cho trí tưởng tượng của con người phát triển, đánh thức các cảm hứng sáng tạo và cảm xúc cao thượng, là nền tảng của để xây các giá trị thẩm mỹ. Hoàng Tuấn Cương có thể lạ với những người chỉ biết đến nhạc nhẹ, âm nhạc của đại chúng...

Sinh năm 1979, trong một gia đình nghệ thuật, cha là NS Hoàng Cương, Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Mẹ là nghệ sĩ Lê Kim Thanh, giảng viên piano. Gốc Hà Nội, gia đình Cương hiện ở TP Hồ Chí Minh, cả nhà chọn cuộc sống thanh bạch để theo đuổi những âm thanh hàn lâm của cổ điển.

Sống trong môi trường âm nhạc, Tuấn Cương đã thẩm âm từ bé, đã mê đàn từ nhỏ. Lên năm tuổi, Cương đã được bố mua cho cây đàn cỡ nhỏ nhất, và có bài cho tập hằng ngày. Bảy tuổi, Tuấn Cương trở thành học sinh Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, một tuần lên lớp hai lần, còn với Tuấn Cương, giờ tập hằng ngày cũng có cha hoặc mẹ luyện cho. Nhiều khi diễn, Cương lại được mẹ đệm đàn. 11 tuổi Cương đã đoạt được giải nhất violin Cuộc thi Quốc gia Âm nhạc Mùa thu (năm 1990, tại Hà Nội).

Đêm nhạc Toyota cổ điển 2015.

Thế rồi may mắn mỉm cười. Trong thời gian bố anh - PGS Hoàng Cương tu nghiệp tại Ðức, ông đã giới thiệu tiếng đàn Cương với GS Wolfgang Marschner, Chủ tịch của Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ violin Pfluger - Freiburg, Chủ tịch cuộc thi quốc tế violin Ludwig Spohr, và tiếng đàn của Cương đã chinh phục ông, một suất học bổng của Quỹ Freiburg đã giúp Cương được sang Ðức đào tạo để tham gia concour L. Spohr năm 1994.

Trong thời gian là sinh viên của NV Freiburg, anh đã được học với những giáo sư nổi tiếng. Dưới sự hướng dẫn của GS Kussmaul anh đã tham gia và nhận được Giải Forerpreis tại cuộc thi violin quốc tế Leopold Mozart (Augsbug - CHLB Đức). 

Sau cuộc thi violin quốc tế năm 1994, hết học bổng, hết sự trợ giúp của chương trình guest family Tuấn Cương lại may mắn được một bà mẹ Ðức đỡ đầu - bà Gertrud Augustiniok. Tuấn Cương đã từng diễn ở thành phố bà Augustiniok sinh sống, nhờ đọc bài báo ở đó phỏng vấn Cương, mà biết đến Cương, biết đến nhu cầu được tiếp tục đào tạo và biểu diễn tại quê hương của âm nhạc cổ điển của Cương, nên bà đã lập tức liên lạc và hỗ trợ cho đến khi Cương ổn định cuộc sống. Ở Đức, Cương được GS W. Marschner trực tiếp dạy giai đoạn đầu và tạo cho anh nơi biểu diễn. Anh đã từng cùng dàn nhạc thính phòng do W. Marschner chỉ huy diễn tại Vatican. Tuấn Cương đã biểu diễn độc tấu và hòa tấu tại Ðức, Ý, Áo, Anh, Slovakia, Croatia, Nhật, Úc, Hà Lan, Phần Lan...

Hoàng Tuấn Cương từng về diễn ở Việt Nam, tham gia chương trình diễn chào mừng 300 năm Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, có một recital với sự tài trợ của Netcafe với độc tấu Chaconne (giọng rê thứ) của J. S. Bach…

Từ năm 2004 đến nay Cương là thành viên của bè Violin I trong DN Philharmonic State Orchestra Hamburg. Cương cho biết cuộc sống ở Đức dễ chịu và hài lòng đối với anh vì cuộc đời anh không có gì hơn là được sống cho âm nhạc. Cương đã cùng dàn nhạc biểu diễn nhiều thành phố khác nhau trên thế giới. Vẻ đẹp của những thành phố đó phần nào nuôi dưỡng tâm hồn của người làm nghệ thuật như Cương. Nhưng khi được hỏi, nơi nào để lại ấn tượng sâu đậm nhất thì Cương cho biết: Về âm thanh phòng hoà nhạc thì Cương rất thích Suntory Hall ở Tokyo, về sự nồng nhiệt của khán giả thì ở phòng hoà nhạc Royal Albert Hall, London và những lần diễn ở trong nước. Nhưng dù đi biểu diễn ở bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới thì nghệ sĩ violin Hoàng Tuấn Cương vẫn mang trong mình một phong cách và tinh thần Việt để khi biểu diễn cùng các nghệ sĩ trong giàn nhạc quốc tế, Cương luôn cảm thấy vinh dự và tự hào vì đã góp phần nhỏ bé của một công dân gốc Việt mang tinh thần âm nhạc Việt hòa cùng dòng chảy âm nhạc thế giới.

Trần Thị Trường
.
.