Nhà viết kịch Phạm Văn Quý:

Viết không chỉ để "săn lùng" giải thưởng

Thứ Ba, 27/10/2009, 11:00
Đầu tháng 9 vừa qua, tại lễ trao giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội", cái tên Phạm Văn Quý được đánh giá như một phát hiện mới mẻ  của giải thưởng năm nay khi ông được biết đến là thầy giáo dạy về máy móc quân dụng của trường Kỹ thuật thông tin nhưng lại là tác giả của 10 kịch bản hay về Thăng Long.

Thực ra, tác giả Phạm Văn Quý hoàn toàn không phải là một cái tên xa lạ với giới sân khấu. Mấy chục năm qua, nhiều kịch bản của ông đã chinh phục được đông đảo khán giả cả nước. Gần 70 tuổi, với hàng trăm kịch bản đã được viết và một số kịch bản đang hoàn thiện, bút lực của tác giả Phạm Văn Quý vẫn tỏ ra dồi dào.

Sau khi nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội", cuộc sống của tác giả Phạm Văn Quý có chút xáo trộn vì ông nhận được khá nhiều lời đề nghị phỏng vấn của giới truyền thông. Gặp ông những ngày này không khó. Ông nửa đùa nửa thật: "Gác công việc và dành hẳn… một tháng để tiếp phóng viên".

Không phải để PR bản thân, bởi từ trước đến nay ông vẫn quan niệm "hữu xạ tự nhiên hương", mà đơn giản ông muốn gần gũi báo chí hơn. Lâu nay, kịch của ông dựng ở nhiều nơi, giải thưởng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu cũng không ít, thế nhưng cái tên Phạm Văn Quý thì nhiều người tới bây giờ mới biết.

Phạm Văn Quý có kịch bản in trên báo Thái Nguyên khi mới 18 tuổi (vở  "Từ nay hết khổ"). Với ông, sân khấu luôn là giấc mơ ám ảnh từ khi còn là cậu bé 8 tuổi mồ côi cha mẹ, lăn lóc trên đường phố Hà Nội cho đến khi vào quân ngũ. Lúc nhỏ, niềm mơ ước của cậu bé Phạm Văn Quý là được xem những vở diễn của các đoàn Minh Châu, Anh Đệ, Nhật Tân... trong cái rạp được quây bằng cót ở phố Kim Mã. Không có tiền mua vé, Quý tìm mọi cách để được vào xem. Vì người bé quá nên không được ngồi trên những chiếc xe bò quảng cáo đi dọc các phố, Quý nghĩ ra cách đi thật sớm để nhận được một chân gõ trống phách. Thế là nghiễm nhiên được vào xem.

Một cảnh trong vở "Tả quân Lê Văn Duyệt" của tác giả Phạm Văn Qúy.

Hôm nào không ra sớm được thì đành năn nỉ để được đi ké những ông Tây, bà đầm có vé hạng nhất, hạng nhì. Yêu sân khấu nhưng tới tuổi trưởng thành, Phạm Văn Quý xin nhập ngũ, rồi trở thành thầy giáo dạy ở trường Kỹ thuật thông tin vì muốn giúp đỡ gia đình.

Trong khi với nhiều tác giả, công việc viết lách ít khi đem lại giá trị vật chất thì với Phạm Văn Quý, ông không ngại bộc bạch. Điều thôi thúc ông cầm bút lại bắt nguồn từ sự thúc bách của cuộc sống. Những năm 1995, với đầu óc nhạy bén, Phạm Văn Quý bung ra kinh doanh và trở thành ông chủ một hợp tác xã sản xuất nhựa ăn nên làm ra với cơ ngơi đồ sộ tại phố Trúc Bạch.

Sau đó, ông giải tán hợp tác xã nhựa, dồn vốn cho vợ ra chợ Đồng Xuân buôn bán. Làm ăn đang tấn tới thì chợ… cháy. Bao nhiêu vốn liếng ra đi cùng ngọn lửa. Họa vô đơn chí, cũng thời điểm đó, nhà ông lại bị mất trộm. Vợ chồng ông phải bán hai căn nhà đi trang trải nợ nần, chỉ để lại một chỗ làm nơi chui ra, chui vào.

Cũng lúc đó, hai con ông lại bắt đầu vào đại học. Tất cả gánh nặng cơm áo dồn xuống có lúc tưởng như không biết xoay xỏa bằng cách nào. Mỗi lúc con về nhà xin tiền đóng học là vợ chồng ông lại chạy vạy khắp nơi. Không còn vốn kinh doanh, nhưng sẵn yêu thích viết lách, từng có thơ, tiểu phẩm đăng rải rác ở các báo, Phạm Văn Quý đánh liều quay sang viết kịch bản.

Mục tiêu rõ ràng khi ấy là tham dự những cuộc thi để hy vọng nhận giải thưởng. Bạn bè thân thiết xúm vào giúp bằng cách cứ thấy ở đâu phát động cuộc thi kịch bản là giới thiệu để ông tham dự. Tác phẩm đoạt giải đầu tiên của ông là "Mẹ của muôn đời" (giải nhì cuộc thi viết Kịch bản truyền hình về Bà mẹ Việt Nam anh hùng). Cầm số tiền giải thưởng trên tay, ông mừng rơi nước mắt vì có tiền đóng học cho con và tự tin để thi tiếp. --PageBreak--

Giờ đây ngồi ngẫm lại, ông mới thấy ngạc nhiên vì sức làm việc thuở ấy. Trên chiếc bàn gỗ mọt, ông thường xuyên ngồi viết 18 tiếng một ngày. Suy nghĩ nhiều, bệnh đau dạ dày hành hạ, ông lấy thuốc tự chế ra uống rồi lại tiếp tục xoay trần với trang bản thảo. Có lần, một người bạn trong TP HCM gọi điện ra báo là có cuộc thi hài kịch ngắn.

Ông viết liền 5 cái, tức tốc gửi vào. Đang háo hức chờ giải thưởng thì mấy ngày sau, bạn lại gọi ra: "Nhầm rồi, kịch dài chứ không phải kịch ngắn". Thế là anh lại lao vào viết để gửi cho kịp. Lần đó, vở hài kịch "Phương thuốc thần kỳ" của Phạm Văn Quý đoạt giải nhì (không có giải nhất), và "Cưới chạy" đoạt giải ba. Bất ngờ hơn, 5 kịch bản ngắn gửi trước đó đều được các đoàn dàn dựng và gây được tiếng vang.

Cái tên Phạm Văn Quý bắt đầu được giới sân khấu biết tới và quý trọng. Tới nay, "Phương thuốc thần kỳ", "Đồ rởm", "Cưới chạy" vẫn được nhắc tới như những vở hài kịch dài tiêu biểu của sân khấu. Thậm chí, "Phương thuốc thần kỳ" lập kỷ lục với 14 đoàn dàn dựng. Ở  sân khấu 5B Võ Văn Tần, vở này 3 năm liền đều đỏ đèn.

Đến với sân khấu muộn mằn nhưng với nhà viết kịch Phạm Văn Quý, sân khấu đã mang lại cho ông nhiều thứ. Mà điều quan trọng nhất là giúp gia đình ông qua được đận khốn khó. Hiện nay, dù gánh nặng cơm áo không còn là nỗi ám ảnh thì ông vẫn viết khỏe.

Viết, như một cách trả nợ những gì mà sân khấu mang lại. Người trong nghề quý mến gọi ông là "lính cứu hỏa" vì bất cứ đoàn nào cần kịch bản, ngay cả khi thời gian gấp gáp nhất, ông cũng giúp được. Điều đó với ông tuy vất vả nhưng cũng lại là hạnh phúc vì "mình còn uy tín với anh em". Cũng vì trách nhiệm ấy mà chưa khi nào ông dễ dãi trước câu chữ. Mỗi tác phẩm phải là một sự cố gắng hết mình.

Trong nghề, Phạm Văn Quý nổi tiếng là người rõ ràng và sòng phẳng. Ông luôn yêu cầu phải đưa mức nhuận bút đúng với sức lao động bỏ ra nhưng cũng sẵn sàng giúp không khi anh em chí hữu có việc cần nhờ. Gần đây,  Phạm Văn Quý góp phần "cứu nguy" cho Nhà hát kịch TP HCM.

Vốn được coi là cánh chim đầu đàn của giới sân khấu thành phố nhưng thời gian qua, Nhà hát này rơi vào tình trạng khan hiếm kịch bản hay. Giám đốc Nhà hát, nghệ sĩ Khánh Hoàng liền cầu cứu nhà viết kịch Phạm Văn Quý. ông gửi vào đó kịch bản "Người thi hành án". Vở kịch công diễn, khán giả vỗ tay rầm rầm. Báo chí vui mừng: "Cánh chim đầu đàn bay đúng hướng rồi".

Thừa thắng xông lên, đạo diễn Khánh Hoàng lại "nhờ anh cho kịch bản "khủng" nữa". Và vở "Người mang 9 án tử hình" ra đời. Khi công diễn, vở này đổi tên thành "Tả quân Lê Văn Duyệt" (Đạo diễn Doãn Hoàng Giang) và đã làm nên một cơn sốt vé suốt năm 2008 tại TP HCM. Đây là một trong số hiếm hoi những vở chính kịch cháy vé trong suốt thời gian công diễn.

Có thể nói Phạm Văn Quý là một trong những tác giả kịch bản "đắt sô" nhất hiện nay. Ông viết được nhiều thể loại, cả chính kịch, hài kịch, bi kịch và phù hợp với cả thị hiếu khán giả ở  cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Chính những tháng ngày lăn lộn với cuộc sống của một chú bé mồ côi và thói quen ham đọc đã giúp cho Phạm Văn Quý có nhiều vốn sống.

Có lẽ ít người biết, Phạm Văn Quý là tác giả của nhiều kịch bản về Táo quân trên Đài truyền hình phát sóng từ dịp tết 1998, tác giả của những bộ phim truyền hình như "Tình thắm Sa Pa", "Lửa than" và nhiều kịch bản sân khấu như "Tả quân Lê Văn Duyệt", "Kỳ tích Thăng Long", "Thái tổ Lý Công Uẩn", "Tình sử Thăng Long"...

Giờ đây, ông được biết tới là tác giả có nhiều kịch bản nhất về Thăng Long, được nhiều đoàn kịch Trung ương và địa phương dàn dựng. Với đề tài không hề dễ viết này, theo ông, ngoài kiến thức sâu rộng về lịch sử thì viết với một thái độ thấu hiểu và trân trọng lịch sử đã trở thành bí quyết giúp ông thành công hơn so với một số đồng nghiệp.

Có vở diễn ở khắp nơi, giải thưởng đầy nhà nhưng với giới truyền thông, Phạm Văn Quý vẫn còn là cái tên khá mới mẻ. Vở diễn thành công, báo chí viết bài ca ngợi nhưng nhiều khi quên nhắc tên tác giả. Bạn bè gợi ý: "Hay là đổi tên đi". ông giãy nảy: "Gần 70 tuổi rồi, đổi tên làm gì".

Bởi ông quan niệm điều quan trọng là kịch bản của mình được công chúng đón nhận. Được biết, Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc sắp tới, ông có khá nhiều kịch bản được các đoàn dàn dựng mang đi tham dự

Thảo Duyên
.
.