Việt Phủ Thành Chương: Dấu xưa gửi lại

Chủ Nhật, 15/05/2016, 08:07
"Việt Phủ Thành Chương" - giờ đây đã trở thành một cái tên quen thuộc, một điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Mười lăm năm qua, không chỉ là công trình sáng tạo tiên phong và duy nhất hiện nay ở Việt Nam với hình thức là quần thể văn hóa thuần Việt, là một "bảo tàng sống" chứ không phải là sự trưng bày vô cảm, Việt Phủ Thành Chương đã ngày càng xứng đáng với sự trân trọng mà người đời dành tặng cho nơi này: "Nơi trú ngụ tâm hồn Việt", "Vương quốc thanh bình của những di sản văn hóa Việt" hay "Viên ngọc Việt Nam"...


Họa sĩ Thành Chương - "cha đẻ" của tác phẩm "Việt Phủ Thành Chương" cũng đã không khỏi xúc động khi nhớ lại quãng thời gian 15 năm vừa đằng đẵng đấy mà cũng nhanh như một cái chớp mắt của đời người. Bởi có lẽ, nếu cứ "an phận" là một họa sĩ nổi tiếng với mỗi bức tranh bán với giá cả chục nghìn đô thì có lẽ suốt 15 năm qua, Thành Chương đã không phải vất vả lo toan đến thế.

Và giờ đây, khi "Việt Phủ Thành Chương" đã thành hình thành khối, thành địa điểm du lịch của không ít du khách thì những lo lắng ấy lại ngày càng trĩu nặng. Chẳng điều gì khác ngoài tình yêu với những di sản của cha ông, với những giá trị văn hóa truyền thống đã sai khiến họa sĩ Thành Chương tự buộc mình vào những toan lo ấy: "Tình yêu với văn hóa nghệ thuật truyền thống trong tôi đã kế thừa từ người cha là nhà văn Kim Lân, được mảnh đất văn hóa Kinh Bắc nuôi dưỡng, hun đúc từ rất nhỏ.

Với tôi, không chỉ dừng lại là niềm đam mê, thích thú mà tình yêu ấy chảy trong huyết quản chưa bao giờ nguội lạnh hay ngưng nghỉ. Và Việt Phủ là kết quả tất yếu của tình yêu ấy. Từ lâu, tôi đã có nhận thức rõ rằng di sản văn hóa của cha ông thực sự đẹp đẽ, minh triết và lớn lao nhưng chiến tranh, địch họa, ý thức của con người đã khiến những di sản ấy bị tàn phá khá nhiều. Một day dứt luôn nung nấu tôi là: "Chúng ta còn lại cái gì?". Tôi tin là mỗi người chúng ta đều yêu quý và trân trọng di sản và cũng phải có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn nó. Như thế di sản của cha ông mới tồn tại và phát triển được".

Để Việt Phủ mãi là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách cần sự chung tay chia sẻ của cả cộng đồng.

Mười lăm năm trước, họa sĩ Thành Chương khi ấy đã cân nhắc rất kỹ và đưa ra quyết định: "Không thể dùng phương pháp tổng hợp. Không thể chọn lọc sự tiêu biểu. Mô hình bảo tàng quen thuộc thì chứa đựng những yếu tố lỗi thời. Giải pháp duy nhất là sáng tạo". Chính vì thế, triền đồi hơn 8.000m2 đã trở thành tấm toan mà trên đó người nghệ sĩ đã triển khai các ý tưởng của mình. Ông không đặt vào đó những mô hình, bộ sưu tập một cách rập khuôn, máy móc mà sắp đặt một đời sống, trả các cổ vật về với đời sống thực sự của chính nó như trước kia, trong sự hòa hợp với những yếu tố mới của thời đại. Hơn 2.000 cổ vật đặc sắc được họa sĩ Thành Chương sưu tập trong vòng hơn 50 năm cùng 15 kiến trúc đặc trưng Việt Nam đã được ông triển khai trong một bản sắc văn hóa Việt theo ý tưởng của riêng mình.

Việt Phủ thực sự đã trở thành một nơi đặc biệt. Nơi mỗi người đến đây luôn tự cảm nhận được theo cách riêng của mình, đôi khi vượt qua cả cái mà họa sĩ Thành Chương muốn. Nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: "Mọi người đến đây không phải tìm thấy Thành Chương mà tìm thấy chính mình. Tôi tìm thấy ngôi chùa, cái miếu, cái ao, cái giếng của làng tôi, ngôi nhà của chính cha ông tôi tại nơi này. Tìm thấy một phần chúng ta đã có nhưng có khi chỉ còn lại rất mơ hồ hay đã mất đi đâu rồi. Đến với Việt Phủ là tìm lại được cái cổng để mở ra với quá khứ, tìm lại với những giá trị cổ xưa".

Họa sĩ Trịnh Tú thì cho rằng mọi người đến đây đều tìm thấy sự thanh thản, sự thiếu hụt của chính cuộc đời mình. Thông qua những bộ sưu tập cổ vật đa dạng về hình thức và thể loại, Thành Chương đã nhắc nhở chúng ta cần có thái độ sống như thế nào với cõi nhân gian này. Và điều chúng ta ngưỡng mộ chính là thái độ sống của ông với cái đã qua, cái tồn tại và cái sắp đến"...

"Việt Phủ Thành Chương" là cái kết của một tình yêu đẹp và đầy khát vọng mà họa sĩ Thành Chương đã mang trong mình khi mới là một người lính như qua lời kể của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Rằng khi còn là lính chiến trường, họa sĩ Thành Chương đã nhìn thấy một con voi đá cổ nặng khoảng 12 - 13kg trong một ngôi nhà cháy tan hoang. Ông đã đặt con voi đá cổ đó vào ba lô, đi xuyên qua cuộc chiến tranh, xuyên qua cả những ranh giới sinh tử để mang về tận nhà mình.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều thì cho rằng đó là quyền lực của cái đẹp: "Nếu Thành Chương nghĩ về lợi tức, về quyền lực, ông đã dành tâm sức cũng như số tiền khổng lồ này để mở một nhà hàng ở giữa trung tâm Hà Nội. Nhưng ông đã dành toàn bộ số tiền có được từ nghệ thuật để đổ vào tác phẩm để đời của mình".

Mười lăm năm qua, với công "sinh thành" của họa sĩ Thành Chương và công "dưỡng dục" của người phụ nữ đặc biệt trong cuộc đời ông, một vùng đồi trọc hoang vu sỏi đá giờ đây là nơi tươi xanh với bao nhiêu công trình. "Việt Phủ Thành Chương" đã đón tiếp những chính khách danh giá nhất và những khách tham quan bình dị nhất mới từ năm 2009. Có lẽ Việt Phủ cũng là nơi duy nhất ở Việt Nam mà nữ chủ nhân buộc phải "kinh doanh" như là sự run rủi của số phận.

Việt Phủ Thành Chương - một không gian thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt.

Trước nhu cầu xã hội mong muốn được chia sẻ giá trị tinh thần của Việt Phủ Thành Chương tạo nên và bản thân công trình cũng cần chia sẻ để tồn tại, phát triển. Đã từng có câu chuyện cười ra nước mắt rằng, trước khi quyết định đưa công trình vào hoạt động chính thức phục vụ công chúng, có thời kỳ họa sĩ Thành Chương đã phải đào hầm trong... chính nhà mình mới có thể có được chốn riêng tư, tránh khỏi sự tò mò của khách tham quan...

Có lẽ vì thế mà mọi người cũng dễ thông cảm khi nữ chủ nhân chia sẻ rằng chưa từng thống kê đã có bao nhiêu khách tới thăm Việt Phủ hay cân nhắc việc nên có hay không hướng dẫn viên... Nhưng lo lắng, hoay hoay trong việc sẽ giữ gìn phát triển Việt Phủ như thế nào là điều có thật, như chính như họa sĩ Thành Chương chia sẻ: "Tôi tuổi đã cao, con cái cũng còn nhỏ, giờ đây có lẽ Việt Phủ không còn là trách nhiệm của riêng gia đình tôi nữa. Chúng tôi thu vé thăm quan, kinh doanh nhà hàng và cửa hàng quà tặng cũng là một cách chúng tôi trao di sản này, văn hóa này vào tay mọi người. Tuy nhiên lợi nhuận vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu phát triển. Còn rất nhiều việc phải làm để xứng đáng với tiềm năng".

Không chỉ đổ công sức, tâm huyết mà với họa sĩ Thành Chương, ông thực sự đổ rất nhiều tiền bạc vào công trình khát vọng của mình. Việc khôi phục lại những công trình cổ, tu sửa, bảo dưỡng những di sản chưa bao giờ là việc ít tốn kém. Chính vì thế mà như nhà văn Nguyễn Văn Thọ tiết lộ họa sĩ Thành Chương nhiều khi thực sự "cháy túi".

Cùng nỗi lo lắng đó, Giáo sư Hoàng Đạo Kính cho rằng: "Tranh của Thành Chương nhỏ bé nhưng được giữ gìn một cách bền vững tại các bảo tàng quốc tế còn "Việt Phủ Thành Chương" - Đó là kết quả của tình yêu dai dẳng, bền bỉ kiên trì nhặt nhạnh, một công trình đồ sộ nhưng việc giữ gìn, bảo tồn chưa bao giờ lại mong manh đến thế. Để tạo được sự cân bằng giữa bảo vệ di sản, với việc có đủ nguồn tài chính dành cho hoạt động và phát triển là bài toán luôn khó với mọi nhà quản lý trong lĩnh vực di sản cao quý này. Vì vậy hơn bao giờ hết, kêu gọi sự hỗ trợ hợp tác từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế nhằm nâng cao năng lực, khai thác tiềm năng còn lớn. Đồng thời góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc bảo trợ cho văn hóa thông qua cá nhân là điều cần thiết".

Có lần ghé "Việt Phủ Thành Chương" với tư cách một người khách tham quan, tôi vẫn nhớ hình ảnh họa sĩ Thành Chương lặng lẽ ngồi vẽ khi những đoàn khách cứ qua lại tham quan Việt Phủ. Có người nhận ra ông thì trò chuyện, xin chụp ảnh cùng. Ai không biết thì chỉ nghĩ đó là một họa sĩ nào đó tình cờ ngang qua. Ông vẫn điềm nhiên và lặng lẽ làm công việc của mình.

Thực sự, tôi rất ấn tượng với hình ảnh ấy. Khi ấy, có cảm giác Thành Chương và Việt Phủ đã hòa vào một, trở thành một thực thể không thể tách rời. Còn hôm nay, khi chúng tôi hỏi ông rằng, ông còn ý tưởng nào chưa thực hiện với Việt Phủ không? Thành Chương thành thực: "Còn rất nhiều. Nhưng một mình tôi sẽ rất khó để làm được nên rất cần những tiếng nói, những sự ủng hộ thiết thực của bạn bè, công chúng, của các tổ chức trong nước và ngoài nước để quảng bá, đem những giá trị văn hóa truyền thống chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng".

Thảo Diên
.
.