Việt Nam học và hành trình 400 cuốn hút học giả năm châu

Thứ Năm, 22/08/2019, 09:06
Việt Nam học được định nghĩa là một ngành khoa học nghiên cứu về vùng đất, con người với tất cả mối quan hệ với thiên nhiên, với lịch sử và xã hội về mọi mặt, làm nổi rõ những đặc điểm, đặc thù của Việt Nam...


Từ khi ra đời đến nay, Việt Nam học không chỉ được các thế hệ học giả, nhà nghiên cứu  trong nước góp sức xây dựng, phát triển mà còn thu hút các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế.

Vừa qua, Hội thảo khoa học quốc tế "Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay" đã diễn ra tại TP Hồ Chí Minh. Hội thảo cung cấp những vấn đề thú vị về sự phát triển của ngành Việt Nam học trên thế giới.

Sơ lược quá trình gần 400 năm nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài, PGS.TS Đoàn Lê Giang, Trưởng khoa Việt Nam học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho hay: "Những ghi chép về mảnh đất Việt Nam có thể thấy sớm nhất trong "Sử ký" của Tư Mã Thiên vào thời Tây Hán, thế kỷ 1 trước Công nguyên. Sau một chút đó là các ghi chép trong các bộ sử như "Hán thư", "Hậu Hán thư", "Ngụy thư", "Tam Quốc chí"…

Tuy nhiên, lúc bấy giờ Việt Nam chỉ được các nước trong "khu vực văn hóa chữ Hán" nhắc đến. Cho đến khi công cuộc toàn cầu hóa bắt đầu ở thế kỷ 16,  Việt Nam mới được nhắc đến nhiều hơn trong các ghi chép du ký của các giáo sĩ thừa sai, các thương nhân, các nhà thám hiểm phương Tây. Sớm nhất là cuốn "Thập kỷ châu Á, những hành động mà người Bồ Đào Nha đã thực hiện trong cuộc chinh phục và khám phá vùng biển và vùng đất phía đông" của nhà ngôn ngữ học người Bồ Đào Nha João de Barros (1496-1570), xuất bản lần đầu ở Lisbon 1563 có ghi chép về Côn Đảo của Việt Nam.

Nhưng phải đến "Xứ Đàng Trong" năm 1621 của Cristophoro Borri (1583-1632) thì mới có ghi chép mạch lạc, khoa học chuyên về Việt Nam của một người châu Âu. Do đó, có thể coi Borri là nhà "Việt Nam học" nước ngoài đầu tiên. Và thời điểm ra đời "Xứ Đàng Trong" là cột mốc để ngành Việt Nam học chính thức bước ra năm châu".

Các đại biểu trình bày tham luận tại Hội thảo quốc tế "Những vấn đề giảng dạy tiếng Việt và nghiên cứu Việt Nam trong thế giới ngày nay".

Đến nay, Việt Nam học không chỉ là một chuyên ngành phát triển mạnh mẽ tại các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga… mà còn vươn xa đến Mỹ, Đức, Pháp… Tại đây, những công trình nghiên cứu, dịch thuật về lịch sử, xã hội, tôn giáo, văn hóa, văn học… Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Theo PGS Ye Shao Fei, Học viện Hồng Hà, Vân Nam, Trung Quốc, vào những năm đầu thế kỷ 21, việc nghiên cứu Hán Nôm của Việt Nam tại Trung Quốc phát triển rất mạnh, tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực là nghiên cứu lịch sử và văn hiến. Nhiều đề tài, công trình nghiên cứu được xuất bản, tạp chí chuyên đề về nghiên cứu Hán Nôm Việt Nam cũng xuất hiện ngày càng nhiều.

Giờ đây, các tác phẩm văn chương hiện đại của Việt Nam cũng được chuyển ngữ và giới thiệu rộng rãi tại Trung Quốc.

Riêng tại Nhật Bản, cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam vì độc lập tự do kéo dài suốt mấy chục năm đã tạo nên sự quan tâm sâu sắc của giới trí thức nước này đối với lịch sử và văn hóa Việt Nam.

Theo nghiên cứu của PGS. TS Đoàn Lê Giang, việc tìm hiểu về Việt Nam ở Nhật Bản khá sớm, từ đầu thập niên 1930 đã có rải rác một số công trình. Đến thập niên 1940 thì số bài viết, sách du ký, sách dịch và nghiên cứu về Việt Nam tăng lên nhiều.

Từ đầu thập niên 1960 đến nay, văn học Việt Nam được dịch, nghiên cứu, giới thiệu ở Nhật Bản với số lượng lớn và có hệ thống, đưa Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia nghiên cứu văn học Việt Nam hàng đầu trên thế giới. Các thế hệ nhà nghiên cứu người Nhật nổi tiếng có thể kể đến: Matsumoto Nobuhiro, Takeuchi Yonosuke, Imai Akio, Shiraishi Masaya, Takano Isao…

Trong đó, công trình nghiên cứu đầu tiên về văn học cổ điển Việt Nam của học giả Nhật Bản có lẽ là "Thư mục sách Hán Nôm của trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội" do Matsumoto Nobuhiro thực hiện năm 1933. Ngoài ra, các tác phẩm nổi tiếng như "Truyền kỳ mạn lục" của Nguyễn Dữ, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Lục Vân Tiên" của Nguyễn Đình Chiểu, các tác phẩm của Phan Bội Châu… cũng được giới trí thức đất nước mặt trời mọc quan tâm nghiên cứu sâu không chỉ về tác phẩm mà còn về cuộc đời, tư tưởng tác giả.

Phương pháp nghiên cứu cẩn trọng, chú trọng vào tư liệu, cách nhìn nhận khách quan, đồng thời áp dụng những phương pháp nghiên cứu tiên tiến, khiến cho việc nghiên cứu văn học của các học giả Nhật có những giá trị đặc biệt, có vị trí riêng so với các nghiên cứu của các nước khác. Việc chú trọng vào văn học cho thấy học giới Nhật muốn có một hiểu biết căn bản, sâu sắc về văn hóa Việt Nam.

GS Shimizu đến từ Đại học Osaka cũng đưa ra nhiều cơ sở sử liệu chứng minh tiếng Việt được biết đến và ghi lại ở Nhật từ rất sớm: giữa thế kỷ 18 qua hai bộ bút ký là "An Nam quốc phiêu lưu vật ngữ" và "Nam Biều ký".

Theo TS Đào Mục Đích, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, nghiên cứu về Đông phương nói chung và Việt Nam nói riêng ở phương Tây được hình thành và phát triển từ khoảng thế kỷ 16-17, gắn liền với nhu cầu truyền giáo và các hoạt động tiếp xúc, giao lưu thương mại và chính trị của nhiều nước châu Âu với Việt Nam.

Trong những thế kỷ này, nhiều nhà hàng hải, nhà du hành thám hiểm, thương gia, nhà truyền giáo… phương Tây đã đến Việt Nam. Họ ghi chép lại trong các tác phẩm du ký, ký sự hay công trình nghiên cứu những điều mắt thấy tai nghe, những điều kỳ thú về đất nước, con người Việt Nam trong sự đối sánh với phương Tây. Với con mắt của những chứng nhân, họ thổi vào trong tác phẩm, nghiên cứu của mình những điều chân thực, trải nghiệm lý thú.

Ngoài Cristophoro Borri với "Xứ Đàng Trong" (1621), một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu viết về Việt Nam trong giai đoạn này còn có: Alexandre de Rhodes với "Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài" (1650), Jean Baptiste Tavernier với "Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài 1639 - 1645" (1681)…

Bên cạnh đó, các học giả phương Tây cũng công bố những công trình về tiếng Việt, ngữ pháp tiếng Việt hay những quyển từ điển tiếng Việt và tiếng nước ngoài như Alexandre de Rhodes có "Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh" và "Từ điển Việt - Bồ - La".

Đến thế kỷ 18 và nửa đầu thế kỷ 19, số tác giả lẫn tác phẩm về lĩnh vực Việt Nam học giảm mạnh so với thế kỷ trước do những biến động thời cuộc về quan hệ chính trị, ngoại giao, thương mại… giữa các nước phương Tây và chính quyền phong kiến Việt Nam. Việt Nam học nói riêng cũng như ngành nghiên cứu vùng Viễn Đông nói chung chỉ chính thức trở thành một ngành học của phương Tây vào thời kỳ Pháp thuộc.

Năm 1900, Viện Viễn Đông Bác Cổ được thành lập tại Hà Nội và sau đó trở thành một trung tâm quan trọng nhất quy tụ các nhà Việt Nam học người Pháp và phương Tây. Trong đó có nhiều học giả nghiên cứu về Việt Nam nổi tiếng như Henry Maspéro, Léonard Aurousseau, Léopold Cadière, Emile Gaspardonne…

Các ấn phẩm về Việt Nam trong giai đoạn này mang tính học thuật cao, có giá trị khoa học sâu sắc về nhiều lĩnh vực như lịch sử, dân tộc học, xã hội học, khảo cổ học, nông nghiệp, Việt ngữ học… Đến nay, nghiên cứu về Việt Nam tại Pháp trở nên rộng rãi và có nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt là các công trình đào sâu về lịch sử Việt Nam thời kỳ cận đại.

Tại Mỹ, ngành Việt Nam học bắt đầu khá muộn: hình thành từ nửa đầu thế kỷ 20 và đặc biệt trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam. Nhìn chung, nghiên cứu Việt Nam ở Mỹ thường kết hợp với Đông Nam Á và nghiên cứu theo hướng thiên về Việt Nam thời cổ đại lẫn hiện đại.

Đội ngũ các nhà nghiên cứu về Việt Nam ở Mỹ là những nhà khoa học, giới học thuật hàn lâm, giáo sư đại học…, tiêu biểu có thể kể đến như David Marr với công trình "Việt Nam chống thực dân 1885 -1925" và "Truyền thống Việt Nam qua thử thách"; John K.Whitmore với "Việt Nam, Hồ Quý Ly và nhà Minh: 1371- 1421"; Peter B.Zinoman với "Lịch sử chế độ nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam 1862 - 1940" và tác phẩm dịch "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng sang tiếng Anh….

Dù là người đi sau nhưng các nhà khoa học Mỹ lại là những người tiên phong về việc đổi mới cách tiếp cận và phương pháp luận nghiên cứu về Việt Nam học để giúp cho ngành khoa học này có những bước tiến mới.

Việt Nam vốn được thế giới biết đến là tâm điểm cho phong trào đấu tranh của các dân tộc thuộc địa ở thế kỷ 20 và gần đây là tấm gương cho công cuộc đổi mới thành công. Đất nước, con người Việt Nam với bề dày 4.000 năm văn hiến đặc sắc trở thành đối tượng nghiên cứu thú vị và hấp dẫn với các sử gia, nhà khoa học nước ngoài.

Những nghiên cứu của họ góp phần quảng bá nét đẹp và bề dày văn hóa, xã hội của dải đất chữ S đến với bạn bè năm châu. Đồng thời, những thành tựu nghiên cứu ấy còn cung cấp cho chúng ta góc nhìn từ bên ngoài, những đánh giá khách quan của bạn bè quốc tế về chính con người, đất nước mình.

Phan Thi Uyên
.
.