Việc nhỏ, sao khó thực hiện!

Thứ Ba, 15/12/2009, 09:00
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII vừa qua đã diễn ra các phiên chất vấn giữa đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng một số Bộ. Cụ thể, trong phiên họp ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cùng một số Bộ trưởng đã lần lượt trả lời chất vấn của các đại biểu. Nhiều báo điện tử ngay sau đó đã tường thuật lại diễn tiến các cuộc chất vấn này. Nhưng, ở một số báo, gần như mỗi phóng viên "ghi âm" một phách.

Trước đây, trong bài viết phản ảnh chất lượng hoạt động của báo chí tại một kỳ họp Quốc hội, tôi từng nêu vấn đề: "Có một hình ảnh quen thuộc, thường được dùng để minh họa cho việc tác nghiệp của cánh báo chí: Đó là cảnh một rừng cánh tay với tua tủa các loại máy ghi âm đang vươn về phía một vị chính khách nào đó. Và các máy ghi âm này - cái cổ lỗ nhất to bằng cỡ viên gạch chỉ, còn cái hiện đại, "đời mới toanh" có thể nhỏ xinh như một chiếc bút. Nhãn mác thì khỏi nói: Anh, Đức, Mỹ, Nhật, Trung Quốc… có cả. Tuy nhiên, điều tôi rất lấy làm ngạc nhiên là, mặc dù phương tiện làm việc tân tiến như vậy, song không hiểu sao, qua cách sử dụng của các nhà báo ta, những chiếc ghi âm này lại có độ "dung sai" lớn đến vậy. Kèm đó, tôi đã đưa ra một số ví dụ trong… bạt ngàn các ví dụ để minh chứng cho nhận định trên.

Bài viết sau đó đã được in trên Báo Thể thao & Văn hóa, được nhiều bạn đọc chia sẻ.

Nhưng rồi, thời gian trôi qua, càng nghĩ tôi càng buồn khi nhận thấy tình hình không mấy được "cải thiện". Nhất là có điều kiện theo dõi các cuộc chất vấn và trả lời chất vấn tại một số kỳ họp Quốc hội thời gian gần đây, đối chiếu với những gì cánh nhà báo tường thuật lại sau đó, tôi thấy một hiện tượng khá phổ biến: Các đoạn trích dẫn nếu không có chỗ "đá" nhau thì cũng ít khi được chính xác đến từng câu từng chữ. Ở đây, tôi xin nêu một số ví dụ:

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII vừa qua đã diễn ra các phiên chất vấn giữa đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng một số Bộ. Cụ thể, trong phiên họp ngày 18/11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cùng một số Bộ trưởng đã lần lượt trả lời chất vấn của các đại biểu. Nhiều báo điện tử ngay sau đó đã tường thuật lại diễn tiến các cuộc chất vấn này. Nhưng, như trên đã nói, ở một số báo, gần như mỗi phóng viên "ghi âm" một phách.

Với câu hỏi truy vấn về vấn đề chạy chức, chạy quyền trong cán bộ, công chức hiện nay và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Báo Tin tức Online ngày 19/11 dẫn lại lời đại biểu Lê Văn Cuông: "Vấn đề cán bộ khó thật nhưng chẳng nhẽ bó tay hay sao? Tôi thấy ý kiến của người dân rất hay. Phải có nhiều ứng cử viên, phải đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm công khai".

Trong khi đó, Báo điện tử VnExpress ngày 18/11 lại dẫn lời đại biểu Lê Văn Cuông như sau: "Đúng là khó thật, nhưng chẳng lẽ lại bó tay? Còn nhiều sáng kiến của nhân dân, nhưng tại sao chưa được tiếp thu? Ví dụ có nhiều ứng cử viên cho mỗi vị trí, mỗi ứng viên phải có chương trình hành động. Làm sao tránh tình trạng một người quyết định nhân sự dẫn đến quyết định tù mù, không dân chủ, thiếu công khai minh bạch".

Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19/11 cũng dẫn lời đại biểu Lê Văn Cuông có phần khác với hai báo bạn: "Công tác cán bộ, chống chạy chức chạy quyền khó, đúng là khó thật, nhưng chả lẽ ta lại bó tay. Tôi thấy có nhiều sáng kiến nhân dân đề xuất nhưng chưa được thực hiện: Ví dụ, cho nhiều ứng cử viên để cạnh tranh một vị trí công tác, một vị trí lãnh đạo. Các ứng viên phải lên kế hoạch, trình bày chương trình hành động trước người bỏ phiếu. Bây giờ làm tù mù, thiếu công khai, minh bạch...".

Về "gợi ý" của đại biểu Lê Văn Cuông với Bộ trưởng Trần Văn Tuấn, nếu như ở Báo Tin tức Online, câu đó là: "Bộ trưởng thử áp dụng cách này trong công tác tổ chức cán bộ xem sao", thì ở Báo Tuổi trẻ Online, câu đó lại được "hoán đổi" thành: "Tôi thấy Bộ trưởng cứ đề xuất theo hướng mà tôi nói đó xem có tiến bộ không?". Thật khó tưởng tượng nổi tại một phiên họp quan trọng, được tường thuật trực tiếp đến toàn dân mà người làm báo vẫn đưa dẫn mỗi nơi một phách. 

Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao cùng sử dụng máy ghi âm, mà khi gỡ băng, nội dung các câu chất vấn của đại biểu Lê Văn Cuông lại "tam sao thất bản" như vậy? Có người cho rằng, "ghi" thì ghi chơi vậy thôi, còn khi viết bài, các phóng viên đa phần ngồi trích dẫn lại theo… trí nhớ! Lại có người giải thích rằng, phóng viên một số báo thường hay chép lại tài liệu của nhau. Và để cho "khác" đi, họ sửa lại những câu hỏi, câu trả lời cho nó… khác đi đôi câu đôi chữ?! Một số khác thì nói rằng, đó là do tòa soạn cắt gọt các câu hỏi, câu trả lời cho gọn, cho "sắc", hoặc thậm chí là cho "đúng hơn" với quan điểm của mình?!

Điều này thực hư thế nào, xin để các nhà báo kiểm tra, xác minh lại. Riêng tôi chỉ xin khẳng định rằng: Trong thời đại hiện nay, việc ghi lại chính xác lời phát biểu của một ai đó - nói theo ngôn ngữ vỉa hè là chuyện "nhỏ như con thỏ", rất dễ thực hiện. Bởi vậy, việc các nhà báo để xảy hiện tượng "ghi âm" bất thường như dẫn chứng ở trên là một sự cẩu thả không thể chấp nhận được. Lời nói của đại biểu Quốc hội mà còn bị trích dẫn lộn xộn vậy, thử hỏi với trường hợp là thường dân thì còn đến thế nào?

Hà Khải Hưng
.
.