Tản văn

Vỉa hè của ai?

Thứ Năm, 09/09/2010, 10:13
Câu hỏi ngỡ đơn giản mà lắm lúc cũng không dễ trả lời. Bảo rằng vỉa hè là của những hộ gia đình, những cơ quan có mặt tiền quay ra đó? Thực tế không hẳn thế. Tôi đã thấy ở những phố "điểm", người dân hay cán bộ có nhà, có trụ sở cơ quan đóng trên mặt phố đó cũng không dám để xe trên vỉa hè, vì như vậy là "gây cản trở giao thông và làm mất mỹ quan đường phố". Rất có thể họ sẽ bị phạt nếu vi phạm những qui định trên.

Bảo rằng vỉa hè là của người đi bộ ư? Cũng chưa hẳn đúng. Tôi đã thấy những phố người ta dựng hàng quán bày bán la liệt trên vỉa hè, người đi bộ chỉ còn cách dò dẫm bước xuống lòng đường. Điều này báo chí đã nói nhiều.

ở một góc độ nào đó có thể nói, vỉa hè là của những người... trông giữ xe. Vào một ngày nào đó, những người này có thể bất thần xuất hiện tại một điểm mà trước đây người ta còn "bỏ trắng". Cánh tay họ có thể đeo băng hoặc không đeo băng. Và, khi chiếc xe gắn máy của bạn vừa dựng chân chống xuống thôi, lập tức họ đã lù lù ở cạnh bên. Không một lời giải thích, họ lặng lẽ ghi dòng chữ, con số gì đó vào vỏ chiếc yên xe của bạn. Rồi, vẫn câm lặng như vậy, họ đưa cho bạn chiếc vé số. Sự việc thành ra "miễn bàn", bạn chỉ còn biết chuẩn bị mà đưa tiền.

Một anh bạn thân của tôi, nhân "đề tài" này, đã kể cho tôi một câu chuyện rất thật (có liên quan đến anh) như sau: Lần đó, anh đến một cơ sở bưu điện để gửi cho người bạn phương xa một đôi tờ báo. Vì sự việc có thể giải quyết nhanh (chỉ chớp nhoáng vài giây, bưu phẩm đã được anh cuộn tròn, dán tem trước), chỗ để xe lại có thể nhìn ra được, nên anh chỉ khóa cổ xe. ấy vậy mà khi trở ra, anh thấy trên yên xe của anh có vết phấn loàng ngoằng. Chưa hiểu ra thế nào đã thấy một người ngồi trên ghế đẩu ở gần đó mau mắn bước ra, đề nghị anh đưa cho anh ta ba nghìn đồng. Anh bạn tôi cự lại, rằng anh có gửi xe đâu, thì người kia hầm hầm quát: "Thế ai cho ông để xe ở đây?". Một người khác - giống như anh bạn tôi - cũng toan khóa cổ xe và không gửi người kia, cũng bị anh ta trấn áp: "Ông kia, cho xe ra chỗ khác". Nhìn trước nhìn sau, chỗ "khác" ấy là chỗ nào, có trời mà biết!

Hiện tượng người đi xe gắn máy - khi tạm dừng xe đâu đó trên vỉa hè - luôn canh cánh một nỗi lo bị "xua đuổi" là cảm giác có thật ở nhiều người!

Thiết nghĩ, việc cấm để xe trên hè - nếu vì mục đích tạo thuận lợi cho người đi bộ thì phải thực hiện một cách đồng nhất, công bằng. Không nên có kiểu cấm một vài cá nhân, trong khi lại cho phép một người trông giữ xe nào đó có thể chăng dây lập bãi, thoải mái cho "tập kết" hàng chục, hàng trăm chiếc xe như thế .

Còn nếu vì mục đích góp phần ngăn chặn nạn trộm cắp xe thì nên chăng - như một số nơi đã làm - cho treo biển cảnh báo nhắc nhở khách. Còn khách, vì là chủ phương tiện, nên để họ có quyền lựa chọn. Chắc chắn họ sẽ sẵn sàng gửi xe mà không tiếc tiền nếu họ thấy cần thiết. Chứ như trường hợp ở một số cửa hàng, một số điểm bưu điện, người mua hàng hoặc có việc đến giao dịch có thể vừa mua hàng vừa trông coi được xe của mình, vậy mà người trông giữ xe vẫn ép họ phải gửi thì thật... vô lý. Nếu cứ tình trạng như thế, chẳng biết chiếc khóa cổ xe được cấu tạo nên như thế, sẽ được phát huy tác dụng vào lúc nào?

.
.