Vị ngọt, đắng của cuộc đời người nghệ sĩ tài danh

Thứ Năm, 24/09/2015, 08:00
Người nghệ sỹ đó là Tân Nhân - một tên tuổi chói sáng trong làng thanh nhạc ở nước ta vào những thập niên 50-60 của thế kỷ trước. Ai từng sống qua những năm tháng đó không thể không mến mộ người nữ ca sỹ này gắn với những bài hát nổi tiếng như "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Ru con Nam bộ", "Anh về miền Bắc", "Giữ trọn tình quê", "Tình quê hương"... và đặc biệt là bài "Xa khơi" của nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ. Chính ca khúc "Xa khơi" đã làm nên tên tuổi bà. Cho đến nay, vẫn chưa có ca sỹ nào hát vượt được hơn bà.

Cuộc đời của Tân Nhân quả là không bằng phẳng, xuôi chiều mà trải qua nhiều ghềnh thác, trong đó lắm ngọt ngào và cũng không ít vị đắng. Ngọt ngào bởi bà sớm được giác ngộ cách mạng, đi theo kháng chiến. Chính cái nôi kháng chiến này đã cho bà  những vốn liếng về thực tế và cảm xúc để bước vào con đường ca hát một cách chững chạc, tự tin. Tân Nhân thuộc lớp những nghệ sỹ sớm thành công, thành danh. Con đường công tác và hoạt động ca hát của bà có thể nói là suôn sẻ, thuận lợi.

Sau hòa bình lập lại, bà được đào tạo thanh nhạc chính quy ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam). Sau đó được tu ngiệp thêm ở Bungari. Rồi bà làm việc ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu. Có giọng hát hay, rất truyền cảm, dễ đi vào lòng người, tính cách lại giản dị, hòa đồng nên Tân Nhân dễ chiếm được cảm tình của bất cứ ai mới tiếp xúc. Vì vậy mà ít gặp trở ngại trong công việc. Nhưng cuộc sống riêng tư của bà thì không bằng phẳng chút nào mà sớm nếm vị đắng ngay từ lúc còn rất trẻ, vừa bước vào đời.

Nghệ sĩ Tân Nhân.

Tân Nhân quê ở huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Hồi nhỏ, bà học tại trường nữ sinh Đồng Khánh ở Huế. Lớn lên, được cha cho ra Nghệ An học trường Huỳnh Thúc Kháng. Rồi bà sớm giác ngộ cách mạng, lại có giọng hát bẩm sinh nên đã theo Bửu Tiến gia nhập Đoàn Văn công Quân đội mặt trận Bình Trị Thiên (trước đó, lúc mới 13 tuổi, Tân Nhân đã tham gia đội phản gián, rải truyền đơn). Đoàn này vừa thành lập, chưa kịp hoạt động được gì thì bị giặc Pháp càn, triệt hạ. Chúng cướp hết đồ đạc, trang thiết bị. Anh em diễn viên chạy tán loạn. Rất may là không có ai bị sa vào tay giặc.

Nhưng tin đồn lan truyền là nhiều người bị chết, trong đó có Tân Nhân. Trường Huỳnh Thúc Kháng rất đỗi thương tiếc cô học trò ngoan, hiền, xinh đẹp, có giọng hát như chim sơn ca đã làm lễ truy điệu.

Có một chàng giỏi nhạc là bạn học đồng thời cùng quê Gio Linh với cô tên là Hoàng Thi Thơ ngẩn ngơ nhớ thương đã sáng tác một bài hát có tên "Xuân chết trong lòng tôi" để tưởng nhớ với lời ca như sau: " Xuân ơi xuân. Chim xa đàn. Xuân ơi xuân. Ngờ đâu xuân chết trong lòng tôi, trong tiếng đàn…".

Sau này, khi trở về gặp lại, nghe bài hát, Tân Nhân cảm nhận rõ tình yêu thầm kín, tha thiết của Hoàng Thi Thơ giành cho mình đã rất đỗi cảm động và thấy thổn thức trái tim. Nhưng rồi Tân Nhân lại trở ra Nghệ An theo tiếng gọi của kháng chiến mà không thể ở lại vùng tạm chiếm để an thân. Rồi một lần, bà tình cờ gặp Hoàng Thi Thơ lặn lội từ Quảng Trị ra Nghệ An, ngược dòng Lam tìm kiếm mình. Bà cảm nhận rõ số phận mình đã gắn liền với chàng trai hào hoa, rất chân thành này. Và thế là điều gì phải đến đã đến. Tình yêu của đôi trai tài, gai sắc đã bùng nổ hết sức tự nhiên, đam mê và cuồng nhiệt.

Nhưng những ngày tuyệt vời của cuộc tình đầu đời với vị ngọt ngào ngây ngất ấy không kéo dài được lâu. Tân Nhân đã phải sớm nếm vị đắng trong cuộc thiên diễm tình tưởng như không gì có thể phá vỡ. Một lần, Hoàng Thi Thơ trở về thăm quê nhà đã bị kẹt lại vùng tạm chiếm. Hoàn cảnh đưa đẩy, bất khả kháng, người nhạc sỹ trẻ này đã phải để lại người tình rất đỗi yêu thương của mình để vào Sài Gòn. Tân Nhân đau buồn, mang theo cái thai vừa hình thành ra Bắc. Người con đầu tiên ấy của Tân Nhân khi ra đời đã mang họ mẹ và trở thành một cây bút trong lĩnh vực báo chí, văn chương - Trương Nguyên Việt (còn có bút danh Châu La Việt).

Cố quên đi nỗi buồn riêng tư, Tân Nhân lao vào công tác, hoạt động ca hát cho khuây khỏa. Và cuộc đời đã không phụ nghị lực, bản lĩnh của một nghệ sỹ có tâm, đang tràn đầy nhiệt huyết phục vụ, cống hiến. Tại đất Bắc, bà gặp lại một người bạn học cũ từ thuở ấu thơ tên là Lê Khánh Căn có thời gian làm thư ký riêng cho nhà thơ Tố Hữu - bí thư Trung ương Đảng. Quý mến nết hạnh và tài năng của Tân Nhân, nhà thơ đã có ý làm mai, tác thành cho bà cùng người thư ký cũ của mình. Ông Lê Khánh Căn có thời gian làm việc ở báo Nhân dân, ở Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam. Và họ nên vợ chồng, sống với nhau êm đềm đến cuối đời, có hai người con đều thành đạt. Ông bà sau đó trở thành thông gia của vợ chồng nhà thơ Tố Hữu.

Cuộc tình đầu tiên tuy ngắn ngủi và không dẫn tới hôn nhân nhưng đã để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong cuộc đời Tân Nhân. Con trai bà - nhà báo Trương Nguyên Việt - kể rằng sau khi mẹ anh qua đời vào năm 2008 (hưởng thọ 76 tuổi), anh có dọn giường chiếu cho mẹ thì thấy một văn bản bà vừa viết trước đó chỉ vài ngày. Đó là lá đơn bà gửi Bộ Văn hóa đề nghị xem xét lại toàn bộ những bài hát của Hoàng Thi Thơ để cho phổ biến.

Chẳng là người nhạc sỹ này sau khi rời khỏi quê Quảng Trị đã vào sống và sáng tác ở Sài Gòn. Tuy nhiên, những sáng tác của ông đã không mang màu sắc chính trị, phục vụ ngụy quyền, càng không phản dân, hại nước như một số văn nghệ sỹ khác cùng thời. Sự thực là nhiều ca khúc nổi tiếng của ông đã được công chúng ưa thích bởi nói lên tình cảm đối với quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi trong sáng, tha thiết. Đó là các bài mà nhiều công chúng cả nước hiện nay đang rất có cảm tình như "Mấy nhịp cầu tre", "Rước tình về quê hương", "Đường xưa lối cũ", "Trăng rụng xuống cầu", "Tình làng gốm", "Gạo trắng trăng thanh", "Duyên quê", "Gió xuân trên cánh đồng"…

Nhà văn Trương Nguyên Việt (người đứng bên phải là con trai cả của nghệ sỹ Tân Nhân với nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ), tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IX.

Chỉ nghe qua tên bài hát, ta cũng có thể hình dung chủ đề quê hương, đất nước được tô đậm trong các sáng tác của ông như thế nào. Và điều đặc biệt rất đáng chú ý là hầu như tất cả ca khúc của Hoàng Thi Thơ đều có âm hưởng dân gian, khai thác từ chất liệu dân ca các vùng, miền. Vì vậy mà rất dễ vào lòng người nghe. Trong đơn, Tân Nhân cũng rất trân trọng những bài hát của Phạm Duy một thời gian dài đã không được phát huy tác dụng, sau đó đã đến được với công chúng. Bà  đề nghị Nhà nước cũng làm việc đó đối với những bài hát của Hoàng Thi Thơ. Sau đó, nguyện vọng của bà được đáp ứng. Tuy nhiên, bà chưa kịp thỏa tâm nguyện thì đã phải vĩnh biệt cõi trần để về với… "xa khơi". 

Nhà báo Trương Nguyên Việt còn cho biết: Một lần, biết vợ chồng anh sang Mỹ, Tân Nhân không quên dặn con trai: Hãy nhớ tìm bằng được mộ Hoàng Thi Thơ để thắp nhang tưởng niệm người cha mà anh không biết mặt. Vâng lời mẹ, anh Việt đã làm đúng như vậy. Trở về nước, anh đem quà Mỹ đến tặng mẹ nhưng bà không để ý gì đến quà mà chỉ chăm chú ngắm nhìn những tấm ảnh anh chụp trước mộ Hoàng Thi Thơ và rơm rớm nước mắt. Anh hiểu rẳng mẹ mình vốn đa cảm, đã thương tiếc cha mình không chỉ bởi mối tình đầu dang dở mà còn tiếc cho một nhạc sỹ do hoàn cảnh lịch sử đã không phát huy được hết tài năng để phục vụ nhân dân.

Tân Nhân đã sống trọn vẹn với đất nước, với danh dự bằng sự nghiệp ca hát xuất xắc của mình. Bà được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cả trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Danh hiệu NSƯT Nhà nước phong cho bà ngay từ đợt đầu tiên (1984) quả là rất xứng đáng. Nhưng phần thưởng cao quý nhất vẫn là sự ngưỡng mộ, yêu quý của công chúng giành cho một nữ nghệ sỹ đã không tính toán, vụ lợi cá nhân để dấn thân vào con đường hoạt động cho kháng chiến và sau đó là hòa bình dựng xây tổ quốc, đấu tranh thống nhất đất nước. Sinh thời, mặc dù sống trong vinh quang với cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc nhưng mỗi khi nhớ lại kỷ niệm xưa, bà vẫn canh cánh nỗi niềm về kho tàng ca khúc có giá trị của người nhạc sỹ gắn với mối tình đầu của mình chưa đến được với đông đảo công chúng phía Bắc. Nhưng giờ đây, tâm nguyện ấy của bà đã được toại nguyện. Hẳn là nơi chín suối, bà sẽ trọn vẹn sự thanh thản để an giấc ngàn thu.

Nguyễn Đình San
.
.