Vết xước của những viên ngọc

Thứ Hai, 26/07/2010, 08:46
Những giá trị văn chương đích thực luôn có sức hút mời gọi người đọc của mọi thế hệ khám phá, chiêm ngưỡng. Chúng là những viên ngọc ngời sáng, lung linh mặc sự biến thiên của thế cuộc nhân sinh. Thế nhưng, nếu dụng công quan sát một cách kỹ lưỡng, lẩn quất đâu đó ta vẫn nhận thấy những vết xước trên những viên ngọc ấy...

Những vết xước, nếu có là rất nhỏ, cơ hồ không làm giảm nhiều giá trị nghệ thuật văn chương của các tác phẩm . Vậy nên việc trình bày của chúng tôi ở đây (về một số tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa) chỉ như một sự chiêm nghiệm về lẽ "nhân vô thập toàn".

1. Bàn thêm về một hình ảnh trong bài thơ "Việt Bắc"

"Việt Bắc" là một trong những bài thơ đặc sắc của Tố Hữu, cũng là bài thơ nổi bật của văn học Việt Nam thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một bài thơ đã vinh dự được tuyển dạy trong trường phổ thông nhiều năm qua. Bản thân tôi rất yêu quý tác phẩm này. Những câu thơ, đoạn thơ tài hoa cùng với điệp khúc “Mình… ta…” trở đi trở lại trong thi phẩm đã trở thành những ấn tượng không phai trong lòng tôi từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Thế nhưng trong bài thơ có hai câu thơ mà mỗi lần đọc lại tôi vẫn hay băn khoăn, mặc dầu nhiều người cho rằng đây là hai câu thơ khắc họa thành công hình ảnh vất vả của người mẹ Việt Bắc:

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng
Địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô.

Trong câu thơ này, để đặc tả sự vất vả nhọc nhằn của người Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã sử dụng biện pháp tu từ nói quá (còn gọi là thậm xưng, ngoa dụ hay cường điệu hóa): "Nắng cháy lưng". Phép nói quá là một biện pháp tu từ được sử dụng khá nhiều trong văn chương. Vậy nên việc vận dụng trong câu thơ này là điều bình thường. Thế nhưng cái đáng bàn ở đây là khi tạo dựng sự liên tưởng ở người đọc bằng bất kì một biện pháp tu từ nghệ thuật nào, thì tác giả cũng cần chú ý đến sự liên kết với những hình ảnh được tạo dựng ở trước và sau nó. Người mẹ nắng đã "cháy lưng" nhưng lại đang địu con lên rẫy bẻ bắp ngô mà  "Địu là đèo trẻ sau lưng bằng cái địu" ("Từ điển tiếng Việt" - Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, 2002). Như vậy, lúc này đứa con sẽ như thế nào?

2.  Về một chi tiết khiên cưỡng trong truyện ngắn "Chữ người tử tù"

Trong truyện "Chữ người tử tù" (trích trong tập "Vang bóng một thời"), để nhấn mạnh tính cách Huấn Cao vốn "khoảnh", Nguyễn Tuân đã cho nhân vật của mình phổ biến tác phẩm nghệ thuật ít quá: "Ta nhất sinh không vì vàng ngọc mà ép mình viết câu đối bao giờ. Đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi". Không thể chỉ với "hai bộ tứ bình và một bức trung đường" mà Huấn Cao có thể "là cái người mà cả vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?" được.

Thư pháp là một bộ môn nghệ thuật cao cấp trong các loại hình nghệ thuật có xuất xứ từ Trung Hoa. Người học cần phải có một quá trình khổ luyện công phu mới có thành tựu. Ta hãy nghe GS Phan Ngọc chia sẻ: "Người Việt Nam có nhiều người viết chữ đẹp. Nhưng cái đẹp đó nhiều khi là cái đẹp hoa tay, không phải cái đẹp không đúng yêu cầu của thư pháp Trung Quốc.

Mình nhìn người Trung Quốc viết và viết theo, cho nên cái đẹp là hồn nhiên mộc mạc, kiểu đẹp dân dã. Ở Việt Nam, các nhà Nho không mấy người học thư pháp trong khi thư pháp là nghệ thuật cao nhất của Trung Hoa, cao hơn họa và thơ. Ông nội tôi không cho phép thầy tôi viết chữ tốt, sợ sẽ viết chậm không viết hết bài trong kỳ thi. Bác tôi thi hỏng hoài vì lo trau chữ. Cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn nổi tiếng hay chữ nhưng cũng nổi tiếng là chữ rất xấu" (theo "Bản sắc văn hóa Việt Nam" - NXB Văn học, 2002).

Phần tiếp theo của bài viết này tác giả kể về sự trải nghiệm của chính cha ông là cụ Phan Võ nổi tiếng về Hán học. Khi đã đỗ phó bảng, cụ Phan Võ đi học thư pháp với một danh bút Trung Hoa ở Huế. Để vận khí, cầm được bút, cụ Phan đã mất đến 4 tuần luyện tập khó nhọc. GS Phan Ngọc kết luận: "Một ông tiến sĩ Việt Nam nhìn theo văn hóa Trung Hoa là người chưa biết cầm bút".

Vậy nên người viết thư pháp không thể như Nguyễn Tuân nói "viết chữ rất nhanh và rất đẹp được". Vả lại, để cho cả tỉnh Sơn ta đều biết tiếng tăm thì ắt hẳn phải có quá trình phổ biến rộng rãi tác phẩm. Một con người am tường văn hóa sâu sắc như Nguyễn Tuân, không thể không biết đều này. Chúng tôi đồ rằng, vì một mục đích cao hơn là khắc họa thật đậm nét một nhân cách kẻ sĩ với sự hội tụ tài hoa, khí phách và thiên lương, cụ Nguyễn đã phải chấp nhận chút "khiên cưỡng" trong chi tiết này.

3.  Về một nhân vật trong truyện ngắn "Hai đứa trẻ"

Trong câu "chừng ấy con người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ" trong truyện "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam, chúng tôi vẫn cảm thấy băn khoăn trước việc Thạch Lam đưa vào thiên truyện ngắn đặc sắc của mình nhân vật bác phở Siêu. Để kiểm định điều này, tôi đã đọc khá nhiều bài phân tích và rõ ràng các nhà nghiên cứu phê bình khi viết bài về truyện "Hai đứa trẻ" đều "bỏ rơi" nhân vật này. Vậy nguyên nhân do đâu?

Khi đọc truyện ngắn "Hai đứa trẻ", mỗi độc giả ắt hẳn đều nảy sinh những nỗi niềm trắc ẩn trước những thân phận con người như Liên, An, mấy đứa trẻ nhặt nhạnh ngoài chợ, mẹ con chị Tí, gia đình bác sẩm, thậm chí là bà cụ Thi chỉ thoáng xuất hiện rồi đi vào đêm tối. Thế nhưng với bác phở Siêu thì khó có cảm giác đó. Nhân vật này xuất hiện một cách thừa thãi, lại thiếu tính chân thực. Bác phở Siêu bán phở, "một thứ quà xa xỉ, nhiều tiền, hai chị em không bao giờ mua được". Buôn bán phải có đồng lời, nhưng tình hình kẻ bán người mua ở phố huyện như thế ắt hẳn hàng bác Siêu phải lỗ nặng vì ế ẩm (vốn cho hàng phở không thể ít ỏi như hàng nước của chị Tí được). Mà đã lỗ nặng thì không thể nào bác ra bán thường xuyên mỗi đêm được đến nỗi chỉ mới thấy "một chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối", An đã trỏ tay bảo chị: " Kìa hàng phở của bác Siêu đến kia rồi". Thiết nghĩ có nhân vật bác phở Siêu hay không có, thì cũng chẳng phương hại gì đến kết cấu và ý đồ nghệ thuật của truyện ngắn đặc sắc này.

Những điều chia sẻ trên đây, không phải việc "bới lông tìm vết", người viết cũng chỉ mong bằng kiến văn hạn hẹp, trong bài viết này người viết mạo muội đưa ra những cái "khuyết" nhỏ của những tác phẩm hay của nền văn chương dân tộc, những mong các bậc cao minh bổ chính cho những điều còn nông cạn

Trầm Thanh Tuấn
.
.