Về ngã ba sông Châu

Thứ Hai, 31/12/2018, 08:23
Từ xưa, nói đến Đại Hoàng là người ta liên hệ tới hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở hay Bá Kiến, lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Nếu không thì cũng nghĩ, đây là làng kho cá trắm, hoặc dệt vải thô nổi tiếng khắp vùng. Vậy mà, lâu nay có một "dị nhân" trong làng, cụt cả hai tay bốc thuốc, trị bệnh cứu người...


Sông Châu bắt nguồn từ dòng sông Phủ Lý, kéo dài tới huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) rồi mở ra hai bên hình cánh cung, đi thẳng ra sông Hồng. Một nhánh thông ra cửa Yên Lệnh (Duy Tiên - Hà Nam). Nhánh còn lại chạy tới cửa Hữu Bị, cuối dòng sông Châu phía Nam, thuộc xã Nhân Hậu (Đại Hoàng), huyện Lý Nhân. Dân xã Đại Hoàng, còn có tên "Vũ Đại", trước đây thuộc phủ Thiên Trường (Nam Định), đều thuộc dòng họ Trần. Đây cũng là quê hương của nhà văn Nam Cao (Trần Hữu Tri).

Người cụt tay bốc thuốc, viết văn

Từ xưa, nói đến Đại Hoàng là người ta liên hệ tới hình ảnh Chí Phèo, Thị Nở hay Bá Kiến, lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Nếu không thì cũng nghĩ, đây là làng kho cá trắm, hoặc dệt vải thô nổi tiếng khắp vùng. Vậy mà, lâu nay có một "dị nhân" trong làng, cụt cả hai tay bốc thuốc, trị bệnh cứu người.

Chưa hết, lương y này còn viết văn, làm thơ, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam. Đó là chuyện lạ có thật ở xã Đại Hoàng. Nhưng quả là khó tin. Chúng tôi tò mò, vượt cả hơn 100 cây số tới ngã ba sông Châu xem thực hư thế nào.

Nghe chuyện đã khó tin. Nhưng khi gặp được lương y Trần Đức Mô, ở tuổi ngoài 70, tôi càng khó tưởng tượng hơn, không biết ông làm việc thế nào. Hai tay ông đều bị cưa cụt, chỉ còn độ mươi phân, gần khuỷu tay. Kê đơn thuốc thế nào. Sử dụng cây bút ra sao. Viết văn cách nào đây.

Nhà văn Từ Thiết Linh.

Như thấu hiểu thắc mắc của tôi, ông nhanh nhẹn lấy hai mỏm tay đeo kính, kẹp bút viết những dòng chữ trên một tập thơ mới. Nét chữ nghiêng nghiêng đều đặn chứ không run rẩy như mọi người hình dung. Ông đề tặng tôi tập thơ, rồi ký tên với bút danh Từ Thiết Linh. Thì ra ông chính là nhà văn Từ Thiết Linh thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông hồ hởi với nụ cười tươi, đôi mắt  sáng lanh lợi. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện tai nạn điện giật cách đây mấy chục năm khiến cuộc đời ông rẽ sang một hướng khác.

Ông kể, khi là chiến sĩ đơn vị Phòng không - Không quân tham gia cuộc chiến chống Mỹ đánh phá miền Bắc, suốt sáu năm ròng ông không hề hấn gì (xuất ngũ năm 1976). Dăm năm sau đó, ông bất ngờ bị điện cao thế quật ngã, đốt cháy cả hai bàn tay khi đang lợp nhà cho bạn. Nhiều đêm buồn sầu, đã mấy lần ông định tự tử vì cảm thấy cuộc sống tăm tối, không giúp được vợ con. Nhưng rồi, với bản lĩnh người chiến sĩ dũng cảm, ông đã vượt qua những khó khăn. Bắt đầu từ công việc. Cái khó nhất là cầm dụng cụ lao động. Sau đó cầm bút viết.

Ông mỉm cười nói, người ta còn viết chữ bằng chân, bằng miệng, nữa là mình vẫn còn hai mỏm tay cụt. Phải mất mấy tháng tập luyện, kiên nhẫn ngày đêm, ông đã viết được những câu thơ đầu tiên. Rồi sau đó đến truyện ngắn. Cũng từ đây, để tự chữa bệnh và giúp người trong làng, ông bắt đầu học sách Đông y và tìm thầy học hỏi.

Khởi đầu là bài thuốc chữa xương khớp cho chính mình. Trên vườn rau của nhà, ông trồng những cây thuốc quý, bốc thuốc giúp đỡ bà con. Vậy là, kể từ sau tai nạn, đã mấy mươi năm trôi qua ông vượt lên nỗi đau, khó khăn để sống…

Chớm đông. Trời chưa kịp rét. Nắng tươi nhưng hanh hao chiếu bên thềm. Cầm tập thơ "Hương đất" của ông in năm 2010, tôi bỗng nhớ, hình như cái tên Từ Thiết Linh mình đã gặp ở đâu đó rồi. Ông kể, có thể đó là bài thơ đầu tiên in trên Báo Tiền Phong năm 1991.

Vậy ra tính từ đó đến nay, ông đã "ôm" bút bi viết được hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, in được 5 tập sách. Trước đó, nhà văn còn được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn năm 2000 về đề tài công nhân, do Liên đoàn Lao động và Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam tổ chức. Nhưng có lẽ ông vui nhất với giải thưởng Nguyễn Khuyến lần thứ tư (2007-2010) do tỉnh Hà Nam trao tặng.

Đặc biệt mới nhất, nhà văn Từ Thiết Linh được trao giải Nhì truyện ký do Báo Cựu chiến binh Thủ đô tổ chức năm 2017. Thành quả văn chương đến với một cựu chiến binh thương tật do tai nạn như ông thật phi thường. Hiện ông còn là hội viên Hội Đông y huyện Lý Nhân, Hà Nam, và vẫn tham gia những chuyến đi khám chữa bệnh nhân đạo do Hội tổ chức.

Hội thi diều Đại Hoàng

Thực ra, dân Đại Hoàng có cơ duyên nằm ngay ngã ba sông, nên hội tụ được nhiều ngón làm ăn của dân tứ xứ. Nào nghề kho cá. Nghệ dệt vải. Trồng chuối ngự. Lại thêm tìm được giống hồng không hạt giòn ngọt thơm nữa.

Nhà văn Từ Thiết Linh nhớ lại, trước kia các cụ trong làng thường phải giã hồng xanh, lấy nhựa dán diều mỗi khi vào hội thi. Mà cái thú chơi diều của làng Đại Hoàng cũng chẳng giống các địa phương khác. Khi nhắc đến chuyện chơi diều như chạm vào mạch nguồn văn hóa làng, nhà văn say sưa như hồi còn trẻ, chuyên chạy dọc sông Châu, la hét cùng với bạn bè. Ông nhớ có lúc mê mải chạy theo con gió để rong diều, đã rơi tõm xuống dòng sông quê, vậy mà vẫn chắc tay không để diều đứt dây. Cả lũ trẻ vừa bơi vừa rong diều bay lên cao.

Diều của làng Đại Hoàng khác hẳn diều thiên hạ. Đó là diều gần phẳng chứ không cong hẳn như mọi nơi. Dài tối đa là 2,1m, không gắn sáo. Diều càng bay cao càng chứng tỏ người làm diều giỏi. Kèm theo đó, nếu diều nào ngủ im trên cao không chao đảo theo chiều gió mới gọi là diều nghệ thuật. Hơn thế nữa, diều Đại Hoàng không màu mè, chỉ được chọn hai màu trắng và hồng. Có thể một nửa trắng, nửa hồng, hoặc trắng hoàn toàn, chỉ có một vạch đỏ ở giữa…

Người làm diều ở Đại Hoàng.

Điều quan trọng là chất lượng diều làm sao bay cao, ngủ say. Đó là tiêu chí của cuộc thi diều của Đại Hoàng. Hội thi diều thường vào đúng rằm tháng Năm. Vào thời gian này, gió đông nam thổi mạnh, nhất là vào cuối chiều. Hiện có tới 25 xóm tham dự cuộc thi. Thú vị nhất là các diều thủ phải căn chỉnh cho diều bay tụ về giữa đình làng Đại Hoàng. Bởi ở đó ban giám khảo sẽ lấy chậu nước lớn để chấm điểm theo bóng diều tụ về. Diều nào ngủ say thì biết ngay. Hàng chục chiếc diều nhỏ như chiếc lá ngủ ngon im phăng phắc. Sau đó đo góc dây diều với mặt đất để chấm diều nào cao nhất.

Tuy gần đây, người ta có thể dùng ống nhòm để chấm thi, nhưng mất đi cái thú được ngắm cả dàn diều làng ngủ êm như chiếc lá, trên cao qua chậu nước. Hơn nữa, khi chấm diều nào cao nhất thì vẫn phải ra đo góc dây diều bằng mắt thường. Xưa có quy ước trong cuộc thi, sau khi có điểm chấm giải, các diều thủ phải cắt dây, cho diều bay về trời.

Theo các cụ đó là dịp tạ ơn trời đất đã cho một mùa bội thu và chờ đón một mùa xuân, hoa quả đầy vườn. Chuối thơm. Hồng chín. Cá to. Nhà văn Từ Thiết Linh cho biết, cách làm diều phẳng này, các diều thủ cao tay ở Đại Hoàng thường chiếm giải cao trong các cuộc thi với các xã quanh vùng. Đáng chú ý, diều Đại Hoàng đã từng chiếm giải "Diều bay cao nhất" trong lễ hội, nhân Năm du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng năm 2013.

Đồng thời diều của làng còn được đánh giá là mẫu diều cổ nhất từ xưa đến nay. Chúng tôi đi dọc sông Châu với cảm xúc bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm xưa. Nhà văn chợt nhớ đến câu thơ của ai đó đã từng đến quê ông và bày tỏ niềm đam mê về thú chơi diều: "Gió đưa diều bổng lên cao/ Đứng đây mà ngỡ chiêm bao giữa ngày/ Cho dù rát bỏng bàn tay/ Ta như tìm lại những ngày ở quê…".

Thơm thảo phù sa

Câu chuyện về diều ngỡ như khó dứt khi nhà văn Từ Thiết Linh kể vào những đêm trăng sáng trên sông Châu. Con diều ngủ như mơ trong bản du ca lên với chị Hằng. Ông nhẩm đọc cho tôi nghe tâm sự về sự giao hòa thiên nhiên với con người qua cánh diều làng: "Bay lên nhẹ một kiếp người/ Vui đi để nở nụ cười thênh thang". Tôi chợt nhớ, nhà văn Nam Cao cũng đã từng viết thể hiện cảm xúc với con sông quê hương, vào những đêm trăng huyền diệu.

Nhà văn Từ Thiết Linh như sống lại với những ký ức của lịch sử ngày nào. Sông Châu là chứng nhân cho cuộc di chuyển của vua Lý Công Uẩn khi vượt qua ngã ba này theo con nước sông Hồng, dời đô lên Thăng Long lập kinh thành mới (1010). Đã ngàn năm qua, dòng sông Châu vẫn dạt dào sóng nước, với miền phù sa sông Hồng để làm nên miền đất trẻ trung, bù đắp thêm cho xã Đại Hoàng mỗi ngày một rộng lớn. Một miền phù sa tươi mới thơm thảo làm nên những mùa màng bội thu, cây trái xanh tươi bốn mùa, với những cánh diều bay như mơ trên ngã ba sông.

Cảnh Linh
.
.