Vẽ lén Lâm Xuân Thi

Thứ Ba, 18/09/2012, 08:00
Trong thời buổi mà các doanh nhân đang méo mặt, nhiều doanh nghiệp bị phá sản giải thể, thì công ty xe đạp Martin 107 của Lâm Xuân Thi vẫn trụ vững một cách nhẹ nhàng. Hỏi Lâm Xuân Thi có bí mật kinh doanh xe đạp như thế nào mà hay vậy. Lâm Xuân Thi bảo không có bí mật bí quyết gì cả...

Sau những chuyến đi từ thiện, Báo Nhi Đồng muốn xây lại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở xã Quảng Hòa, huyện Đăk Glong, tỉnh Đắk Nông. Đây là một nơi có đến 90% đồng bào người Mông di cư từ Lào Cai vào lập nghiệp, một nơi nghèo khó nhất của huyện miền núi này. Tôi tình cờ tham gia vào nhóm từ thiện này, nên phải chạy vạy... xin tiền. Đó là "món" tôi tệ nhất. Trong lúc bí, bèn nghĩ đến Lâm Xuân Thi, nhắn tin hỏi email của anh, rồi gửi liền cái thư ngỏ xin tài trợ. Thật không ngờ, ngay trong ngày hôm đó, Lâm Xuân Thi đã đồng ý và chuyển khoản tài trợ một số tiền không nhỏ...

Người âu lo… cái sự ròm

Để tỏ lòng cảm ơn Lâm Xuân Thi, tôi mời anh một bữa cơm. Lâm Xuân Thi đồng ý, nhưng sau đó gọi lại bảo thôi để anh mời. Lâm Xuân Thi có thẻ VIP ở khách sạn Sheraton, ăn buffet ở đó thì được giảm đến 50%. Hình như là vậy, tôi không nhớ chính xác. Nhưng rất nhớ Lâm Xuân Thi nhắc đi nhắc lại cái lý do… mời ngược tôi là để được ăn buffet nơi sang trọng mà giá lại rẻ, chứ không phải tốn kém gì nhiều. Thú thật tôi không thích buffet, nhưng nể tình Lâm Xuân Thi phải đến.

Buổi trưa ngồi ở Sheraton, nhìn ra cửa kính thật thú vị. Càng dễ chịu hơn khi trưa Sài Gòn chợt râm mát, lộng gió. Lâm Xuân Thi đến, như thường lệ với chiếc túi xách nhỏ khoác chéo người. Thú thật, nhìn dáng ông không có vẻ gì là một doanh nhân thành đạt, hay một thi sĩ mộng mơ. Lâm Xuân Thi có dáng như một người đi… bỏ mối cà phê cho mấy quán vỉa hè. Chiếc túi xách nhỏ lúc nào cũng kè kè bên hông, càng "minh họa" cho hình ảnh ấy. Nhưng đấy là tôi "vẽ lén" Lâm Xuân Thi, chứ nào dám nói ra cái cảm nhận ấy.

Lâm Xuân Thi lấy một chút thức ăn ra cái dĩa nhỏ. Tôi thoáng nghĩ chắc ông này kiêng khem dữ lắm đây. Vì đây là lần đầu tiên tôi đi ăn với ông, nên không rõ tính nết thế nào. Hóa ra là tôi nhầm, mà lại nhầm to. Lâm Xuân Thi ăn mỗi lần một tý, nhưng ăn không hề ít, cứ chậm rãi thong thả ăn liên tục hết món này đến món khác, trong suốt… một giờ đồng hồ. Lâm Xuân Thi cười nói nửa đùa nửa thật: "Người mình vốn ròm, nên phải ráng ăn nhiều cho có da có thịt một chút. Nhưng mà sao ăn hoài vẫn không thấy mập?".

Xem ra Lâm Xuân Thi âu lo cho cái sự… ròm của mình còn nhiều hơn chuyện làm ăn.

Nhà thơ Lâm Xuân Thi (bên phải) trao tiền giúp đỡ nhà thơ Kiên Giang.

Mượn phòng nhà thơ Chim Trắng… tiếp bạn gái 

Trong thời buổi mà các doanh nhân đang méo mặt, nhiều doanh nghiệp bị phá sản giải thể, thì công ty xe đạp Martin 107 của Lâm Xuân Thi vẫn trụ vững một cách nhẹ nhàng. Hỏi Lâm Xuân Thi có bí mật kinh doanh xe đạp như thế nào mà hay vậy. Lâm Xuân Thi bảo không có bí mật bí quyết gì cả. Lâu nay người kinh doanh xe đạp rất ít, nói đúng hơn là không thèm làm, không thèm bán xe đạp vì lời rất ít. Nhưng Lâm Xuân Thi vì trót mê xe đạp, trót mê cái sự sống chậm, nên cứ bền lòng với nó. Một chiếc xe đạp Martin 107 hiện nay, theo như Lâm Xuân Thi nói, bán chỉ lời 50 ngàn đồng/ chiếc. Lời ít đến thảm thương, nhưng nhờ bán được với số lượng khá nhiều, nên gom lại được nhiều. "Mỗi tháng kiếm được khoảng 500 triệu" - Lâm Xuân Thi không giấu diếm doanh thu.

Nhưng có vẻ như Lâm Xuân Thi không thích nói chuyện làm ăn. Ông nói về những dự định của quỹ Tình Thơ do ông cùng Phan Hoàng, Hồ Thi Ca sáng lập vào tháng Giêng năm 2010. Từ đó cho đến nay, quỹ Tình Thơ (ngân sách hoàn toàn do Lâm Xuân Thi hỗ trợ) đã giúp được nhiều nhà thơ có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền lên đến trên 300 triệu đồng. Có nghĩa là mỗi năm ông bỏ ra hơn 100 triệu đồng để đồng hành cùng thơ. Bên cạnh đó Lâm Xuân Thi cũng thường xuyên mua thơ với số lượng lớn để tặng cho khách hàng của mình. Điều đáng ghi nhận ở đây là hoạt động của quỹ Tình Thơ hoàn toàn không nhằm PR cho thương hiệu xe đạp Martin 107. Tên gọi của nó là quỹ Tình Thơ, là cái tình đối với thơ hay là cái tình thơ tình đẹp… Lâm Xuân Thi muốn đến với thơ một cách trong sáng chân thành, chứ không gắn vào đó một toan tính nào cả. Điều này không phải ai cũng làm được.

Nhà thơ Chim Trắng trong lúc lâm trọng bệnh, có nhắn gửi với nhà thơ Ý Nhi rằng, nếu ông mất thì bản thảo tập thơ "Lời chào ngọn gió" sẽ nhờ Lâm Xuân Thi in giúp. Chim Trắng gởi gắm bản thảo cho Lâm Xuân Thi không phải vì ông là doanh nhân có tiền, mà bởi giữa hai người có một tình bạn rất khắng khít. Hiện Lâm Xuân Thi đang lo chuẩn bị in tập thơ cùng những bài viết của bạn bè, đồng nghiệp về nhà thơ Chim Trắng, sẽ ra mắt đúng vào ngày giỗ 28-9. Đây vừa là hoạt động của quỹ Tình Thơ vừa là cái tình riêng của Lâm Xuân Thi đối với cố nhà thơ Chim Trắng.

Trong câu chuyện vui, Lâm Xuân Thi kể một kỉ niệm nho nhỏ với nhà thơ Chim Trắng mà có lẽ còn ít người biết. Đó là thời Lâm Xuân Thi còn trai trẻ đang hẹn hò, đã có lần Lâm Xuân Thi… mượn phòng nhà thơ Chim Trắng để tiếp bạn gái. Đó là khoảng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Chim Trắng còn ở khu chung cư văn nghệ sĩ miền Nam 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Khi Lâm Xuân Thi mượn phòng thì Chim Trắng lang thang ngoài phố. Thời chưa có điện thoại di động để gọi hay nhắn tin biết chừng. Nên cái sự lang thang hè phố của Chim Trắng, trong lúc Lâm Xuân Thi đang… hú hí, thật đáng nhớ.

Thi & Thơ

Lâm Xuân Thi không bao giờ nhận mình là nhà thơ, mặc dù anh làm thơ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, có thơ đăng trên nhiều báo, năm 1998 nhận được Giải thưởng Thơ hay Tuần báo Văn nghệ Tp HCM.

Có lẽ chính Lâm Xuân Thi cũng không ngờ, nhiều bạn bè thời sinh viên chúng tôi rất thích thơ anh. Có những câu thơ của Lâm Xuân Thi mà bây giờ nhiều bạn bè còn thuộc và đọc khi trà dư tửu hậu: "Thà để anh làm một kẻ vô danh/ Nếu em vẫn thích bày ra những trò đùa nổi tiếng/ Khi múa vội một đường gươm nguy hiểm/ Anh chỉ sợ mình thành kẻ sát nhân".

Tôi thì thời sinh viên rất mê Lâm Xuân Thi, nhưng không phải ở món thơ mà ở… món xe đạp. Tôi thích xe đạp Martin 107, nhưng sau đó cũng có kỉ niệm cay đắng là trong một tháng mất liền ba chiếc xe, trị giá mỗi chiếc hơn 1 chỉ vàng. Xe mất liên tục khiến tôi phải chuyển chỗ trọ và từ đó cũng thôi không đạp xe nữa, mà chuyển sang… bị xe đạp, khi tậu một chiếc xe gắn máy quá ư cà tàng.

Tôi mê Lâm Xuân Thi thêm một điểm nữa: rất nhiều cuộc thi thơ văn tuổi học trò đều có phần thưởng là một chiếc xe đạp Martin 107 thật oách. Tiếc là tôi không có duyên với văn chương học trò.

Thi và Thơ. Dù không nhận mình là nhà thơ, nhưng theo tôi Lâm Xuân Thi rất xứng đáng được gọi là nhà thơ, một người làm thơ không cầu danh, mà chỉ vì cái tình với thơ. Rồi sáng lập ra cái quỹ Tình Thơ cũng vì thơ, vì cái đẹp như thơ, đẹp một cách nhẹ nhàng. Cũng có những việc mà Lâm Xuân Thi chưa làm được, như việc tổ chức bản thảo tập thơ "100 bài thơ tình tặng vợ". Lâm Xuân Thi bảo anh sẵn sàng trả nhuận bút 1 triệu đồng/ bài thơ; nhưng rồi không làm được, bởi nhiều nhà thơ… giơ hai tay đầu hàng: "Làm thơ tặng người tình thì nhiều, chứ làm thơ tặng vợ bao giờ đâu"!

Tôi nêu ý tưởng về việc thành lập một giải thưởng văn chương tư nhân của Tp HCM, Lâm Xuân Thi rất vui vẻ tán đồng. Tiền thì không lo nữa, nhưng lo là cách thức tổ chức thế nào cho hiệu quả, vì văn chương đích thực. Xem ra Lâm Xuân Thi có quá nhiều việc để làm. Lúc đó tôi lại nhớ đến bữa ăn buffet liên tục trong một tiếng đồng hồ của Lâm Xuân Thi. Dường như trong khi ăn ông đang chơi một bàn cờ trong đầu. Rất nhẹ nhàng và chậm rãi là phong cách riêng của Lâm Xuân Thi.

Rồi một hôm nào đó, giữa đám đông, tôi lại thấy Lâm Xuân Thi với chiếc áo bỏ ngoài quần, vẫn chiếc túi xách kè kè bên hông. Trong túi xách có gì? Hình như là luôn có trong đó một tập thơ?

Trần Nhã Thuỵ
.
.