Vẻ đẹp số phận trong dòng phim nhạy cảm về đồng tính nam

Thứ Bảy, 22/08/2020, 11:16
Bộ phim truyền hình "Vực thẳm chiều trôi" dài 30 tập vừa công chiếu trên Today TV nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả vì đã mạo hiểm khai thác đề tài đồng tính luyến ái nam khá nhạy cảm. Sự có mặt của "Vực thẳm chiều trôi" trên màn ảnh nhỏ, ít nhiều giúp công chúng có cái nhìn thông cảm và sẻ chia hơn về vẻ đẹp của những số phận khác biệt đáng được tôn trọng trong xã hội hiện đại.


Bộ phim truyền hình "Vực thẳm chiều trôi" (biên kịch Phan Ngọc Liên) nói về quan hệ đồng tính luyến ái nam giữa Phong và Bo khá êm đềm và kín đáo. Tuy nhiên, sức mạnh lớn lao của đồng tiền đã mở đường Tuấn Kiệt cướp Phong khỏi vòng tay Bo. Vì hoàn cảnh nghèo khó, cần tiền cứu mẹ trong cơn bạo bệnh mà Bo đành phụ bạc quay lưng với Phong. 


Không chấp nhận được sự đổ vỡ, Phong tìm đến cái chết, khiến Bo càng thêm hận Tuấn Kiệt. Khi Tú - anh em song sinh giống hệt Phong xuất hiện, thì cuộc giằng co giữa Tuấn Kiệt và Bo càng thêm rắc rối… Kết cục của "Vực thẳm chiều trôi" không còn xoay quanh câu chuyện đồng tính luyến ái nam, mà là sự đối đầu giữa cái thiện và cái ác trong vòng xoáy danh lợi cám dỗ.

Cảnh trong phim "Vực thẳm chiều trôi".

Để nhận vai chính trong bộ phim "Vực thẳm tình yêu", diễn viên Quách Ngọc Ngoan đã phải bỏ lỡ bộ phim "Cát đỏ" mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh dành sẵn một nhân vật cho anh thể hiện. Dù đã lâu ít tham gia vào thị trường phim, nhưng những gì diễn viên Quách Ngọc Ngoan phô diễn qua vai Tú chứng tỏ anh phù hợp với tiêu chí "trai đẹp" mà thể loại đam mỹ yêu cầu. 

Bên cạnh diễn viên Quách Ngọc Ngoan, bộ phim "Vực thẳm chiều trôi" cũng quy tụ được nhiều diễn viên quen thuộc như Nghệ sĩ Nhân dân Việt Anh, Thanh Thủy, Thùy Trang, Mỹ Hạnh, Thái Chí Hùng, Thảo Trang…

Trong bộ phim "Vực thẳm chiều trôi", nghệ sĩ Hoàng Mập không chỉ làm tròn vai trò đạo diễn, mà còn đảm đương luôn vai Tuấn Kiệt bặm trợn cậy tiền, cậy thế. Trước đây, nghệ sĩ Hoàng Mập và hãng phim Hoàng Thần Tài của mình từng sản xuất nhiều bộ phim truyền hình tương đối ăn khách như "Cưới chạy", "Valy tình yêu", "Lọ lem Sài Gòn"… 

Năm nay 49 tuổi, nghệ sĩ Hoàng Mập vốn nổi tiếng là một nhà sản xuất có nguồn lực tài chính dồi dào và hào hiệp với đồng nghiệp. Tuy nhiên, làm đạo diễn một bộ phim đam mỹ như "Vực thẳm chiều trôi" cũng là một lần mạo hiểm đáng khen ngợi của nghệ sĩ Hoàng Mập.

Cộng đồng LGBT (đồng tính, song tính và chuyển giới) càng ngày càng được nhìn nhận cởi mở hơn trong đời sống văn minh. Tuy nhiên, làm phim về họ không hề đơn giản. Ở những nền điện ảnh phát triển, các bộ phim xoay quanh cộng đồng LGBT rất phổ biến, nhưng ở nước ta thì đây vẫn còn là lãnh địa mới mẻ cho những người sáng tạo lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy. 

Năm 2008, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên làm bộ phim "Chơi vơi" đề cập đến đồng tính nữ, với sự diễn xuất của Phạm Linh Đan và Đỗ Hải Yến khá thú vị. Tuy nhiên, đề tài đồng tính nam lại đặt ra nhiều thách thức hơn với những nhà làm phim Việt.

Phim Việt đầu tiên về đồng tính nam tạo được ấn tượng mạnh mẽ cho người xem là "Lạc giới" của đạo diễn Phi Tiến Sơn. Nói đứng hơn, lạc giới mổ xẻ ở góc độ lưỡng tính. Câu chuyện "Lạc giới" bắt đầu khi tên tội phạm Trung (diễn viên Trung Dũng đóng) trốn thoát trên đường áp giải về trại giam. 

Hắn đến một trang trại khai thác sữa dê hẻo lánh, nơi chỉ có cô y tá Kim (diễn viên Mai Thu Huyền đóng) xinh đẹp, cậu chủ Hải (diễn viên Bình An đóng) ốm yếu. Tại trang trại, Trung mau chóng quyến rũ Kim. Tuy nhiên, sau đó giữa Hải và Trung nảy sinh mối tình cảm, biến quan hệ giữa ba con người thành một mối tình đầy ngang trái.

Sau bộ phim "Lạc giới", điện ảnh Việt xuất hiện vài bộ phim về đồng tính nam nữa như "Để mai tính", "Những nụ hôn rực rỡ", "Hotboy nổi loạn"… nhưng chủ yếu được khai thác ở những tình huống gây cười mà không dám đi sâu vào góc khuất nội tâm nhân vật. Mãi đến năm 2019, bộ phim "Thưa mẹ, con đi" của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh mới đem lại cho người xem một giá trị chân thực và xúc động về đồng tính nam. 

Trong đợt giãn cách xã hội để phòng chống đợt lây nhiễm đầu tiên của COVID-19 tại nước ta, bộ phim "Thưa mẹ, con đi" lọt vào top 10 của Netflix tháng 4/2020. Vì sao khán giả Việt lại chọn lựa nhiều nhất đối với "Thưa mẹ, con đi" cùng với 9 bộ phim khác của nước ngoài trên kênh phim trực tuyến lừng danh Netflix vào thời điểm ấy? Câu trả lời rất đơn giản, bộ phim "Thưa mẹ, con đi" có sức thu hút thực sự ở thông điệp nhân văn.

Bộ phim "Thưa mẹ, con đi" kể câu chuyện một chàng trai Việt kiều 28 tuổi tên Văn (diễn viên Lãng Thanh đóng) trở về Việt Nam sau nhiều năm sống tại Mỹ. Sự hồi hương của Văn khiến cả gia đình ba thế hệ, đặc biệt là người mẹ của anh, ngạc nhiên khi anh không về một mình mà đi cùng một anh chàng Việt kiều mới 20 tuổi tên Ian (diễn viên Gia Huy đóng). 

Trong kỳ nghỉ tại Việt Nam, hai chàng trai Văn và Ian bị cuốn vào những áp lực từ sự kỳ vọng, trách nhiệm và xung đột với những người xung quanh. Đặc biệt khi Văn là cháu đích tôn có trách nhiệm phải cưới vợ và sinh con nối dõi tông đường. Quan hệ giữa Văn và Ian trong một không gian còn nhiều định kiến, đã gợi ra không ít sự thấu hiểu và yêu thương.

Cảnh trong phim "Thưa mẹ, con đi".

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh năm nay 34 tuổi, phân tích sự thành công của bộ phim "Thưa mẹ, con đi" một cách giản dị: "Đồng tính đã được xem như một đề tài đặt trong tổng thể gia đình. Do đó, mọi người có thể gọi là phim đồng tính, nhưng đúng hơn, có lẽ "Thưa mẹ, con đi" là phim gia đình.Tôi không chọn cách miêu tả hơi bất công với người đồng tính. Đã đến lúc nhìn nhận tình yêu đồng giới như những tình yêu bình thường khác. Đi qua bi quan cũng là đi qua rào cản, đó chính là góc nhìn của tôi trong bộ phim này. 

Bộ phim "Thưa mẹ, con đi" cũng có cảnh "hơi nóng" thể hiện sự kìm kẹp, sự ngó nghiêng trước khi cả hai nhân vật chính có thể chạm vào nhau. Nhưng nó chỉ dừng ở mức như vậy. Thực ra không chỉ phim đồng tính đâu, phim về tình yêu dị tính thì bây giờ cũng không còn ai câu khách bằng cảnh nóng, chuyện đó xưa cũ lắm rồi. 

Ví như bộ phim "Brokeback mountain", cảnh nóng nhưng không hề lộ da thịt, nó đơn giản chỉ là hai người đàn ông lao vào nhau với sự hùng hục của hai anh chàng cao bồi. Hay như bộ phim "Call me by your name", cũng không quá nóng, chỉ là một chàng trai 17 tuổi đang tò mò, và ngưỡng mộ một chàng trai hơn tuổi từng trải. Còn với bộ phim "Thưa mẹ, con đi", tôi quyết tâm không đẩy cảnh nóng hơn nữa vì đó là phim dành cho gia đình, bất kể khán giả nào cũng có thể tiếp cận bộ phim".

Bộ phim "Thưa mẹ, con đi" không có ngôi sao. Ấn tượng mạnh mẽ nhất là vai người mẹ do diễn viên Hồng Đào thể hiện. Một người mẹ biết con mình có giới tính khác thường, cũng có những day dứt và hoang mang, nhưng trái tim bao dung đã dẫn dắt cho mọi phản ứng. 

Diễn viên Hồng Đào thổ lộ: "Là một người mẹ, lại có rất nhiều bạn bè thuộc cộng đồng LGBT, nhưng tình huống của người mẹ trong bộ phim "Thưa mẹ, con đi" vẫn khiến tôi phải suy nghĩ nhiều để tìm ra cách diễn phù hợp. Nhưng rồi tôi vẫn quay về với bản năng yêu thương và kỳ vọng mà bất cứ người mẹ nào cũng mang trong mình. 

Tại sao người mẹ lại phải thất vọng khi con mình chọn một con đường đúng với nguyện vọng của nó? Phải chẳng vì tận sâu bên trong là nỗi lo sợ rồi đây con mình sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị, dè bỉu của những người chung quanh? 

Tôi nghĩ điều đặc biệt nhất ở bộ phim "Thưa mẹ, con đi" chính là dùng những điều gần gũi dung dị để nói lên tâm sự của những người có hoàn cảnh tương tự, mà tôi tin rằng không phải là ít trong xã hội ngày nay. Tuy nhiên nhìn rộng ra thì nó cũng chỉ là một trong rất nhiều xung đột thế hệ giữa cha mẹ và con cái mà gia đình nào cũng phải trải qua".

Tâm Huyền
.
.