Váy xẻ Hồ Sơn

Thứ Bảy, 26/01/2019, 19:11
Tôi có một thói xấu, hay lẫn đường đi, cho dù có người đã vẽ trên giấy chỉ dẫn. Khi tới ngã ba dốc lên Tam Đảo, bất ngờ có một chiếc ô màu đỏ thấp thoáng ở phía xa. Cô gái cầm chiếc ô rảo bước trong làn sương bồng bềnh. Tà váy xẻ chàm đen ôm cặp chân cuốn sà cạp trắng muốt của cô gái lướt qua những lùm cây. Thế là tôi đi theo chiếc ô đỏ như bị ma dụ dưới những cọng mây bay...

Ngát thơm một chén “Sán Dìu”

Mây sương mù mịt. Khi tôi nghe thấy tiếng ồn ào, thoát cơn mộng mị, mới hay mình đã lọt vào bản Hồ Sơn của người Sán Dìu, dưới chân núi Tam Đảo. Nghe nói đây là làng chuyên làm thuốc. Cô gái cầm ô đỏ bỗng biến đâu mất giữa đám con trai con gái. Họ đang sửa lại khăn áo chuẩn bị cho cuộc gặp mặt các câu lạc bộ hát dân ca Sán Dìu (còn gọi là hát Soọng Cô).

Tôi sững người định tìm đường đi khỏi nơi này thì một người đi tới. Ông ta hồ hởi như đã quen tôi từ trước. Cho dù tôi nói bị lạc đường tới đây, nhưng ông ta níu tay tôi vào sân rồi rót rượu mời. Tôi định từ chối thì một người đàn bà bước đến nói, khách lạ là khách quý.

Cả hai ép tôi uống một bát rượu. Lát sau tôi mới biết người đàn ông kia là lang y Nguyễn Công Phượng, người ở thôn Núc Hạ, đến dự cuộc giao lưu này. Ông chính là người hát dân ca rất hay và đã từng viết khá nhiều lời cho làn điệu Sán Dìu.

Là một chiến sĩ vùng xuôi lên đây đóng quân, anh lính Công Phượng ngày ấy như trời xe duyên, cái số phải ở lại vì đã bị cô gái Sán Dìu xinh đẹp “bỏ bùa mê”. Thế là từ năm 1965, ông ở lại làm rể xóm Núc Hạ và được mẹ vợ truyền nghề bốc thuốc, bắt mạch.

Lương y Nguyễn Công Phượng.

 Tôi tò mò hỏi ông về tà váy xẻ của các cô gái Sán Dìu nơi đây. Chỉ với ba màu đen, đỏ và trắng, trang phục của các cô gái Hồ Sơn có sức hút kỳ lạ. Ông kể, xưa kia váy của các cô gái Sán Dìu gồm nhiều mảnh ghép lại thành hàng dọc nên gọi là “váy lá”. Từ 8 đến 10 mảnh ghép lại rồi kết phía trên thành cạp. Mỗi khi chuyển động, các lá vải để lộ những khoảng trống trên cơ thể các cô gái. Đó chính là sự quyến rũ hoang dã hấp dẫn các chàng trai thôn bản.

Dần dần, váy xẻ chỉ còn bốn mảnh to ghép lại tạo nên tà váy kín đáo hơn. Nhưng nét quyến rũ lại được tôn lên ở chiếc yếm trắng và bắp chân cuốn xà cạp màu trắng. Đáng chú ý, viền váy áo được thêu những dải màu đỏ, tạo nên sự tương phản sắc màu chàm cơ bản giữa đen - đỏ và giữa đen - trắng. Trang phục còn có điểm nhấn, đó là chiếc khăn buộc ngang thắt lưng, màu xanh non với ánh sắc dịu dàng của người thiếu nữ.

Ông lang Phượng say sưa nói, rồi bỗng dưng ghé tai tôi thì thào, chính vì sự quyến rũ ấy mà ông đã đeo đuổi người yêu mấy năm trời. Ông đọc cho tôi nghe những câu thơ gửi cho người yêu, tức bà vợ ông bây giờ. Những lời đúng là “mật ngọt chết ruồi” rằng: “Vầng dương vừa chiếu ánh vàng/ Nàng trong bộ cánh áo chàm đi chơi/ Nàng luôn hiện trước mặt tôi/ Mà sao tôi thấy xa vời như sao/ Đêm đêm tôi lại chiêm bao/ Thấy nàng như cánh hoa đào ngày xuân”.

Thơ đã ngấm vào rượu. Đôi môi ông chúm chím, hai má đỏ hồng, ngượng nghịu với cảm xúc cách đây hơn 40 năm, khi theo đuổi tỏ tình với cô gái Sán Dìu tên là Man ngày ấy. Lúc này tôi cũng bị rượu và thơ hút hồn. Tôi cùng ông uống tiếp những bát rượu nếp cái hoa vàng thơm ngào ngạt. Những chiếc váy xẻ cứ bay trước mặt tôi.

Đôi mắt của cô bé trên dốc cũng thấp thoáng bay trong những đám sương đang tràn xuống. Mọi người vào đêm hát. Tôi ngồi lại với ông lang Phượng và nghe ông đọc thơ tiếp. Những bài thơ tình cứ mênh mông một cõi vô thường. Tôi gục xuống bàn nhưng giọng ngâm nga của ông vẫn văng vẳng. Đến giờ tôi vẫn nhớ: “Đã đi phải đi đường dài/ Đã yêu, yêu mãi không ai sánh bằng/ Đã sống phải sống sao băng/ Đã yêu, yêu mãi chí bằng núi sông”. Đến lúc ấy tôi lịm đi không còn biết trời đất gì nữa.

Nỗi niềm trên núi 

Sáng hôm sau tỉnh dậy, tôi không hề nhớ mình đã bay lên đỉnh núi bằng cách nào. Trên cao mây còn mù mịt hơn, cho dù nắng đã le lói chiếu ngang thị xã Tam Đảo. Những lán hàng không còn tù mù như trước, nhưng người đi chợ vẫn xì xụp đây đó, trên các nẻo dốc nhỏ. Tôi đi như dò đường trong sương mù. Cổ họng như phải bỏng vì khát nước. Những bát rượu nếp đã đánh gục tôi suốt đêm.

Bỗng có tiếng một cô gái chào mời tôi vào quán uống nước. Tôi giật mình dừng chân. Sau đó mới phát hiện ra những bếp ngô nướng thơm phức. Cô gái đưa cho tôi chai nước khoáng lớn khi ngửi thấy hơi rượu vẫn còn ám lại quanh người. Chân tóc tôi dựng đứng. Thế là tôi tu một mạch hết cả chai nước, rồi ngồi xụp xuống bên bếp than hồng ấm áp. Lúc này cái lạnh mới thấm vào da thịt. Hằng, chủ quán khuyên, già rồi đừng uống nhiều rượu mà bị cảm lạnh, chết cứng người lúc nào không biết.

Thế là tôi tò tò kể hết chuyện hôm qua bị lạc xuống Hồ Sơn và được nghe hát Soọng Cô thế nào. Rồi ông lang Phượng đọc thơ tình cho nghe ra sao. Cứ thế, tôi cười rúc rích, tự giễu mình ngơ ngẩn trước tà váy xẻ của những cô gái Sán Dìu. Không ngờ, tôi vui và cười một cách vô duyên lại làm cô chủ quán nheo ánh mắt buồn rượi.

Tôi hẫng người hỏi, thì ra Hằng chính là người Sán Dìu, ở dưới chân núi lên bán hàng. Đôi mắt u buồn với nếp nhăn sớm hiện ở tuổi ngoài ba mươi. Hằng chợt nhớ đến những đêm đi hát Soọng Cô. Nhưng rồi sự chia ly đã làm cô lang bạt lên đây, làm ăn kiếm tiền nuôi con ăn học.

Đầu óc tôi bỗng trống rỗng lạ lùng. Một câu chuyện buồn trong những đêm hát. Hằng vẫn nhớ đến nhói lòng, sự lỡ làng duyên phận, qua những câu hát tưởng như chan chứa đắm say. Cô hắng giọng hát khe khẽ đủ cho tôi nghe. Lời hẹn lời thề sao xót đắng: “Gà gáy sắp sáng, trời chưa sáng/ Gà gáy sáng rồi, sắp chia tay/ Bố mẹ, ông bà thì còn được/Anh em mình chia tay, đứt hết ruột gan”.

Lời ca như nghẹn lại trong lồng ngực cô gái. Tôi ngồi im như bức tượng bên bếp lửa. Những hạt sương, cọng mây quanh quất ngập ngừng không muốn tan đi.

Trên góc tường gỗ một giò phong lan màu tím vẫn thắm nở. Cô gái đang chờ đợi một điều gì thần diệu chăng. Cô chỉ ước muốn người chồng quay về đưa con đi học. Người ấy đã xuống núi trong đêm gió rét và bặt tin từ đó.

Thời gian như bức tường vô hình lạnh buốt lòng người. Tôi cứ loay hoay bên bếp lửa và khuyên, hy vọng vẫn còn ở phía trước, kiên nhẫn đợi chờ. Nhưng rồi đột nhiên Hằng mỉm cười tự an ủi mình, sau đó cất tiếng hát, một câu trong làn điệu Sán Dìu, ấp ủ nỗi niềm mong manh: “Năm cũ qua đi. Năm mới đến. Hoa đào nở hết. Hoa mận nở. Hoa đào nở hết gió thổi đi. Hoa đào nở hết đợi người đến…”. Nghe chừng chính mình muốn khóc, tôi bật dậy, giang tay cố đón lấy những tia nắng chiếu xiên qua những khối sương mù.

Những cô gái Sán Dìu Tam Đảo.

Trò chơi bên nhà thờ đá

Trưa. Nắng. Tam Đảo vào tiết hè. Mây tan nắng rọi. Người ta nói, trong một ngày khí hậu Tam Đảo chuyển đổi màu sắc của bốn mùa rất đúng. Lúc này, tiếng trống và kèn trên nhà thờ đá cổ chếch phía trên quảng trường thị trấn vang lên lảnh lót mời gọi. Tôi như bị điện giật, khó cưỡng nổi tiếng kèn tây cao vút lên đỉnh núi, vội vã xỏ giày leo từng bậc thang còn in dấu rêu phong.

Trong sân nhà thờ, họ tổ chức cho học sinh phổ thông cơ sở, chơi trò đố vui. Giải thưởng là những chiếc túi thổ cẩm của người Sán Dìu. Thị trấn Tam Đảo như muốn nở ra vì tiếng cười và tiếng la hét của bọn trẻ. Đó là mấy lớp học của dưới Hồ Sơn lên cắm trại.

 Trò đố vui làm tôi hết sức ngạc nhiên, vì không dễ giải đáp, cho dù câu hỏi ngỡ như nắm được trong lòng bàn tay. Nào là ngọn núi ở giữa ba đỉnh Tam Đảo tên là gì? Rồi củ khoai khổng lồ nặng 16 cân ở trên núi là do ai trồng? Hoặc cây thông 1.500 tuổi nằm trên núi Thạch Bàn, hay Phú Nghĩa… Nghĩa là toàn những chuyện rất gần với bọn trẻ. Bởi đó chính là quê hương của chúng.

Vậy là tôi lại một lần nữa lạc vào sân chơi của những cậu bé, cô bé người Sán Dìu. Thung lũng như muốn chao đảo bởi những đám mây còn sót lại rùng mình dâng lên cao. Một cô bé Sán Dìu mặc váy xẻ tà chạy ngược lên những bậc đá nhà thờ cổ. Chiếc túi đen có viền trắng rung rinh trong sương bay…

Cảnh Linh - Xuân 2019
.
.