NSƯT Trang Nhung:

Vàng son một thuở

Thứ Tư, 22/07/2015, 08:00
Có thể nhiều khán giả chưa được gặp mặt Nghệ sỹ ưu tú (NSƯT) Trang Nhung nhưng tên tuổi cùng giọng hát ngọt ngào truyền cảm của bà đã trở nên quen thuộc và chinh phục hàng triệu khán thính giả trên khắp cả nước suốt mấy chục năm qua.

Cùng với các nghệ sĩ như NSND Thương Huyền, NSND Châu Loan, NSƯT Tuyết Thanh..., NSƯT Trang Nhung đã góp phần làm nên một thế hệ nghệ sĩ tài năng tâm huyết của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau những năm tháng cống hiến hết mình cho nghệ thuật, giờ đây bà sống giản dị, lặng lẽ phía sau những ồn ào của đời sống. Nhưng tình yêu, sự đam mê của người nghệ sĩ ấy dành cho nghệ thuật thì vẫn luôn được trân trọng, ngưỡng mộ.

Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam nằm trên đường Giải Phóng (Hà Nội) dù đã có nhiều thay đổi nhưng giờ đây vẫn là một trong những địa chỉ sinh sống của khá nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng. Dù chưa có địa chỉ chính xác trong tay nhưng tới đây bạn vẫn có thể tìm được tới nhà nghệ sĩ cần gặp bởi sự thân quen, gần gũi từ bao năm.

Chúng tôi tới gặp NSƯT Trang Nhung đúng vào lúc cơn bão số 1 bắt đầu đổ bộ nhưng trong căn phòng tập thể ấm áp, những câu chuyện, những kỷ niệm của người nghệ sĩ tài hoa đã khiến những người trò chuyện dường như quên hết những cơn mưa đã bắt đầu nặng hạt ngoài kia.

Nhắc lại chuyện khi chúng tôi điện thoại liên lạc muốn được gặp và trò chuyện cùng bà, bà có vẻ ngại ngần. NSƯT Trang Nhung chia sẻ lâu nay bà ngại lên báo lắm dù đã có tới hơn 40 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và cô con gái giờ cũng đang công tác trong ngành Báo chí. Không riêng NSƯT Trang Nhung mà một số nghệ sĩ của thế hệ trước cũng thường có tâm lý ấy. Đây cũng chính là một trong những sự khác biệt giữa các nghệ sĩ thế hệ trước và những bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật ngày nay. Dường như với họ, dốc hết tâm sức làm nghệ thuật đã là một hạnh phúc mà không mảy may đòi hỏi sự ca tụng hay xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Nhắc tới NSƯT Trang Nhung, những khán thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn nhớ một giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, có thể hát được nhiều thể loại từ cải lương, ca trù, chầu văn đến quan họ... Đặc biệt bà được nhớ tới là người con đất Bắc nhưng ca cải lương rất "mùi". Đó là một điều hiếm bởi đất Bắc không phải là ''đất'' của cải lương.

Sinh năm 1948, ngay từ khi còn nhỏ, cô bé Trang Nhung đã mang trong mình năng khiếu nghệ thuật đặc biệt, thừa hưởng từ bà nội và người cha của mình. Từ một nữ sinh trường Thanh Quan, vì yêu tha thiết nghệ thuật ca hát dân tộc, 14 tuổi Trang Nhung đã đến với sân khấu cải lương Chuông Vàng. Ba năm sau, năm 1964, giọng hát ấy đã chinh phục được hội đồng xét tuyển là những nhà chuyên môn uy tín để trở thành nghệ sĩ cải lương thuộc Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam.

Khi Trang Nhung về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là lúc đất nước đang có chiến tranh. Cùng với mục tiêu của cả nước: "Tất cả cho giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", các nghệ sĩ cũng là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ phục vụ cho nhiệm vụ cao cả ấy. Khổ luyện công phu từ giọng nói đến phát âm, Trang Nhung học được nhiều kiểu hát, lối hát các miền. Đặc biệt là việc rèn luyện để phát âm được tiếng Nam Bộ, để hát cải lương bằng tiếng Nam Bộ chuẩn. Nghe tiếng hát của Trang Nhung trên Đài phát thanh, nhiều bà má miền Nam gửi thư về Đài thắc mắc: "Trang Nhung tập kết hồi nào vậy?" hay "Cô bé miền Nam nào mà có giọng hát mùi mẫn đến thế?".

Không chỉ đáp ứng nhiệm vụ của Đài khi ấy là "Nhanh nhạy, kịp thời", giọng hát của Trang Nhung có sức thuyết phục và cảm hóa cao. Ngày ấy, tại các chương trình "Tiếng hát gửi miền Nam", "Tiếng hát dành cho binh sĩ ngụy quyền Sài Gòn", "Tiếng hát cho đồng bào xa Tổ quốc", tiếng hát của Trang Nhung có một sức lay động lớn. Hàng trăm lá thư của thính giả từ mọi miền Tổ quốc gửi về khen ngợi và yêu cầu được nghe Trang Nhung hát nhiều hơn nữa. Những lá thư động viên quý giá đó giờ đây vẫn được bà lưu giữ, trân trọng như tài sản không thể thiếu trong hành trang cống hiến nghệ thuật của mình.

Không chỉ hát trên làn sóng của Đài, qua nhiều lần đi thực tế, Trang Nhung còn mang tiếng hát của mình ra đồng ruộng phục vụ bà con nông dân, ra công trường phục vụ công nhân hầm mỏ, hay phục vụ các binh đoàn chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Nhiều đồng nghiệp thừa nhận giọng hát của bà luôn là giọng hát chủ lực, đứng đầu trong các giọng hát dân tộc cùng thế hệ.

"Sau Hiệp định Paris, chiến trường Quảng Trị - Huế vẫn còn hết sức nóng bỏng, tôi được giao nhiệm vụ cùng các đồng chí trong Ban Tuyên  giáo Trung ương có mặt tại đó để phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng giải phóng. Tại những vùng còn tranh chấp, tôi đã ra tận chiến hào hát kêu gọi binh sĩ ngụy quy súng phản chiến. Không ít lần tiếng súng đã ngừng khi giọng hát của tôi cất lên. Sau này, có những lá thư của chính sĩ quan chính quyền Sài Gòn gửi về Đài chia sẻ: "Chúng tôi đã thua và quay về với chính nghĩa nhờ tiếng hát của Trang Nhung" - nghệ sĩ Trang Nhung bộc bạch.

Một vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của bà là được biểu diễn nhiều lần cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. NSƯT Trang Nhung vẫn nhớ như in câu nói của Người khi lần đầu tiên nghe Trang Nhung hát cải lương: "Sao cháu là người miền Bắc mà hát cải lương bằng giọng miền Nam giỏi thế?" và lời dặn dò: "Cháu hãy hát những gì của nhân dân ta, dân tộc ta, đất nước ta. Cháu phải luôn luôn học hỏi, nâng cao nghề nghiệp để phục vụ nhân dân được tốt".

NSƯT Trang Nhung nhớ lại một lần vào ngâm bài thơ "Sáng tháng Năm" của nhà thơ Tố Hữu cho Bác nghe. Khi ngâm đến những câu thơ: "Cho con được ôm hôn má Bác/ Cho con hôn mái đầu tóc bạc/ Hôn chòm râu mát rượi hòa bình", cứ hết mỗi câu, Bác lại ghé vào gần để các nghệ sĩ được ôm hôn Bác như mong ước của nhà thơ. Biểu diễn xong, mỗi người đều được Bác tặng một bông hoa. Riêng Trang Nhung, ngoài bông hoa của Bác còn được thêm 5 bông hoa nữa từ những vị khách có mặt tại phủ chủ tịch hôm đó. Với NSƯT Trang Nhung, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có một phong cách giản dị, gần gũi vô cùng. Có lần, biểu diễn cho Bác nghe xong, Trang Nhung còn được Bác gửi tặng kẹo cho ông bà, bố mẹ, các em.

Cũng từ lời dặn dò của Bác, dù mang trong mình năng khiếu nổi trội nhưng Trang Nhung vẫn thu xếp để đi học thanh nhạc bởi bà hiểu chỉ có học bài bản mới giữ được sự thanh xuân cho giọng hát. Sau này, với vị trí Trưởng phòng dân ca, công việc ở Đài rất bận rộn nhưng NSƯT Trang Nhung vẫn sắp xếp thời gian để học hỏi các nghệ nhân như NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Nguyễn Thị Phúc, NSƯT Kim Sinh… Ngoài việc chuyên môn, bà còn chạy đôn chạy đáo nhận sô diễn bên ngoài để các anh chị em trong đoàn có điều kiện tăng thêm thu nhập, giảm bớt khó khăn.

Nhớ lời dặn dò của nghệ nhân Quách Thị Hồ "Tôi dạy cho chị, sau này chị dạy lại cho người khác", NSƯT Trang Nhung còn tham gia đào tạo cho các nghệ sĩ trẻ tại các trường nghệ thuật trên toàn quốc. Không chỉ phục vụ khán thính giả trong nước, NSƯT Trang Nhung có nhiều cơ hội được giới thiệu các làn điệu dân ca, âm nhạc truyền thống Việt Nam đến đông đảo bạn bè trên thế giới. Thông qua các kỳ festival âm nhạc truyền thống quốc tế tại Pháp, Italia, Hà Lan, Trung Quốc… các tiết mục mà Trang Nhung thể hiện đã thực sự chinh phục được Hội đồng giám khảo khó tính và công chúng nước ngoài.

Tháng 7/2001, NSƯT Trang Nhung cùng một số đồng nghiệp trong Phòng Ca nhạc dân tộc Đài Tiếng nói Việt Nam  biểu diễn tại Festival - Visa Francophone tại thành phố Toulouse, Pháp. Với những tiết mục mang đậm bản sắc dân tộc, giọng hát Trang Nhung đã được đánh giá cao bằng một giải thưởng đặc biệt tại Liên hoan. Có lần, sau khi nghe Trang Nhung biểu diễn một bài dân ca Nam Bộ bằng tiếng Pháp phục vụ kiều bào, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê đã khen ngợi: "Cũng là nghệ sĩ mà sao Trang Nhung hát cái gì ra cái đó". Còn nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo thì tấm tắc: "Có nhiều đoàn nghệ thuật sang đây biểu diễn nhưng đây là một đoàn đặc biệt, ấn tượng".

Sau những năm tháng hết mình cho nghệ thuật, giờ đây, NSƯT Trang Nhung đang tiếp tục nếp sống giản dị cho riêng mình với những niềm vui con cháu như bất kỳ một người phụ nữ nào. Bà dành nhiều thời gian cho Phật pháp bởi đã mang lại sự nhẹ nhõm, bình an cho tâm hồn. Đi qua những vinh quang và cả thiệt thòi mà nghệ thuật mang lại, đi qua những lần tai nạn cận kề cái chết, bà vẫn luôn tâm niệm mình là người hạnh phúc bởi đã được sống và được làm nghệ thuật hết mình. Thế nên, chỉ cần có lời mời đi giảng dạy, dù đã ngoài 60 tuổi, người nghệ sĩ bé nhỏ ấy lại soạn sửa, chuẩn bị giọng hát cả tuần để hoàn hảo, chuẩn mực và dốc lòng như lần đầu đứng lên sân khấu.

Thảo Duyên
.
.