Văn trẻ tin ở mạch chảy ngầm

Thứ Năm, 10/09/2015, 08:05
Trung tuần tháng 9 năm nay, Hội Nhà văn Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị những người viết văn trẻ Thủ đô lần thứ II. Ban tổ chức đưa ra tiêu chí khách mời với số lượng khoảng 60 người, độ tuổi 40 trở lại (sinh năm 1975 đến nay), đã có thành tựu nhất định trong sáng tác văn học (Truyện ngắn, thơ, dịch thuật, lý luận phê bình văn học)… .

Với tiêu chí đó, Ban tổ chức đã phải nâng lên đặt xuống khá nhiều vì danh sách các ban chuyên môn đưa lên đều vượt quá số lượng được phân công tuyển chọn. Và theo như dự kiến sẽ mời thêm một số đại biểu của năm tỉnh thành đã từng là cố đô như Phú Thọ, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình và Thanh Hóa, chỉ tiếc rằng Ban tổ chức không mời thêm đại biểu của Nghệ An (Phượng hoàng Trung đô).

Khi nhìn vào danh sách khách mời dự Hội nghị, không ít người đã giật mình thốt lên "sao nhiều đồi núi lúp xúp thế này, nhìn mãi mà chả thấy một đỉnh núi cao". Văn chương Trẻ thủ đô đã vậy, nhìn rộng ra văn chương Trẻ cả nước cũng không khá hơn gì.

Có thể nói từ 16 đến 40 là độ tuổi sung sức nhất của đời một con người và trong độ tuổi đó, khả năng sáng tạo cũng lớn nhất, đặc biệt là trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật. Chúng ta đã từng chứng kiến một Chế Lan Viên viết "Điêu tàn" khi mới 17 tuổi; Nguyên Hồng viết "Bỉ vỏ" năm 18 tuổi; Vũ Trọng Phụng hoàn thành sự nghiệp văn chương của mình vào năm ông mới 27 tuổi, mà đỉnh cao là tiểu thuyết "Số đỏ".

Ai trong số những gương mặt này sẽ tạo nên một diện mạo mới cho văn học nước nhà trong thời gian tới?

Theo cảm nhận của chúng tôi, "Số đỏ" của Vũ Trọng Phụng, "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, "Thời xa vắng" của Lê Lựu là ba cuốn tiểu thuyết hay nhất, quan trọng nhất, "để có cái mà nói, mà kể nhất" của nước nhà từ trước đến nay…và gần với thế hệ văn Trẻ hiện nay nhất là Đỗ Bích Thúy với truyện ngắn "Sau những mùa trăng", "Tiếng đàn môi sau bờ rào đá"; Phạm Duy Nghĩa với truyện ngắn "Cơn mưa hoa mận trắng", "Sài thục"; Nguyễn Ngọc Tư với "Cánh đồng bất tận"…, họ đã cất lên những tiếng nói khẳng định mình và dù rằng văn học nghệ thuật là lĩnh vực sáng tạo chuyên biệt, người này khó làm đại diện cho người khác, nhưng nhìn vào một lứa nhà văn, một đội ngũ hay cả một nền văn học thì vẫn cần có những đỉnh cao để mà gọi tên.

Đỗ Bích Thúy, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Ngọc Thuần… xứng đáng là những nhà văn cất lên giọng điệu, tiếng nói đại diện cho một thế hệ nhà văn sinh ra và trưởng thành sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, thế hệ không còn phải ngửi mùi thuốc súng. Những tác phẩm thành công nhất của họ, đều được viết ra ở độ tuổi dưới 40.

Có thể còn có nhiều nhà văn thành danh hơn nữa mà trong một chuyên đề nhỏ này chúng tôi chưa kịp điểm danh, nhưng theo thiển nghĩ của chúng tôi, một nhà văn khác với một tác giả ở chỗ là họ có một phong cách sáng tác, tầm tư tưởng, sự ảnh hưởng xã hội, những cách tân dẫn lối mà khi đọc tác phẩm của họ, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra tác giả của phong cách viết ấy. Phong cách của họ không bị lẫn vào bất kỳ một nhà văn nào.

Đòi hỏi cao hơn ở một nhà văn thiên tài là họ đã khai sinh ra một trào lưu văn học hoặc đã khai sinh cho xã hội một nhân vật văn học điển hình, sống mãi với thời gian như Xuân tóc đỏ, Tám Bính, Giang Minh Sài, Chí Phèo, Lão Khúng…chỉ cần nhắc đến những tên tuổi đó, người đọc sẽ biết ngay đến cha đẻ của họ là ai.

Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, Trưởng ban biên tập văn xuôi Tạp chí Văn nghệ quân đội cảm thán: "Qua mười năm làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ quân đội tôi thấy số lượng bản thảo của các tác giả trẻ gửi về Tạp chí ngày càng… ít đi. Tôi cũng không hiểu vì sao lại như vậy và đã không ít lần tự vấn, giật mình tự kiểm điểm: hay là cách đọc của mình đã quá già, quá cũ để không thể đọc được văn của các tác giả trẻ nên họ không muốn gửi đến. Nhưng ngẫm lại thì hình như không phải thế vì bên Báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam và giờ được biết thêm Báo Văn nghệ Công an cũng thế. Cả ba tờ báo văn nghệ lớn, có lượng phát hành lớn nhất trong tất cả các tờ báo văn nghệ trong nước hiện nay đều có ít tác phẩm của các tác giả trẻ gửi đến. Hay có lẽ cuộc sống ngày nay gấp gáp quá chăng? Hoặc những người trẻ có quá nhiều sự lựa chọn để giải tỏa, sẻ chia những vấn đề trong cuộc sống mà không cần tới văn chương? Hoặc cũng có thể cả ba tờ báo, tạp chí Văn nghệ lớn mà chúng ta đang làm chưa phải là một sân chơi phù hợp với những cây viết trẻ.

Có thể hơn mười năm về trước, Hội Nhà văn Việt Nam cũng nghĩ thế, trăn trở thế nên mới quyết định cho ra mắt tờ Báo Văn nghệ Trẻ, nhưng rồi cũng dần mai một, tác giả trẻ cũng thưa vắng dần và cuối cùng là phải khai tử tờ báo Văn nghệ Trẻ".

Nếu tính về các yếu tố cần và đủ để tên tuổi và tác phẩm của một nhà văn được nhiều người biết đến thì thế hệ trẻ bây giờ có lợi thế hơn rất nhiều thế hệ những nhà văn lớp trước, đặc biệt là những tác giả sống và viết giữ thủ đô Hà Nội ngàn năm văn vật. Tác giả trẻ thiếu vắng trên các tờ báo văn nghệ nhưng khá nhộn nhịp ở lĩnh vực sách xuất bản và lứa nhà văn trẻ cũng đã có những cuốn sách bán chạy như Khúc Cẩm Huyền với cuốn "Ai cho em nằm trên"; Đức Long với cuốn "Xóa hết dấu vết trước khi về nhà"; Hoàng Anh Tú với cuốn "Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa", "Yêu là yêu, thế thôi!"; Nguyễn Minh Nhật với cuốn "Lạc lối cô đơn"; Thủy Anna với "Thoát y dưới trăng", "Lạc giới"…

Nhìn rộng hơn chúng ta có thể thấy những cuốn sách bán chạy thời gian gần đây như "Buồn làm sao buông" của Anh Khang; "Anh sẽ yêu em mãi chứ?", "Hoa Linh Lan" của Gào; "Ai rồi cũng khác" của Hamlet Trương; "Người yêu cũ có người yêu mới" - Iris Cao; "Yêu người yêu người ta" của Gia Đoàn…rồi "Chuyện tình New York" của Hà Kin. Chúng tôi xin trích dẫn lời thú nhận của chính Hà Kin "tác phẩm của tôi chỉ là một dạng tự truyện, không phải là một tác phẩm văn học".

Ngoài dạng sách tự truyện, đa số còn lại những cuốn tiểu thuyết viết về trai gái gặp nhau rồi yêu, yêu rồi lên giường, rồi tình tay ba tay tư, rồi gối, rồi chăn, rồi giường rồi chiếu và các kiểu làm tình. Họ viết sex chỉ đơn thuần là sex. Đơn giản là vì, "thấy người ta viết sex được thì mình cũng viết được". Chừng đó cái tên và chừng đó cuốn sách, liệu đã có bao nhiêu nhà văn và bao nhiêu tác phẩm văn học? Liệu họ đã tạo ra được một phong cách, một trào lưu văn học, hay khai sinh được một nhân vật văn học điển hình làm đại diện cho văn trẻ? Hình như là chưa.

Có thể nhiều người trong chúng ta chưa thể đọc hết được những tác phẩm của các tác giả trẻ hiện nay, nhưng nhìn vào tên của những cuốn sách, chúng ta có thể đoán được phần nào thể loại sách. Không ít người đọc có cái nhìn bi quan về văn trẻ đã phải thốt lên: Trước đây chúng ta phải nhập sách ngôn tình, ngày nay ta đã tự sản xuất được truyện ngôn tình cho giới trẻ đọc. Riêng chúng tôi thì không đến nỗi bi quan như thế.

Trên cái bề mặt ồn ào váng mỡ rêu của những "tác giả" và những "tác phẩm" đình đám đó, văn chương trẻ vẫn đang có một mạch chảy ngầm rất đáng quan tâm. Thời gian qua bạn đọc đã biết đến một nhà văn Di Li với hàng loạt truyện ngắn, chân dung văn học và đặc biệt là cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị "Trại hoa đỏ". Chị đã xác lập cho mình một thế giới nghệ thuật riêng có trong dòng chảy cạn cợt và ồn ào của văn trẻ hiện nay, hay nhà văn Uông Triều với tập truyện ngắn "Đôi mắt Đông Hoàng" và hai tập tiểu thuyết in liền trong hai năm 2014 và 2015 là "Tưởng tượng và dấu vết" và "Sương mù tháng giêng".

Nhiều người đọc nhận xét, với tiểu thuyết "Tưởng tượng và dấu vết" nhà văn Uông Triều cũng đã xác lập được cho mình một lối đi riêng không lẫn vào ai. Rồi ở Quảng Trị có nhà văn trẻ Hoàng Công Danh với cuốn "Cõng nhau trong một cõi người". Mặc dù ghi ngoài bìa sách là thể loại truyện ngắn, nhưng đọc hết cả cuốn người đọc sẽ thấy đây là một cuốn tiểu thuyết mà mỗi truyện ngắn trong đó là một chương. Cấu trúc và cách viết khá mới lạ.

Nhà văn Hồ Anh Thái, người nghiên cứu và am hiểu Phật giáo, có nhận xét trong lời giới thiệu: "Hoàng Công Danh dù còn rất trẻ nhưng đã chứng tỏ sự thấm nhuần giáo lý nhà Phật. Lối viết của anh hiền hậu, tinh tế, cuộc sống qua con mắt chú tiểu Sanh trôi chầm chậm, thiên lương, yên ả như chính cuộc sống trong chùa".

Nhà văn trẻ Trác Diễm ở Quảng Bình có cuốn "Hồn lau trắng" vừa được nhận giải Trẻ của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam. Thế mới biết, lao động nhà văn là một quá trình miệt mài, tích lũy, tìm tòi trong sáng tạo mới mong cho ra đời những tác phẩm văn chương đích thực, còn nếu chỉ chạy theo phong trào hay "con gà tức nhau tiếng gáy" thì hình như tác giả chỉ cho ra đời những tác phẩm "á văn chương", chẳng giúp ích gì vào đời sống văn học nước nhà, dù trước mắt có thể sách của họ đang được bán rất chạy, thu lợi được rất nhiều cũng chính từ tâm lý đám đông hay giống như chuyện "Bộ quần áo mới của vi hoàng đế", còn gọi là "Hoàng đế cởi truồng" của một lớp độc giả trẻ hiện nay. Nhà văn định hướng cách đọc của độc giả nhưng ngược lại độc giả cũng phải là những người đọc thông thái để định hướng cách viết của nhà văn. Hay nói đúng hơn độc giả nào thì nhà văn ấy.

Nguyễn Thế Hùng
.
.