Tân Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Chuck Hargel:

Vạn sự khởi đầu nan

Thứ Sáu, 22/03/2013, 08:00
Với 58 phiếu thuận và 41 phiếu chống - một tỉ lệ chiến thắng thuộc loại thấp nhất trong các đời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ trước tới nay -  ngày 26/2 vừa qua, ông Chuck Hagel đã được Thượng viện Mỹ phê chuẩn thay thế ông Leon Panetta làm chủ nhân mới của Lầu Năm Góc.

Ông Chuck Hagel năm nay 66 tuổi, là cựu quân nhân đầu tiên và cũng là cựu chiến binh chiến tranh Việt Nam đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Hiện có nhiều thử thách đang đặt ra với vị tân Bộ trưởng, trước nhất là việc ngân sách dành cho quốc phòng bị cắt giảm 470 tỉ USD trong 10 năm tới. Phát biểu với các nhân viên Lầu Năm Góc ngay sau lễ nhậm chức, tân Bộ trưởng Chuck Hagel khẳng định, nước Mỹ cần tiếp tục củng cố các liên minh truyền thống kết hợp với việc xây dựng các liên minh mới. Đó là điều giúp cho nước Mỹ vừa tiếp tục đảm nhiệm vai trò "lãnh đạo" vừa không bị mang tiếng là "áp đặt" đối với thế giới...

Trước đó, việc đề cử ông Chuck Hagel vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bị trì hoãn tới 12 ngày bởi sự phản đối của nhiều thành viên đảng Cộng hòa (các đồng nghiệp cũ của ông). Những người này bày tỏ sự quan ngại, rằng ông Hagel sẽ có chính sách mềm yếu với Iran. Dẫn chứng họ đưa ra là ông Hagel từng có những hành xử xem ra quá "khoan dung" đối với Iran, trong khi lại từng có những chỉ trích gay gắt chính quyền Israel. Ted Cruz, Thượng nghị sĩ đến từ bang Texas thậm chí còn cáo buộc ông Hagel đã nhận một số khoản tiền từ CHDCND Triều Tiên.

Ông Chuck Hagel đã phải giải thích về một số vấn đề liên quan tới tài chính, đặc biệt là về một phát biểu đầy sơ hở của ông thể hiện trong một cuốn sách xuất bản năm 2008. Theo đó, ông Chuck Hagel cho rằng "Nhóm vận động hành lang Do Thái đe dọa những người ra quyết định ở Quốc hội". Ngoài ra, ông Chuck Hagel cũng bị chỉ trích đã từng bêu riếu cựu Tổng thống George W. Bush trong cách xử lý cuộc chiến ở Iraq thời kỳ ông Chuck Hagel là thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa, cũng như từng chống lại quyết định tăng quân số của lực lượng Mỹ tại Iraq hồi năm 2007. Ông Hagel từng gọi cuộc chiến tại Iraq là "chính sách nguy hiểm nhất và sai lầm nhất của Mỹ kể từ sau chiến tranh Việt Nam".

Trong khi ông Ted Cruz không đưa ra được bằng chứng nào phục vụ cho những cáo buộc của mình thì ông Hagel đã làm nhiều nhân vật ở Thượng viện phải mềm lòng khi ông quả quyết, ông "tuân thủ đầy đủ" các quy định trong việc ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Còn về câu phát ngôn được thể hiện trong cuốn sách, ông Hagel không ngần ngại đưa ra lời xin lỗi và khuyên mọi người không nên đánh giá ai đó chỉ căn cứ trên một câu nói đơn lẻ. 

Ông Hagel được cho là có nhiều quan điểm quân sự đồng nhất với Tổng thống Barack Obama và có chiều hướng sẽ ủng hộ kế hoạch của ông Obama cho rút quân nhanh hơn khỏi Afghanistan. Thượng nghị sĩ bang Michigan Carl Levin - một thành viên của đảng Dân chủ nhận xét, Tổng thống Barack Obama hiện rất cần một vị Bộ trưởng Quốc phòng có thể cung cấp cho ông những lời khuyên trung thực, một người có đủ uy tín và sự hiểu biết sâu sắc về các hậu quả của những quyết định liên quan tới việc sử dụng sức mạnh quân sự.

Trong thực tế, ông Hagel và ông Obama từng có bề dày quan hệ đủ để hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau. "Obama và tôi biết nhau rất rõ tại Thượng viện từ khi hai người đều là thượng nghị sĩ ở đó" - Trong một cuộc trả lời phỏng vấn một trang web tiếng Anh chuyên đưa tin về tình hình Trung Đông, ông Hagel cho biết - "Tôi luôn dành sự kính trọng lớn lao cho ông ấy. Đấy là một trong những con người tử tế nhất, thông minh nhất mà tôi được biết". Hagel cũng là người đã không ngần ngại ủng hộ ông Obama và từ chối ủng hộ ứng viên đảng Cộng hòa John McCain trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế Nhà Trắng năm 2008.

Tổng thống Barack Obama và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.

Về phần mình, Tổng thống Obama đã không tiếc lời ca ngợi ông Hagel là "một người yêu nước và đã đổ máu vì đất nước (ý ông Obama nhắc tới việc ông Hagel từng bị thương trong thời kỳ tham chiến tại Việt Nam trước đây) nên ông sẽ biết cách để giúp nước Mỹ tránh những sai lầm".

Chính vì những nhận xét như vậy nên bất chấp việc một nhóm Thượng nghị sĩ yêu cầu Tổng thống Obama rút lại việc đề cử ông Hagel, Nhà Trắng đã cảnh báo Lầu Năm Góc sẽ gặp nhiều nguy hiểm nếu không kịp thời có người cầm trịch trong thời gian nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức về ngân sách và Mỹ vẫn còn binh lính ở Afghanistan. Một lý do nữa khiến ông Obama cương quyết không thay đổi quyết định của mình (về việc chọn ông Hagel giữ cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) còn bởi ông không muốn bị xem là chịu khuất phục thêm lần nữa sau khi người đầu tiên được ông đề cử vào chức Ngoại trưởng Mỹ nhiệm kỳ hai là bà Susan Rice đã bị phe Cộng hòa tấn công dữ dội, để rồi sau đó phải chấp nhận… rút lui (thay vào đó là ông Thượng nghị sĩ John Kery).

Cuộc bỏ phiếu chọn ông chủ Lầu Năm Góc kỳ này quả là nhiều kịch tính. 4 nghị sĩ đảng Cộng hòa trước đó từng tham gia tiệc trà ủng hộ một ứng viên khác (ông Rand Paul) làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã bất ngờ đứng về phía các nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ ông Hagel. Ngoài ra, 18 nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa cũng đã bỏ phiếu sớm một ngày, đảm bảo cho cuộc bỏ phiếu diễn ra đầy đủ và hợp lệ nhằm ủng hộ vị trí mới của ông Hagel.

Tổng thống Barack Obama đã ngay lập tức lên tiếng ca ngợi việc Thượng viện Mỹ chuẩn thuận ông Hagel. Ông Obama nhận định rằng, quân đội Hoa Kỳ đã có một nhà lãnh đạo mà họ "xứng đáng được có".

Tuy được Tổng thống Obama ghi nhận bằng những lời lẽ nồng nàn, đầy thiện cảm như vậy, song với kết quả lá phiếu như ta đã biết (58 phiếu thuận, 41 phiếu chống), ông Hagel đã trở thành chủ nhân của Lầu Năm Góc với sự phản đối cao chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Về mặt này, ông Hagel đã thua xa người tiền nhiệm của mình là cựu Bộ trưởng Leon Panetta (ông Leon Panetta được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ năm 2011 với số phiếu tuyệt đối: 100). Cùng với việc lãnh đạo quân đội Mỹ đúng vào thời kỳ ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, việc được bầu chọn với số phiếu thấp chắc chắn cũng là một thách thức không nhỏ đối với tân Bộ trưởng Chuck Hagel.

Như vậy là, với việc ông John Kery được phê chuẩn vào cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Chuck Hagel vào cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nước Mỹ hiện có hai vị trí quyền lực đặc biệt quan trọng được đặt trong tay hai cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.

So với tân Bộ trưởng Ngoại giao John Kery, tân Bộ trưởng Quốc phòng Hagel có thời gian tham chiến tại Việt Nam ít hơn (chỉ một năm, trong cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968). Song "dấu ấn" mà ông lưu lại trên cơ thể dường như lại nặng nề hơn (ông Hagel từng bị một mảnh bom găm vào ngực khi đi tuần tra cùng em trai). Cũng tương tự trường hợp của cựu binh John Kery, sau khi từ chiến trường Việt Nam trở về, ông Hagel đã lên tiếng chất vấn các nhà lãnh đạo Mỹ về động cơ chiến tranh. "Tôi ước khi tôi đang ngồi trên một chiếc xe tăng bốc cháy giữa cánh đồng lúa ở Việt Nam, có ai đó mách bảo cho tôi biết tôi đang chiến đấu một cách mù quáng chỉ để cứu chiếc ghế của tổng thống" - ông Hagel đã phát biểu như vậy trên tờ New York Post.

Tờ The Hill của Mỹ gần đây cũng đã nêu nhận định rằng, chính cuộc chiến tại Việt Nam đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng và chính sách của hai vị tân Bộ trưởng của nước Mỹ. "Bài học Việt Nam" đã khiến họ có chung một quan điểm: Tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng sức mạnh quân sự. Kiên quyết phản đối việc dùng bộ binh can thiệp vào các mục tiêu nằm ngoài nước Mỹ, trừ phi quyền lợi an ninh quốc gia của Mỹ bị đe dọa rõ rệt. 

Trở lại với việc ngân sách dành cho quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm mạnh kể từ ngày 1/3/2013, cách đây ít ngày, tân Bộ trưởng Hagel đã kêu gọi đội ngũ nhân viên của bộ này phải sẵn sàng chấp nhận tình thế "bất khả kháng". Tuy nhiên, vị chủ nhân mới của Lầu Năm Góc cũng không giấu được sự lo lắng về những ảnh hưởng của đợt cắt giảm kinh phí tới khả năng tác chiến của quân đội Mỹ

Phùng Hải Đăng
.
.