Vấn nạn rượu bia

Thứ Hai, 26/12/2016, 08:02
Những tác hại, tổn thất có nguyên nhân từ rượu bia không thể tính toán đầy đủ. Theo Tổ chức y tế thế giới, có đến gần 200 loại bệnh từ đó mà ra. Nó hủy hoại cơ thể con người, gây nên nhiều bệnh nan y, làm suy thoái nòi giống. Phổ biến nhất là các bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tiêu hóa, tâm thần…


Chuyện uống rượu - xưa và nay

Uống rượu, bia là nét văn hóa có từ ngàn xưa từ khi loài người tìm ra thức uống thú vị này. Với người Việt không là ngoại lệ. Thói quen uống rượu mỗi khi có việc gia đình như: giỗ chạp, cưới xin, ma chay, nhà mới, thượng thọ…hay lúc nông nhàn; khi có cớ để ngồi với nhau: bạn lâu ngày gặp lại, đẻ con trai, làm ăn phát đạt, thăng chức…để chia sẻ tâm tư, mừng cho nhau mang lại niềm vui, tạo nên và củng cố mối quan hệ, kết thân để ngày càng gắn bó.

Ngày trước có nhiều cách thức dùng rượu: có thể chủ yếu là uống, thức ăn không quan trọng. Các bậc cao nhân, thi sỹ nhâm nhi chén rượu ngon ngắm trăng, ngắm hoa. Trong dân gian khi ăn cỗ nghĩa là rượu là yếu tố phụ, ăn là chính.

Rượu để đưa đẩy thức ăn cho thêm ngon miệng. Các cụ gọi là "nhắm rượu" tức là  nhấp một hớp rượu nhỏ rồi gắp thức ăn nhai chậm, lặng lẽ hoặc nói chuyện nhỏ nhẹ đủ nghe. Hiếm khi to tiếng - trừ những trường hợp có mâu thuẫn, đố kỵ nhau từ trước, mượn rượu để gây sự. Nhưng thường được mọi người túm vào can ngăn nên hiếm xảy ra xô xát dẫn đến thiệt mạng.

Không có chuyện thách đố, kích động, ép nhau uống rượu quá đà. Người tham gia cuộc rượu luôn ý thức được bản thân và có trách nhiệm với sức khỏe của mình, với gia đình và xã hội. Kẻ "nát rượu" bị làng xóm, cộng đồng coi khinh, xa lánh, lên án mạnh mẽ, thấy xấu hổ mà tự sửa đổi bản thân. Nhiều làng bản còn có Hương ước hay những quy định về việc uống rượu, mọi thành viên cộng đồng đều phải tuân theo.

Nhậu nhẹt bia rượu là mối họa của nhiều vấn đề trong cuộc sống (ảnh chỉ mang tính minh họa).

Từ khi đất nước mở cửa, đổi mới, giao thương rộng rãi, kinh tế khá lên cũng là lúc rượu bia tràn lan, xô bồ mỗi ngày một tăng. Không cần nguyên cớ gì, cứ gặp nhau là uống cái đã. Uống bất kể ở đâu, trong nhà hàng, quán rượu, công viên, vỉa hè; uống bất kể thời gian nào. Uống càng nhiều càng được cổ vũ, càng vui; hò hét ầm ĩ liên tục 100% say đến nôn ọe, đái cả ra quần, thế mới "thật lòng"?

Thật vô cùng phản cảm, tồi tệ không thể chấp nhận được. Ra khỏi nhà là gặp bia rượu. Nhà hàng, quán nhậu mọc lên nhan nhản với tốc độ chóng mặt - nhanh gấp hàng trăm lần các đơn vị sản xuất và cơ sở nhập bia rượu ngoại. Rủ nhau đi nhậu như đi trẩy hội quanh năm suốt tháng.

Trong thế giới phẳng, người uống rượu bia càng có quyền lựa chọn và xu hướng chơi sang dùng bia rượu ngoại ngày càng tăng. Hãng bia rượu các nước đã nhạy bén thấy Việt Nam với trên 90 triệu dân là thị trường béo bở không bỏ lỡ thời cơ. Hầu như những hãng rượu bia nổi tiếng thế giới đã có mặt tại nước ta.

Sử dụng rượu bia tại Việt Nam ở lứa tuổi từ 18 đến 69 có tỷ lệ 77,3%. So với lần lượt các khu vực: Châu Mỹ 70,7%, Tây Thái Bình Dương 58,9%, Châu Phi 40,2%...và so với mặt bằng chung là 47,7%. Điều nghịch lý là ở nước ta có tới 85% người có văn hóa cao càng dùng rượu bia thường xuyên - có lẽ do có tiền lương và các khoản "ngoài lương" hằng tháng ổn định và có nhiều thời gian rỗi rãi?

Sáng, trưa, chiều, tối không khó bắt gặp công chức góp mặt khắp các quán nhậu. Có chủ quán phải kêu lên: "Công bộc của dân gì mà lê la quán nhậu nhiều hơn thời gian ở công sở". Ngay cả khi kinh tế đất nước trong cơn khủng hoảng, suy thoái cũng không ngăn được tốc độ uống rượu bia. Trong khi đất nước còn nghèo, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số còn đứt bữa, thiếu ăn, con em không được học hành, nhà ở dột nát…

Tác hại rượu bia

Những tác hại, tổn thất có nguyên nhân từ rượu bia không thể tính toán đầy đủ. Theo Tổ chức y tế thế giới, có đến gần 200 loại bệnh từ đó mà ra. Nó hủy hoại cơ thể con người, gây nên nhiều bệnh nan y, làm suy thoái nòi giống. Phổ biến nhất là các bệnh ung thư, đái tháo đường, bệnh tim mạch, tiêu hóa, tâm thần…

Việt Nam đựơc xếp vào hàng số 1 thế giới có tỷ lệ người mắc bệnh nêu trên có chứng cứ từ bia rượu - trong khi xếp gần cuối bảng về khoa học kỹ thuật, công nghiệp ôtô…và nhiều lĩnh vực khác. Tệ nạn rượu bia quá mức gây tổn thất cho gia đình và xã hội về tình cảm, kinh tế; an ninh trật tự nguy hiểm. Ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột, họ hàng, bạn bè thân thiết khi đã "nói lời của rượu" là xông vào đâm chém nhau không thương tiếc.

Ngoài xã hội chỉ cần nhìn nhau hơi chăm chú là bị quy ngay là "nhìn đểu", hay nói lỡ lời, đùa tếu một tý, vô tình va chạm nhẹ là vung dao kiếm, súng gậy truy sát đến chết không cho xin lỗi. Chưa có một thống kê nào cho biết mỗi tháng có bao nhiêu người chết và bị thương trên đất nước ta có nguyên nhân từ rượu bia, nhưng chắc chắn con số sẽ không nhỏ khi mỗi ngày trên các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin đáng lo ngại.

Các vụ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra.  

Theo thống kê của Bộ Y tế, Tết năm 2015 có gần 200.000 ca cấp cứu trong các bệnh viện cả nước. Trong đó có trên 5.000 nạn nhân do say rượu bia. Hàng trăm vụ đánh nhau gây ra 11 cái chết thương tâm. Tết Bính Thân năm 2016 chỉ 7 ngày đầu năm (29 đến 5 Tết) đã có gần 30.000 trường hợp cấp cứu do tai nạn giao thông, trong đó 3.500 chấn thương sọ não. Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội có 90% ca cấp cứu là tai nạn giao thông.

Mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin từ số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: Mỗi ngày nước ta có 24 người chết và 60 người bị tàn tật suốt đời do tai nạn giao thông. Tính ra mỗi năm có trên dưới 8.000 người chết và chừng 20.000 người bị thương. Trong khi cả cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, Iraq chỉ chết 3.664 người và 20.000 người bị thương. Thật không thể tưởng tượng nổi?

Tệ nạn rượu bia tàn phá con người, gia đình, xã hội, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Năm 2013, cả nước xuất khẩu được 6,61 triệu tấn gạo, trị giá 2,95 tỷ USD thì "nướng" vào rượu bia 3 tỷ USD. Với 3 tỷ "uống bệnh tật" vào người ấy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong có thể xây được 60.000 ngôi nhà xã hội đủ đáp ứng nhu cầu các hộ nghèo mà không phải vận động, quyên góp thu từng đồng tiền lẻ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có tới 60% hộ gia đình Việt Nam dùng rượu bia thường xuyên. Trong 5 năm từ 2010 - 2015, sản lượng bia tăng bình quân 7%, rượu 4,4%. Tính riêng năm 2010, tai nạn giao thông có liên quan đến bia rượu làm thiệt hại gần 1 tỷ USD cho Việt Nam.

Còn theo tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam, với chi trung bình cho rượu bia 77.000 đồng/hộ thì tổng số tiền đốt vào bia rượu là 16.372 tỷ đồng - đủ mua 1.770.000 tấn gạo nuôi sống 21 triệu người mỗi năm? Ngoài ra còn có cái tệ quan chức ký tá văn bản, tờ trình, dự án trong, sau cuộc rượu say mềm không còn minh mẫn? Thế mới xảy ra bao nhiêu sai sót, dự án tiền tỷ đắp chiếu, đề bạt, thăng chức vô lối làm thiệt hại to lớn và để lại hậu quả lâu dài cho đất nước?

Nhìn qua các nước

Có đi các nước mới thấy không ở đâu bia rượu tràn lan kinh khủng, vô điều kiện như nước ta. Có lần tôi được đi trong đoàn cấp cao của một Bộ thăm Lào. Trong gần 1 tuần bạn chỉ đãi 2 lần rượu là bữa đầu gặp nhau và bữa cuối chia tay. Có đôi ba vị trong đoàn nghiện rượu không chịu nổi, buổi tối lủi ra phố uống rượu chui. Ở Hồng Kông, trong bữa tiệc, người phục vụ bàn chỉ rót cho mỗi khách lưng ly rượu nhỏ sau khai vị và cuối bữa.

Ở Pháp, nếu tự rót rượu cho mình bị coi là không lịch sự, thiếu văn hóa. Hành động ép nhau uống rượu bia bị coi là vi phạm nhân quyền. Không ở đâu có cái lối các loại rượu bia bày đầy bàn, muốn uống bao nhiêu thì uống.

Họ cũng đề ra những nguyên tắc nghiêm ngặt. Không cho phép lãnh đạo, công chức, người lao động uống vào buổi sáng và trưa. Phạt rất nặng nếu uống trong giờ làm việc. Đi trên phố mà cầm chai rượu, bia đã mở nắp, phạt 500USD.

Đặc biệt nghề lái xe, nếu nồng độ cồn vượt mức cho phép, tổng tiền phạt và bảo hiểm tới 1.500 USD. Bị phạt lần thứ 4 thứ 5 sẽ bị tù tới 10 năm. Nghiêm cấm bán cho trẻ vị thành niên. Ở Mỹ đủ 21 tuổi mới được phép uống. Khi đến các cửa hàng phải trình căn cước mới được mua rượu. Cấm quảng cáo rượu bia nơi công cộng, chỗ đông người, trên báo chí, phương tiện truyền thông đại chúng và các phương tiện giao thông…

Ở nước ta từng có một số quy định, nhưng "vạch ra" rồi để đấy, hoặc sôi lên rồi chìm xuống, không ai chịu trách nhiệm. Hiện trạng "nói cứ nói làm cứ làm" nhờn luật. Không việc gì làm cho đến nơi đến chốn nên chẳng ai sợ cả.

Để giảm dần và đi tới chấm dứt tệ nạn bia ruợu quá mức, trước hết phải kiểm soát được nhu cầu sử dụng rượu bia hiện nay. Cấm tiệt quảng cáo, phạt thật nặng, đánh thuế cao vào sản xuất và nhập khẩu rượu bia. Ngưới đứng đầu cơ quan, đơn vị gương mẫu đi đầu. Cấm công dân dưới 18 tuổi uống rượu. Cấm nấu rượu lậu; hạn chế rượu bia trong các dịp cưới xin, ma chay, liên hoan…

Đồng thời in thông tin về độ tuổi không được uống rượu và vài thứ bệnh nguy hiểm trên tem sản phẩm. Phát động trong mọi thành phần xã hội "Nói không với rượu bia". Huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng lên án, phê phán và có chế tài thật mạnh, làm thật quyết liệt mới có thể giải quyết được “quốc nạn” nguy hiểm này.   

Lưu Chí Thiện
.
.