Văn học về đề tài chiến tranh: Mạch nguồn chưa vơi cạn
- Chiếu phim tài liệu điện ảnh kinh điển về đề tài chiến tranh
- “Báo chí về đề tài chiến tranh - Lý luận và thực tiễn”
- Tọa đàm Báo chí về đề tài chiến tranh
Sự quan tâm của các nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình và độc giả đối với cuộc tọa đàm này cũng phần nào chứng tỏ dòng văn học về đề tài chiến tranh vẫn là một mạch nguồn chưa bao giờ vơi cạn.
Vài năm trở lại đây, xuất hiện của khá nhiều tác phẩm viết về chiến tranh sau một thời gian thưa vắng. Trong số đó, có một số tác phẩm thu hút được sự chú ý của độc giả: "Mùa chinh chiến ấy" của Đoàn Tuấn, "Lính trận" của Trung Trung Đỉnh, "Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75" của Trần Mai Hạnh, "Mưa đỏ" của Chu Lai...
Trong đó, tiểu thuyết "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai đã giành giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016; "Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75" của nhà văn Trần Mai Hạnh đã mở rộng biên độ tiếp cận độc giả khi được dịch sang tiếng Anh... Đây được coi là những đóng góp đáng kể của các nhà văn đương đại ở mảng đề tài chiến tranh cách mạng.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến và dịch giả Phạm Xuân Nguyên trong buổi tọa đàm. |
Có thể nói, với một đất nước trải qua nhiều binh biến trong lịch sử như Việt Nam, đặc biệt là với hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong thế kỷ XX cùng với bao nhiêu đau thương, mất mát, hy sinh...; chiến tranh vẫn là một "siêu đề tài" (như cách nói của nhà văn Chu Lai), đã làm nên diện mạo của văn học Việt Nam thế kỷ XX và vẫn là một mạch nguồn thẳm sâu chưa bao giờ vơi cạn.
Cuốn tiểu thuyết "Tàn đen đốm đỏ" của nhà văn Phạm Ngọc Tiến được in lần đầu năm 1994, sau đó đã được tái bản nhiều lần và ấn bản mới nhất vừa được NXB Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. "Tàn đen đốm đỏ" từng đoạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1991 - 1996), là cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh được đánh giá cao.
Theo chia sẻ của nhà văn Phạm Ngọc Tiến tại buổi tọa đàm, nội dung tiểu thuyết là câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về cuộc kháng chiến chống Mỹ, về những hậu quả, nỗi đau nhức nhối của cuộc chiến tranh vẫn còn đó, cho dù cuộc chiến đã lùi xa vài thập kỷ.
Tên tiểu thuyết "Tàn đen đốm đỏ" ra đời rất tình cờ, trong một buổi tối, khi nhà văn (lúc đó đang nghiện thuốc lá rất nặng) nhìn thấy đốm đỏ của đầu điếu thuốc rực lên trong đêm tối, trên nền "thân xác" điếu thuốc tàn tro đã biến thành màu đen xám. Ông tưởng tượng ra con mắt của linh hồn những người lính đã hy sinh, thân xác của họ đã hòa vào với đất, nhưng linh hồn của họ vẫn chưa được siêu thoát, còn lẩn quất đâu đây...
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng, viết về chiến tranh không bao giờ là công việc dễ dàng mà đề tài này có những đòi hỏi khắt khe. Ngay cả khi bắt đầu viết "Tàn đen đốm đỏ", ban đầu ông cũng khá loay hoay để tìm cách viết "khác đi", bởi theo ông "Văn học phải mới, nếu không đủ tầm tìm được cái mới thì ít nhất cũng phải tìm được "cái lạ".
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến chia sẻ thêm rằng, "Tàn đen đốm đỏ" là cuốn sách duy nhất ông có những trang viết đầy lãng mạn để dựng ra một cõi riêng - cõi của những linh hồn. Những cuốn sách sau này của ông được viết một cách "thực dụng" hơn, không có nhiều chất văn chương như "Tàn đen đốm đỏ" nữa.
Cuốn "Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính" của tác giả Nguyễn Quang Vinh - một người con của Hà Nội nhập ngũ ngày 27-4-1972 và chiến đấu ở mặt trận B5 (Quảng Trị). Qua "Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính", bộ mặt thật của chiến tranh được phơi bày, cả vinh quang lẫn nước mắt, cả dũng cảm và hèn nhát. Nhưng trên tất cả vẫn là bản anh hùng ca của tuổi trẻ, từ bộ đội chủ lực đến giao liên, du kích...
Trong hoàn cảnh cụ thể của mình, tác giả đã có những trang viết xúc động, đầy tự hào về tuổi trẻ Hà Nội trong những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó có chính ông. Nguyễn Quang Vinh tâm sự, ông khắc họa lại những ngày tháng ở Quảng Trị không vì mục đính văn chương mà như một "nén hương lòng" tưởng niệm và tri ân những đồng chí, đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc, trong đó có nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt...
Có thể nói, buổi tọa đàm văn học với chủ đề: "Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh" đã thành công khi thu hút sự quan tâm của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình văn học có tên tuổi cùng độc giả, trong đó có sinh viên khoa Văn - Trường Đại học Khoa học - Xã hội & Nhân văn và các học viên lớp Viết văn ngắn hạn của Khoa Viết văn - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Hai tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh vừa được NXB văn học giới thiệu đến độc giả. |
Theo ý kiến của nhà phê bình văn học Văn Giá, văn học chiến tranh đã trải qua nhiều giai đoạn. Có thể nói theo cách nôm na, đó là giai đoạn "ta thắng địch thua"; giai đoạn "chiến tranh như là chiến tranh", tức là được văn học mô tả với đầy đủ sự khốc liệt, có chiến thắng và có mất mát hi sinh. Và tiếp đó, giai đoạn văn học viết về chiến tranh đi sâu vào khía cạnh nhân bản, quan tâm đến số phận con người, ở đó hiện ra những nỗi ám ảnh, những day dứt, đớn đau mà "Tàn đen đốm đỏ" của Phạm Ngọc Tiến là một trong những đại diện tiêu biểu…
Nhà phê bình Văn Giá tâm đắc chi tiết người lính năm xưa sống vất vưởng, tù túng vì nỗi ám ảnh bỏ rơi đồng đội. Ông đặc biệt thích thú với cách nhà văn Phạm Ngọc Tiến xây dựng mối tình giữa hai âm hồn chiến sĩ chưa kịp sống hết cuộc đời son trẻ của mình. Điều đó đã thể hiện tính nhân văn sâu sắc của tác phẩm, là thông điệp thấm đẫm tình yêu thương con người của tác giả. Theo chia sẻ của nhà phê bình Bùi Việt Thắng việc Phạm Ngọc Tiến đan cài giữa thực và ảo, ma và người. Chính điều này đã làm nên sự ám ảnh, day dứt khôn nguôi đối với người đọc về những phận người (kể cả những người đã chết) sau cuộc chiến.
Có mặt tại buổi tọa đàm "Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh", PGS.TS Phạm Xuân Thạch - Trưởng khoa Văn học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết, đánh giá cao tác phẩm "Quảng Trị 1972 - Hồi ức của một người lính" (Nguyễn Quang Vinh), "Mùa chinh chiến ấy" (Đoàn Tuấn) và "Tàn đen đốm đỏ" (Phạm Ngọc Tiến).
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch, những năm gần đây, văn học chiến tranh đã bước sang một trang mới. Các tác phẩm ngày nay không chỉ mô tả sự khốc liệt mà đi sâu tái hiện thế giới con người trong cuộc chiến: "có tốt, có xấu, có tầm thường"... Và đó mới chính là "phiên bản" chân thực của các cuộc chiến cũng như cuộc đời. Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 thì cho rằng, chúng ta không nên "gọi" văn học trở lại với đề tài chiến tranh bởi vì "Các thế hệ nhà văn của chúng ta chưa bao giờ ngừng viết về đề tài này.
Và chắc chắn, còn nhiều tác phẩm văn học nữa về chiến tranh sẽ được ra đời trong thời gian tới". Còn theo góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả cuộc sống như nó vốn có. "Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu, và bởi không cần đến hư cấu nên lay động sâu xa tới người đọc"...
Nói về văn học về đề tài chiến tranh thì khuôn khổ một cuộc tọa tàm không thể hết được. Song, qua cuộc tọa đàm này có thể thấy một điều đáng mừng là đã có nhiều độc giả trẻ, cây bút trẻ có khát vọng dấn thân với văn chương tỏ ra rất quan tâm, hào hứng. Vì thế, qua đây các nhà văn đều chia sẻ mong muốn giới trẻ nếu có thể hãy cầm bút viết về chiến tranh từ những góc nhìn mới mẻ, trẻ trung từ phía sau cuộc chiến. Một số cuốn sách viết về chiến tranh được nhà văn Phạm Ngọc Tiến giới thiệu để các cây bút trẻ đọc là "Hồi ức lính" (Vũ Công Chiến), "Quảng Trị 1972" (Nguyễn Quang Vinh)...