Văn học ẩm thực: "Mùi xứ sở" qua từng trang sách

Thứ Bảy, 07/12/2019, 07:40
Văn học ẩm thực là một thể loại không nhiều người viết ngay cả trên thế giới. Ở Việt Nam, trong suốt thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, dòng sách văn học ẩm thực xuất hiện không nhiều, trong đó các tác giả có vai trò như những viên gạch đầu tiên phải kể đến là Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Băng Sơn.


Gần đây, với việc ra đời của một số cuốn sách về ẩm thực của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Uông Triều, Di Li, Nguyễn Trương Quý... dường như đã làm cho dòng sách văn học ẩm thực trở nên rõ nét với nhiều hương vị đặc trưng của xứ sở này...

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm văn học với tên gọi "Văn học ẩm thực" thông qua 3 tùy bút ẩm thực: "Mùi ký ức" của nhà văn Nguyễn Quang Thiều; "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" và "Nửa vòng trái đất uống một ly trà" của nhà văn Di Li.

Một số nhà phê bình có mặt tại buổi tọa đàm như Văn Giá, Phạm Xuân Nguyên đã cho rằng, ở Việt Nam từng có những năm tháng đầy khó khăn, cái ăn cái mặc còn nhiều thiếu thốn nhưng dòng văn học ẩm thực đã được hình thành với những cây bút tài hoa rực rỡ của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Băng Sơn. Nhưng sau họ, đã có nhiều năm tháng, dòng văn học này đã thực sự vắng bóng và mới được tái sinh trong thời gian gần đây.

Ngài Saadi Salama - Đại sứ Palestine tại Việt Nam phát biểu trong buổi ra mắt bộ đôi tùy bút ẩm thực của nhà văn Di Li tại Ngày hội văn hóa ẩm thực Palestine tại Việt Nam hôm 12-11.

Khoảng mươi năm trở lại đây, với sự sự nở rộ của thể loại tản văn - sách du ký, đã xuất hiện thêm nhiều tác giả trẻ viết về đề tài ẩm thực như Nguyễn Trương Quý với "Ăn phở rất khó thấy ngon", Hoàng Trọng Dũng với "Gạo, nước mắm, rau muống", Ngô Thị Giáng Uyên với "Bánh mì thơm, cà phê đắng".

Sự xuất hiện của các cây bút chững chạc như Uông Triều với "Hà Nội quán xá phố phường", Nguyễn Quang Thiều với "Mùi của ký ức", Di Li với "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" và "Nửa vòng trái đất uống một ly trà"... như một sự khẳng định, văn học ẩm thực chắc hẳn phải có sức hút, sức hấp dẫn riêng. Bên cạnh đó, việc xây dựng một nền "văn hóa ẩm thực" qua các trang sách ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều là một cây bút viết tản văn - tùy bút vô cùng hấp dẫn. Với cuốn "Mùi của ký ức", dường như ông đã một lần nữa khiến độc giả mê mẩn với 18 tùy bút ẩm thực, đồng thời là 18 câu chuyện, 18 hồi ức da diết về làng Chùa và những món ăn thôn dã ở làng gắn với tuổi thơ, ông bà cha mẹ của tác giả.

Đúng như tác giả đã chia sẻ: "Tôi viết cuốn sách này để tưởng nhớ ông bà, cha mẹ tôi và những người làng Chùa đã khuất. Suốt trong những năm tháng ấu thơ cho đến khi rời làng đi học xa, cũng như những đứa trẻ trong làng, tôi lớn lên trong hai thế giới: thiên nhiên hoang dã và lề thói phong kiến. Vào những năm chiến tranh, hầu hết những người đàn ông lành lặn của làng đều đi vào mặt trận, bởi thế mà phần lớn những gì chúng tôi được học cho cuộc đời sau này là từ thiên nhiên hoang dã ấy và những người đàn bà như bà nội tôi, mẹ tôi, các cô, các dì, các chị và những người đàn bà trong làng. Họ dạy chúng tôi mọi thứ để sinh tồn như mò cua, bắt cá, cấy lúa, trồng rau, chăn gà chăn vịt, tự chăm sóc bản thân và cả cách tuốt trứng chấy và bắt chấy rận. Từ lúc lên 5-6 tuổi, chúng tôi đã phải nấu ăn. Bởi thế, tất cả các món ăn của người làng Chùa tôi đều biết cách nấu như mổ lợn, mổ gà vịt, gói giò xào, nấu thịt đông, nấu canh cua canh cá, kho cá, nướng cá, làm tương, muối cà, đồ xôi, làm bánh...".

Có thể nói, những hồi ức trong cuốn sách mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã ghi lại đều gắn với những món ăn, gắn với ông bà, cha mẹ và những cư dân làng Chùa mà nhiều người trong số đó đã trở thành thiên cổ. Có thể cũng vì thế, mà những món ăn mà nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã viết được "chưng cất" qua thời gian, qua ký ức, qua những hoài niệm về những năm tháng xưa cũ đã trở thành một thứ mùi vị tuyệt vời của tâm tưởng, đó là "Mùi của ký ức": đẹp đẽ hơn, lưu luyến hơn, nồng đượm hơn và cũng day dứt hơn.

Từ món bánh khúc đặc trưng, đến món canh cua rau cải, bánh đúc riêu cua, cá nướng, gỏi cua, gỏi cá... đều mang vẻ đặc trưng riêng có của làng Chùa quê hương nhà thơ, nhưng dường như độc giả lại thấy trong đó cả một đồng bằng Bắc Bộ, một Việt Nam thu nhỏ...

Cuốn "Mùi của ký ức" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều còn đặc biệt thành công ở chỗ, đã tái hiện lại một không gian mênh mang, hoang dã mà nồng ấm qua lời kể của một người đã "quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê" như trong một bài hát của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo. Dường như đó là một không gian làng quê xưa cũ đã biến mất ở nhiều nơi, là không gian mà tác giả đã thật sự xót xa trước sự mai một, sự xâm lấn của đô thị.

Đọc cuốn "Mùi của ký ức" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi có những cảm xúc rất giống với khi đọc cuốn "Thương nhớ mười hai" của nhà văn Vũ Bằng. Có lẽ là bởi, "Thương nhớ mười hai" được Vũ Bằng viết bằng niềm thương nỗi nhớ Hà Nội sau mấy chục năm tha hương; viết bằng niềm tiếc thương dành cho người bạn đời - chủ nhân của những món ăn tinh tế đậm chất kinh kỳ - khi ấy đã khuất bóng mà chẳng kịp có lời từ biệt...

Chẳng thế mà, dù có nhiều tác phẩm văn học ẩm thực khác trong sự nghiệp như "Miếng ngon Hà Nội", "Miếng lạ miền Nam", nhưng "Thương nhớ mười hai" của Vũ Bằng mới là cuốn sách đặc biệt nhất, nhiều nâng niu, day dứt và gây "thương nhớ" nhất về nét đẹp trong ẩm thực mà cho đến nay có lẽ vẫn chưa có tác phẩm nào vượt qua được.

Khác với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Di Li mang đến cho độc giả 2 tập tùy bút ẩm thực tràn ngập không khí trẻ trung, năng động của một nhà văn trong một "thế giới phẳng". Là một "đại biểu" của chủ nghĩa xê dịch, Di Li là say sưa khám phá những vùng đất mới, những món ăn mới cùng với văn hóa - con người của mọi nơi mà chị đặt chân tới trên dải đất hình chữ S này và cả hàng chục quốc gia khác trên thế giới. Di Li không phải là một người trẻ đi du lịch nhiều nhất, song cách đi, cách tiếp cận, khám phá văn hóa, lịch sử cũng như ẩm thực của Di Li thật sự khiến người ta phải nể phục.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều(bên phải) và các đồng nghiệp tại buổi tọa đàm "Văn học ẩm thực" do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội tổ chức hôm 22-11.

Vẫn với phong thái hiện đại, hài hước và thông minh nhưng lại không kém phần yêu thương nâng niu những món ăn quê nhà, 53 câu chuyện trong "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" đã "dẫn dụ" độc giả qua không gian đêm Noel trên thành phố cảng rực rỡ ánh đèn với món bán đa cua Bà Cụ trứ danh, nỗi khổ sở khi đi ăn phở Thành Nam, những món ăn kỳ quặc suốt dẻo miền Tây, những ngày lang thang ăn quà vặt Sài Gòn sau cơn mưa mùa nhiệt đới, ký ức về cô hàng bánh cuốn vùng biên giới dẻo tay cuốn bánh đã vài chục năm và cả cái tính người đong đầy trong những món ăn xưa cũ nơi phố Hội.

Chiếm vị trí quan trọng trong "Tôi đã ăn cả cánh đồng hoa" vẫn là ẩm thực Hà Nội, bởi vì khi đó, ẩm thực với nhà văn không chỉ còn là ẩm thực mà còn là những hồi ức tuyệt đẹp về tuổi thơ, tuổi trẻ, bạn bè, gia đình. Chính vì thế những món ăn quen thuộc như bún chả, bánh mì, quẩy nóng, mì vằn thắn, chè bà cốt hiện lên qua các hàng cây, góc phố trở nên rất đỗi trìu mến, thân thương với một thứ mùi mà tác giả thích thú gọi là "Mùi xứ sở".

Còn với "Nửa vòng trái đất uống một ly trà" lại là một cuộc phiêu lưu đầy kinh ngạc khác của Di Li trong thế giới ẩm thực. Những sinh vật kỳ dị trong khay hải sản ở Bussan, lịch sử 1.200 năm không ăn thịt của người Nhật, những người cuồng ớt ở Tứ Xuyên, sở thích ăn côn trùng của người Campuchia, những bữa "ăn chùa" trên con đường theo dấu chân Phật, sự thích thú với màn biểu diễn của nhà ảo thuật kem ở Thổ Nhĩ Kỳ... Với 54 câu chuyện ẩm thực, Di Li đã đưa độc giả tham dự những bữa tiệc kỳ lạ vòng quanh thế giới từ Á sang Âu với đa dạng sắc màu và nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Có thể nhiều người vẫn nghĩ, việc ăn uống xưa nay dường như có gì mâu thuẫn hay đối chọi với văn chương nghệ thuật, nhưng kỳ thực, khi được các nhà văn đưa vào các tác phẩm của mình, ẩm thực đã được khoác lên mình một tấm áo mới. Cũng bởi khi đó, việc ăn uống đã không chỉ đơn thuần là các món "khoái khẩu" nữa, mà còn chứa đựng trong nó cả yếu tố văn hóa, địa lý, lịch sử, mỹ học và tính cách của một dân tộc.

Thật không sai khi người ta nói rằng, ẩm thực chứa đựng trong nó thứ "mùi xứ sở" đặc trưng cho một vùng đất, và khi khái quát được, nó sẽ trở thành "văn hóa ẩm thực" đại diện cho một quốc gia, hay một dân tộc. Đó cũng chính là niềm hi vọng mới về dòng sách văn học ẩm thực Việt - một dòng sách rất đời sống mà nhiều cung bậc cảm xúc.

Nguyệt Hà
.
.