Nhân Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam - Liên hoan thơ Châu Á Thái Bình Dương và ngày thơ nguyên tiêu

Văn chương giao lưu để lan tỏa

Thứ Hai, 23/03/2015, 08:00
Văn chương nói chung và thi ca nói riêng là nhịp cầu kỳ diệu nối những khác biệt văn hóa lại với nhau, không lệ thuộc sự lớn bé về quốc gia, lãnh thổ, trình độ phát triển. Thực ra, đấy là khát vọng muôn đời của nhân loại trong đó có các nhà văn nhà thơ, những "thư ký của thời đại" như ta thường nói.

1. Hà Nội se lạnh và lất phất mưa xuân.

Gần 150 khách mời quốc tế, trong đó hầu hết là nhà văn, nhà thơ tham gia "Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam" lần thứ III và "Liên hoan Thơ quốc tế Châu Á-Thái Bình Dương" lần thứ II tạm biệt đất nước Việt Nam tươi đẹp và mến khách với hy vọng các dân tộc trên thế giới sẽ xích lại gần nhau hơn để gìn giữ hòa bình, gìn giữ các giá trị nhân văn cao cả.

Văn chương nói chung và thi ca nói riêng là nhịp cầu kỳ diệu nối những khác biệt văn hóa lại với nhau, không lệ thuộc sự lớn bé về quốc gia, lãnh thổ, trình độ phát triển. Thực ra, đấy là khát vọng muôn đời của nhân loại trong đó có các nhà văn nhà thơ, những "thư ký của thời đại" như ta thường nói.

Chưa phải là sự đại diện đầy đủ và tinh lọc nhưng tôi nghĩ, đây là cuộc hòa điệu tâm hồn dân tộc giữa nhà văn Việt Nam với các nhà văn đến từ nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Pháp, Australia, Nhật, Hàn Quốc, Ai Cập, Ba Lan, Séc, Thụy Điển, Uzbekistan, Lào, Campuchia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Singapore, Philippines…

Bằng các hình thức cụ thể như hội thảo văn xuôi, thơ, liên hoan thơ, văn học Việt Nam thêm cơ hội được quảng bá và giao lưu với bạn bè quốc tế. Trong một thế giới "siêu phẳng, siêu tốc" nhưng vẫn đang tồn tại nhiều đối nghịch, xung đột công khai hay ngấm ngầm thì văn học chính là những vùng, những khoảng tĩnh lặng giúp con người trưởng thành hơn. Các nhà văn Việt Nam hướng đến điều đó không phải bằng các tuyên ngôn mà trước hết phải bằng những tác phẩm tâm huyết của mình.

Từ trước đến nay, văn học Việt Nam đã đóng góp gì vào thế giới rộng lớn? Dấu ấn của nền văn học nước nhà đối với bạn bè quốc tế ra sao, đó là điều chúng ta cần biết. Ý kiến của bạn bè quốc tế trong các cuộc hội thảo thực sự cần thiết với các nhà văn Việt Nam. Dịch giả đến từ Trung Quốc, ông Chúc Ngưỡng Tu nói: "Là nước ngàn năm văn hiến, có nền văn hóa và giáo dục lâu đời, Việt Nam có nhiều nhà văn giỏi, không thiếu tác phẩm văn học hay".

Nhà thơ Andrzej Grabowski, Tổng biên tập tạp chí "Tia lửa" đến từ Ba Lan nhận định: "Khi đọc thật kỹ thơ của các nhà thơ Việt Nam, chúng ta không chỉ biết về các điều kiện sống, những sự kiện quan trọng nhất và tinh thần xã hội, mà chúng ta còn đọc được bầu không khí bao quanh tác giả, khát vọng nắm bắt được tâm hồn người Việt của họ"…

Đông đảo các nhà thơ quốc tế tham gia liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, văn học Việt Nam phần lớn vẫn chưa vượt ra khỏi biên giới quốc gia mình. Qua tham luận của các nhà văn quốc tế, tôi thấy họ nắm bắt, hiểu biết về văn học Việt Nam, đặc biệt các tác giả và tác phẩm đương đại của chúng ta vô cùng ít ỏi. Rất ít tác phẩm của các nhà văn Việt Nam hiện đại được dịch ra nước ngoài. Tôi nghĩ, không phải văn chương nước nhà kém cỏi mà nguyên do chính là công việc dịch thuật và liên kết xuất bản chưa có một chiến lược cụ thể.

Tuy vậy, tôi cũng hy vọng là qua những tham luận được phát biểu hay in trong kỷ yếu Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam của các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình như Nguyên An, Y Ban, Lê Thị Bích Hồng, Nguyễn Xuân Khánh, Lê Minh Khuê, Phong Lê, Tôn Phương Lan, Trần Nhuận Minh, Tuyết Nga, Lê Thành Nghị, Vũ Quần Phương, Trần Cao Sơn, Thanh Thảo, Bích Thu, Lê Bá Thự, Hoàng Vũ Thuật, Vương Trọng…các bạn quốc tế sẽ hình dung được phần nào dòng chảy văn chương nước nhà qua các thời kỳ, giai đoạn. Biết đâu, những tham luận ấy sẽ "kích thích" các dịch giả, nhà xuất bản quan tâm hơn đến văn học Việt Nam xưa và nay.

Trước mắt và lâu dài, Hội Nhà văn Việt Nam cần có một chiến lược quảng bá bài bản và hiệu quả văn học Việt Nam ra thế giới; đặc biệt quan tâm đến những tác giả và tác phẩm xuất sắc. Bởi, như tôi biết thì không phải tác giả, tác phẩm nào của các nhà văn, nhà thơ Việt Nam hiện nay được dịch ra nước ngoài đều xuất sắc cả. Đôi khi, do có những điều kiện khác ngoài văn chương như kinh tế, quan hệ, ngoại ngữ mà tác phẩm của họ được dịch ra thế giới. Tôi tin rằng tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh, Ma Văn Kháng, Xuân Đức, Trung Trung Đỉnh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Bình Phương…; truyện ngắn của Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Duy Nghĩa, Trần Thùy Mai…; thơ của Hữu Thỉnh, Anh Ngọc, Nguyễn Quang Thiều, Lê Mạnh Tuấn, Phan Huyền Thư…có thể dịch ra nước ngoài mà không phải lo sợ bị kém cỏi. Mặt khác, nếu chúng ta chịu khó làm những tuyển tập thơ văn của nhiều tác giả thật nghiêm túc, tôi tin nó không hề lép vế so với văn chương trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và nhiều nơi trên thế giới.

2. Gắn liền với "Hội nghị quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ III" và "Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ II" là Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII trong tết nguyên tiêu (rằm tháng giêng) hàng năm. Đây chính là cơ hội, dịp thuận lợi để chúng ta giới thiệu với bạn bè trên thế giới những tinh hoa của nền văn học nước nhà, trong đó có dòng thơ lưu giữ tâm hồn Việt.

Tình yêu Tổ quốc, yêu con người, yêu thiên nhiên, khát vọng sống hòa bình với các dân tộc trên hành tinh xanh này sẽ thêm lần nữa được thắp sáng bằng những thi phẩm chọn lọc của một số nhà thơ Việt Nam đương đại. Những giá trị nhân văn của dân tộc và đương nhiên của cả nhân loại nữa được gửi gắm vào thơ như những thông điệp hòa hiếu đẹp đẽ, tốt lành.

Trong số các nhà thơ Việt Nam trình bày tác phẩm của mình ở "Liên hoan thơ Châu Á-Thái Bình Dương" lần thứ II tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội và thành phố Hạ Long, Quảng Ninh và Ngày thơ Việt Nam lần thứ XIII tại Văn Miếu có người thuộc thế hệ cầm bút thời chiến tranh chống Mỹ như Anh Ngọc, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, Phan Thị Thanh Nhàn…hay thế hệ hậu chiến như Nguyễn Việt Chiến, Lê Cảnh Nhạc, Lê Mạnh Tuấn, Trần Quang Quý, Trịnh Công Lộc, Hải Đường, Mai Nam Thắng, Bảo Chân, Hữu Việt, Võ Sa Hà…

Tâm hồn Việt phải chăng là đây, trong những cảm thức trĩu nặng về lịch sử trầm luân nhưng cũng thật tự hào: "Mà nghe chín tầng không/ mảnh lá mục cũng rì rầm sông chảy/ thuở răng đen mái tóc buông dài/ dáng sông Ngọc nhọc nhằn cơn lũ xoáy/ khúc lở bồi xưa còn đánh thức tương lai" (Hoàng Thành - Lê Mạnh Tuấn); là trái tim ngân rung khi được cất lên tiếng Việt thân yêu: "Tổ quốc là tiếng Mẹ/ Ru ta từ trong nôi/ Qua nhọc nhằn năm tháng/ Nuôi lớn ta thành người" (Tổ quốc là tiếng Mẹ - Nguyễn Việt Chiến); là sự an nhiên tĩnh tại trong và sau những giông bão thế cuộc: "Trong góc vườn mùa thu/ Cây lá cũng như ông lặng lẽ/ Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ/ Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây…" (Vị tướng già - Anh Ngọc); là nỗi tri ân qua khứ không bao giờ vơi cạn: "Mỗi tấc đất,/ đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi,/ một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương/ nghi ngút trời mây!" (Đỉnh núi- Trịnh Công Lộc)…

Những bài thơ lưu giữ tâm hồn Việt hòa điệu thi ca với bạn bè khác màu da, ngôn ngữ, quốc gia, lãnh thổ…Chúng ta nghe và chia sẻ với nhà thơ Alex Pausides đến từ CuBa trong một thi phẩm tặng Nelson Mandela: "Ông sống tự do với bàn tay xòe rộng/ đến người ăn xin đến kẻ bần hàn/ đến kẻ khiêm nhường nhất/ đến trẻ con nữ nhân tuổi tác/ đến bộ trưởng ông hoàng bà chúa/ đến những người trắng như tuyết trắng/ đến những người vàng như lúa chín/ đến những người đen như bóng đêm/ bàn tay ông mở cho tất thảy/ như công lý và hòa bình/ như kháng cự và ân cần".

Còn nữa, gần tám mươi nhà thơ đã cất lên điệu tâm hồn của mình trong lễ hội thi ca mùa xuân 2015 trên đất nước Việt Nam. Và, điều quan trọng hơn cả, trong thời đại hội nhập toàn cầu vô cùng sâu rộng, thơ ca đã, đang và mãi mãi là nhịp cầu nối các nền văn hóa, các dân tộc trên thế giới lại với nhau. Bởi lẽ, thơ chính là cuộc sống ở chiều sâu, là một phần tâm hồn, tình cảm của con người được biểu cảm qua ngôn ngữ tinh tế và chọn lọc nhất.

Giao lưu văn học là sự giao lưu thân thiện, tốt lành, góp phần làm cho các nền văn hóa xích lại gần nhau, tạo ra sự đồng thuận cao trên nền tảng của bình đẳng, lẽ phải và tình yêu. Nó chống lại những toan tính chia rẽ, xung đột, những tham vọng khinh rẻ, thống trị sặc mùi cường quyền, thực dân trên thế giới. Sức mạnh của văn chương là sức mạnh của tình thương và lẽ phải, của những giá trị nhân văn phổ biến thuộc về con người từ xưa đến nay. Ý nghĩa của những cuộc giao lưu văn học là ở đó; giao lưu để thấu hiểu nhau và cùng tồn tại, phát triển.

3. Tuy nhiên, qua Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ Châu Á-Thái Bình Dương, lễ hội thơ rằm nguyên tiêu lần này ta thấy còn có những khiếm khuyết thiếu sót như công tác chuẩn bị chưa thật chu đáo từ khâu tài liệu, in ấn, thiết kế chương trình, chưa phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận và cá nhân nên có những lúc triển khai công việc hay điều hành còn lúng túng, bị động. Trong các cuộc giao lưu, do phần văn nghệ chiếm thời gian nhiều và thiếu chọn lựa nên thời gian dành cho tham luận của các nhà thơ Việt Nam hơi ít. Hy vọng, lần sau mọi việc sẽ suôn sẻ hơn để Liên hoan Thơ quốc tế tại Việt Nam tạo được ấn tượng mạnh mẽ hơn, sâu sắc hơn trong lòng công chúng nước ta và bè bạn thế giới.

Nguyễn Hữu Quý
.
.