Ước vọng "Như hoa hướng dương" của cô gái bị ung thư máu
Tuổi Đinh Mão (1987), tương lai có lẽ sẽ rất rộng mở đối với một cô gái trẻ Hoàng Thị Diệu Thuần, nhưng không may, em lại mắc một căn bệnh quái ác: ung thư máu. Để giờ đây, em vẫn đang phải đối đầu với căn bệnh quái ác. Nhưng không vì thế mà bệnh tật làm giảm đi ý chí của cô gái thông minh và giàu nghị lực. Một quyển sách mang tên "Như hoa hướng dương" của em vừa được xuất bản đã cho độc giả thấy một Hoàng Thị Diệu Thuần giỏi giang và đa tài. Và cũng như tên quyển sách, cô gái trẻ ấy muốn hướng về phía ánh mặt trời, như hoa hướng dương để quên đi bóng tối của bệnh tật...
Tầng 8 của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương một buổi chiều. Ánh sáng quen thuộc của những ngọn đèn Neon khiến cho người ta không thể cảm nhận rõ ràng được thời gian. Thời gian ở đây lúc nào cũng thế, sáng cũng như tối, rất khó phân biệt. Những bệnh nhân đang điều trị tại đây có lẽ đã quen với điều đó, vì phần lớn đều phải điều trị lâu dài. Chính vì điều trị dài ngày mà tất cả đều quen biết nhau. Họ quen nhau như người nhà và chia sẻ với nhau mọi thứ: chuyện bệnh tật, chuyện ăn uống và cả lịch khám xét họ cũng rõ tường tận của nhau như chính bệnh nhân là người nhà mình.
Mẹ của Diệu Thuần đi lại như con thoi giữa hai phòng bệnh. Đúng ngày hôm nay, sau ca ghép tủy, sức khỏe đã có phần tiến triển hơn, Diệu Thuần được chuyển sang phòng khác. Vậy là bà phải chuyển đồ đạc sang phòng mới cho con gái. Nằm viện hơn 1 tháng trời, đồ dùng gì cũng phải sắm. Thế nên số đồ đạc phải chuyển là rất nhiều. Nhìn bà hôm nay rất nhanh nhẹn và tươi vui. Tuy chưa kịp hỏi chuyện nhưng nhìn bà tôi đoán bệnh tình của Diệu Thuần chắc đã khả quan. Dọn dẹp xong đồ đạc, bà tự tay kéo cửa phòng bệnh của cô con gái, ý chừng cho Thuần nghỉ ngơi và cũng là để tránh nhiễm khuẩn.
Cuộc trò chuyện của bà mẹ khá cởi mở và gần gũi. Bà không ngại ngần chia sẻ về cô con gái yêu. Bà cho biết, về bệnh tình, sau khi ghép tủy được lấy từ người anh trai của mình, Diệu Thuần đã khá hơn và được chuyển sang phòng mới. Tuy vẫn chưa ăn được gì, nhưng những gì bác sĩ nói đã giúp cho bà có những hy vọng về sức khỏe của Thuần. Bà ước mong một ngày kia, bệnh tình con gái sẽ đỡ, Diệu Thuần sẽ quay trở lại với cuộc sống thường ngày.
Quê ở Quỳ Hợp, Nghệ An nhưng suốt 3 năm cấp III, cô bé đã phải xa nhà. Là học sinh Trường chuyên Phan Bội Châu, Diệu Thuần đã bộc lộ rõ được sức học của mình. Tuy học chuyên tiếng Nga, nhưng Diệu Thuần giỏi đều tất cả các môn, cả tự nhiên và xã hội. Không những thế, cô bé còn hát hay, đàn giỏi và đặc biệt là thích làm thơ. Cả 3 năm học, Diệu Thuần là học sinh giỏi, và đều được gọi đi thi đội tuyển Quốc gia. Năm lớp 10, Thuần đoạt giải 3, năm lớp 11 và 12 cô đoạt giải Nhì môn tiếng Nga và khi thi đại học, Diệu Thuần đã đạt được 24 điểm tổng cộng 3 môn. Cộng với điểm ưu tiên học sinh giỏi, Thuần được 27. Trở thành sinh viên khoa Tài chính ngân hàng - Đại học Quốc gia Hà Nội, Diệu Thuần đã làm vui lòng bố mẹ, vốn là những nhà giáo luôn quan tâm đến việc học hành của con. Vậy là một lần nữa, xa gia đình, cô gái trẻ ra Hà Nội học.
Cuộc sống thời sinh viên thơ mộng chưa bắt đầu thì trong một lần cùng bạn vào thăm người ốm, Thuần đã phát hiện ra căn bệnh quái ác của mình. Tiếp đó là quãng thời gian 7 năm liền cô sống với những cơn đau, với thuốc và quen thuộc với khuôn viên bệnh viện. Dù là một cô gái nghị lực, nhưng với căn bệnh như thế cũng khiến Thuần suy sụp. Việc học hành bị gián đoạn, và hầu như phải nghỉ. Thuần đã có lúc nghĩ buông xuôi. Với một "kẻ" tự nhận mình là "hiếu động, nghịch ngợm và ham thích điều vui vẻ hơn nỗi buồn phiền", Thuần không thể không nhớ về ký ức tuổi thơ mà theo cô "Sống phần nhiều với quá khứ hơn là với hiện tại, tìm về hạnh phúc của quá khứ như một liều thuốc để xoa dịu nỗi đau của hiện tại".
Hoàng Thị Diệu Thuần khi còn khỏe mạnh.
"Như hoa hướng dương" được Diệu Thuần hoàn thành trong những năm cô nằm viện. Ở đó có những lời viết cho cậu (bố Thuần), cho mẹ, cho người anh trai, và cả cho những người bạn, cho Thái (người bạn trai cùng cảnh ngộ mà cô gặp trong bệnh viện) và cho tất cả những người đã biết đến Thuần với một sự biết ơn, những ánh mắt luôn dõi theo cô.
Mở đầu cuốn tự truyện, Thuần viết: "Cái tết thứ 26 trong cuộc đời của tôi. Đó quả thật là điều đáng ngạc nhiên, trước hết với chính tôi. Và thực sự những gì đã trải qua khiến tôi tin vào thiên định. Đã nhiều lần thập tử nhất sinh, đã nhiều lần tôi buông xuôi tất cả. Vậy mà tôi vẫn sống, dù le lói, dù thoi thóp, đấng thiêng liêng nào đó vẫn giữ tôi ở lại, bằng cách thức nào đó mà khi nhớ lại, tôi càng thấy kỳ lạ. Thời gian tôi đồng hành nỗi đau về thể xác, tôi có thêm nhiều mối ân tình từ gia đình và bè bạn".
Dù đau đớn là thế, dù nhiều lần muốn buông xuôi, nhưng để vượt qua nỗi đau, Thuần ghi vào thơ và những trang nhật ký. Những vần thơ viết cho người thân, cho bạn bè, nhưng không phải là thơ tự sự đơn thuần, mà là vần thơ của một người rất có khiếu về thơ văn:
Đây là những vần thơ viết cho bố:
Con biết làm sao giấu kín nỗi đau
Lòng dũng cảm chẳng giúp được gì cả
Con biết Cậu sẽ đọc thơ con rồi gục ngã
Nhưng tay con buồn sao viết nổi niềm vuiNgày con bệnh Cậu khóc con đau biết mấy
Ngậm chặt tiếng than con nghẹn một cái nhìn
Đỏ và trắng từ nay là màu cuộc sống
Máu và màu tóc Cậu là cuộc sống của con.Hai mươi ba tuổi con rời đại học
Cơn khát con lớn lên
Tấm thân con nhỏ lại
Con bệnh rồi con chỉ khát được Cậu ơi
("Thơ gửi Cậu" - 28/9/2011)
Đây là thơ Diệu Thuần viết cho Thái, một người anh, một người bạn trai cùng cảnh ngộ:
Chợt nghe tháng Tư về
Thì thầm
Trên cánh hoa em đặt lên mộ anh
Màu trắng
Gió cuộn tung nỗi nhớ mang hình hài
Những đứa trẻ câm lặng
Yêu nhau.
(Tháng Tư về)
Vừa chiến đấu với bệnh tật, vừa viết văn, làm thơ và cả chơi đàn ghi ta, Diệu Thuần đã trải qua 7 năm dài dằng dặc với những giằng xé. Tưởng sẽ phải bỏ học giữa chừng, nhưng chính sự mong mỏi của bố mẹ, người thân, bạn bè, Diệu Thuần đã cố gắng học. Do buồn chán và có tư tưởng buông xuôi, năm học đại học thứ nhất, Diệu Thuần chỉ có kết quả trung bình, nhưng những năm sau, cô đã cố gắng học tập và ra trường đạt tấm bằng loại Khá của Khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Lần ghép tủy này cho Diệu Thuần cũng khá tốn kém, nhưng mẹ Thuần cho biết, cũng có một phần do cơ quan bảo hiểm chi trả, một phần là sự quyên góp của bạn bè, của những người biết tin bệnh tình của em mà ủng hộ. Và, theo bác sĩ nói, bệnh tình của Diệu Thuần đang có tiến triển tích cực.
Hơn 7 năm cô con gái vật lộn với bệnh tật, cộng với thời gian nằm viện suốt hơn 1 tháng trời ghép tủy, vất vả là thế nhưng gương mặt bà mẹ của Thuần không hề có dấu hiệu mỏi mệt. Để chữa bệnh cho con gái yêu, bà sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng hy sinh tất cả miễn là con bà khỏe mạnh. Bà đã có thể vui vẻ kể chuyện gia đình mình. Ký ức một thời hạnh phúc của gia đình lại ùa về. Bà kể: Cả gia đình bà đều biết đàn hát. Có hôm mất điện, cả nhà mang đàn ra sân và ngồi hát. Hàng xóm kéo đến đầy sân. Bà bảo, nếu Thuần không bệnh tình, có khi gia đình bà đi thi "Gia đình tài tử"... Đấy là bà nói vui thế, còn bây giờ niềm mong mỏi lớn nhất của bà là Diệu Thuần khỏe mạnh, được đi làm như các bạn đồng trang lứa rất thành đạt của Diệu Thuần ở Trường cấp III chuyên Phan Bội Châu ngày ấy. Thế là bà hạnh phúc. Còn tôi cũng mong muốn Diệu Thuần khỏe mạnh và lại vô tư, vui vẻ, lại cầm cây đàn ghi ta và hát, và hình ảnh cô gái vui tươi, thông minh, nhí nhảnh "thích niềm vui hơn những nỗi buồn" ngày nào sẽ trở lại...