Tuyệt chiêu tiếp thị vở diễn

Thứ Hai, 24/08/2009, 13:30
Một tụ điểm sân khấu khá quen thuộc ở TP HCM tung ra kiểu khuyến mãi "cao tay": miễn phí giữ xe, tặng nước uống! Trường hợp khác, một vở cải lương đã khuyến mãi… dầu gió. Cứ mua một cái vé thì được tặng ngay một chai dầu gió với giá gần bằng giá vé. Khỏi phải nói, người bỏ tiền mua vé đã thích thú cỡ nào.

Vài năm trở lại đây, người thờ ơ nhất với sân khấu cũng nhận ra nhiều sàn diễn kịch nói tại TP HCM sáng đèn rực rỡ. Đó là kết quả của quá trình xã hội hóa sân khấu nói chung, còn nói riêng là nhờ các ông bầu sân khấu đã biết cách tiếp thị vở diễn đến với công chúng.

Không tính những sàn diễn mang tính thời vụ, thuê rạp dựng vở vào dịp lễ lạt, hiện tại sân khấu TP HCM tồn tại 5 tụ điểm kịch nói ăn nên làm ra: Sân khấu (SK) kịch IDECAF, SK kịch 5B Võ Văn Tần, SK kịch Sài Gòn, SK kịch Phú Nhuận và SK kịch 7 Trần Cao Vân. Kịch mục liên tục vở diễn mới, nghệ sĩ liên tục chạy show, quầy bán vé liên tục nhộn nhịp… đều nhờ một phần không nhỏ vào sự nhạy bén của các bầu show mạnh dạn đầu tư hoạt động quảng cáo một cách tương xứng! Quả thật không còn chuyện muốn xem kịch phải đến rạp hỏi lịch diễn và mua vé. Tất cả mọi "dịch vụ khách hàng" dần dần được các sân khấu năng động "bao trọn gói". Nghệ thuật cũng là một dạng hàng hóa đặc biệt, tại sao không tiếp thị chứ?

SK kịch Sài Gòn thường có những sự hợp tác nho nhỏ và phát triển bằng những "chiêu thức" độc đáo của ông bầu Phước Sang. Một loạt vở kịch như "Mẹ yêu", "Cha yêu"… tưởng không có gì mới mẻ mà cũng tạo ra được tiếng thơm cho SK kịch Sài Gòn.

Tiếp quản sân khấu này, Phước Sang đã biến cái tụ điểm nằm khiêm tốn góc đường Pasteur - Lê Lợi thành một địa chỉ hấp dẫn công chúng. Xem cách làm "mạnh chi nhanh thu" ấy không phải là không có cơ sở. Phương châm khá tự tin: "Tiền quảng cáo luôn cao hơn tiền dàn dựng!", SK kịch Sài Gòn không chờ "hữu xạ tự nhiên hương" mà đánh tiếng cho người xem đến rạp.

Một chuyện được xem là "kỳ tích" của Kịch Sài Gòn là tiếp thị vở kịch "Khi đàn ông có bầu". Không chỉ khua chiêng gióng trống "Bảo Quốc có bầu, Minh Nhí có bầu, Hoàng Sơn cũng có bầu"... mà ông bầu Phước Sang còn cho người đứng phát gần 1.000 tờ rơi tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ để mời… các bà bầu đi xem "đàn ông có bầu". Kết quả, vở kịch "Khi đàn ông có bầu" vượt qua con số 100 suất diễn trong vòng nửa năm!

Bình thường mỗi tác phẩm của SK kịch Sài Gòn chi phí dàn dựng 100 triệu thì chi phí dành cho quảng cáo lên đến 150 triệu. Thử hỏi, khán phòng chỉ có sức chứa 500 chỗ ngồi, thì bao lâu mới lấy lại vốn? Ông bầu Phước Sang vuốt mái tóc lòa xòa trước trán, trả lời tự tin: "30 suất là bắt đầu có lãi. Đó là trả cátsê diễn viên chính 1,5 triệu đồng/suất đấy nhé. Còn vai phụ ít nhất cũng trả 300 ngàn!".

Không dám mạnh tay tung tiền quảng cáo như SK kịch Sài Gòn, ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của hai tụ điểm IDECAF và SK kịch 7 Trần Cao Vân chọn cách tiếp thị thận trọng và trường lực. Trung bình mỗi tuần 20 triệu quảng cáo trên báo, với quan niệm: "Vở mới thì thông tin cho người ta biết, còn vở cũ thì nhắc lại cho người ta nhớ. Ai chưa đi xem thì xem!".

Bài toán tiếp thị của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn đơn giản và khuôn mẫu hơn: Chi phí quảng cáo chỉ chiếm 5% tổng chi phí dàn dựng một vở kịch. Chỉ khi nào đầu tư cho tác phẩm muốn lấy "oai" lấy "tiếng" thì mới mở rộng hầu bao hơn một chút: khoảng 35 triệu cho tờ rơi, áp phích, băng rôn… Tuy nhiên kinh nghiệm của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cũng "xương máu" ghê lắm: "Phải tùy nội dung mới nhắm đối tượng quảng cáo được. Vở kịch dành cho giới trí thức thì càng ồn ào càng… hỏng. Vả lại, hình thức băng rôn tốn kém mà ít hiệu quả, treo hôm trước hôm sau chả hiểu… ai tháo đâu mất!".

Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng SK kịch Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân cũng áp dụng những chiêu thức tiếp thị tương tự IDECAF và giành được một thị phần không nhỏ khán giả kịch nói về các vở "Số đỏ", "Chí Phèo" hay "Làng nhảy"!

Vốn nổi tiếng là một sân khấu thể nghiệm, nhưng thời gian này SK kịch 5B đã chịu "lép vế" so với các điểm khác. Quầy bán vé nơi đây chỉ có những khách hàng quen thuộc, dù kịch mục là những tác phẩm có giá trị như "Hợp đồng hôn nhân", "Trầu cau", "Đèn không hắt bóng"… Nữ đạo diễn Ái Như, người tâm huyết và gắn bó với sàn diễn chưa chú trọng tiếp thị vở diễn này, tâm sự: "Tôi phục cách làm của IDECAF và Kịch Sài Gòn. Khán giả ở nhà vẫn mua được vé, thậm chí được giảm 20% nếu đặt mua vé qua mạng Internet. Một vở diễn được chuẩn bị công phu mà khán giả không biết để thưởng thức thì còn ý nghĩa gì nữa. Muốn sân khấu phát triển, phải biết mời gọi công chúng!".

Cùng với những chiêu thức để tiếp thị vở diễn, sân khấu cũng tìm mọi cách để làm hài lòng "thượng đế" bằng cách… khuyến mãi, tất nhiên không đơn giản như tặng… bong bóng cho trẻ con!

Người đầu tiên dám chơi trò khuyến mãi sân khấu là ca sĩ N.T. Sau nhiều lần thành công với tư cách bầu show ca nhạc, N.T vói tay sang làm bầu sân khấu. Anh "mua" một vở hài kịch từ Hà Nội mang vào diễn tại TP HCM và chào hàng với các doanh nghiệp "đơn vị mua 50 vé trở lên được treo logo trên sân khấu".

Tưởng đùa thôi, ai dè có không ít cơ sở kinh tế bỏ tiền mua vé cho nhân viên đi xem kịch và xem luôn cái "thương hiệu" của "bổn giáo" chình ình giữa sàn diễn. Cách khuyến mãi bất kể tính mỹ thuật sân khấu ấy đến nay thỉnh thoảng vẫn có ông bầu bắt chước.

Tuy thế vẫn chưa "độc" bằng một ông bầu người Hải Phòng thuê rạp diễn ở Cung Văn hóa Lao Động để diễn một vở kịch mà nhân vật nào cũng cầm ĐTDĐ. Khán giả hơi ngạc nhiên, nhưng về sau mới biết, do hãng ĐTDĐ mua đến 200 vé nên phải "khuyến mãi lớn" bằng chi tiết không hề có trong kịch bản!

Khác với kiểu "ăn xổi ở thì" ấy, một tụ điểm sân khấu khá quen thuộc ở TP HCM tung ra kiểu khuyến mãi "cao tay" hơn: miễn phí giữ xe, tặng nước uống! Tuyệt vời, khán giả đi xem như mở cờ trong bụng.

Trường hợp khác, một vở cải lương đã khuyến mãi… dầu gió. Cứ mua một cái vé thì được tặng ngay một chai dầu gió với giá gần bằng giá vé. Khỏi phải nói, người bỏ tiền mua vé đã thích thú cỡ nào. Và thế là, giữa không gian "tứ đại oán" cứ thoang thoảng mùi dầu gió như tăng thêm sự ấm cúng cho khán phòng!

Lê Thiếu Nhơn
.
.