Tùng Dương, kẻ độc đạo nhập đồng...

Thứ Hai, 07/12/2015, 08:00
Với tôi, Tùng Dương không chỉ hay khi đang ở độ chín như bây giờ, ngay từ ngày "nhập làng" với Giải Sao Mai - Điểm hẹn, Tùng Dương đã nổi tiếng là người ưa mới lạ, thích khám phá, khắt khe với chính mình trong nghệ thuật, luôn tự đặt ra những nấc thang mới để trải nghiệm, khám phá và thử thách bản thân...

Tôi có ông anh là Đại tá quân đội nghỉ hưu, hồi trong quân ngũ, ông là một "cây văn nghệ", giọng cao, không học qua trường nhạc nào nhưng hát thì… vạn người mê. Nhờ giọng hát và gương mặt đẹp, ông được anh em yêu mến, từ cấp tướng đến binh nhì. Tuổi trên 60 mà ông không bỏ qua một gương mặt ca sĩ có tài nào. Hồi Sao Mai - Điểm hẹn mà Tùng Dương đoạt giải, ông bảo, cậu này rồi sẽ làm nên chuyện đây. Nhưng khoảng năm 2007-2008, ông bảo với tôi: "Nó đã làm tôi mất niềm tin, điên thì cũng điên vừa vừa thôi, điên thế ai chịu được". Tôi bảo: "Bác già rồi, bác không chịu được là phải". Ông nhìn tôi đầy tức giận, bảo tôi cảm tính. Ông nói không bao giờ ông nghe Tùng Dương hát nữa.

Ấy vậy mà, đến khi Tùng Dương hát "Chiếc khăn piêu", bài "tủ" của ông, bài hát theo ông mấy chục năm trời, từ văn phòng ông gọi điện xuống: "Chết cha rồi, anh đã nhầm, Tùng Dương hát hay quá. Bao nhiêu năm rồi anh mới lại bái phục một người".

Tùng Dương - nghệ sĩ có cá tính mạnh, độc đáo trong âm nhạc.

Tôi hơi ngượng, vì tôi mới đi xa về, nhiều việc dồn đống, chưa cập nhật tình hình thời sự, chưa kịp biết Tùng Dương đã hát bài đó như thế nào, để còn tay đôi trò chuyện cho "đã" cái hồ hởi của ông anh. Nhưng trong lòng nghĩ, Tùng Dương hát cái gì mà chả hay. Con người ấy, có bao giờ chịu nửa vời? Sau đó, quả thật như vậy, cả một năm giời, đâu đâu, ai ai cũng nói đến "Chiếc khăn piêu - Tùng Dương".

Với tôi, Tùng Dương không chỉ hay khi đang ở độ chín như bây giờ, ngay từ ngày "nhập làng" với Giải Sao Mai - Điểm hẹn, Tùng Dương đã nổi tiếng là người ưa mới lạ, thích khám phá, khắt khe với chính mình trong nghệ thuật, luôn tự đặt ra những nấc thang mới để trải nghiệm, khám phá và thử thách bản thân. Hồi đầu, nghĩa là khi còn rất trẻ, Tùng Dương đã hình thành một cá tính nhất định. Cá tính đó có thể làm cho giới chuyên môn đặt một hy vọng, nhưng với số đông, thấy trên sân khấu một hình tượng với phong cách chẳng giống ai, cực đoan từ cách hát đến trang phục, nên cái tên Tùng Dương và những lần trình diễn của Dương gây ra nhiều tranh cãi. Có cuộc tranh cãi kéo dài, thậm chí bạn bè còn mất lòng nhau, khi gặp nhau ngại nói chuyện âm nhạc, như tôi và anh rể tôi, kể trên (là nghệ sĩ, có được điều này rất hạnh phúc)

Thế rồi, vẫn cá tính ấy, vẫn quan niệm nghệ thuật phải mới ấy, trải qua 10 năm kinh nghiệm và nhận thức, cộng với tình yêu với cuộc sống, với công chúng yêu nhạc, giờ đây Tùng Dương đã làm nên hình tượng của chính mình với một loại âm nhạc đầy cá tính, có sức lay động và chinh phục. Tôi nhớ mãi câu nói của nhạc sĩ viết các bản beat - hòa âm phối khí  Minh Đạo về Tùng Dương: "Lâu lắm chúng ta mới có một người như vậy".

Từ công chúng bình dân đến những đôi tai sành sỏi đều có chung một nhận xét: Tùng Dương luôn ở hàng đầu trong các bảng xếp hạng ca sĩ hát hay nhất. Tiếng hát của Tùng Dương đã chạm đến trái tim của đông đảo khán giả. Ngay cả nhạc sĩ gạo cội như Phó Đức Phương có bài hát mới, đầu tiên là ông nghĩ đến: "Phải nhờ Tùng Dương hát. Nếu bài này mà Tùng Dương hát thì mới ra chất được…". Những nhạc sĩ khác, không ít người thầm hy vọng và mong muốn bài hát của mình sẽ được Tùng Dương "liếc qua". Nhạc sĩ Doãn Nho nói rằng: "Nhờ có Tùng Dương mà bài hát "Chiếc khăn piêu" của tôi mới hay đến cỡ ấy, mình quý trọng sự sáng tạo của cậu ấy lắm". Biến báo, gai góc, ma quái, giàu cảm xúc, "lever" cao… đó là những tính từ giới chuyên môn dành cho Tùng Dương.

Không chỉ thành công ở các tác phẩm thanh nhạc có cấu trúc nhỏ, đơn giản, Tùng Dương từng thể hiện thành công những tác phẩm âm nhạc cổ điển, nặng ký về mặt chuyên môn và kỹ thuật thanh nhạc. Có người ví Tùng Dương như một ngọn lửa thiêu đốt chính bản thân mình và người thưởng thức âm nhạc khi anh đứng trên sân khấu. Mười năm, là quãng thời gian để  Tùng Dương biến hai phẩm chất "dị" và "đồng" của anh vào làm một làm nên một thẩm mỹ âm nhạc, làm nên một tên tuổi được chờ đón, làm nên danh xưng Divo duy nhất ở Việt, và là người đáng "ghen tị" nhất với 9 lần liên tiếp giành ngôi vị trong "Giải Cống hiến", một Giải thưởng uy tín trong cộng đồng.

Cho đến giờ, dù không mấy khi bỏ sót những chương trình có Tùng Dương hát, nhưng tôi vẫn dành riêng cảm tình lớn của mình cho chương trình "Độc đạo" của anh. Âm thanh tốt, hiệu ứng ánh sáng ấn tượng, giọng hát đẹp đầy ma mị biến hóa khôn lường, hòa âm phối khí đầy sáng tạo… đã khiến cho cả khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội hôm ấy, hàng ngàn người bị hút hồn từ đầu đến cuối. Trước và sau đó, Tùng Dương cũng đã có những đêm diễn riêng mang tên mình. Nhưng, "Độc đạo" là một "đỉnh" không dễ ai có được. Không còn một chỗ trống, "thật đáng đồng tiền bát gạo" khi bỏ ra tiền triệu để mua vé.

Một chương trình hiếm hoi, không chỉ bởi tiền đầu tư mà là chất lượng đầu tư thông minh có trong từng "milimet" từ không gian đến thời gian. Tùng Dương không phải là ca sĩ Việt đầu tiên tiếp cận world music, nhưng với "Độc đạo", Tùng Dương khiến cho thể loại này đến Việt Nam như một cách khai mở tới đông đảo người nghe một cách có phương pháp nhất. Dĩ nhiên, có một phần kết hợp của Nguyên Lê, một huyền thoại âm nhạc (câu nói: "cho tôi tên bạn của anh, tôi sẽ biết anh là ai", rất đúng trong trường hợp Tùng Dương- Nguyên Lê này). Một sự kết hợp hoàn hảo sẽ tạo ra một huyền thoại mới?

"Độc đạo" là sự pha trộn đủ liều lượng giữa lạ và quen, giữa giọng người và thanh âm nhạc cụ, giữa thực và hư, giữa Tây và Ta, giữa sự ăn ý của những người cùng "điên" (có kiểm soát) như các cặp Tùng Dương- Nguyên Lê, Tùng Dương - Julia Sarr, nữ ca sĩ Pháp gốc Senegal, và ban nhạc khiến cho chương trình vô cùng hấp dẫn. Khi thì nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy chất tâm linh đậm chất phương Đông, khi thì hào sảng, bùng nổ của phương Tây, lúc lại tự do phiêu lãng đầy chất thơ của Jazz... Những bản hòa tấu phức tạp, kỹ thuật cao không chỉ làm nên đẳng cấp và tên tuổi của họ, mà còn nâng tầm thụ hưởng của người nghe. Trong đêm diễn không thấy anh khác đẳng cấp với những khách mời đến từ Pháp, Nhật.

Khán giả mê Tùng Dương đã đành, giới nhạc sĩ cũng mê luôn: Từ Lê Minh Sơn (album đầu tiên "Chạy trốn"- 2004), trải thêm những thử nghiệm với các nhạc sĩ: Ngọc Đại, Giáng Son, Lưu Hà An, Quốc Trung và Đỗ Bảo để có thêm 2 chương trình "Vọng nguyệt", "Gió bình minh". Rồi đến album thứ hai "Những ô màu khối lập phương" trên nền hòa âm New Age. Tiếp tục đến "Liti", âm nhạc điện tử trên nền giao hưởng với sự cộng tác của NS Nguyễn Công Phương Nam và êkip ở Đức. Cũng như những kết hợp với Thanh Lam, Lê Cát Trọng Lý, Nguyên Lê… Tùng Dương chinh phục "bốn trong một" (nhà chuyên môn- nhà phê bình âm nhạc- báo giới và công chúng).

Ngoài “Li ti”, “Độc đạo”, những dự án âm nhạc mang đậm dấu ấn độc đáo của Tùng Dương, những năm gần đây, Tùng Dương cũng khám phá lại với âm nhạc của các nhạc sĩ: Doãn Nho, Phó Đức Phương, Văn Cao, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… Trước đó, đã có những ca sĩ nổi tiếng hát rất hay những tác phẩm của các nhạc sĩ đó rồi, khi Tùng Dương hát, lại hay kiểu khác. Người nghe bảo, phải như Tùng Dương hát mới hay. Có lần Tùng Dương tâm sự rằng: Nghệ thuật nghĩa là mới, nghệ sĩ nghĩa là tìm tòi, độc đáo, lạ, và có thể cực đoan nhưng lý tưởng nhất là tạo ra những sản phẩm có giá trị gây được sức hút với nhiều giai tầng trong kiến trúc xã hội.

Hơn 10 năm bước ra từ Sao Mai - Điểm hẹn và bước chân vào showbiz, là một trong những ca sĩ đắt show bậc nhất miền Bắc hiện nay, nhưng Tùng Dương cũng là người vô cùng giản dị. Chưa ai thấy một lần Tùng Dương có vẻ chảnh trong giao tiếp. Anh là người khá gần gũi, có lẽ nhờ "phông" văn hóa cao cho nên không cần "diễu võ dương oai" mà người đời vẫn ngưỡng mộ. Biết tin về lễ gắn biển tên phố cho nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tùng Dương đã vội đến, hòa nhập vào niềm vui của mọi người trước sự kiện này, rồi hát ngay ở đó, không cầu kỳ lời mời và hoàn toàn không thù lao…  

Sắp tới Tùng Dương sẽ làm show "Một thập kỷ hoan ca". Anh nói rằng: Mười năm không quá dài, cũng không quá ngắn trong sự nghiệp của một người, nhưng nó là một dấu mốc quan trọng về sự chiêm nghiệm, nó cho phép người nghệ sĩ nhìn lại bản thân và định hướng tương lai. "Tôi làm show để khán giả thấy được một chân dung, một vóc dáng chân thật nhất của Tùng Dương". Phần 1 của show diễn sẽ có 10 bản hit của các tác giả được khán giả ngưỡng mộ như: Doãn Nho, Phó Đức Phương, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Đỗ Bảo, Lưu Hà An… Phần 2 là những bài hát mới của Giáng Son, Sa Huỳnh. Tùng Dương mời Thanh Lam và Lê Cát Trọng Lý cùng hát. Tùng Dương cho biết, trong cuộc đời nghệ thuật của mình, anh thấy không nhất thiết  chỉ nhìn "lên" các đàn anh đàn chị mà còn nhìn "xuống" những người em, để học hỏi tất cả. Tham gia hòa âm, viết phối khí cho chương trình là 2 tên tuổi được làng âm nhạc nể trọng: Trần Thanh Phương và Lưu Hà An.

Trần Thị Trường
.
.