Tự truyện hay cổ tích?

Thứ Bảy, 16/04/2016, 08:00
Ngọc Trinh ra mắt phim "Vòng eo 56", Bà Tưng thì tung sách "Lạc giữa thanh xuân". Hai "nữ hoàng thị phi" này khiến công chúng bất ngờ khi bỗng dưng "làm văn hóa" bằng cách lấy chất liệu từ chuyện đời bị cho là không nghiêm túc của họ...


Ngay khi còn nằm trên giấy, "Vòng eo 56" của Ngọc Trinh đã gây sốt sình sịch. Không sốt sao được khi phim là tự truyện do chính Ngọc Trinh đóng chính để kể về thuở nghèo khó của cô ở Trà Vinh cho đến khi trở thành "nữ hoàng nội y" đầy tai tiếng như bây giờ. Rất nhiều điều tò mò về Ngọc Trinh đã được phim hé lộ. Như vì sao cô cặp kè đại gia, vì sao cô lại phát biểu "không có tiền thì cạp đất mà ăn", vì sao cô bỏ học năm lớp 9, vì sao cô khai gian tuổi để thi hoa hậu... Tất tần tật đều quy về một mối: vì cô nghèo, cô đẹp, ngây thơ đến mức ngô nghê và chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền trả nợ cho gia đình.

Do Ngọc Trinh mạnh miệng bảo rằng phim tôn trọng sự thật nên người ta cảm thấy khó chịu khi "Vòng eo 56" tô hồng nhân vật chính quá đáng. Tự truyện bằng phim của Ngọc Trinh giống như một câu chuyện cổ tích. Nó khắc họa một cô thôn nữ thanh cao và thánh thiện như Lọ Lem dù sống trong thế giới người mẫu nội y lắm điều tiếng.

Một cảnh trong phim "Vòng eo 56".

Trong phim, Trinh hôn con ếch, mong nó biến thành hoàng tử. Và cuối cùng cô cũng gặp hoàng tử đại gia của mình. Truyện cổ tích này còn có đũa thần của bà tiên chạm vào để biến những tình tiết phi lý thành có lý, dù là cái lý khó chấp nhận. Rất nhiều sự thật ì xèo ngoài đời tư của cô đã được kể lớt phớt trong phim khiến khán giả khó hiểu. Bởi đời thật, cuộc sống ngày nhỏ của Ngọc Trinh không cơ cực như trong phim, cuộc chơi thác loạn trong bar, tình yêu với Vũ Khắc Tiệp, bị tố giật chồng, phát ngôn gây sốc khác… cũng không được đề cập.

Thông điệp mà Ngọc Trinh lặp đi lặp lại trong phim, đó là "Tôi không làm gái", "Em không phải là một món hàng". Và phần giữa bộ phim khẳng định chắc nịch điều đó. Bị đàn chị dụ dỗ ngủ với đại gia một đêm sẽ có 30.000 đô, Ngọc Trinh năm lần bảy lượt từ chối. Nhưng nửa sau bộ phim lại thể hiện sự dễ dãi của cô nàng. Vị đại gia mời cô đi ăn, tặng túi xách, giày hàng hiệu ngay lần đầu gặp mặt thì cô nhận rồi nhanh chóng yêu.

Sau hơn một tuần, cô nghiễm nhiên nhận nhà, xe bạn trai mua tặng mà không thắc mắc. Phát hiện người tình là đại gia từng mua mình một đêm 30.000 đô, cô chia tay và trả lại xe. Còn nhà thì vẫn giữ với lý do: căn nhà là niềm vui của gia đình em. Điểm vô lý nữa là dù đã sống với đại gia 4 năm, nhận mọi trợ cấp của anh ta nhưng cô không biết gì về thân thế người tình. Việc phát hiện người tình đã có vợ chỉ là sự tình cờ khi cô lái xe đi ngang qua nhà anh ta.

Còn ông bầu Vũ Khắc Tiệp ngoài đời được diễn viên Lương Mạnh Hải khắc họa trong phim như người hết lòng vì người mẫu, giận dữ khi "gà" của mình bị dụ đi khách. Nhưng khi đại gia mời Ngọc Trinh đi ăn rồi tặng quà xa xỉ, Tiệp lại nhanh chóng tạo điều kiện (?!).

Ngọc Trinh tâm sự, thông qua bộ phim, mọi người sẽ hiểu về cô hơn. Nhưng xem phim xong, khán giả không hiểu thêm về cô được bao nhiêu vì những điều cô kể trong phim là những điều người ta đã biết ít nhiều khi cô úp mở trên báo chí. Cái đọng lại trong khán giả không phải là nghị lực vươn lên bằng tài năng của một cô gái thôn quê mà là sự may mắn của người đẹp khi gặp đại gia nâng đỡ. Nó vô tình hay hữu ý cổ vũ cho những cô gái đẹp khác rằng: muốn nổi tiếng thì phải ngoan ngoãn mới có bồ đại gia chống lưng, đừng cố gắng vì có cố gắng mấy cũng diễn show quán bar, hội chợ mà thôi. Hoài nghi về một chiêu PR "siêu nghiêm túc" của Ngọc Trinh là có cơ sở.

"Lạc giữa thanh xuân" là cuốn tự truyện của Bà Tưng (tên thật là Lê Thị Huyền Anh) do nhà văn Khôi Nguyên Thảo chấp bút. Sách là tự truyện về  chặng đường nổi tiếng đầy thị phi và đứng dậy sau vấp ngã của Bà Tưng. Nào là chuyện Bà Tưng trở thành hiện tượng mạng với clip không mặc áo ngực nhảy Gangnam Style gây sốc. Nào là chuyện tình của cô với anh chàng cầu thủ nổi tiếng. Nào là đau đớn và tủi hổ vì phẫu thuật thẩm mỹ để lần nữa dấn thân vào showbiz.

Kết truyện là lúc Bà Tưng bừng tỉnh để đứng dậy sau vấp ngã, trở lại là một thiếu nữ ngoan hiền, hoạt động từ thiện để xua đi năm tháng bồng bột. Tất tần tật mọi chuyện về Bà Tưng rất thu hút với những người đã từng lên án cô. Bà Tưng tâm sự cô chỉ muốn thông qua cuốn sách, bạn đọc hiểu được cạm bẫy, mặt trái của giới showbiz và hơn hết thức tỉnh những bạn trẻ có ý định dấn thân vào thế giới này bằng con đường của cô.

Đọc "Lạc giữa thanh xuân", người ta thấy sự hối lỗi của người trong cuộc. Nhưng không khó nhận ra giọng điệu thanh minh, thanh nga của tác giả trước hàng loạt tình tiết gây sốc, thậm chí trách cứ dư luận đã "ném đá" mình trong thời điểm đó. Thêm nữa, trong các bài phỏng vấn hay thông tin về cuốn sách này, Bà Tưng đã khéo léo thông báo về hoạt động của cô hiện tại, hình ảnh một "hotgirl lành mạnh" và mong mọi người mở rộng vòng tay chào đón mình khi cô trở lại showbiz.

Tự dưng, thông điệp của tự truyện ít nhiều phai lạt khi cô gián tiếp tự nhận: Nếu không có tai tiếng trước đây, Bà Tưng bây giờ có được hàng triệu người biết tới để mà lấy lại cảm tình khi trở về hình ảnh ngoan hiền? Nếu Bà Tưng ra sách và sau đó tiếp tục công việc thiện nguyện, cống hiến nghệ thuật một cách bớt ồn ã hơn, hẳn người ta hoan nghênh và không ai dám nghĩ cuốn sách là tấm thảm dọn đường cho cô trở lại showbiz.

Tên cuốn sách cũng có vẻ rất hiền lành bởi Bà Tưng bảo: "Tôi không muốn cái gì đó giật gân gây sốc nữa. Nếu muốn nổi tiếng thì cần gì viết sách cho khổ cực, chỉ việc cởi áo là xong". Nhưng cô thừa biết nếu có tiếp tục cởi, thì không mấy ai quan tâm nữa vì quá nhiều đối thủ còn cởi "bạo" hơn. Sách là mảng đối lập hoàn toàn với hình ảnh nổi loạn của Bà Tưng trước đây và đảm bảo sẽ làm mọi người hoảng. Dù nói về lỗi lầm quá khứ nhưng dễ dàng nhận thấy "Lạc giữa thanh xuân" cũng không khác gì chuyện nàng Bạch Tuyết bị mụ dì ghẻ đày đọa. Và cuối cùng, nàng thoát ra, trở về vùng trời tươi sáng đầy hạnh phúc.

Bà Tưng kể chuyện đời mình trong sách "Lạc giữa thanh xuân".

Tự truyện, hồi ký của những bậc lão làng, tài danh như GS.TS Trần Văn Khê, ca sĩ Khánh Ly, nghệ sĩ Kim Cương, Thành Lộc, ca sĩ Trần Lập… như một cách lưu giữ ký ức cho riêng mình, nhìn lại một chặng đường cống hiến khi họ đã về già hoặc sắp về phía bên kia. Nhưng nó lại trở thành mốt thời thượng để đánh bóng tên tuổi của giới nghệ sĩ trẻ hoặc những nhân vật mới chớm nổi tiếng. Họ còn trẻ, chuyện đời họ có mấy mà kể, có mấy mà rút ra bài học.

Nhưng ai cũng viết để biến nó như thứ trang sức xa xỉ bên mình. Siêu mẫu H.A, ca sĩ H.G, ca sĩ T.T, diễn viên T.T.H, người mẫu T.Đ… kể lể rất lâm li về những ngày cơ hàn của mình. Sinh thời, nhà văn Nguyễn Quang Sáng tuyên bố ông không bao giờ viết hồi ký hay tự truyện. Ông thừa biết dù viết như thế nào thì cuốn sách vẫn không thể khách quan. Nó được kể bằng cảm quan của tác giả nên rất dễ sa đà vào việc tự ca ngợi bản thân.

Trước đây, vị tổng giám đốc một ngân hàng nọ viết tự truyện kể về cuộc đời đẹp như cổ tích khiến ai nấy khâm phục. Đến khi ông bị bắt do tắc trách trong kinh doanh, dư luận mới té ngửa vì những chi tiết tô hồng quá đà của vị giám đốc khả kính. Cũng như vị tổng giám đốc trên, rất nhiều chi tiết trong tự truyện của các sao được thổi phồng. Bạn đọc gặt hái gì khi đọc những tự truyện lung linh kiểu đó ngoài việc giải tỏa tò mò "nhòm vào khe cửa nhà người khác". Đó là chiêu trò hâm nóng lại tên tuổi vì nghe có vẻ "chân thành", đỡ tốn công ì xèo khi người ta đã cạn chiêu trò. Đặc biệt, nó có công hiệu ngay tức thì với những cá nhân gây tranh cãi.

Có người bảo cứ cái đà này, không khéo Lệ Rơi cũng công bố tự truyện của mình như màn chào sân ấn tượng một khi anh quyết định đưa giọng ca "bất tử" của mình trở lại làng nhạc. Một chuyện cổ tích mới lại được kể. Mà chuyện cổ tích thì thường con nít mới thích nghe.

Nguyễn Trang
.
.