Tự sự cuối năm của Thành Lộc và tương lai xã hội hóa sân khấu
- NSƯT Thành Lộc tham gia làm MV ca nhạc
- NSƯT Thành Lộc, danh hài Hoài Linh: Kẻ tung người hứng cùng "Tìm kiếm tài năng"
Trong chương trình "Lời tự sự" trên VTV3, nghệ sĩ Thành Lộc công khai thú nhận cuộc sống gặp nhiều trở ngại trong thời đại dịch toàn cầu: "Tôi chia sẻ thật lòng, mình không dám ra đường vì không có tiền. Mỗi tháng tôi phải gánh các khoản trả góp, tiền nhà, xe, các chi phí khác... Một điều bất cập là kinh tế khó khăn nhưng tiền thuế, phí vẫn phải đóng đầy đủ. Mới đây tôi phải bán đi một số món đồ giá trị trong nhà để trả lãi ngân hàng. Tôi tự hỏi mình còn như thế thì các bạn nghệ sĩ trẻ hay anh em hậu đài còn khổ đến chừng nào".
Lời tự sự của Thành Lộc khiến nhiều người cảm thấy xót xa. Thế nhưng, đó là sự thật được thốt ra từ một nghệ sĩ tự trọng. Nghệ sĩ Thành Lộc không khoa trương lúc đầy đủ thì cũng không giấu giếm lúc túng thiếu. Khi COVID-19 hoành hành, tất cả các hoạt động giải trí đều phải đóng cửa.
Nhiều đồng nghiệp của Thành Lộc chuyển sang bán hàng online hoặc đi chạy bàn để kiếm sống. Nghệ sĩ sân khấu tài danh như Thành Lộc dù đã có một thời vàng son cũng chỉ biết thúc thủ "bản thân tôi không kiếm sống được bằng cách gì khác ngoài chuyện bán bớt đồ trong nhà".
Nghệ sĩ Thành Lộc ở tuổi 60. |
Nghệ sĩ Thành Lộc có thể vay mượn không? Nghệ sĩ Thành Lộc có thể kêu gọi người hâm mộ giúp đỡ không? Có chứ, tên tuổi Thành Lộc thừa sức thực hiện những điều ấy khá dễ dàng. Thế nhưng, nghệ sĩ Thành Lộc không muốn làm phiền người khác, và nghệ sĩ Thành Lộc càng thấu hiểu bối cảnh COVID-19 thì gánh nặng không dồn vào riêng ai.
Nghệ sĩ Thành Lộc được mệnh danh là quái kiệt trong làng kịch nghệ Việt Nam. Nghệ sĩ Thành Lộc sinh ra trong một gia đình nghệ thuật, với cha là Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn và các anh chị đều là diễn viên như Bạch Lê, Bạch Long… Bằng năng khiếu thiên bẩm và sự rèn luyện cá nhân, nghệ sĩ Thành Lộc nhanh chóng vươn lên thành một ngôi sao thực sự.
Không chỉ có những vai diễn trên sân khấu khiến công chúng say đắm, nghệ sĩ Thành Lộc cũng tạo được dấu ấn riêng biệt trên màn ảnh. Những bộ phim có nghệ sĩ Thành Lộc tham gia, đều khiến khán giả hứng thú.
Năm 2020 vừa qua, dù COVID-19 làm ngưng trệ nhiều hoạt động giải trí, thì bộ phim cổ trang "Phượng Khấu" phát trên nền tảng trực tuyến với nghệ sĩ Thành Lộc đảm nhận vai Thiệu Trị vẫn thu hút sự theo dõi của hàng triệu người xem. Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh không ngần ngại hé lộ: "Chỉ cần có anh Thành Lộc thì tôi cầm chắc bộ phim "Phượng Khấu" lọt vào tầm ngắm của giới mộ điệu!".
Ở tuổi 60, nghệ sĩ Thành Lộc chọn lối sống ung dung và tự tại như anh thổ lộ."Lúc 30-35 tuổi, tôi hay gác tay suy nghĩ, băn khoăn cuộc đời, về tình yêu, tình bạn, nhà lầu, xe hơi, công danh, sự nghiệp... Còn bây giờ, ở độ tuổi mà tất cả những cái đó không còn quá quan trọng đối với mình. Tôi đang rất tận hưởng vũ trụ đấy, mọi thứ đều nhẹ tênh...".
Tuy nhiên, điều khiến nghệ sĩ Thành Lộc băn khoăn chính là công cuộc xã hội hóa sân khấu sau một giai đoạn phát triển rầm rộ thì bắt đầu vướng phải những bất cập, mà lại hứng chịu thêm cú giáng đòn nặng nề từ COVID-19.
Nghệ sĩ Thành Lộc là một diễn viên tự do, không thuộc biên chế đoàn nghệ thuật nào được nuôi dưỡng bằng ngân sách. Nghệ sĩ Thành Lộc trở thành gương mặt tiên phong trong quá trình xã hội hóa sân khấu. Địa chỉ kịch IDECAF - TP Hồ Chí Minh với thương hiệu Thành Lộc đã sáng đèn suốt 20 năm qua.
Thế nhưng, khi Covid-19 ập đến, thì mọi thứ xung quanh anh đã biến chuyển sang hướng khác: "Trong thời gian dịch bệnh, tôi ít có đi ra ngoài. Tôi chỉ ở nhà thôi. Thứ nhất, đơn giản là vì mình sợ bệnh nên mình phải nghe lời Chính phủ. Thứ hai là đi ra ngoài mình không có tiền mà xài. Vì tôi là người sống bằng việc đi diễn hằng đêm. Nghề trình diễn sân khấu là một trong những nghề bị ngưng đầu tiên và khi hết lệnh giãn cách xã hội thì là nghề được cho phép hoạt động sau cùng. Cho nên, chúng tôi gần như không có thu nhập gì hết, là chết cứng!".
Thành Lộc và Hữu Châu trong vở kịch "Cậu đồng". |
Tuy nhiên, với bản lĩnh của một nghệ sĩ lừng danh, Thành Lộc đối diện thử thách bằng thái độ nhẹ nhàng và hài hước: "Từ xưa đến giờ, tôi chưa bao giờ nấu cơm. Đến khi giãn cách, phải ở nhà thì tôi lần đầu mới nấu cơm. Phải nhờ chị hàng xóm qua hướng dẫn. Từ xưa đến giờ, tôi chỉ ăn cơm ở ngoài đường thôi, suốt ba mươi mấy năm rồi. Vì kể từ sau khi mẹ tôi mất, đây là lần đầu tiên tôi ở nhà một mình, cho nên đây là lần đầu tôi mới sử dụng đến cái nồi cơm điện. Bây giờ, tôi nấu ngon lắm!".
Lời tự sự của nghệ sĩ Thành Lộc không chỉ là câu chuyện chống dịch COVID-19, mà gợi mở nhiều suy tư về tương lai của nền kịch nghệ. Trong suốt năm 2020 vừa qua, một đô thị có hoạt động sân khấu sôi nổi như TP Hồ Chí Minh chỉ có hai vở kịch được tái dựng để ra mắt công chúng là "Cậu đồng" và "Bàn tay của trời". Nhiều tụ điểm kịch nghệ phải đóng cửa vì không thể gánh chi phí mặt bằng. Những bầu show lừng lẫy như Hồng Vân hoặc Trịnh Kim Chi đều ngao ngán vì không thể tiếp tục bù lỗ để nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật.
Sau COVID-19, viễn cảnh của xã hội hóa sân khấu rất đáng buồn, nếu không có sự hỗ trợ thỏa đáng từ các nguồn lực khác. Nhiều đoàn nghệ thuật được bao cấp thì tồn tại thoi thóp, nhưng sức sáng tạo mai một dần. Trong khi đó, những sân khấu tư nhân thừa nhiệt huyết và khát vọng, thì lại không có sàn diễn.
Giá trị thực sự của kịch nghệ không phải ở những vở diễn được rót ngân sách để dàn dựng nhằm biểu diễn vài buổi trong các dịp lễ, mà bức màn nhung sân khấu phải được kéo lên từ việc khán giả bỏ tiền mua vé. Tại sao nhiều rạp chiếu bóng quốc doanh tại TP Hồ Chí Minh thay đổi công năng thành địa chỉ kinh doanh, mà không cho sân khấu tư nhân thuê lại với giá ưu đãi?
Nếu xã hội hóa sân khấu chỉ là một khái niệm kêu gọi chung chung, thì những nghệ sĩ như Thành Lộc không thể tiếp tục phụng sự công chúng và nghệ thuật. Nghệ sĩ Thành Lộc bán bớt đồ trong nhà để sống qua ngày COVID-19 chỉ là sự cầm cự tạm thời. Về lâu về dài thì sao? Thật đáng âu lo, khi cuộc sống hết COVID-19 thì cũng vắng luôn những tụ điểm sân khấu tư nhân.
Bán bớt đồ trong nhà để cầm cự với COVID-19 không phải là điều quá khủng khiếp với nghệ sĩ Thành Lộc. Bởi lẽ, nghệ sĩ Thành Lộc quan tâm đến góc độ lớn hơn là ý thức chuyên nghiệp của diễn viên trong đời sống kịch nghệ.
Khước từ sự thương hại và khước từ cả sự chiều chuộng, nghệ sĩ Thành Lộc mong muốn sân khấu phải sáng đèn từ chính nhu cầu thưởng thức của công chúng:
"Sau quá trình lăn lộn với nghệ thuật, tôi đi đến quyết định ai muốn xem Thành Lộc biểu diễn thì phải bỏ tiền mua vé. Người ta không thể biểu diễn nhạc Mozart, Beethoven ở quảng trường, ai muốn đến coi thì đến, không thích thì bỏ về. Khi khán giả bỏ tiền để thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật thì điều đó đồng nghĩa với việc người trình diễn và người thưởng thức có mối quan hệ tương hữu. Hay nói cách khác, Bá Nha là phải có Tử Kỳ. Đến lúc nào đó, người nghệ sĩ chân chính là kẻ dẫn dắt khán giả đến những tác phẩm có tư duy, giàu tính triết lý và giá trị chân - thiện - mỹ. Bởi vậy, tôi thường khuyên một số diễn viên trẻ, đến một lúc nào đó, khi thấy đã đủ về mặt vật chất thì nên dừng lại và biết cách từ chối cám dỗ để nâng giá trị của mình lên".